Nước Giếng Trong
Một ngày cuối tuần nữa lại đến, các bạn thanh thiếu niên lại có dịp tụ tập tại thiền viên để thực hành thiền, và nghe sư thầy thuyết giảng Phật Pháp. Những buổi sinh hoạt cuối tuần như vậy đều khiến cho các bạn cảm thấy nhẹ nhàng, an tịnh hơn sau những khoảng thời gian học hành và lao động vất vả.
Và vào buổi giảng Pháp hôm nay, ngay khi vừa bước chân vào giảng đường, sư thầy đã từ tốn
cất tiếng hỏi các bạn thanh thiếu niên:
– Chúng ta có thể làm gì để sống trở lại với Phật tánh sẵn có trong mình?
Một bạn nhanh nhẩu giơ tay xin phát biểu ý kiến:
– Thưa thầy, chúng ta cần phải tu hành tích cực.
Tiếng trả lời vừa dứt, liền ngay có thanh tiếng cất lên phản bác lại:
– Phật tánh sẵn có rồi cần gì phải tu hành nữa.
Cuộc đối đáp đầy mâu thuẫn là như thế, sư thầy nghe qua chỉ khẽ mỉm một nụ cười hiền từ.
Sau đó, sư thầy đã dẫn các bạn ra sân vườn của thiền viện. Nơi đây, người ta đang ra sức khoan một
chiếc giếng sâu để lấy nước dùng cho sinh hoạt hằng ngày. Các bạn thanh thiếu niên được sư thầy căn dặn hãy ngồi thinh lặng mà quan sát công việc khoan giếng. Thế nên, trong khoảng không rộng lớn chỉ nghe thấy tiếng máy khoan vang vọng lên khắp bốn bề. Các bạn thanh thiếu niên cứ thinh lặng mà nhìn mà ngắm chiếc máy khoan đang khoan sâu dần vào lòng đất. Cho đến một lúc nọ, tất cả đều ồ lên với vẻ thích thú khi thấy nước phun tràn ra. Vậy là người ta đã khoan thành công một giếng nước trong cho thiền viện.
Khi ấy, sư thầy mới ôn tồn cất tiếng hỏi:
– Có phải hành động khoan giếng đã tạo ra giếng nước trong như thế này hay không?
Tiếng lời sư thầy vừa cất lên, ngay lặp tức các bạn thanh thiếu niên như đồng thanh trả lời:
– Chính là như vậy thưa thầy!
Thế nhưng sư thầy lại tỏ vẻ không đồng tình, và bảo rằng:
– Giếng nước là sẵn có trong lòng đất, không phải đợi có hành động khoan giếng thì mới có nước giếng,
nhưng mà nếu không có hành động khoan giếng thì cũng chẳng thể thấy được nước giếng. Phật tánh cũng tương tự như vậy, không phải tu tập mới có Phật tánh mà Phật tánh luôn sẵn có trong mỗi người, nhưng nếu không nỗ lực tu tập thì không bao giờ có thể nhận trở lại Phật tánh.
Lời giải bày của sư thầy như thế vừa cất lên, các bạn thanh thiếu niên nghe qua
mà lòng chợt bừng tỉnh ngộ. Khi ấy, trông vào vẻ mặt của ai nấy cũng thật rạng ngời.
Tu Thiền,
trí huệ sanh
Bỏ Thiền,
trí huệ diệt
Biết con đường hai ngã
Đưa đến hữu,
phi hữu
Kẻ tự mình nỗ lực
Khiến trí tuệ tăng trưởng.
(Kinh Pháp Cú 282)
Diệu Hạnh sưu tầm