Tìm hiểu Công Đức, Phước Đức
Cư sĩ: Quảng Chánh Tâm
Dẫn nhập
Những phật tử nào thường đi chùa thì không có người nào mà không biết công đức và phước đức. Nó được nhắc đi nhắc lại hầu hết trong các bài thuyết pháp hoặc qua các bài kinh. Thí dụ như xây chùa, đúc chuông công đức rất lớn. Nhưng so với công đức của một người phát nguyện thọ Quy Y Tam Bảo thì vẫn thua xa. Hoặc đem hết của cải trên thế giới ra bố thí thì phước đức lớn biết chừng nào! Nhưng so với phước đức của một người đem chừng bốn câu trong kinh nầy để giảng cho một người khác tin được và hành trì theo thì vẫn còn kém xa. Có nhiều người lầm tưởng công đức và phước đức giống nhau. Cũng có người nghĩ rằng mình đã tạo công đức nhiều như trời, như biển, nhưng hóa ra chẳng có chút gì, như trường hợp Lương Võ Đế mà ta thường nghe kể. Vì vậy sau đây chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu công đức, phước đức để có một khái niệm rõ ràng, giúp phân biệt giữa công đức và phước đức, giới hạn trong phạm vi nhỏ, qua sự tu tập và làm các việc thiện thường gặp ở chùa như cúng dường, bố thí.
Quan niệm về công đức và phước đức chỉ thấy xuất hiện trong Phật giáo Đại thừa khi truyền vào Trung quốc. Phật giáo du nhập vào Trung quốc vào khoảng thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên (CN). Trong khi đó Lão giáo đã có mặt tại nước nầy khoảng 602 trước CN và Đạo giáo cũng đã thịnh hành từ 1040 trước CN. Để Phật đạo dễ dàng truyền bá vào dân gian, cũng như để thuận tiện dịch kinh Phật từ Phạn văn sang Hán văn, nhiều danh từ được mượn từ Đạo giáo, Lão giáo để diễn giải những khái niệm hoàn toàn trừu tượng và riêng biệt của Phật giáo. Công đức và phước đức là một thí dụ điển hình.
Công đức
Đức là năng lực để hướng ta tiến tới hoặc rời Đạo. Đạo nói ở đây có nghĩa tương đương như là Niết Bàn trong Phật giáo. Cho nên khái niệm về Đức gần giống như khái niệm về Nghiệp của đạo Phật. Thí dụ:
- Công đức là năng lực giúp quay về với Đạo: Tương đương Chánh Định Nghiệp đưa đến Tuệ trí, Huệ năng.
- Phước đức giúp không xa Đạo: Tương đương với Thiện nghiệp.
- Đạo đức giúp tiếp cận với Đạo: Tương đương với Chánh nghiệp.
- Thất đức làm rời xa với Đạo: Tương đương với Ác nghiệp.
Công tức là công phu, sự vận dụng nội lực tâm thức cho được tâm thanh tịnh, không dính mắc vào điều gì. Như vậy, công đức tạo được càng nhiều, tâm tư phiền não càng ít, con đường tới bờ giác ngộ càng ngắn. Tóm lại, công đức là kết quả từ sự tu tập cần thiết cho mục đích giải thoát sinh tử luân hồi.
Phước đức
Phước đức là kết quả của việc làm các điều thiện trong Phật giáo hay ngoài xã hội, không phải đối tượng của tâm thức. Thí dụ như là cúng dường, bố thí, làm công quả ở chùa, và các công tác từ thiện trong xã hội. Có thể nói rằng phước đức như là một phần của thiện nghiệp. Những ai vun trồng nhiều phước đức hôm nay thì về sau cuộc sống vật chất sẽ đầy đủ và thường gặp may mắn. Phước đức không trợ lực cho việc tu hành để sớm được giác ngộ. Phước đức không giới hạn trong Phật giáo, mà là một quan niệm đặc thù của Đông phương, nơi chịu ảnh hưởng sâu đậm của Đạo giáo, Lão giáo và Phật giáo. Mọi người đều có thể vun trồng phước đức dành cho mai sau, không bất luận giàu sang, hay nghèo khó: Chỉ cần không làm việc ác, làm tất cả điều lành như bố thí, cúng dường là tạo được phước đức.
Liên hệ giữa Công Đức và Phước Đức
Công đức và phước đức là thành quả của tâm thức cho nên không thể đo lường như vật lý như là bao nhiêu cân lượng được. Ta thường nghe nói “công đức vô lượng” là bởi như vậy. Để biết công đức, phước đức nhiều hay ít, lớn hay nhỏ chừng nào, người ta hay so sánh với thứ tương tự để có một khái niệm mà thôi. Vì ngay cả thứ đem ra so sánh cũng không xác định được. Thí dụ như công đức của việc làm nầy lớn như trời biển, nhưng so với công đức của cái kia thì còn thua gấp trăm, vạn lần; người nào làm được việc nầy, phước đức sau này con cái ba đời ăn xài cũng không hết.
Thông thường phương cách tu tập của phật tử có thể liệt vào tu huệ, tu phước hoặc phước huệ song tu. Tu huệ là hướng vào nội tâm, quán chiếu các lãnh vực tâm thức cho trí tuệ ngày càng phát triển, để tạo nhiều công năng giúp đoạn lìa các ràng buộc của phiền não, khổ đau. Như vậy tu huệ tạo được công đức. Người tu phước chủ yếu vào các việc thiện như bố thí, cúng dường để sau này được hưởng được phước báo, giàu sang, vật chất sung túc. Nó giống như là việc để dành tiền vào trương mục tiết kiệm, sau này sẽ dùng đến, thay vì tiêu xài hết ngay bây giờ. Tu phước tạo ra phước đức. Trên thực tế tu hành thì huệ và phước không rời nhau mà hay thường liên kết với nhau—trong huệ có phước, trong phước có huệ. Thí dụ như nhờ có huệ lực thúc đẩy, phật tử chịu tu tập để bỏ tánh tánh tham lam, keo kiệt, nên làm các công tác bố thí, cúng dường, tức là tu phước. Trì giới mà không còn dính mắc, tức là đã được định thì tạo được công đức, còn nếu chưa định được thì chỉ có tạo được phước đức. Vận công tu định mà trí tuệ được khai mở thì tạo được công đức; còn nếu như chưa khai mở trí tuệ thì chỉ được phước mà thôi. Cho nên bố thí cúng dường mà có dính mắc thì chỉ được phước đức, nếu như với tâm thanh tịnh, tức là không mong cầu gì thì sanh công đức. Như vậy, những phật tử đã thọ thập thiện giới (mười giới thiện), thì phải nên trì giới (trì là làm, thực hành) để tạo công đức hay phước đức: Nếu trì giới chưa đạt tới mức tâm thanh tịnh thì vẫn tạo phước đức, còn như trì giới được tịnh thì tạo được công đức.
Phật tử thường nghe lời của tổ sư dạy rằng bố thí, cúng dường xây chùa, đúc tượng, đúc chuông công đức rất lớn. Cho nên khi có những nhu cầu phật sự như vậy, các chùa thường tổ chức các quyên góp hầu tạo cho bá tánh có cơ hội tu tập vun trồng phước đức cho chính bản thân mình. Rất nhiều phật tử đã hiểu được thâm ý của lời khuyên của các vị tổ sư như nói trên. Tuy nhiên cũng có không ít chưa hiểu được triết lý đó nên thường hay bài bác các phật sự nầy. Họ chưa hiểu đây là cơ hội tốt để vun trồng phước đức.
Nnhiều người cứ tưởng rằng hể mình bỏ công bỏ của vào để xây chùa, đúc tượng là đương nhiên có nhiều công đức. Thực tế không hẳn như vậy. Có một số người đòi hỏi ban tổ chức phải được niêm yết, thông báo đầy đủ về chức danh, tài vật của người đóng góp bao nhiêu, hoặc phải được tán dương để mọi người biết về sự cúng dường của mình như thế nào. Cúng dường mà dính mắc như vậy thành ra chỉ được phước đức chứ không có chút công đức nào như pháp tu đã nói. Sau khi thực hiện bố thí cho ai rồi mà không còn quan tâm tới nó nữa thì tạo được công đức. Nhưng cứ mong mỏi xem người thọ nhận có đáp lễ lại cái gì cho mình không? Hay xem họ có làm đúng như điều ta mong muốn không? Còn dính mắc như vậy cho nên ta chỉ được phước đức.
Một thí dụ khác về sự bố thí là sau khi hiến tặng, giúp đỡ ai tài vật gì, cứ từ tháng nầy đến tháng nọ để tâm theo dõi xem người ta có dùng tới món đồ mình cho, tặng hay không? Hoặc người ta có xử dụng món đồ đó đúng như điều mình mong muốn không? Nếu như khám phá ra được món đồ của mình không được dùng tới thì buồn bã, ngược lại thì cảm thấy sung sướng. Bố thí mà mang thêm phiền não về cho mình, cũng giống như chất đồ thêm lên gánh mình mang trên vai càng ngày càng nặng thì làm sao tạo được công đức.
Thường thường các chùa có đặt những thùng, có nơi ghi là “Phước sương”, có nơi ghi là “Công đức” để cho đại chúng bỏ tiền vào để được công đức hay phước đức. Xin chớ lầm tưởng rằng thùng được ghi “Công đức vô lượng” là bỏ tiền vào thì mình được công đức. Tương tự, tuy là thùng đề là “Phước sương”, nhưng có người bỏ tiền vào vẫn tạo được công đức chứ không phải là không có. Thế thì làm sao biết mình tạo công đức hay phước đức? Thí dụ như nếu lúc bỏ tiền vào thùng, cố ý liếc nhìn xem có ai đang tán thán mình không; hoặc bỏ tiền vào bao thơ có ghi rõ tên họ địa chỉ, số tiền bao nhiêu; hoặc khoe khoan với người khác rằng là năm này mình cúng dường cho chùa hết bao nhiêu, v.v… nghĩa là còn dính mắc tới sự cúng dường đó, cho nên chỉ tạo được phước đức chứ không phải công đức như thùng có ghi. Nếu cúng dường với mong cầu điều gì, tức còn vướng mắc, tâm chưa được thanh tịnh thì tuy không được công đức, nhưng vẫn được phước đức tương xứng, không nhiều thì ít chứ không phải không có.
Đời sống vật chất sau nầy của chúng ta cao hay thấp, tiền của nhiều hay ít tùy vào mức độ tạo phước của chúng ta ngày nay. Phước đức hưởng lâu dài rồi cũng sẽ cạn giống như xài tiền bạc đã dành dụm. Khi phước đức đã hết thì thường thường họa sẽ đến. Thí dụ như một khi phước báo cạn thì đang giàu sang, thình lình tai họa đến, tài sản tiêu tan; đang làm loài trời mà rớt xuống lại sanh làm loài người. Ngược với phước đức, công đức hưởng không thể hết. Bởi vì công đức tự tánh không sanh, không diệt. Công đức hiển lộ ra ít nhiều tùy theo hiệu quả của sự vận dụng tâm tu tập.
Tóm lượt
Trong công đức có phước đức, nhưng trong phước đức không có công đức. Công đức trợ giúp cho sự tu tập để được sớm giải thoát luân hồi, trong khi tạo dựng phước đức là để dành phước báo cho sau này sống sang giàu hơn, vật chất đầy đủ hơn, gặp nhiều may mắn hơn. Sự tu tập đạt được tâm thanh tịnh, không còn dính mắc thì được công đức. Ngược lại, nếu vẫn còn dính mắc thì chỉ tạo được phước đức. Người có nhiều phước đức sẽ được sống sang giàu, hưởng nhiều may mắn vật chất sau này. Trong khi người càng có nhiều công đức, thì là người đã đoạn lìa nhiều phiền não, càng gần tới bờ giải thoát luân hồi. Trên thực tế với đời sống thường ngày, ta đều cần có công đức lẫn phước đức. Được nhiều công đức mà thiếu phước đức thì đường tu tập tuy không phiền não, an nhiên tự tại trong mọi hoàn cảnh, nhưng đời sống vật chất thiếu thốn, vất vã nhiều hơn người khác. Trái lại thiếu công đức mà nhiều phước đức thì tuy sang giàu nhưng không tránh được phiền não, buồn lo. Phật tử cần tạo công đức nhiều hơn là cố gắng lo tích tụ phước. Đó là mục đích chính của đạo Phật và cũng là nguyên nhân duy nhất để đức Thích Ca từ phụ ra đời.
Tham khảo:
1) Công đức và phước đức, sai lầm nguy hiểm khi hiểu sai, https://phathocnguyenthuy.com/2017/12/14/cong-duc-va-phuoc-duc-sai-lam-nguy-hiem-khi-hieu-sai/
- Tam vô lậu học (Giới-Định-Tuệ) — Thích Từ Hòa và Thích Phước Lượng.
- Tu phước và tu huệ — Thích Nhất Hạnh.
- Khác Biệt Giữa Công Đức Và Phước Đức – Kinh Đại thừa Vô Lượng Thọ – Phần 20. Tịnh Không.