Quy y Tam Bảo
HT. Thích Thiện Hoa (Trích từ Phật Học Phổ Thông)
********************
Quy là trở về; Y là nương tựa, Quy Y là trở về nương tựa nơi mà mình đã vì si mê, phóng lãng đã lìa bỏ ra đi, như đứa trẻ khờ dại đã rời bỏ cha mẹ để ra đi hoang phá, bây giờ biết sự dại khờ do kinh nghiệm khổ đau, quay trở về nương tựa dưới bóng hạnh phúc và yêu thương của cha mẹ. Chữ Quy Y nguyên dịch nghĩa chữ Nam Mô của Phạn ngữ. Quy Y cũng có nghĩa là kính vâng hay phục tùng.
MỞ ĐỀ:
Cảnh giới Ta Bà của chúng ta là một cảnh giới đầy mê mờ và dục vọng. Chúng ta đang lặn hụp trong bể nước mắt của đau khổ và bùn nhơ của dục vọng, sống trôi lăn trong cảnh ấy, chúng ta khó thấy được bến bờ sáng sủa, yên ổn để lội vào. Thật là đáng thương cho thân phận con người chúng ta.
Nhưng bản nguyện chúng ta đâu có thế ! Chúng ta, từ vô thỉ, ở nơi nguồn chơn vắng lặng, sáng suốt vô cùng. Vì một niệm bất giác, khởi vô minh vọng tưởng, nên chúng ta bị quay cuồng trong sanh tử, trôi nổi trong ba cõi sáu đường.
Vậy thì trong chúng ta, ai là người không muốn thoát ra khỏi cõi đen tối, sầu đau này, để được trở về nguồn trong sáng, an vui?
Nhưng làm sao để thoát ra được? Ai sẽ là kẻ rũ lòng thương để đưa đường chỉ lối cho chúng ta? Ai là người có đủ phương pháp thần diệu để giúp chúng ta ra khỏi sanh tử luân hồi?
Đấng cao cả sáng suốt và đầy đủ năng lực ấy không ai khác hơn là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, người đã chứng quả bất sanh, bất diệt; và chỉ có giáo pháp của Ngài mới cứu được chúng sanh ra khỏi vô thường đau khổ.
Vậy thì chúng ta còn ngần ngại gì nữa mà chẳng chịu quy y Tam Bảo.
CHÁNH ĐỀ:
ĐỊNH DANH VÀ GIẢI NGHĨA
- Quy y nghĩa là gì?
Quy là trở về; Y là nương tựa, Quy Y là trở về nương tựa nơi mà mình đã vì si mê, phóng lãng đã lìa bỏ ra đi, như đứa trẻ khờ dại đã rời bỏ cha mẹ để ra đi hoang phá, bây giờ biết sự dại khờ do kinh nghiệm khổ đau, quay trở về nương tựa dưới bóng hạnh phúc và yêu thương của cha mẹ. Chữ Quy Y nguyên dịch nghĩa chữ Nam Mô của Phạn ngữ. Quy Y cũng có nghĩa là kính vâng hay phục tùng.
- Tam Bảo nghĩa là gì?
Tam Bảo là ba ngôi quý báu: Phật, Pháp, Tăng.
Ở thế gian, vàng bạc, ngọc ngà và danh vọng là quý báu. Nhưng sự thật, vàng bạc và danh vọng đâu có cứu được con người khỏi khổ *sống, già, bệnh, chết, mà lắm khi lại làm cho con người thêm khổ nữa! Còn Phật, Pháp, Tăng thì có đủ năng lực dắt dẫn con người ra khỏi những cái khổ nói trên. Bởi thế, người đời mới tôn sùng Phật, Pháp, Tăng là ba ngôi quý báu (Tam Bảo).
a) Phật: Chữ Phật do chữ Phạn Bouddha phiên âm ra. Người Tàu dịch là Giác giả; người Pháp dịch là L’llluminé. Ba chữ ấy đều cùng một nghĩa là: bực đã giác ngộ sáng suốt hoàn toàn về ba phương diện: tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn.
b) Pháp: Pháp là do chữ Phạn Dharma mà dịch nghĩa ra. Pháp là phương pháp tu hành mà Phật đã phát huy ra để diệt trừ mọi mê muội, khổ đau và chứng được quả Phật. Ba tạng kinh điển gọi chung là Pháp.
c) Tăng: Tăng hay Tăng Già là do chữ Phạn Sangha mà phiên âm ra; Tàu dịch là: hòa hợp chúng, nghĩa là một đoàn thể tu hành từ 4 người sắp lên, cùng nhau sống chung một chỗ, đồng giữ giới luật của Phật, đồng chia sớt cho nhau một cách hòa thuận những gì đã thâu nhận được, từ vật chất cho đến tinh thần.
- Quy y Tam Bảo là thế nào? Quy y Tam Bảo là trở về nương tựa ba ngôi quý báu: Phật, Pháp, Tăng.
- Tại sao lại quy y Phật? Vì Phật là đấng hoàn toàn sáng suốt, từ bi vô lượng, phước huệ vô biên, đức hạnh viên mãn; Vì Phật là kẻ dẫn đường vĩ đại nhất, đã có cái kinh nghiệm bản thân thoát ra ngoài vòng sanh tử để chứng Đạo.
- Tại sao quy y Pháp? Vì chỉ có phương pháp của Phật là đầy đủ công năng để đưa chúng ta qua khỏi bể khổ, đến bờ giải thoát.
- Tại sao lại quy y Tăng? Vì Tăng là người đã hy sinh gia đình, tiền của, danh vọng…để tình nghuyện thay Phật dắt dẫn chúng sanh trên đường đạo.
BA BỰC TAM BẢO
Tam Bảo có ba bực:
- Đồng thể Tam Bảo.
- Xuất thế gian Tam Bảo.
- Thế gian trụ trì Tam Bảo.
- ĐỒNG THỂ TAM BẢO
a) Đồng thể Phật bảo, tức là nói tất cả chúng sanh cùng chư Phật đồng một thể tánh sáng suốt.
b) Đồng thể Pháp bảo, tức là nói tất cả chúng sanh cùng chư Phật đồng một pháp tánh từ bi, bình đẳng.
c) Đồng thể Tăng bảo, tức là nói tất cả chúng sanh cùng chư Phật đồng một thể tánh thanh tịnh, sự, lý hòa hợp.
XUẤT THẾ GIAN TAM BẢO
Xuất thế gian Tam Bảo:
a) Xuất thế gian Phật bảo, là chỉ cho đức Phật Thích Ca Mâu ni, đức A Di Đà, chư Phật trong mười phương ba đời, đã tự giải thoát ra khỏi sự ràng buộc của thế gian.
b) Xuất thế gian Pháp bảo, là chỉ cho chánh pháp của Phật, có công năng làm cho chúng sanh thoát khỏi sự ràng buộc của thế gian, như Tứ Đế, Thập Nhị Nhân Duyên, Lục Độ v.v…
c) Xuất thế gian Tăng bảo, là chỉ cho các vị Thánh Tăng đã thoát ra ngoài sự ràng buộc của thế gian như đức Quan Thế Âm, Đại Thế Chí, Văn Thù, Ca Diếp, A Nan v.v…
THẾ GIAN TRỤ TRÌ TAM BẢO
a) Thế gian trụ trì Phật bảo, là chỉ cho xá lợi của Phật, tượng Phật đúc bằng kim khí chạm trổ bằng danh mộc, tô bằng đất, đắp bằng xi măng, thêu bằng vải, hay vẽ trên giấy.
b) Thế gian trụ trì Pháp bảo, là chỉ cho ba tạng giáo điển: Kinh, Luật, Luận, viết hay in trên giấy, trên vải, *trên là buôn v.v…
c) Thế gian trụ trì Tăng bảo, là chỉ các vị Tỳ Kheo tu hành chơn chánh, đạo đức trong sạch, giới luật trang nghiêm trong hiện tại.
SỰ QUY Y TAM BẢO
Sau khi đã hiểu rõ thế nào là *quy y Tam Bảo, tất nhiên phải thực hành sự hiểu biết ấy. Thực hành Tam Quy bằng sự tướng cung kính, vâng theo Tam Bảo, như thế gọi là sự quy y Tam Bảo.
1. Sự quy y Phật: Hằng ngày chúng ta phải nhớ tưởng luôn đến Phật, niệm danh hiệu Ngài, chiêm ngưỡng tượng Ngài, chí tâm thật ý lễ bái để tỏ lòng sùng kính Ngài, và nguyện suốt đời theo bước chân Ngài, ấy là sự quy y Phật.
2. Sự quy y Pháp: Hằng ngày tụng đọc kinh, luật, luận trên giấy trắng mực đen; sớm hôm hai thời công phu, tìm hiểu nghĩa lý thâm huyền của Pháp bảo càng tốt, không biết nghĩa tụng suông, cũng không phải là vô ích. Khi tụng đọc Kinh điển, tâm trí chúng ta không nghĩ đến những ý nghĩa xằng bậy, không nhớ tưởng những việc không hay, không bàn mưu tính kế để lợi kỷ, tổn nhơn. *Chúng ta trừ bỏ được sáng suốt, an lành, thanh tịnh.
3. Sự quy y Tăng: Thế gian thường nói: “Trọng Phật, phải kỉnh Tăng”. Cho nên, nếu chúng ta thành tâm thờ Phật bao nhiêu thì chúng ta phải thật dạ kỉnh Tăng bấy nhiêu. Người thực hành sự quy y Tăng, hễ thấy người đầu tròn áo vuông, có chân chính tu hành, giữ gìn giới luật, thì liền kính nể, quý trọng xem như đó là vị đại diện của Đức Phật. Làm như thế là sự quy y Tăng.
Tóm lại, thờ Phật cốt, Phật tượng, tụng kinh, giữ giới nghiên cứu Phật Pháp, kính trọng Tăng Già chân chính, đó chính là sự quy y Tam Bảo, hay nói nôm na là theo đạo Phật.
LÝ QUY Y TAM BẢO
Lý là bên trong. Lý quy y Tam Bảo nghĩa là quy y Tam Bảo trong tâm chúng ta. Nếu chúng ta chỉ thực hành sự quy y, chỉ giong ruổi theo Tam Bảo bên ngoài, mà quên lý quy y, nghĩa là quên Tam Bảo bên trong tâm chúng ta, thì chúng ta chưa thực hành đúng nghĩa Tam Quy. Thật thế, bên trong tâm chúng ta cũng có đủ Tam Bảo. Chúng ta cần thực hành lý quy y, hay Tam Tự Quy Y: tự quy y Phật, tự quy y Pháp, tự quy y Tăng.
1. Tự quy y Phật: Tự nghĩa là mình đối với tự tâm mình. Tự quy y Phật là mình tự trở về với Phật tánh sáng suốt của tâm mình. Vâng, mỗi người đều có Phật tánh, và đều có thể thành Phật. Đó là lời Phật Thích Ca đã dạy. Nhưng Phật tánh ấy bị mê lầm, vọng tưởng che lấp. Vọng tưởng như mây mờ, Phật tánh như trăng. Mây mờ có thể che khuất, chứ không thể tiêu diệt được trăng sáng.
Phật tánh của chúng ta dù bị vọng tưởng, vô minh che lấp sâu kín đến đâu cũng vẫn thường còn. Vậy thì sao chúng ta lại bỏ quên Phật tánh của chúng ta, mà chỉ chạy theo cầu khẩn Phật bên ngoài; như đứa “cùng tử” có viên ngọc quý, cha mẹ đã giấu sẵn trong chéo áo mà nó không biết, lại đi xin ăn cùng khắp mọi nơi!
2. Tự quy y Pháp: Tự quy y Pháp là vâng theo Pháp tánh của mình. Trong tâm có đủ pháp Từ Bi, Trí Tuệ, Bình Đẳng, Nhẫn Nhục, Tinh Tấn…Chúng ta cần phát huy những đức tánh ấy và hành động theo chúng, tuân theo chúng; như thế là tự quy y Pháp.
3. Tự quy y Tăng: Tự quy y Tăng là vâng theo thầy trong tâm mình. Thầy trong tâm mình là đức tánh thanh tịnh hòa hợp của mình, cũng như Tăng già là hiện thân của sự hòa hợp thanh tịnh bên ngoài. Bấy lâu vì mình bị mê muội, không nhận thấy được ông thầy trong tâm, nay nhờ Phật chỉ dạy, mình nhận thấy được ông thầy thanh tịnh ấy, thì mình phải quy y thầy của mình trước đã chứ!
Nói tóm lại, mình phải nương tựa, quay về với Phật trong tâm là tánh sáng suốt; với Pháp của mình là các đức tánh Từ Bi, Hỷ Xả v.v…; với Tăng của mình là sự hòa hợp, thanh tịnh của bản thân. Như thế là Lý quy y Tam Bảo.
NGHI THỨC QUY Y
Sau khi chúng ta đã hiểu rõ Sự và Lý quy y rồi, chúng ta cần phải biết qua nghi thức của lễ quy y.
1. Trước tiên phải gội rửa thân tâm cho trong sạch
Quy y là buổi lễ quan trọng nhất trên đường tu tập của chúng ta. Nó là cuộc khởi hành để đi đến mục đích giải thoát, vì thế chúng ta không thể xem thường, cử hành một cách bừa bãi được.
Khi muốn quy y, chúng ta phải y phục chỉnh tề, sắm khay lễ thỉnh chư Tăng đến trai đường, đảnh lễ và cầu xin chư Tăng rủ lòng từ bi truyền trao quy giới cho mình.
Trước ngày hành lễ, thân tâm chúng ta phải được gội rửa trong sạch. Ta tắm rửa sạch sẽ ăn mặc chỉnh tề. Đó là về Thân; còn về Tâm thì ta phải ba phen sám hối, cho ba nghiệp được thanh tịnh. Nhờ sự tẩy gội cả trong lẫn ngoài ấy, ta mới xứng đáng đón nhận pháp thanh tịnh cao quý của Tam Bảo.
2. Phát nguyện
Đến giờ quy y, chúng ta phải quỳ xuống; theo lời hướng dẫn của chư Tăng, chí thành phát nguyện:
- Đệ tử xin suốt đời quy y Phật.
- Đệ tử xin suốt đời quy y Pháp.
- Đệ tử xin suốt đời quy y Tăng.
Sau khi phát nguyện Tam Quy rồi, người phát nguyện tin chắc rằng mình đã gieo hạt giống giải thoát, thế nào cũng sẽ gặt được kết quả tốt là thoát ly ba đường ác: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Vì thế, người quy y liền nói tiếp ba lần:
- Đệ tử quy y Phật rồi, khỏi đọa địa ngục.
- Đệ tử quy y Pháp rồi, khỏi đọa ngạ quỷ.
- Đệ tử quy y Tăng rồi, khỏi đọa súc sanh.
Thế là trọn vẹn Tam Quy và Tam Khiết.
Để bảo tồn lý tưởng cao cả của mình và giữ vững đức tin trên đường Đạo, người quy y tự nguyện một cách mạnh mẽ và thành khẩn:
- Đệ tử quy y Phật, nguyện trọn đời không quy y thiên, thần, quỷ, vật.
- Đệ tử quy y Pháp, nguyện trọn đời không quy y ngoại đạo, tà giáo.
- Đệ tử quy y Tăng, nguyện trọn đời không quy y tổn hữu, ác đảng.
Như thế là lễ quy y đã hoàn tất. Người tín đồ chỉ còn việc làm theo đúng những lời mình đã phát nguyện và đã tuyên thệ trước Tam Bảo.
LỢI ÍCH CỦA QUY Y TAM BẢO
1. Khỏi đi lạc đường đời vào nơi tăm tối
Như chúng ta đã thấy ở đoạn mở đầu bài này, chúng sanh đang lặn hụp trong biển khổ, đang bơ vơ lạc lõng giữa đêm tối mênh mông. Trong hoàn cảnh bi thảm như thế, nếu không thấy được những phương tiện để đi đến, không có những bậc thầy để dìu dắt đến, thì chúng ta sẽ quay cuồng mãi mãi trong biển sanh tử luân hồi. Cái đích sáng ấy là đức Phật, những phương tiện ấy là Pháp, và những bậc thầy dìu dắt ấy là Tăng. Khi chúng ta đã biết có những sự quý báu như thế mà không nắm bắt lấy, thì chẳng khác gì người sắp chết đuối thấy cái bè gỗ trôi qua mà lại dại khờ xua đẩy nó ra.
Sự quy y chính là một cách bám víu vào cái bè Tam Bảo mà Phật đã chế ra để cứu vớt những kẻ sắp chết đuối trong biển đời là toàn thể chúng ta.
2. Khi đã phát nguyện quy y, mình *đễ giữ đúng lời đã hứa, vì có sự chứng minh của Chư Phật và Chúng Tăng.
Có người nói: “Tôi tôn sùng đức Phật, vì biết Ngài là một Đấng sáng suốt hoàn toàn; tôi trọng Pháp vì biết Pháp Phật có đủ năng lực đưa người đến giải thoát; tôi kỉnh Tăng vì biết đấy là những vị đại diện của Phật. Biết như thế cũng đủ, cần gì phải làm lễ phát nguyện quy y?”.
Nói như thế là chưa đủ giá trị về phương diện tâm lý của lời hứa, lời thề trước mặt người khác. Khi chúng ta đã hứa với ai một điều gì, mà nuốt lời hứa, thì tâm hồn chúng ta bức rức, hối hận không an. Đã hứa tất có bổn phận làm trọn lời hứa, nếu thất lời hứa, tất sẽ tự khinh ta. Nhất là khi lời hứa, lời nguyện ấy lại cử hành trong một khung cảnh trang nghiêm trước điện Phật, trên có sự chứng tri của chư Phật, dưới có sự chứng tri của chư Tăng, chung quanh có sự hộ niệm của thân bằng quyến thuộc; phát nguyện trong khung cảnh ấy, tất nhiên chúng ta khó lòng mà trái lời nguyện, hay xao lãng nó được.
Vậy đã biết Tam Bảo là quý, tất nhiên ta phải quy y Tam Bảo và cử hành lễ quy y một cách trang nghiêm mới được.
C. KẾT LUẬN:
Khuyên tín đồ nên quy y cả sự lẫn lý và tinh tiến trong sự quy y
Chúng ta đã thấy; là Phật tử thì phải quy y. Quy y phải đủ Sự và Lý. Không nên hoàn toàn ỷ lại bên ngoài mà xao lãng bên trong. Cũng như không nên hoàn toàn tự tôn tự trọng riêng mình mà khinh thị bên ngoài. Muốn quy y thì trước tiên phải long trọng làm lễ quy y để đánh dấu bước đi đầu tiên của mình trên đường giải thoát. Lễ ấy như là lễ tiễn đưa một người ra đi nhận một nhiệm vụ mới. Nhưng một khi đã đặt chân lên đường, thì người ấy phải giong đuổi, quyết tiến mau cho đến đích, chứ không phải chần chờ, quay đi lộn lại một chỗ, hay rẻ qua một ngả khác. Đã phát nguyện quy y mà không theo dấu chân của đức Phật đã để lại, không soi vào gương sáng của đức Phật đã nêu cao, không theo giáo pháp mà rèn luyện tâm tánh; không giữ giới luật, không vâng lời nhắc nhở của chư Tăng, như thế là tự lừa dối mình và lừa dối người khác, và cái tai hại lại càng lớn lao hơn cả không quy y.
Trái lại, nếu chúng ta quy y và thực hành đúng như lời đã phát nguyện thì con đường giải thoát dù xa, cũng sẽ có ngày thấy đích.
Xin hãy nhớ luôn lời nói cuối cùng của Phật: “Hãy tinh tấn lên để giải thoát !”