CÁC NGHI THỨC Nghi Thức Tụng Niệm

Kinh Tụng về Đức Phật Lịch Sử

Capture 26

    Nghi Thức Tụng Cúng Dường Phật Đản

TÁN PHẬT

Xinh tốt như hoa sen

Rạng ngời như Bắc đẩu

Xin quay về nương tựa

Bậc Thầy của nhân thiên.

Sen quý nở đài giác ngộ,

Hào quang chiếu rạng mười phương,

Trí tuệ vượt tầm pháp giới,

Từ bi thắm nhuần non sông,

Vừa thấy dung nhan Điều Ngự,

Tâm thành trọn lòng kính dâng,

Hướng về tán dương Tam Bảo,

Tinh chuyên đạo nghiệp vun trồng. (c)

DÂNG HƯƠNG

Hương đốt khói trầm xông ngát

Kết thành một đóa tường vân,

Đệ tử đem lòng thành kính

Cúng dường chư Phật mười phương

Giới luật chuyên trì nghiêm mật

Công phu thiền định tinh cần

Tuệ giác hiện dần quả báu

Dâng thành một nén tâm hương.

Chúng con kính dâng hương giới, hương định, hương tuệ, hương giải thoát, hương giải thoát tri kiến lên chư Phật, chư vị Bồ Tát, chư hiền thánh Tăng, chư hộ pháp, thiện thần, chứng minh lòng thành kính của chúng con. (c)

KÍNH ĐẢNH LỄ TAM BẢO

Phật bảo sáng vô cùng

Đã từng vô lượng kiếp thành công

Đoan nghiêm thiền tọa giữa non sông

Sáng rực đỉnh Linh Phong

Trên trán phóng hào quang rực rỡ

Chiếu soi sáu nẻo hôn mông

Long Hoa hội lớn nguyện tương phùng

Tiếp nối Pháp chánh tông

Về nương tựa Phật Bảo

Xin quy y thường trú Phật-đà-gia.

Đệ tử chúng con chí tâm kính lễ chư Phật thường trú trong ba đời và mười phương. (1 lạy)

Pháp bảo đẹp vô cùng

Lời vàng do chánh Phật tuyên dương

Chư thiên trỗi nhạc tán hoa hương

Pháp mầu nhiệm tỏ tường

Ghi chép rõ ràng thành Ba Tạng

Lưu truyền hậu thế mười phương

Chúng con nay thấy được con đường

Về nương tựa Pháp Bảo

Xin quy y thường trú Đạt-mạ-gia.

Đệ tử chúng con chí tâm kính lễ chư Pháp thường trú trong ba đời và mười phương. (1 lạy)

Tăng bảo quý vô cùng

Phước điền hạt tốt đã đơm bông

Ba y một bát bước thong dong

Giới định tuệ dung thông

An trú đêm ngày trong chánh niệm

Thiền cơ chứng đạt nên công

Chúng con tất cả nguyện một lòng

Về nương tựa Tăng Bảo

Xin quy y thường trú Sanghaya. Đệ tử chúng con chí tâm kính lễ chư Tăng thường trú trong ba đời và mười phương. (1 lạy)

NGHI THỨC TỤNG: Tán

Lư hương sạ nhiệt,

Pháp giới mông huân,

Chư Phật hải hội tất diêu văn,

Tùy xứ kiết tường vân,

Thành ý phương ân,

Chư Phật hiện toàn thân.

Nam Mô Hương Vân Cái Bồ Tát. (3 lần).

CHÚ ĐẠI-BI

Nam Mô Đại Bi Hội Thượng Phật Bồ Tát. (3 lần)

Thiên thủ thiên nhãn vô ngại đại-bi tâm đà-la-ni.

Nam Mô hắc ra đát na, đa ra dạ da.

Nam Mô a rị da, bà lô yết đế, thước bát ra da, Bồ Đề tát đỏa bà da, ma ha tát đỏa bà da, ma ha ca lô ni ca da, án, tát bàn ra phạt duệ số đát na đát tỏa.

Nam Mô tất kiết lật đỏa y mông a rị da, bà lô kiết đế thất Phật ra lăng đà bà.

Nam Mô na ra cẩn trì hê rị ma ha bàn đa sa mế, tát bà a tha đậu du bằng, a thệ dựng, tát bà tát đa, na ma bà già, ma phạt đạt đậu, đát điệt tha. Án a bà lô hê, lô ca đế, ca ra đế, di hê rị, ma ha Bồ Đề tát đỏa, tát bà tát bà, ma ra ma ra, ma hê ma hê, rị đà dựng, câu lô câu lô kiết mông, độ lô độ lô, phạt xà da đế, ma ha phạt xà da đế, đà ra đà ra, địa rị ni, thất Phật ra da, dá ra dá ra. Mạ mạ phạt ma ra, mục đế lệ, y hê y hê, thất na thất na a ra sâm Phật ra xá-lợi, phạt sa phạt sâm, Phật ra xá da, hô lô hô lô ma ra, hô lô hô lô hê rị, ta ra ta ra, tất rị tất rị, tô rô tô rô, Bồ Đề dạ Bồ Đề dạ, bồ-đà dạ, bồ-đà dạ, di đế rị dạ, na ra cẩn trì địa rị sắc ni na, ba dạ ma na ta bà ha. Tất đà dạ ta bà ha. Ma ha tất đà dạ ta bà ha. Tất đà du nghệ thất bàn ra dạ, ta bà ha. Na ra cẩn trì ta bà ha. Ma ra na ra ta bà ha. Tất ra tăng a mục khê da, ta bà ha. Ta bà ma ha, a tất đà dạ, ta bà ha. Giả kiết ra a tất đà dạ, ta bà ha. Ba đà ma yết tất đà dạ, ta bà ha. Na ra cẩn trì bàn đà ra dạ, ta bà ha. Ma bà lị thắng yết ra dạ, ta bà ha.

Nam Mô hắc ra đát na, đa ra dạ da.

Nam Mô a rị da, bà lô yết đế, thước bàng ra dạ, ta bà ha.

Án tất điện đô, mạn đa ra, bạt đà dạ, ta bà ha. (3 lần)

Ðại từ, đại bi thương chúng sanh,

Ðại hỷ, đại xả cứu muôn loài.

Tướng tốt chói sáng tự trang nghiêm,

Đệ tử chí tâm quy mạng lễ.

Nam Mô Bổn-sư Thích Ca Mâu Ni Phật. (3 lần)

Nam Mô Thập Phương Thường Trú Tam Bảo. (3 lần)

KHAI KINH KỆ

Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp

Bách thiên vạn kiếp nan tao ngộ

Ngã kim kiến văn đắc thọ trì

Nguyện giải Như Lai chơn thiệt nghĩa.

Nam Mô Khai Bảo Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát. (3 lần)

KINH TỤNG VỀ ĐỨC PHẬT LỊCH SỬ

Tôi biết như vầy. Một thời đức Phật Thích Ca Mâu Ni, một con người lịch sử bằng xương bằng thịt, đã từng sống trên trái đất này cách đây hơn hai mươi sáu thế kỷ qua. Người sinh ra dưới cây Vô Ưu, tại vườn Lâm Tỳ Ni, một phần của nước Nê-pan ngày nay, vào Ngày Rằm Trăng tròn tháng Vesak, tương đương với tháng Năm, năm 624 trước công nguyên. Kinh A Hàm ghi rằng:

“Một chúng sinh duy nhất, một con người phi thường, xuất hiện trên thế gian này, vì an lạc cho số đông, vì hạnh phúc cho số đông, vì lòng bi mẫn và lợi ích cho chư thiên và nhân loại. Đó chính là đức Phật Thích Ca Mâu Ni, người sáng lập ra đạo Phật, đạo tỉnh thức, từ bi, trí huệ, bình đẳng, và hòa bình cho pháp giới chúng sinh trên khắp hành tinh này.”

Với nguyện lực độ sanh, đức Phật ra đời rất là hy hữu. Theo lời kể của Tôn giả A Nan, đầu tiên đức Phật ở cõi trời Đâu-suất đến hết thọ mạng, và sau đó, từ cõi trời Đâu-suất tới thế gian này, ngài nhập vào bào thai bên hông bên phải của thánh mẫu Ma-ya. Trong giờ phút đó, hào quang chiếu soi, rực rỡ lạ kỳ, sáng hơn nhật nguyệt, thế giới chuyển động chào đón Như Lai. Lúc Ngài nhập thai, có bốn chư thiên canh gác bốn phương, không để người nào gây tạo phiền nhiễu. Mẹ Ngài mang thai đúng tròn mười tháng. Từ lúc mang thai, bà có đức hạnh thanh cao, lòng từ rộng mở, không có dục tâm với bất kỳ ai.

Trong lúc mang thai, bà rất hoan hỷ, khoan khoái, an vui, sức khỏe tốt hơn, không chút bệnh tật. Bà cảm nhận rằng mình đang mang thánh thai nhi, như viên ngọc quý không chút tỳ vết, tuyệt hảo trên đời. Khi sinh ra Ngài, mẹ Ngài sinh đứng. Sinh chưa chạm đất thì có chư thiên nghênh tiếp đón Ngài, rồi nâng thân Ngài lên mẫu hậu, với lời tán dương: “Mẫu hậu đã hiến tặng cho thế giới này một đức Phật sơ sinh hoàn hảo và an lành. Thân thể của Ngài lúc vừa sinh ra không bị ô nhiễm bởi nước ối, máu, hoàn toàn trong sạch, như ngọc ma-ni, trong sáng, đẹp màu. Từ trên hư không có hai dòng nước ấm và mát phun tắm cho Ngài và cho mẫu hậu.

Khi vừa mới sinh ra, Ngài tự đứng vững trên đôi chân mình. Hướng mặt về phía Bắc, bước đi bảy bước, với lọng trắng che, Ngài thốt lên lời: “Ta là tối thượng trên cõi đời này. Đây là kiếp sống cuối cùng của Ta. Ta không tái sinh vào cõi đời nữa. Tròn bảy ngày sau, mẹ Ta qua đời, liền tái sinh về cõi trời Đâu-suất.

Tiên Tri Đoán Tướng

“Lúc bấy giờ, có vị đạo sĩ tên A-tư-đà, ngay giữa ban ngày, thấy các chư thiên ở cõi trời ba mươi ba hoan hỷ, tán thán, khởi tấu nhạc trời, du dương ca hát với các vũ điệu, và báo lời vui rằng: Tại vườn Lum-bi-ni, có vị Bồ-tát Thích-ca, không ai sánh bằng, vừa được giáng trần, hạnh phúc cho đời. Ngài là tối thượng, tối tôn, đứng đầu loài người. Về sau xuất gia, trở thành vị xuất Sĩ, ngài chuyển vận bánh xe chánh Pháp, rống tiếng pháp âm, giáo hóa cuộc đời. Nghe biết sự việc, ngài A-tư-đà liền đến hoàng gia Ca-tỳ-la-vệ, mong được yết kiến thái tử sơ sinh. Vừa thấy tôn nhan ba mươi hai tướng hảo, ông thốt lên rằng: “Thái tử Tất-đạt-đa là người tối thắng trong các loài hai chân.” Nói xong ông khóc, buồn cho tuổi thọ, nay đã già nua, không còn cơ hội để được chứng kiến thái tử giác ngộ. Ông khẳng định rằng, đến tuổi trưởng thành, thái tử xuất gia, chứng đắc giác ngộ toàn hảo ở đời, chuyển bánh xe pháp, thanh tịnh tối thắng, vì lòng từ bi, thương xót chúng sinh, giúp đời lợi lạc.”

“Với tâm định tĩnh, Bồ tát nhập vào thiền định dưới bóng mát Bồ-đề, chuyển hóa ái dục, ly bất thiện pháp, thanh tịnh tâm ý, chứng thiền thứ nhất; một trạng thái hỷ lạc do lìa ái dục, có tầm, có tứ. Ngài chứng thiền thứ hai, trạng thái hỷ lạc do định sinh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Ngài chứng thiền thứ ba; một trạng thái trụ xả hỷ lạc, chính niệm, tỉnh giác, cảm nhận hạnh phúc do biết buông xả. Ngài chứng thiền thứ tư; một trạng thái buông bỏ tất cả khái niệm, không còn khổ vui, thanh tịnh tuyệt đối trong ngài sinh khởi. Ngài nhận ra rằng đây là con đường đưa đến giác ngộ, an vui, và niết-bàn.

Chứng Đạo Dưới Cội Bồ Đề

Với tâm định tĩnh, thuần tịnh trong sáng, không còn ô nhiễm nữa. Đức Phật hướng tâm đến trí tuệ lậu tận và biết như thật. “Đây là Khổ đau thuộc về thân và tâm; thân gồm có bốn loại: sanh, già, bệnh, chết; tâm gồm có bốn loại: thương yêu nhau phải chia lìa, oán ghét nhau phải gặp gỡ, mong muốn nhau cái gì đó không được nên tâm sinh ra thất vọng.” Ngài biết như thật: “Đây là nguyên nhân của khổ đau bao gồm tham ái, sân hận, si mê, tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạn, tà tinh tấn, tà niệm, tà định, và các loại chấp thủ.” Ngài biết như thật: “Đây là Niết-bàn–an lạc tuyệt đối, hạnh phúc tối thượng–khổ đau và phiền não được chuyển hóa hoàn toàn.” Ngài biết như thật: “Đây là con đường chân chánh gồm có đạo đức, thiền định, và trí tuệ tương tức mật thiết với tầm nhìn chân chánh, tư duy chân chánh, lời nói chân chánh, hành vi chân chánh, nghề nghiệp chân chánh, tinh tấn chân chánh, chánh niệm chân chánh, và thiền định chân chánh.”

Ngài biết như thật: “Đây là khổ, đây là nguyên nhân của khổ, đây là hạnh phúc chân thật, và đây là con đường tu tập đưa tới kết thúc khổ đau”. Nhờ nhận thức như vậy, tâm ngài thoát khỏi dục lậu, hữu lậu, và vô minh lậu. Ngài biết rất rõ: “Tái sanh đã tận, hạnh thánh đã thành, việc nên đã làm xong, không còn trở lại trạng thái sinh tử này nữa.”

Tuyên Bố Chân Lý

Lúc bấy giờ Phạm thiên Sa-ham-pa-ti tôn kính thưa với đức Phật rằng: “Thưa ngài, xin ngài hoan hỷ trụ thế ở đời để thuyết pháp cho chúng sinh, họ rất may mắn nghe được diệu Pháp của ngài. Nhận lời thỉnh cầu của vị phạm thiên, đức Phật quán chiếu và đưa ra những ví dụ sinh động và cụ thể như sau: “Có các chúng sanh có nhiều bụi phiền não trong tâm, có ít bụi phiền não trong tâm, và không có bụi phiền não trong tâm. Nhờ nghe và thực hành diệu pháp, dần dần họ tu tập, chuyển hóa nghiệp xấu, và hướng tới an vui và hạnh phúc ngay trong hiện đời.” Sau đó, đức Phật suy nghĩ: “Ta sẽ thuyết pháp cho ai đầu tiên?” Ta liền nghĩ đến thầy A-la-ra, nhưng thầy đã chết bảy ngày trước đó. Ta bèn nghĩ đến thầy Ud-da-ka, nhưng thầy vừa qua đời mới ngày hôm qua”.

Đức Phật liền nghĩ đến nhóm năm vị tu sĩ, từng là bạn đồng tu khổ hạnh với ngài, đang tu tập tại vườn Nai, thuộc Ba-la-nại. Ngài đã lên đường, gặp họ tại đây. Trong bài Kinh đầu tiên, Kinh Chuyển Pháp Luân, ngài đã khẳng định: “Này các đệ tử, những ai không đạt giác ngộ, không thông hiểu tứ thánh đế, nên họ trôi lăn trong vòng luân hồi. Khi tu tập thuần thục, đạt được giác ngộ, họ sẽ hiểu rõ bản chất khổ đau, nguyên nhân khổ đau, hạnh phúc chân thật, con đường chuyển hóa khổ đau.”

Quả Vị Giác Ngộ Của Đức Phật

Đức Phật đã chứng quả giác ngộ hoàn hảo ở thế đời. Đây là kiếp sống cuối cùng của ngài. Từ nay trở đi, ngài không bị nghiệp lôi kéo. “Này các đệ tử, chỉ có một người giác ngộ viên mãn duy nhất xuất hiện ở trên cõi đời, không có người ngang bằng và tương tự. Ta là Như Lai, bậc chánh đẳng chánh giác, và là bậc tối thượng giữa các loài hai chân.” “Sự kiện sau đây không thể xảy ra: trong một thế giới không có hai đức Phật, xuất hiện cùng lúc. Trong một thế giới, chỉ có một đức Phật chứng đắc giác ngộ viên mãn.”

“Này các đệ tử, ví như trong ao sen, có các loại sen xanh, sen hồng, sen trắng sanh ra trong nước, lớn lên trong nước, vươn ngang mặt nước, và vượt ra khỏi mặt nước, song qua quá trình mọc và sống trong ao nước, tất cả các loại hoa sen đều lần lượt nở hoa tươi tốt. Cũng vậy, sanh ra trong đời, lớn lên trong đời, Ta chinh phục đời, không bị dòng đời chi phối. Ta là đức Phật, bậc giác ngộ và tỉnh thức trọn vẹn. Ta trở thành người không bị tham, sân, si, và vô minh chế ngự. Ta sanh ra đời, vì lòng bi mẫn, an vui, và hạnh phúc cho số đông trên khắp hành tinh này.”

Trao Truyền Chánh Pháp và Tiếp Nối Ngọn Đèn Chân Lý 

Sau khi nhận lời thỉnh cầu của vị Phạm thiên Sahampati, đức Phật lên đường giáo hóa A-nhã Kiều-trần-như, Vap-pa, Bạt-đề, Ma-ha-na-ma, A-ssa-ji, Ông Da-xá, gia đình Da-xá, và bạn bè Da-xá, tổng cộng 60 vị A-la-hán có mặt đầu tiên trên thế giới này. Ngài tiếp tục giáo hóa ba vị giáo chủ của đạo sĩ thờ lửa: Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp, Nan-đà Ca-Diếp, Già-da Ca-diếp, cùng một ngàn môn đệ của họ. Hầu hết các vị vua chúa, các nhà đạo học và thế học đương thời đều được đức Phật hóa độ. Họ đều có hướng đi chân chánh, sáng ngời, và nương tựa vững chãi về ánh sáng giác ngộ và tỉnh thức của Phật đà.

Đức Phật và các vị đệ tử của Người sống chủ yếu nương vào thiền định và việc bố thí của người đàn việt để nuôi dưỡng thân tâm, nương vào môi trường thiên nhiên, vào sự tu chứng, an lạc, và hạnh phúc của tự thân để giáo hóa tha nhân. Sống đời sống không gia đình, quý Ngài dành nhiều thời gian tu tập và phục vụ chúng sanh, nương vào tình thầy trò, tình pháp lữ, tình đồng tu, tình hộ pháp và hoằng pháp để xây dựng Tăng thân và làm lợi lạc cho quần sanh. (c)

Trong số đó, những vị đệ tử đức hạnh, tài đức, và nổi tiếng nhất của Đức Phật được liệt kê dưới đây là:

Những vị NAM XUẤT SĨ đức hạnh nhất gồm có:

Tôn giả Xá Lợi Phất – vị thầy có trí tuệ biện tài vô ngại, đối đáp và giải quyết mọi hoàn cảnh khéo léo, uyển chuyển, và nhanh lẹ đệ nhất.

Tôn giả Mục Kiền Liên – vị thầy có thần thông, tấm lòng hiếu thảo, cung thỉnh và cúng dường đại Tăng đệ nhất.

Tôn giả Ma Ha Ca Diếp – vị Tổ Sư gương mẫu có khả năng thu nhiếp đại chúng, lãnh đạo Tăng đoàn, tu hành khổ hạnh, và chủ tọa cho kỳ kiết tập Kinh điển lần thứ nhất.

Tôn giả Tu Bồ Đề – Vị thầy thâm nhập và quán chiếu tánh không đệ nhất.

Tôn giả Phú Lâu Na – Vị giảng Sư tài giỏi thuyết pháp đệ nhất.

Tôn giả Ca Chiên Diên – Vị luận Sư tài giỏi luận giải Phật pháp đệ nhất.

Tôn giả A Na Luật – vị thầy có cái nhìn không chướng ngại, thiên nhãn đệ nhẩt.

Tôn giả Ưu Ba Li – Vị luật Sư tài đức trùng tuyên Luật tạng, và hành trì giới Luật đệ nhất.

Tôn giả A Nan – vị thầy có khả năng nghe nhiều, tiếp thu, nhớ kỷ Phật pháp, trùng tuyên Kinh tạng, cũng là vị thị giả hảo tướng, trung thành, tận tâm, chu đáo, và khéo léo đệ nhất, và thành công thỉnh mời đức Phật 3 lần chấp nhận nữ giới xuất gia, và thành lập Tăng đoàn tỳ kheo ni.

Tôn giả La Hầu La – vị thầy trẻ tuổi có khả năng học hạnh kham nhẫn, lắng nghe, và thực hành oai nghi, tế hạnh để chuyển hóa thân tâm đệ nhất.

Những vị NỮ XUẤT SĨ đức hạnh nhất:

Nữ Tôn giả Kiều-đàm-di Pa-jā-pa-ti Gotami – Vị có tuổi hạ cao nhất, hướng dẫn, sáng lập, lãnh đạo Ni Đoàn, và tu hạnh khổ hạnh đệ nhất.

Nữ Tôn giả Thái-hòa Khe-mā – Vị có trí tuệ đệ nhất.

Nữ Tôn giả Liên-hoa-sắc Up-pa-la-van-na – Vị chứng đắc thần thông đệ nhất.

Nữ Tôn giả Nan-dā – Vị thực tập thiền định đệ nhất.

Nữ Tôn giả Sa-ku-lā – Vị có thiên nhãn đệ nhất.

Nữ Tôn giả Dham-ma-din-nā – Vị giảng Sư thuyết pháp đệ nhất.

Nữ Tôn giả Bhad-dā Kac-cā-nā được biết như Ya-so-dha-rā – Vị chứng đắc thần thông đệ nhất.

Nữ Tôn giả Pa-ta-cā – Vị giỏi về Luật Tạng đệ nhất.

Nữ Tôn giả Ki-sa Go-ta-mi – Vị tu hành khổ hạnh đệ nhất.

Nữ Tôn giả Si-gā-la-ka-mā-tā – Vị có niềm tin chánh tín vững chắc đệ nhất. (c)

Những vị NAM CƯ SĨ đức hạnh nhất gồm có:

Trưởng giả Tu-đạt Cấp-cô-độc Su-dat-ta A-nā-tha-piṇ-ḍi-ka – Vị doanh nhân giàu lòng bố thí, cúng dường Tịnh Xá Kỳ Viên cho đức Phật và Tăng Đoàn, và hộ trì Tam Bảo tối thắng.

Đức vua Tần-bà-sa-la Bim-bi-sā-ra – Vị thí chủ thuần thành phát tâm cúng dường tinh xá Trúc-lâm đầu tiên cho đức Phật và Tăng Đoàn.

Đức vua Ba-tư-nặc Pa-se-na-di – Vị thí chủ đã can đảm ngăn cản, xóa bỏ tập tục giết hại sinh vật để tế thần Bà-la-môn, giải quyết, và làm sáng tỏ vụ án cô Sun-da-rì bị ngoại đạo giết để vu cáo đức Phật và Tăng Đoàn.

Lương y Jī-va-ka – Vị thầy thuốc giỏi giàu lòng từ bi tận tụy chăm sóc sức khỏe cho đức Phật, Tăng Đoàn, và mọi người trong đó có Vua Tần-bà-sa-la Bim-bi-sā-ra, Vua A-xà-thế A-jā-ta-sat-tu, v.v…

Ông Cit-ta – Vị giảng sư cư sĩ thuyết pháp làu làu.

Ông Hat-tha-ka – Vị hành giả giỏi về nhiếp phục hội chúng và tinh chuyên thực tập Tứ Nhiếp Pháp gồm có bố thí, ái ngữ, lợi hành, và đồng sự.

Ông Ug-ga-ta – Vị thí chủ có tâm thuần thành hộ trì Tăng Đoàn.

Ông Sū-ra-Am-baṭ-ṭha – Vị thí chủ có lòng tin chánh Pháp không thối chuyển.

Ông Ta-pu-sa và Ông Ba-li-ka – Hai vị thí chủ cúng dường bữa ăn đầu tiên cho đức Phật sau khi giác ngộ vào tuần lễ thứ bảy, sau đó hai người xin quy y Phật và quy y pháp. Tăng đoàn chưa thành lập tại Bồ-đề-đạo-tràng.

Những vị NỮ CƯ SĨ đức hạnh nhất gồm có:

Bà Su-jā-ta – Vị thí chủ cúng dường bát cháo sữa cho đức Phật trước khi ngài giác ngộ, là người nữ đầu tiên quy y đức Phật.

Bà Tỳ-xá-khư Vi-sā-kha – Vị thí chủ thuần thành trọn lòng cúng dường Lộc-mẫu Giảng Đường cho đức Phật và Tăng Đoàn, và hộ trì Tam Bảo tối thắng.

Bà Khu-jjut-ta-rā – Vị thí chủ có khả năng nghe nhiều và nhớ rõ Phật pháp.

Bà Ut-ta-rā – Vị thí chủ giỏi về việc tu tập thiền định.

Bà Sā-mā-va-tī – Vị có lòng từ bi rộng lớn.

Bà Kā-ti-yā-nī – Vị thí chủ có lòng tin chánh pháp sâu sắc.

Bà Sup-pi-yā – Vị thí chủ có tấm lòng chăm sóc người bệnh tận tình và chu đáo.

Bà Na-ku-la-mā-tā – Vị thí chủ tận tâm thực tập nói lời ái ngữ tuyệt vời.

Bà Sup-pa-vā-sā – Vị thí chủ cúng dường các món ăn hảo hạng cho đức Phật và Tăng Đoàn. (c)

Khi các đệ tử của đức Phật càng ngày càng đông, đức Phật động viên và khuyên bảo:

“Này các đệ tử, hãy siêng năng du hành. Vì an lạc cho số đông, vì hạnh phúc cho số đông, vì lòng bi mẫn và lợi ích cho đời, tất cả các vị đừng đi chung một con đường. Hãy ra đi nhiều hướng khác nhau để hoằng dương chánh pháp và cứu độ chúng sanh. Hãy đem sự tu tập, an lạc, và hạnh phúc của tự thân để giáo hóa tha nhân. Giáo pháp của Như Lai toàn hảo ở chặn đầu, toàn hảo ở chặn giữa, toàn hảo ở chặn cuối, cả ý nghĩa lẫn văn tự. Các vị hãy công bố đời sống thánh thiện và hòa bình cho số đông trên khắp hành tinh này. Như Lai sẽ đi về hướng U-ru-ve-la để truyền bá chân lý.”

“Này các đệ tử, xưa cũng như nay, Như lai chỉ nói lên hai mục tiêu chính, đó là, nhận diện khổ đau và chuyển hóa khổ đau bằng cách áp dụng và thực hành Con Đường Bát Chánh ngay bây giờ và ở đây trong đời sống hiện tại. Này các đệ tử, Như Lai không tranh chấp cái gì với đời, chỉ có cuộc đời tranh chấp với Như Lai. Để thực hành tốt đẹp như thế, mỗi khi thuyết pháp, quý vị hãy nuôi dưỡng tâm từ bi và không nên tranh chấp với ai ở đời.”

Đức Phật Là Người Chỉ Đường

“Này các đệ tử, là bậc đạo sư, những gì Ta làm là vì từ mẫn, đem lại hòa bình và hạnh phúc cho pháp giới chúng sinh trên khắp hành tinh này. Đây là gốc cây, đây là nơi an tĩnh, hãy siêng năng thực tập thiền định, chớ có phóng dật, chớ có hối tiếc về sau. Đây lời Ta dạy. Hãy cố gắng thực hành. Này các đệ tử, truyền thống tâm linh do Như Lai thiết lập, vô cùng tốt đẹp, có giá trị lớn, các vị hãy tiếp tục duy trì.”

“Đức Thế Tôn là bậc đã được giác ngộ, thuyết giảng phương cách để được giác ngộ. Thế Tôn điều phục, thuyết giảng phương pháp để được điều phục. Thế Tôn tịch tịnh, thuyết giảng phương pháp để đạt tịch tịnh. Thế Tôn vượt qua, thuyết giảng phương pháp để được vượt qua. Thế Tôn niết-bàn, thuyết pháp phương pháp đạt được niết-bàn.”

“Này các đệ tử, có một con đường Bát Chánh đưa đến niết-bàn; Như Lai có mặt với tư cách là bậc đạo sư chỉ đường. Những gì cần dạy, Ta đã chỉ dạy. Những gì cần làm, Ta đã làm xong. Trong hội chúng đây, có những người chứng đắc thánh quả, có số người đang và sẽ nỗ lực thực tập Phật pháp. Như Lai là bậc đạo Sư chỉ ra con đường đúng cho các vị.”

Về sau, đức Phật giáo hóa rất nhiều hạng người khác nhau trong mọi tầng lớp xã hội, như các vua quan, quần thần, thương gia, tôi tớ, thậm chí những kẻ hốt phân, kẻ sát nhân và kỷ nữ. Giáo pháp và Tăng đoàn của đức Thế Tôn đều có khả năng dung nhiếp những người đến từ các giai cấp, tôn giáo, màu da, chủng tộc…khác nhau. Những ai có đủ duyên lành tu, học, hiểu, thực hành, và ứng dụng Phật pháp vào trong đời sống hằng ngày một cách chánh niệm và tỉnh giác, thì họ có thể đem lại an lạc và hạnh phúc đích thực cho tự thân và cho tha nhân ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại.

Các đệ tử của đức Phật chủ yếu bao gồm hai Chúng lớn: xuất gia và tại gia. Cả hai chúng này đều hỗ trợ với nhau như hình với bóng làm yếu tố then chốt để cùng nhau đem đạo Phật đi vào cuộc đời và giúp đời thêm vui bớt khổ.

Hoằng dương chánh pháp trong 45 năm, tất cả những gì đức Phật dạy như nắm lá cây trong lòng bàn tay nhằm giúp con người nhận diện và chuyển hóa khổ đau, và giúp họ sống đời sống an vui và hạnh phúc ngay tại thế gian này (c).

Những Lời Di Chúc

“Này các đệ tử, bốn mươi lăm năm, rày đây mai đó, Ta đã truyền bá chánh Pháp này rồi, với hàng ngàn bài chân lý cao quý, cho nhiều hạng người khác nhau, từ vua đến dân, từ giai cấp cao đến giai cấp thấp, từ những người Phật tử và không phải Phật tử. Những ai có duyên lành học, hiểu, áp dụng, và thực hành Phật pháp vào trong đời sống hằng ngày, thì họ có khả năng từ bỏ các nghiệp xấu ác, phát triển thiện tâm, thanh lọc tâm ý, hướng đến an vui, hạnh phúc, giải thoát, Niết-bàn ngay trong hiện đời. Nay đã đến lúc thân thể ta bệnh. Vào ngày cuối cùng, đức Phật đang ở tại rừng cây Sa-la, và dạy như sau: “Thân ta già bệnh, còm người phía trước, tay chân rã rời, giác quan yếu dần, da ta nhăn nheo, mắt ta không còn trong sáng như trước đây nữa. Này các đệ tử, sự tình là như vậy. Bản chất của già nằm trong tuổi trẻ. Bản chất của chết nằm trong sự sống.

“Này các đệ tử, Như Lai giảng pháp, không hề phân biệt, không hề giấu giếm trong ta điều gì. Ta nghĩ rằng: “Đạo đức, thiền định, và trí tuệ sẽ là những bậc thầy toàn hảo và cũng là những lời dạy then chốt cho Tăng đoàn.” Ta không nghĩ rằng: Ta là lãnh đạo của cả Tăng đoàn. Tăng đoàn phải chịu hướng dẫn của ta. Ta đã công bố con đường giác ngộ. Nay ta đã già, tám mươi tuổi rồi, sắp đến lúc từ giả cuộc đời. Thân thể của ta như cỗ xe cũ, trong thời gian ngắn dần dần hoại diệt. Khi ấy tâm ta không còn tác ý đến tướng già nua, cảm giác lo lắng và sợ hãi trong ta sẽ không khởi lên. Ta chứng đắc và an trú tâm định vô tướng. Thân tâm ta vô cùng thoải mái, tự tại.”

“Này các đệ tử, hãy tự mình thắp đuốc mà đi, hãy tự mình nương tựa nơi chính mình, hãy tự mình nương tựa nơi hải đảo của tự thân, hãy tự mình làm hòn đảo để mình nương tựa, hãy nương tựa vào chính mình như một hòn đảo, hãy an trú chính mình như một nương tựa vững chãi, không nương tựa vào một ai khác. Hãy dùng Chánh pháp làm ngọn đèn soi sáng, hãy dùng chánh pháp làm nơi nương tựa cho chính mình, hãy dùng chánh pháp làm hải đảo cho tự thân, không nương tựa vào một vật gì khác. Nương tựa vào pháp có nghĩa là nương tựa vào sự tu tập đạo đức, thiền định, trí tuệ, giải thoát, và giải thoát tri kiến của chính mình. Không nương tựa vào bất cứ ai và bất cứ cái gì khác.

Trước khi nhập Niết Bàn, đức Phật khuyên dạy các đệ tử: “Hỡi các đệ tử. Các pháp hữu vi đều vô thường và biến đổi. Các vị hãy tinh tấn tu học và thực hành phật pháp nhiều hơn nữa, để đem lại an vui và hạnh phúc cho tự thân và cho tha nhân ngay trong cuộc đời này. Đây là những lời giáo huấn tối hậu của ta cho các người.” (c)

Từ Giã Cõi Đời

“Khi nghe tin Phật đã nhập niết-bàn, dân tộc Malla tại Câu-thi-la, Tăng, Ni, Phật tử, tất cả mọi người tâm tư khổ não, đau đớn sầu muộn, kẻ thì khóc than với đầu tóc rối, người thì than thân, bổ nhoài dưới đất.

Đứng trước cảnh tượng từ giã đạo sư, các vị tu sĩ chưa chứng thánh quả, họ đã không thể nào ngăn cản dòng lệ kính tiếc. Vì sao Thế Tôn nhập diệt quá sớm. Thế Tôn đi rồi, pháp nhãn biến mất khỏi cõi đời này. Thật là uổng tiếc. Đối với các vị đã chứng quả thánh, an trú chánh niệm, nội tĩnh suy tư: “Mọi thứ trên đời đều là vô thường. Không ai tránh được phút biệt ly này.”

“Không ai bảo ai, nhiều người gom góp hương, hoa, nhạc khí, lụa quý… đem về khu rừng Sa-la, cung kính, tưởng niệm, làm lễ hỏa thiêu kim thân đức Phật suốt bảy ngày liền. Trước khi đưa tiễn kim thân đức Phật đến giàn hỏa thiêu, mọi người cúng dường thân xá-lợi Phật với các điệu múa, lời ca thiền vị, tràng hoa, hương liệu. Kim thân của Phật được quấn lụa quý, gồm năm trăm lớp, đặt trong kim quan. Một giàn hỏa thiêu tẩm hương liệu quý nâng kim thân Phật. Hàng trăm tràng hoa được tôn trí đẹp. Tôn giả Ma Ha Ca-diếp và năm trăm vị đệ tử Tỳ-kheo vội vã đường về từ xứ Pava, đúng một tuần lễ, mới về tới nơi.”

“Khi Tôn giả Ma Ha Ca-diếp và tất cả mọi người đảnh lễ Thế Tôn, lửa bắt đầu cháy. Hương thơm tỏa ngát, cảnh trời xao xát, tâm người buồn tênh. Sau lễ hỏa thiêu, kim thân của Phật để lại rất nhiều các viên xá-lợi, vô cùng quý giá. Xá-lợi của Phật chia làm tám phần, đựng trong tráp đá, dành cho tám Vua Phật tử thuần thành, xây tháp tôn thờ tại nước của họ, giúp cho bá tánh có dịp chiêm bái.

Trụ thế ở đời 80 năm, khoảng năm 544 trước công nguyên, lúc 80 tuổi, đức Phật nhập diệt tĩnh lặng, nằm nghiêng mình về hông phải, chân trái duỗi thẳng trên chân phải, đầu quay về hướng Bắc dưới hai cây song thọ tại rừng Sa La tại quận Câu Thi Na, Ấn Độ ngày nay.

Để tỏ lòng tôn kính và tri ân sâu sắc đối với đức Thế Tôn, các đệ tử của ngài tự mình phải sống đúng với chánh pháp bằng cách phát nguyện không làm các việc ác, hãy làm các việc lành, giữ thân tâm thanh tịnh. Tất cả chúng ta phải là những món quà tu tập, hòa bình, an vui, và hạnh phúc đích thực để hiến tặng cho tự thân và cho tha nhân ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại. Khi tụng tới đây, Phật tử chúng con trọn lòng thành kính đảnh lễ đức Phật, giáo pháp vi diệu, và Tăng đoàn an lạc.”

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (3 lần)

SÁM PHẬT ĐẢN

Đệ tử hôm nay, Gặp ngày Khánh Đản,

Một dạ vui mừng, Cúi đầu đảnh lễ

Mười phương tam thế, Điều Ngự Như Lai,

Cùng Thánh, Hiền, Tăng.

Chúng con cùng pháp giới chúng sanh,

Bởi thiếu nhân lành, Thảy đều sa đọa,

Tham sân chấp ngã, Quên hẳn đường về,

Tình ái si mê, Tù trong lục đạo,

Trăm dây phiền não, Nghiệp báo không cùng.

Nay nhờ Phật Tổ Năng Nhân,

Dũ lòng lân mẫn,

Không nỡ sinh linh thiếu phước,

Nặng kiếp luân hồi, Đêm dày tăm tối,

Đuốc tuệ rạng soi, Nguyện cứu muôn loài,

Pháp dùng phương tiện. Ta bà thị hiện,

Thích chủng thọ sinh,

Thánh Ma gia mộng ứng điềm lành,

Vua Tịnh Phạn phước sinh con thảo,

Ba mươi hai tướng tốt,

Vừa mười chín tuổi xuân,

Lòng từ ái cực thuần,

Chí xuất trần quá mạnh,

Ngai vàng quyết tránh, Tìm lối xuất gia,

Sáu năm khổ hạnh rừng già,

Bảy thất nghiêm tinh thiền tọa,

Chứng thành đạo quả, Hàng phục ma binh,

Ba cõi đều dậy tiếng hoan nghênh,

Muôn vật thảy nhờ ơn tế độ.

Chúng con nguyền:

Dứt bỏ dục tình ngoan cố,

Học đòi đức tánh quang minh,

Cúi xin Phật Tổ giám thành,

Từ bi gia hộ:

Chúng con Cùng pháp giới chúng sinh,

Chóng thành đạo cả. (c)

SÁM PHẬT THÀNH ĐẠO

Hào quang chiếu diệu; Sáng tỏa mười phương,

Ngộ lý chơn thường; Phá màn hôn ám.

Đệ tử lòng thành bái sám;

Trước điện dâng hoa,

Cúng dường Phật tổ Thích ca,

Ba ngôi thường trụ; Đệ tử chúng con;

Nhân lành chưa đủ; Nghiệp báo theo hoài,

Nay nhờ Văn Phật Như Lai;

Giáng trần cứu độ; Sáu năm khổ hạnh,

Bảy thất tham thiền; Ma oán dẹp yên,

Thần long che chở; Tâm quang rực rỡ,

Chứng lục thần thông; Lộ chiếu minh tinh,

Đạo thành chánh giác; Trời, người hoan lạc,

Dậy tiếng hoan hô; Năm mươi năm hóa độ,

Ba trăm hội đàm kinh;

Cứu phàm ngu thoát khỏi mê đồ,

Tiếp Hiền Thánh siêu sinh tịnh độ,

Muôn đời xưng tán; Vạn đức Hồng danh!

Đệ tử chí thành; Lễ bày kỷ niệm;

Tâm hương phụng hiến; Gọi chút báo ân;

Ngữa trông vô thượng Pháp Vương,

Từ bi gia hộ. (C)

HỒI HƯỚNG

Nguyện tiêu tam chướng trừ phiền não,

Nguyện đắc trí huệ chơn minh liễu.

Phổ nguyện tội chướng tất tiêu trừ,

Thế thế thường hành Bồ Tát đạo. (C)

Nguyện sanh Tây-phương Tịnh độ trung,

Cửu phẩm liên hoa vi phụ mẫu.

Hoa khai kiến Phật ngộ Vô sanh,

Bất thối Bồ Tát vi bạn lữ. (C)

TAM TỰ QUY Y

  • Tự quy y Phật, xin nguyện chúng sanh, Thể theo đạo cả, phát lòng vô thượng. (1 lạy)
  • Tự quy y Pháp, xin nguyện chúng sanh, Thấu rõ kinh tạng trí tuệ như biển. (1 lạy)
  • Tự quy y Tăng, xin nguyện chúng sanh, Thống lý đại chúng, hết thảy không ngại. (1 lạy)

    HỒI HƯỚNG

    Nguyện đem công đức này,

    Hướng về khắp tất cả,

    Đệ tử và chúng sanh,

    Đều trọn thành Phật Đạo. (ccc)

    chaptay

    ——————————

  • Nguồn: Chùa Đại Bi, Plano, TX
  • Đánh máy, trình bày: Bông Nguyễn
  • Post: By Admin

Post Comment