Truyện Văn học

Tiếng Cầu Kinh

Tiếng cầu kinh

Nhà ông vốn có truyền thống thờ Phật. Cả đời ông tin Phật, chính xác là ông tin vào những giáo lý của Ngài, như thuyết nhân quả, lòng từ bi, hạnh nhẫn nhục… Vợ mất từ năm ông bốn mươi tuổi, ông quyết chí ở vậy chăm nom đứa con trai duy nhất là cậu Sanh.

 

Nhiều người cám cảnh gà trống nuôi con, cũng động viên mối lái cho vài bà nạ dòng nhưng ông không ưa. Ông bảo đã có Phật, sớm tối ông tụng kinh niệm Phật thì không còn cô đơn trống trải nữa. Ông tin nếu phần đời còn lại cứ trì chú kinh điển thì đến khi về bên kia thế giới, ông sẽ được gặp lại bà và nên duyên.

Đất nhà ông rộng nhất làng nhưng chỉ có căn nhà ba gian đơn sơ. Nhiều người xui ông cắt đất bán bớt, lấy tiền mà xây lại nhà cửa cho khang trang nhưng ông lắc đầu. Ông phát tâm cúng dường một nửa mảnh đất để dựng ngôi chùa cho bà con trong làng có nơi viếng Phật, nhưng chính quyền chưa dám chấp thuận.

Năm ba mươi tuổi, anh Sanh lấy vợ, sống cùng nhà với ông. Lúc ấy ông đã lục tuần, vẫn tụng kinh niệm Phật hàng ngày. Được cái vợ chồng anh Sanh giỏi giang và hiếu thảo nên ông cũng lấy làm vui. Sớm tối căn nhà ba người ấm áp sum vầy. Ông bảo đó là nhờ phước lành thờ Phật và sống từ bi. Vợ chồng Sanh vẫn luôn lắng nghe lời dạy của bố và học theo bố để làm điều thiện.

Rồi vợ chồng anh Sanh sinh đứa con trai đầu lòng, cho ông được lên chức nội. Cả làng càng khen nhà ấy tốt phúc. Nhưng, cũng từ ngày có thêm đứa con trai, vợ chồng Sanh thấy chật vật hơn trong chuyện bạc tiền nên tỏ ý muốn kinh doanh.

Ông đồng ý cho vợ chồng Sanh xây thêm cái quán bán đồ ăn sáng. Ông dặn bán thức ăn gì cũng được nhưng tránh việc sát sinh. Vợ chồng Sanh bán cháo lòng. Mỗi sáng sớm vợ ra chợ mua lòng về nấu bán, không sát sinh, y như lời bố dặn. Khách đến ăn ngày càng đông vì quán của Sanh nấu ngon mà lại rẻ. Ông cũng mát lòng, bảo đừng hám tiền, bán rẻ cho vừa túi tiền người ta, kiếm thêm chút ít thôi, tiền bạc dễ làm mờ mắt mình lắm.

Người đến quán ăn thấy địa thế đẹp mà chỉ bán mỗi đồ ăn sáng, tiếc rẻ, giá mở ra bán thêm cà-phê thì hay. Thế là Sanh sắm thêm dàn máy để mở nhạc, bán cà-phê suốt ngày. Nhất là ban đêm, giới trẻ đến quán rất đông.

Buổi tối ông vẫn giữ thói quen tụng kinh, an nhiên tọa thiền trước bàn thờ Phật mà trì chú pháp. Bên quán cà-phê mở nhạc ồn ào nhưng ông chẳng tỏ vẻ khó chịu. Vợ chồng Sanh cũng áy náy chuyện quấy quá sự yên tĩnh mà chẳng thể ngắt nhạc đi, bởi chả mấy ai đến quán cà-phê chỉ để ngồi im re. Ông vẫn bình thản, bảo:

– Các con cứ làm theo ý thích, miễn là lương thiện. Bố quen rồi, khi tụng kinh là nhập vào trong sự sâu lắng của nội điển. Tâm trí đã phục sâu vào ý thiền. Sự náo động bên ngoài chẳng ảnh hưởng gì đâu.

Cứ thế, quán cà-phê của Sanh ăn nên làm ra. Thanh niên tuổi đôi mươi đến quán đòi mở thứ nhạc trẻ ồn ào mà nhạt nhẽo, lời lẽ thì sáo rỗng. Sanh buộc phải chiều khách bởi lứa thanh niên ấy là khách chủ lực của quán. Ông vẫn không rầy rà hay tỏ ra khó chịu, vẫn năng tụng kinh như mấy chục năm nay.

Một hôm đang tụng kinh thì ông bị đột quỵ, ngã gục ra trước bàn thờ. Vợ chồng Sanh đưa ông đi chữa trị, cuối cùng ông vẫn phải bị liệt, chỉ nằm được trên giường và nói năng ú ớ. Ông không còn được ngồi xếp bằng tụng kinh. Ông quờ tay ra hiệu một ý muốn. Mất mấy hôm Sanh mới hiểu được ý ông, đó là mở kinh Phật cho ông nghe hàng ngày.

Sanh lấy cái máy cát-sét mà bấy lâu nay bố vẫn dùng để nghe. Đã có sẵn hai chục cái băng cát-sét kinh kệ do quý thầy tụng. Mới đầu Sanh chỉ mở âm thanh vừa nghe. Nhưng càng về sau tai ông bị lãng dần, ông ra hiệu phải mở thật to lên để nghe được kinh.

Sanh chìu ý bố, mở to hết cỡ vô-lum. Buổi ngày thì tiếng kinh làm cho căn nhà ấm áp hẳn lên. Nhưng đến đêm, khi bên quán cà-phê của Sanh mở thứ nhạc trẻ sôi động thì hai thứ âm thanh đấu chọi nhau. Một bên rất an nhiên, một bên quá náo nhiệt. Thường thì nhạc bên quán cà-phê vang to và xa hơn, tưởng như át được cả tiếng máy đọc kinh. Nhưng ông vẫn thanh thản nằm nghe kinh, cứ như thể ông nhập được pháp thanh lọc để nghe vậy.

Khách vào quán cà-phê nghe nhạc, thỉnh thoảng cứ văng vẳng lời đọc kinh từ bên nhà vọng qua, cảm phiền, muốn chủ quán tắt cái nhạc kinh rầy rà ấy đi. Sanh chiều theo ý khách để quán khỏi ế ẩm, anh tắt máy đọc kinh đi. May thay lúc ấy tai ông đã không còn nghe được gì. Ông vẫn nằm an nhiên, mắt tỉnh táo như thể đang nghe kinh, dường như yên tâm rằng máy vẫn đang đọc kinh.

Ông mất, ra đi nhẹ nhàng thanh thản, nhắm mắt như ngủ vào ngàn thu. Khi ấy không có tiếng kinh, chỉ có nhạc bên quán cà-phê vẫn xập xình náo hoắng.

Đám tang xong, quán cà-phê trở lại bán bình thường. Vẫn âm nhạc huyên náo. Nhưng khách đã vãn. Chỉ có mấy người ở xa không biết ông mất mới đến ngồi uống cà-phê. Rồi người ta cũng biết nhà đang có tang, thế là quán vắng teo.

Trước giờ bận rộn bán buôn, vợ chồng Sanh chẳng nghĩ ngợi nhiều. Cứ ngỡ tắm rửa lo chu đáo việc ăn uống cho bố thế là xong. Bây giờ quán ế ẩm, cả hai mới có thời gian ngồi suy nghĩ.

Hai vợ chồng cảm thấy trống vắng quá, đành mở lại băng cát-sét để nghe kinh. Sanh lấy hú họa một cái băng cát-sét, tin rằng chắc là băng thu âm kinh Phật, vì ngoài loại ấy ra bố chẳng nghe cái gì cả.

Bật máy, giọng bố ấm nồng tụng kinh.

Hai vợ chồng lặng lẽ nhìn lên di ảnh trên bàn thờ, thấy bố đang mỉm cười an nhiên. Như thể đã gặp được mẹ ở bên kia.

Từ đó căn nhà hôm sớm có tiếng tụng kinh của hai người đang sống.

Truyện ngắn Hoàng Công Danh

Post Comment