Truyện Văn học

Thiện ác trong một bàn tay

Thiện ác trong một bàn tay

Tiễn người phụ nữ ra cổng, bà Năm dặn dò:

– Gắng sống như vậy cô nhé. Bản thân làm điều thiện là tạo phước cho riêng mình. Khuyên được người khác làm điều thiện là tạo phước cho con cháu.

Nhìn theo những bước chân khoan thai của người phụ nữ bà thấy vui vui. Hơn nửa năm trước cô ấy đến với bà trong vóc dáng tiều tụy. Xem kỹ bàn tay và hỏi gia cảnh cô ấy bà rõ được nhiều điều. Cô ấy thực hành theo lời bà chỉ bảo và đã thu được kết quả mong muốn. Hôm nay cô mua bình bông nhánh chuối đến thắp nhang và tặng bà ít tiền tỏ lòng biết ơn. Nhưng bà chỉ nhận vật cúng còn tiền bà gởi lại. Tiền bạc rất cần nhưng sao sánh được niềm vui cô ấy tặng bà khi cô biết vâng theo lời bà làm điều thiện.

Bà Năm vào nhà đong gạo đi vo. Đang vo gạo thì như có ai nắm búi tóc bà giựt ngược ra sau để bà ngẩng lên, vừa kịp thấy một bóng người chạy vụt qua cổng lẩn vào nọc rơm cạnh chuồng bò. Bà rùng mình. Lại bố ráp, vây đuổi…

– Bà già! Có thấy con Việt cộng chạy vào đây không?

– Lục soát đi chớ hỏi đ. gì! Có thấy bả cũng có chỉ đâu.

Người lính mang lon trung sĩ nạt mấy tên kia:

– Không được hỗn! – Quay sang bà Năm – Có người chạy vào đây. Bà có thấy không?

Bà Năm bưng nồi gạo lên, nói:

– Tôi đang vo gạo có thấy gì đâu.

– Được. Tụi mày lục soát đi!… Nếu phát hiện bà giấu Việt cộng, tôi không cản được tụi nó làm dữ đâu nghen.

Bọn lính trở ra, nói:

– Thưa trung sĩ, tìm khắp vườn lẫn trong nhà không có. Chỉ còn nọc rơm và chuồng bò. Hay là đốt nghe trung sĩ?

Bà Năm rùng mình. Bóng người khi nãy chắc chắn là trốn trong nọc rơm. Làm sao đây? Lên tiếng khóc lóc van xin chúng đừng đốt thì làm chúng thêm nghi ngờ, mà im lặng thì lẽ nào thấy chết không cứu? Bất chợt ánh mắt bà bắt gặp bó hom để đánh rạ lợp nhà dựng ở thềm. Có cách rồi! Bà nói:

– Tôi xin các chú. Các chú vào nhà lục soát đã thấy nhà tôi dột nát hết rồi. Bấy nhiêu rơm đó tôi chỉ dám cho bò ăn dè sẻn còn để dành lợp nhà – Bà chỉ tay về phía bó hom – Hom tôi chẻ rồi còn để kia. Nếu tôi có giấu Việt cộng thì các chú có đốt nhà, đốt rơm tôi cũng chịu, chứ khi không các chú đốt tội cho tôi lắm.

Người lính mang lon trung sĩ nhìn bà Năm đăm đăm rồi phất tay:

– Rút tụi bay!… May cho bà là hôm nay gặp tụi tui. Nếu gặp tụi khác bà có nhảy vào chúng cũng đốt.

Trời sụp tối. Bò đã về chuồng. Bà Năm rút rơm cho bò ăn. Nói:

– Ra đi. Tụi nó rút lâu rồi.

Mấy bó rơm bị đẩy ra ngoài rồi một phụ nữ chui ra. Chị ta nói nhỏ:

– Con cảm ơn bà Năm. May mà có bà.

– Ơn với huệ gì. Tôi chỉ không muốn thấy ai phải chết – Bà Năm đưa ra một gói lá chuối và một cái khăn – May mà chúng không thấy. Cầm nắm cơm theo ăn. Thôi đi mau đi.

***

Mấy hôm nay khắp thôn xóm rộ lên phong trào bài xích mê tín dị đoan, tiêu hủy văn hóa phẩm độc hại do Tám Lành, Trưởng ban Thông tin văn hóa xã chỉ đạo. Tất cả những vật dùng làm phương tiện cho việc thờ cúng, hành lễ đều bị tịch thu thiêu hủy. Những người hành nghề mê tín trong đó có bà Năm chuyên xem chỉ tay bị mời về hội trường Ủy ban xã học tập một ngày cho thông hiểu.

Cuối ngày học tập, Tám Lành kết luận:

– Tôi rất vui khi bà con đã hiểu ra điều sai trái. Hy vọng bắt đầu từ ngày mai bà con sẽ sống một cuộc sống khác vui hơn, không còn bị nô dịch bởi sản phẩm tưởng tượng để hàng ngày, hàng đêm thắp nhang quỳ lạy.

Những người học tập thở phào nhẹ nhõm sau lời nói của Tám Lành vì cứ nghĩ sẽ bị phạt nặng lắm, ít gì cũng mười ngày công ích. Tất cả rục rịch đứng dậy ra về thì bà Năm giơ tay có ý kiến:

– Như tôi chỉ đêm đêm thắp nhang trên bàn thờ ông bà và cho chiến sĩ trận vong ngoài sân chứ tôi không thắp nhang quỳ lạy cái gì cả. Tôi chẳng xúi ai làm điều thất đức hay tiếp tay cho ai làm điều xấu, sao lại mời tôi đến đây?

Cả phòng họp sửng sốt. Có giọng ai đó nói với người bên cạnh: “Bà già gan thật. Định thí mạng già hay sao? Thật già lẩm cẩm”.

Tám Lành lại đứng lên:

– Thưa bà Năm. Xem chỉ tay đoán vận mệnh không phải là khoa học. Nhà bà thường có người từ địa phương khác đến xem ảnh hưởng đến vấn đề an ninh. Điều đó không tốt. Cháu nghĩ bà không nên xem cho ai nữa.

Người ngồi bên cạnh nắm áo bà Năm kéo bà ngồi xuống. Bà lẩm bẩm: “Tôi có làm gì sai đâu”.

Trước khi được phép về nhà, mỗi người đều phải châm lửa đốt số văn hóa phẩm độc hại của mình đang dồn đống ngoài sân. Riêng bà Năm thì không có gì để đốt nên đứng xem như dân làng bao quanh.

***

Chiều nay người dân thôn Hạ tựu về Nhà văn hóa cộng đồng để họp xây dựng hương ước, hoàn tất các thủ tục để trình lên huyện xin vinh xưng Làng văn hóa. Những chương mục, tiêu chí đề ra đều được bà con đóng góp ý kiến để thông qua. Chỉ còn một điều rất thực tế mà phân tích bàn bạc gần cả buổi cũng không xong. Đó là việc xem bói chỉ tay của bà Năm. Không có một điều luật nào cấm một người tự nguyện nhờ người khác xem bói chỉ tay cho mình. Bà không tuyên truyền cho mình. Nếu ai có nhu cầu thì bà xem cho, và cũng chỉ người ấy biết bà bói gì. Nhưng nhìn chỉ tay để bói những điều xảy ra ở tương lai thì không có cơ sở khoa học. Không thể cấm mà cũng không thể chấp nhận. Thật nan giải.

Cuộc họp xem ra phải tạm ngừng để chiều mai họp tiếp. Tám Lành bây giờ là cán bộ Phòng Thông tin văn hóa huyện, nhân ngày Chủ nhật nghỉ cùng đi họp với bà con, phát biểu:

– Thưa bà con. Vấn đề tâm linh thì tùy theo lòng tin của mỗi người. Nhưng coi bói thì không nên. Người đi xem bói thường là vấp phải một bế tắc nào đó trong cuộc sống, rất dễ bị lung lạc bởi lời phán của người bói. Đôi khi hạnh phúc bị đổ vỡ, chí tiến thủ bị triệt tiêu cũng vì lời phán của người bói. Người bói không cầm dao thủ ác nhưng tội lỗi còn hơn người cầm dao.

Cả hội trường râm ran lời bàn tán, kẻ lắc, người gật với lời phát biểu của Tám Lành. Một người đàn ông tóc hoa râm đứng lên xin phép chủ tọa phát biểu:

– Có điều này tôi xin thưa với bà con. Thưa cô Lành. Cô còn nhớ việc cô trốn trong đống rơm của bà Năm hồi trước giải phóng không?

– Sao anh biết? – Tám Lành nhướng mày – Bà Năm nói à?

– Không. Bởi chính tôi hồi đó là trung sĩ Bình dẫn lính rượt bắt cô. Chiếc khăn cô đánh rơi bên chuồng bò đã tố cáo cô trốn trong nọc rơm. Cô thoát chết không phải vì lời xin của bà Năm mà vì lời bói của bà Năm đó.

Tám Lành lại nhướng mày nhìn bà lão tóc bạc phơ ngồi gần đó rồi đăm đăm nhìn người đàn ông. Chị nói:

– Vậy hóa ra là chính anh hôm đó. Mà sao… Tôi không hiểu gì cả.

Chuyện là thế này. Ngày đó vợ tôi bị bệnh ngặt nghèo cả năm uống đủ thứ thuốc mà không khỏi. Không biết ai điềm chỉ mà vợ tôi đến nhà bà Năm xem bói. Bà Năm xem kỹ chỉ tay và móng tay rồi nói bệnh vợ tôi sẽ khỏi nếu cả hai vợ chồng biết làm điều thiện để tích đức. Đức thắng số mà! Thật nan giải cho tôi. Cô cũng biết chiến tranh mà. Thân tôi là người lính làm sao tránh khỏi… Ấy vậy mà tôi thực hiện được. Khi con người ta đã làm được một điều thiện thì sau đó muốn làm thêm nữa, nhất là khi thấy được cái quả nhãn tiền của việc mình làm. Không biết cô là người thứ mấy được tôi giả lơ để thoát. Hôm đó tôi chỉ gật đầu là cô chết cháy, bà Năm cháy của, tù tội, còn tôi được khen thưởng. Thưa bà con, xét ra việc tôi làm chỉ là phần ngọn còn cái gốc phước đức là bà Năm tạo ấy chứ.

Câu chuyện thật với những nhân chứng sống có mặt hôm nay như để lại độ lắng trong mỗi con người. Đột nhiên một cánh tay giơ lên. Bà Năm! Bà đứng dậy nói:

– Thôi. Đừng bàn cãi gì nữa. Tôi già rồi. Tám mươi còn gì. Làng mình lập được hương ước là tốt. Tôi không để vì mình mà làm ảnh hưởng đến sự kiện tốt lành của làng. Tôi không xem chỉ tay nữa. Mắt cũng mờ rồi, xem không rõ nói sai tổn đức lắm. Trước khi về tôi xin gởi các bà, các ông, các cháu lời này: Cái ác, cái thiện cùng trong một bàn tay. Bàn tay ấy biết làm điều thiện sẽ gặt quả lành, làm điều ác sẽ gặt quả độc. Xin hết.

Thật bất ngờ! Bàn cãi cả buổi bà không tham gia câu nào, bây giờ nói những lời kết thúc vấn đề thật ngắn gọn, thật là hay! Cả hội trường đồng vỗ tay ran ran.

Trên đường về, Tám Lành đi cùng bà Năm. Chị nghĩ rất lung về tác động đối với xã hội của những người xem bói chỉ tay (với mục đích hành thiện). Bất giác chị ngửa bàn tay mình ra xem…

Truyện ngắn Phụng Tú

Post Comment