CÁC BÀI VIẾT Văn học

Tìm Hiểu về Quy Y Tam Bảo

Tìm Hiểu về Quy Y Tam Bảo

Cư sĩ: Quảng Chánh Tâm (Bông Nguyễn)

Quy Y Tam Bảo Là Gì:

Có nhiều người đi chùa bảo rằng gia đình họ theo đạo Phật: vì nhà họ có bàn thờ Phật, tối nào cũng đốt nhang, tháng nào cũng ăn chay, ngày rằm, mồng một họ đều đi Chùa thắp nhang, lạy Phật. Cũng có một số người bảo rằng ba đời nhà họ đều theo đạo Phật. Nhưng khi hỏi tới Pháp danh, thì không có người nào có Pháp danh cả. Nếu có hỏi họ đã Quy Y Tam Bảo chưa, cũng không có ai nói có. Trái lại, họ thắc mắc, vậy chứ Quy Y Tam Bảo là gì vậy? để làm chi?  Qua những điều nầy đủ nói lên rằng đạo Phật không đặt nặng đến vấn đề hình thức để chấp nhận thực thụ một tín đồ, hay nói theo lối nhà Phật là tùy duyên… Đạo Phật không đòi hỏi các tín đồ phải nhập đạo để được tham gia các nghi thức lễ bái thường nhật ở chùa. Một đặc điểm khác về sự truyền giáo của Phật giáo đến bất cứ quốc gia nào cũng rất hòa bình và được dân chúng hoan hỷ đón nhận. Phật Giáo  không có hoạch định chương trình hoặc có các đoàn truyền giáo tới gỏ cửa từng nhà giảng đạo, chiêu dụ, hăm dọa hay ép buộc theo đạo. Phật giáo cũng không bài bác ngăn cấm các tập tục cổ truyền của tín đồ. hay ngăn cấm những người khác đạo. Mọi người đều được khuyến khích thường xuyên tới chùa tụng niệm và chiêm bái Phật. Vì thế mà nhiều người tưởng lầm hể là đi chùa nhiều, thường làm công quả là đương nhiên trở thành Phật tử rồi.

Thật ra, một tín đồ Phật giáo, nếu chưa có Pháp danh, tức là chưa từng thọ Quy Y Tam Bảo, thì chưa phải thực sự là một Phật tử. Bởi vì Quy Y Tam Bảo là một nghi thức nhập đạo của Phật giáo, để chính thức tiếp nhận tín đồ để trở thành Phật tử. Nghi thức Quy Y Tam Bảo đã có ngay từ thời Đức Phật. Ban đầu nghi thức nầy rất đơn sơ, có thể chỉ là một câu đối đáp trực tiếp với Đức Phật. Cho đến khi có Tăng đoàn thì nghi thức mới trở nên đủ ý nghĩa của Tam Quy: Phập, Pháp, Tăng. Có thể nói rằng Quy Y Tam Bảo bắt đầu từ lúc vị trưởng giả Đề Vị được Đức Bổn Sư truyền giới ba pháp Quy Y để trở thành vị đệ tử Ưu Bà Tắc, tức là nam đệ tử tại gia đầu tiên của Đức Phật.

Không phải chỉ có Phật Giáo mới có nghi thức nhập đạo, mà hầu như không có một tôn giáo nào mà không có nghi thức nhập đạo. Tuy nhiên mỗi tôn giáo có những nghi thức đặc biệt và danh xưng khác nhau để thâu nhận những tín đồ mới. Thí dụ như Thiên Chúa Giáo có lễ rửa tội cho tín đồ mới.

Những gì là Tam Bảo:

Tam Bảo là ba thứ quý giá nhất trên đời:

  • Thứ nhất là Phật Bảo (Buddhasaraṇa), tức là Phật Thích Ca, đấng giác ngộ duy nhất của thế giới này, và là vị giáo chủ đã sáng khai đạo Phật. Phật là đấng giác ngộ có đầy đủ trí tuệ và phước đức nên gọi là Lưỡng túc tôn.
  • Thứ hai la Pháp Bảo (Dhammasaraṇa), là những lời giảng dạy của Phật Thích Ca Mâu Ni trong 49 năm, đã được ghi chép lại gọi là Kinh Phật. Giáo lý của Phật là những phương pháp dạy cho chúng ta tu tập để thoát ly sanh tử luân hồi. Nó chỉ rõ những gì làm chúng ta khổ, nguyên nhân của khổ và làm sao diệt trừ. Cho nên Pháp được gọi là Ly dục tôn.
  • Thứ ba là Tăng Bảo (Saṃghasaraṇa). là đoàn thể những đệ tử xuất gia của Phật, sống hòa hợp với nhau từ bốn vị trở lên. Tăng là đoàn thể của những người xuất gia hành trì và duy trì chánh Pháp của Phật, nên gọi là Chúng trung tôn.

Quy Y Tam Bảo tức là một lòng tin tưởng vào Phật và những lời dạy của Ngài và nương nhờ vào sự hướng dẫn của Tăng trên con đường tu tập hạnh giải thoát. Vì vậy Quy Y Tam Bảo là ba phép quy y căn bản của đạo Phật.

Nghi Thức Lễ Quy Y Tam Bảo:

Nghi lễ Quy Y Tam Bảo có thể rất đơn giản, chỉ cần có một vị chơn tăng Phật giáo làm chứng minh sư còn gọi là truyền giới sư và người thọ nhận gọi là giới tử. Nghi thức Quy Y Tam Bảo thông thường kéo dài chừng khoảng 30 phút cho tới một giờ hay lâu hơn tùy theo hoàn cảnh và tổ chức của mỗi chùa. Sau khi thọ giới Quy Y Tam Bảo, các giới tử  được tiếp nhận thêm năm giới căn bản(1) (Ngũ Giới)  của Phật Giáo. Các Phật tử Xuất gia hay Tại gia đều phải thọ nhận Năm giới căn bản nầy. Giới chỉ truyền cho người hiểu được rõ ràng về giới được thọ nhận.  Đức Phật dạy rằng: “Người thọ giới không hiểu giới, thì truyền và thọ gì cũng bất thành cả.” Vì vậy những người mang bệnh tâm thần, hay trẻ em không được truyền giới.

Năm Giới căn bản nầy do Đức Phật đặt ra để giúp Phật tử tránh được tội lỗi từ Thân, Miệng, Ý sinh ra, và vì chưa hiểu rõ nên vô tình tạo nghiệp xấu cho mình mà không hay biết. Có Giới thì mới biết việc làm nào vi phạm giới để rồi xin xám hối lỗi lầm cho nghiệp quả được giảm đi hay được giải trừ. Giới của Phật Giáo có tính cách biền biệt giải thoát, có nghĩa là giữ được giới nào, giải thoát được việc đó. Nếu giới nào giữ được thì đời sống liên hệ tới giới đó được an lạc, tươi mát. Trong năm giới căn bản, nếu giữ được hai giới thì gọi là thiểu phần, giữ được ba giới là bán phần, giữ được bốn giới là đa phần và giữ được năm giới là toàn phần.

Giới không phải là luật, nên không có hình phạt kèm theo mỗi giới. Tuy nhiên, Phật tử luôn nhớ rằng bất cứ hành động nào cũng đều nằm trong Nhân Quả. Biết giữ giới tức là biết điều nào không nên làm. Chứ nếu đã vi phạm giới rồi thì cho dù người thọ giới hay không thọ giới đều chịu nghiệp quả xấu như nhau. Hơn nữa, người biết giới khi lỡ phạm giới thì biết sám hối nên quả nghiệp được giảm đi, trong khi người không biết giới, cơ hội vi phạm càng nhiều, nghiệp quả càng nặng mà không biết. Cho nên người có phước đức mới may mắn được Quy Y Tam Bảo sớm là nghĩa như vậy. Ngoài năm giới căn bản, sau nầy các Phật tử tại gia còn thọ nhận các giới cao hơn như mười giới thiện, giới Bồ Tát cho Phật tử tại gia.

Nghi thức Quy Y Tam Bảo thường gồm các phần tóm lược như sau:

  • Sau khi thắp nhang, lạy Phật, vị Truyền giới sư tuyên đọc tên những người thọ tam quy, ngũ giới và thỉnh cầu mười phương Tam Bảo lai lâm chứng giám.
  • Truyền Giới sư thuyết giảng về ý nghĩa Quy Y Tam Bảo cho mọi người nghe trước khi tiếp nhận.
  • Các Giới Tử quỳ lên sám hối ba nghiệp chướng do Thân, Khẩu, Ý sinh ra, cho được thanh tịnh để làm lễ Quy Y.
  • Thọ Tam Quy: Truyền Giới sư đọc ba điều Quy Y và giới tử lập lại như sau:
    • Đệ tử tên là …………………. Xin suốt đời Quy Y Phật.
    • Đệ tử tên là …………………. Xin suốt đời Quy Y Pháp.
    • Đệ tử tên là …………………. Xin suốt đời Quy Y Tăng.
      (1 lạy)

Truyền Giới Sư đọc tiếp, Giới Tử lập lại:
– Đệ tử chúng con,
– Quy Y Phật rồi khỏi đọa địa ngục.
– Quy Y Pháp rồi khỏi đọa ngạ quỷ.
– Quy Y Tăng rồi khỏi đọa súc sinh.
(1 lạy)

  • Truyền Giới sư giảng tiếp về Ngũ Giới(2). Năm giới căn bản nầy chỉ truyền cho những người đã đầy đủ nhận thức và hiểu rõ những giới nầy là gì và tình nguyện tiếp nhận giới được truyền để tu tập. Vì vậy trẻ̃ em chưa được truyền 5 giới và phải đợi đến khi khôn lớn rồi, xin Quy Y Tam Bảo lại và thọ 5 giới căn bản (bởi vì không có nghi thức truyền 5 giới riêng rẽ).
  • Thọ Năm Giới căn bản: Truyền Giới Sư đọc năm giới căn bản. Sau mỗi giới vị Giới Sư hỏi Giới Tử có giữ được giới nầy không. Nếu giữ được thì đáp lại “Mô Phật giữ được”, nếu không thì im lặng. Năm giới căn bản đại ý như sau:
  • Thứ nhất là không sát sinh.
  • Thứ hai là không trộm cắp.
  • Thứ ba là không tà dâm.
  • Thứ tư là không nói dối.
  • Thứ năm là không say sưa.
  • Truyền Giới sư tuyên đọc Pháp danh và trao chứng điệp thọ giới cho các Phật tử mới.
  • Sau cùng là hồi hướng công đức quy y và thọ giới và lạy Tam Tự Quy 3 lạy.

Lợi Ích Của Quy Y Tam Bảo:

  • Sau khi Quy Y Tam Bảo thì sẽ chính thức trở thành đệ tử Phật.
  • Quy Y Tam Bảo tức là bước đầu tiên của quãng đường dài học Phật và tu tập để được giải thoát luân hồi. Nếu mà bước đầu tiên chưa có thì làm sao có bước kế tiếp?
  • Kinh Hiệu Lượng Công Đức có nói : Nếu như có người xây Tháp cúng dường tất cả chư vị Thánh nhân chứng đắc nhị thừa trong Đông, Tây, Nam, Bắc tứ đại bộ châu, công đức tuy lớn nhưng vẫn không thể sánh bằng công đức Quy Y Tam Bảo. Nhờ vào công đức rất lớn nầy mà người quy y sẽ được tiêu trừ các nghiệp chướng, và có thể thoát khỏi các bệnh tật nan y, hiểm nghèo đã sinh ra từ nghiệp báo.
  • Bởi vì đã Quy Y Phật thì không bao giờ bị sa vào địa ngục; Đã Quy Y Pháp thì không bao giờ bị đọa vào đường ác quỷ; Đã Quy Y Tăng thì không bị đầu thai vào súc vật. Vì vậy trong các tang lễ, quý thầy đều cho các hương linh Quy Y Tam Bảo để mong rằng các hương linh nhờ vào năng lực nầy mà không bị đọa vào ba đường ác đạo là địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh.Những Quan Niệm Sai Lầm Về Quy Y Tam bảo:

Những Quan Niệm Sai Lầm Về Quy Y Tam bảo:

Quy Y Tam Bảo không phải là một nghi thức bắt buộc cho bất cứ những ai có tín ngưõng với đạo Phật. Tuy nhiên để trở thành một Phật tử và thọ nhận năm Giới luật căn bản của Phật giáo thì phải được Quy Y Tam Bảo trước. Có rất nhiều tín đồ Phật giáo chưa nhận thức rõ ràng về điều nầy nên thông thường có nhiều quan niệm sai lầm như sau.

  1. Phải tìm cho được Thầy “nổi tiếng” mới chịu Quy Y Tam Bảo“: Được Quy Y với một bực Thầy như ý nguyện là điều may mắn. Nhưng chưa hẳn giúp mình đạt nhiều lợi lạc trong việc học Phật. Thầy nào đang ở chùa mà mình có thể thường xuyên đến chùa nhận sự hướng dẫn trực tiếp của Thầy trong các Phật sự như trì tụng kinh chú, lễ lạy hồng danh chư Phật, sám hối nghiệp chướng, v.v… thì mới thực sự lợi ích cho mình. Chứ như Quy Y với Thầy nổi danh mà cả năm hoặc vài ba năm gặp mặt một lần thì nào có ích gì. Hơn nữa sự thành công tu tập phần lớn là do nổ lực và quyết tâm của mình. Thầy cho thuốc hay mà bệnh nhân không chịu uống thì làm sao mau hết bệnh được? Đôi khi quá ỷ lại vào sự Quy Y với thầy nổi danh mà lơ là không chịu học đạo; mê tín, thờ cúng tà ma quỷ thần thì giới thể sẽ bị mất (Tam Quy cũng là một giới), không còn là Phật tử nữa.
  2. Không được đâu! Tôi còn nhiều tham, sân, si lắm! Quy Y Tam Bảo làm sao được?”: Đây là trường hợp những người biết ít nhiều về Quy Y Tam Bảo và năm giới cấm của Phật giáo. Nhưng lại quá thận trọng, muốn đến với Phật bằng một con người sạch bớt tham, sân, si cho nên chần chờ chưa quyết định sớm. Họ quên rằng Quy Y Tam Bảo đâu có đòi hỏi bạn phải là người tốt hay xấu đâu? Chính vì nếu bạn càng còn nhiều tham, sân, si và lầm lỗi thì cần phải sớm Quy Y Tam Bảo để nương nhờ Phật, Pháp, Tăng và giới cấm sẽ giúp bạn tu tập mau chóng hơn. Ba niềm tin căn bản nầy mà bạn còn nghi ngờ thì đạo Phật chưa chắc giúp ích gì nhiều cho bạn được. Thực là một lầm lẫn đáng tiếc!.
  3. Còn trẻ, để ăn chơi cho đã, chừng nào già rồi Quy Y …“: Đạo Phật đến với thế gian này là mưu cầu hạnh phúc và hòa bình cho nhân loại và tất cả chúng sinh. Đạo Phật đâu ngăn cấm ai ăn chơi. Các giới của Phật đặt ra là để khuyên răn, bảo vệ sức khỏe và sinh mạng mọi người để tu tập được hiệu quả.
  4. “… Không ăn chay được, không giữ giới được, sợ Quy Y rồi, nếu phạm giới sẽ bị tội nặng hơn …“: Phật giáo không có giới nào cấm ăn mặn hay bắt buộc Phật tử phải ăn chay. Phật tử được khuyên ăn chay tùy theo hoàn cảnh của mình là để huân tập lòng từ bi tới muôn loài muôn vật, trong đó có những loài vật bị ta giết để ăn thịt, vốn cũng ham sống sợ chết như con người. Giới cấm của đạo Phật không giống như Luật cấm trong xã hội, quốc gia. Cho nên không có kèm theo sự trừng phạt nếu vi phạm. Tuy vậy, vẫn nên nhớ rằng mình luôn luôn phải nhận lấy hậu quả của việc làm sai trái của mình, cho dù đã Quy Y Tam Bảo hay chưa cũng vậy. Phật tử không bắt buộc phải giữ hết cả năm giới – Giữ được giới nào thì được công đức và ích lợi của giới đó, không giữ được cũng không bị tội nặng hơn người chưa theo đạo. Đã gieo nhân nào thì sẽ nhận lấy quả nấy. cho dù có thọ giới hay không thọ giới. Tuy nhiên, người thọ giới rồi, biết điều gì không nên làm nên tránh được hậu quả xấu. Do đó đời sống sẽ an lạc vui tươi hơn.

Kết Luận:

Đời người thật ngắn ngũi, mong manh và vô thường. Nào ai biết được những gì sẽ bất ngờ xảy ra cho mình trong giây phút sắp tới. Tối đi ngũ, nhưng không biết ngày mai có thức dậy được không? Chỉ cần một một hơi thở vào mà không thấy thở ra là coi như đã từ giã cuộc đời nầy rồi? Vô thường luôn luôn đến với ta không bao giờ hẹn trước. Có khi nó tới rất nhanh đến nổi có người đã chết rồi mà tưởng là còn sống. Lắm khi nó đến chậm với ta lúc đang hấp hối hay nằm liệt tháng ngày trên giường bệnh. Cho tới lúc ấy mà chưa có một ngày quyết tâm tu theo Phật, mới cảm thấy hối hận thì nào còn kịp nữa. Ngay lúc còn sống khỏe mạnh mà cứ hẹn nay hẹn mai không chịu Quy Y Tam Bảo để đến khi qua đời rồi chắc gì tìm được chơn tăng Quy Y cho mình? Dẫu có tìm được Thầy đi nữa thì với bản tính hời hợt như vậy lấy chi bảo đảm sẽ chịu Quy Y. Như vậy ba cỏi ác là địa ngục, quỉ đói và súc sanh có chắc thoát được không? Thế thì còn chần chờ gì nữa mà không chịu Quy Y Tam Bảo để chính thức nương nhờ vào Phật, Pháp, Tăng, vững bước trên con đường tu tập để thoát khỏi sinh tử luân hồi cho chính mình. Tóm lại, để chính thức trở thành Phật tử, người theo đạo phải được truyền thọ ba giới Quy Y và năm giới căn bản. Phật giáo không đòi hỏi tín đồ phải Quy Y Tam Bảo. Nhưng ngược lại, người nào có đầy đủ phước duyên mới được quay về nương tựa vào ba ngôi Quý là Phật, Pháp và Tăng. Nên hiểu rằng: phước duyên do mình làm ra, không ai ban bố, chớ có mong cầu.


 

Tham Khảo thêm:

Ý NGHĨA QUY Y TAM

Thích Giải Hiền, NCS Thạc Sĩ Đông Nam Á Học

CẨM NANG QUY Y TAM BẢO (TISARAṆA)

Tỳ khưu Hộ Pháp (Dhammarakkhita Bhikkhu)

TÌM HIỂU VỀ GIỚI LUẬT TRONG ĐẠO PHẬT
Trịnh Nguyên Phước

KHÁI LƯỢC VỀ GIỚI LUẬT PHẬT GIÁO

Tâm Chơn

THỌ GIỚI

Thích Nhất Chân

TINH THẦN VÀ MỤC TIÊU GIÁO DỤC GIỚI LUẬT PHẬT GIÁO

 Hòa thượng Thích Khế Chơn

 NGHI THỨC QUY Y TAM BẢO

Thich Nhật Từ

NGHI THỨC QUY Y TAM BẢO

Tỳ kheo CHÂN QUANG

NGHI THỨC QUY GIỚI – (TRÍ THỦ TOÀN TẬP)

HT.Thich Trí Thủ

Ghi Chú:

  • Được nghe rằng một người có thể Quy Y Tam Bảo nhiều lần, không những cho đời này mà còn cho những đời trong quá khứ và vị lai …
  • Có chùa, hay sách gọi phần thọ giới căn bản của Phật tử là năm giới căn bản, ngũ giới, năm diều đạo đức, bảy điều nguyện …
  • Phật giáo gọi Vô Thường là những sự việc không tốt bất ngờ, nan giải/ đến với ta, hay người thân yêu của ta. Thí dụ như chết, tai nạn trầm trọng, bịnh không có thuốc, hay cách chửa – ung thư, tai biến đột quỵ,v.v…
  • Những gì mình biết là đúng hơn người ta; coi cái “ta” quá lớn.

Post Comment