Tôi cầu nguyện cho người đàn bà ấy nhanh về cõi thiên thu, như vậy tôi mới có thể an tâm sống trong căn nhà khang trang của cha mẹ tôi và bà ấy để lại – căn nhà mà tôi cùng vợ cật lực làm lụng suốt đời cũng không thể có được.
Đó là căn biệt thự xinh đẹp hai tầng, mái hình chữ A, bốn phía đều có cửa sổ lắp kính Nhật sáng loáng, ẩn hiện trong vườn cây ăn trái cổ thụ với các lối đi chính được lát đá hoa cương, vườn rau trong nhà lồng kính và ao cá thơ mộng với nhà thủy tạ xinh xắn phía cuối hồ. Thường trực bên nó là chiếc ca-nô làm bằng chất liệu composite tuy cũ nhưng là hàng ngoại nhập nên rất an toàn và có tốc độ lớn. Một cây cầu bê-tông cách điệu nối nhà thủy tạ với bờ là nơi mà ngày xưa tôi cùng bà ấy chạy nhảy tung tăng vui đùa. Đó cũng là nơi mà tôi rất thích ngồi câu cá, câu lươn.
Bà ấy là chị tôi. Chị sinh đôi với tôi. Bả lớn tuổi hơn tôi năm phút. Chẳng hiểu sao, từ ngày tôi lấy vợ thì bà ấy đâm ra khinh ghét tôi vô cùng, không như lúc cha mẹ tôi qua đời bà rất mực thương yêu và chăm sóc tôi. Nhiều lúc tôi thấy bà ấy lo cho tôi còn hơn mẹ tôi ngày nào, từ áo quần giày vớ cho tới nón mũ đều do một tay bà sắm sửa, giặt giũ. Tôi chỉ biết ăn học, chơi đùa mà chẳng phải lo toan gì. Tôi không thể nào quên lúc tôi nằm điều trị dài ngày tại bệnh viện thì bà ấy cũng nằm gần bên nhưng luôn hỏi mẹ xem tôi khỏe chưa và luôn nhường sữa cho tôi uống trước, nhường cháo cho tôi ăn xong.
Ngoài số bất động sản trên thì cha mẹ tôi chẳng để lại vàng bạc, châu báu hay tài khoản nào cho tôi và bà ấy, trừ vài món trang sức không mấy giá trị. Cha tôi kỹ tính, luôn lường trước đoán sau, ông bảo: “Đừng dại mà mất mạng chỉ vì một món nữ trang đắt tiền. Sang trọng đâu không thấy chỉ thấy lưu manh côn đồ luôn liếc dọc nhìn ngang”. Chính vì lẽ đó mới khiến tôi suy nghĩ, bởi hơn năm năm rồi kể từ khi cha mẹ tôi mất, cuộc sống của tôi và bà ấy cũng không có nhiều thay đổi. Cơm vẫn ngày ba bữa, thứ Bảy Chủ nhật tôi thường đi chơi xa và bà ấy vẫn luôn cho tiền. Tôi nghĩ cha mẹ tôi đã giao cho bà ấy một tài sản lớn nào đó mà tôi là người không được tin tưởng. Tôi đâm ra nghi kỵ và ghét cay ghét đắng chị mình từ đó. Càng ghét hơn khi tôi cưới vợ thì mặt mày bà ấy lúc nào cũng sưng sỉa, cao ngạo như kẻ cả, phán điều này điều kia và luôn yêu cầu vợ chồng tôi phải hoàn thành. Từ việc nấu nướng, lau nhà cho tới nhổ cỏ quét rác và trớ trêu hơn là vợ tôi hàng tháng phải đóng tiền cơm. Tôi tính phản ứng thì vợ tôi can ngăn:
– Đúng thôi, có ăn thì phải đóng góp, chị có giữ gì cho riêng chị đâu.
– Em biết gì mà nói, tiền bả in ra chắc.
– Ý anh nói là của hương hỏa?
– Không thế thì bả là phù thủy à.
– Thôi anh, để gia đình yên đi.
– Nhịn hoài thêm ghét.
Vợ chồng tôi thuộc loại hiếm muộn, đồng lương công chức của vợ tôi không giải quyết được chuyện này. Không còn cách nào khác, tôi đành hỏi bả xin vay.
– Tôi làm gì có nhiều tiền thế mà vay với mượn – Giọng bả chua lè.
Chừng như áy náy, bả bảo tôi:
– Có cần phải bán bớt vườn đất không?
– Em thấy cái ao cá chẳng tích sự gì.
– Không được, không có cái ao ấy thì cạp đất mà ăn à.
– Thế thì thôi vậy, ráng thời gian nữa xem sao.
– Ừ, có gì đâu mà vội.
Mùa mưa lại về. Mưa ở đây thật khủng khiếp, sấm chớp tha hồ gầm rú thét gào. Thị uy cùng nó là những con lốc xoáy hung hăng, thất đức. Nếu mái nhà tôi không là bê-tông cốt thép ngói dán lên đó thì nó đã bay mất tiêu lâu rồi. Vì thế mà những cơn mưa đầu mùa ở đây luôn gây tai họa cho người và gia súc cũng như nhà cửa, ruộng vườn. Cảnh hoang tàn đổ nát khi cơn lốc bỏ đi là điều không hiếm gặp đối với vùng đất trù phú, đẹp và nên thơ này.
Mưa thì nhà tôi chẳng có gì để ăn ngoài cơm và tương cà. Điều đó xảy ra thường xuyên mà tôi nào chú ý. Chỉ chú ý mỗi một việc là bả bệnh thì tôi cũng đau. Còn lần đau gần đây nhất thì hơi khác biệt bởi tôi đã ra viện về nhà còn bả vẫn nằm liệt giường ở đó.
Vợ tôi đóng vai bả lúc nào không hay, lo trong nhà ngoài vườn, thu chi chợ búa cộng với đồng lương cơ bản nhưng bữa ăn vẫn đạm bạc hơn khi có bả nhiều. Ghét thì vẫn ghét bả nhưng nhìn bả đau quằn quại thì tôi đâu thể nào bỏ mặc, tôi hỏi bả:
– Chị còn tiền cất đâu để em chuyển chị lên tuyến trung ương.
– Còn ít trong tủ của chị, chìa khóa vẫn để ở đó. Nhưng đi làm gì hả em, chị biết không thể…
– Thì cứ thử xem sao.
Đúng như lời bả nói, bác sĩ tài giỏi cỡ nào cũng phải bó tay, khối u di căn vào tận xương phổi rồi thì chẳng làm gì được nữa. Bác sĩ còn nói người có đủ hai quả thận có khi sống được thêm vài ba tháng đằng này bả chỉ có một nên chẳng nói trước được điều gì.
Sẵn dịp, tôi yêu cầu bác sĩ thăm khám chứng hiếm muộn cho vợ chồng tôi. Đau xót thay chính tôi là nguyên nhân của bất hạnh này. Tôi cũng chỉ có một quả thận như bả.
Đám tang bả không buồn như tôi nghĩ, chòm xóm không thiếu một ai. Họ đến bằng cả tấm lòng, nước mắt lúc nào cũng chực chờ, không ráo hoảnh như vợ chồng tôi. Tôi biết điều đó chẳng hay ho gì nhưng tôi không khóc được, có chăng là lúc hốt nắm đất rải xuống huyệt mộ vĩnh biệt người thân yêu của mình.
Tôi rất ghét chuyện ngồi lê đôi mách nhưng tôi lại cố ý lắng nghe những lời bạn bè bả to nhỏ thì thầm. Họ nói chưa có ai hiền và dễ thương như bả. Gớm, thương mà được thì tôi đã thương. Họ còn nói như cố để cho tôi nghe:
– Hy sinh hết cho em rồi còn gì, không lấy chồng vì sợ em khổ. Con trai làm gì biết bếp núc, lo toan…
– Cũng có lý nhưng một phần thôi, quan trọng nhất là nó chỉ có một trái thận thì đẻ đái được gì?
– Sao không, khối gì người như thế mà vẫn con đàn cháu đống.
– Hy hữu lắm bà ơi, tuổi nó cũng lớn rồi.
– Suỵt, nghe đâu vợ chồng em nó bạc lắm.
– Sao bà biết?
– Nó thường khóc và than thở với tui.
– Hân hạnh quá!
– Tui vẫn thường kéo lưới phụ nó hoài mà.
– Thật ư?
– Sao không.
Giờ thì tôi thật sự phân vân, lẽ nào bả tốt đến thế. Không, chị tốt đến thế. Hệ thống lại những chuyện đã qua thì tôi thấy mình xấu hổ vô cùng. Tôi chạy lên phòng chị lục tung mọi thứ hầu tìm ra sự thật nào chăng. Chẳng có gì ngoài sổ thu chi hàng ngày.
“… 20-6 thu: 13 ký cá = 234.000đ. Chi: tiền chợ = 71.000đ.
27-6 thu: 3 ký cá + rau = 74.000đ. Chi: tiền chợ = 106.000đ…”
Tôi còn lòng nào để nghi ngờ về sự vất vả gian lao của chị, về của hương hỏa nổi chìm. Tôi đúng là một đứa em vô tâm, chỉ biết mình và vợ mà không biết ai khác. Tự dưng nước mắt tôi dâng trào, tôi khóc như chưa bao giờ được khóc, khóc như đứa trẻ khát sữa mẹ.
Tôi ù chạy đến bàn thờ chị, quỳ phủ phục xuống sàn nhà nức nở, nghẹn ngào. Quý thầy và bạn bè chị vẫn còn đó. Họ sắp xếp bàn hương án và chuẩn bị an vị hương linh cho chị.
Khi công việc đã hoàn tất, thầy trụ trì chùa làng ngồi lại dùng trà với gia đình và chòm xóm thân thuộc, thầy bảo tôi phải chăm chú lắng nghe:
– Giờ là lúc các con phải biết sự thật để mà tu tâm dưỡng tánh, ăn chay niệm Phật cầu mong cho chị mình sớm được siêu thoát, bởi chị con đã hy sinh cho con nửa mạng sống quý giá của mình. Do bệnh ngặt nghèo bộc phát, con không thể sống với cặp thận hầu như phải vất của mình. Người duy nhất có thể cứu sống con là chị con. Con sống được tới ngày hôm nay là nhờ một trái thận của chị con.
Thầy biết chị em con cơm chẳng lành canh chẳng ngọt, nhưng con ơi, hàng ngày con bưng bát cơm ăn mà con đâu biết chị mình phải vất vả kiếm từng cọng rau, con cá. Nếu con biết thì chuyện đó đã không xảy ra. Với tấm thân tiều tuỵ của chị con, thầy nghĩ nếu không có vườn rau và cái ao kia thì con không thể hoàn thành cấp học của mình. Mưa nắng, gian lao vất vả cũng góp phần làm cho bệnh tình của chị con nặng hơn, hậu quả là đau buồn mà các con đang mang vác.
Còn điều này nữa, tuy là không thật khoa học nhưng nghe đâu những đứa sinh đôi thường có chung một bệnh lý nào đó nên con phải hết sức giữ gìn sức khỏe của mình. Tu niệm cũng là cách làm cho tâm hồn mình được thư thái, mà tâm hồn thư thái thì bệnh tật sẽ không dám bén mảng.
Bầu trời quanh tôi chừng như suy sụp hoàn toàn, chỉ có nước mắt mới xoa dịu được vết thương lòng. Chị ơi, đời em là của chị, bởi trong em chị luôn hiện hữu. Em sẽ sống như chị từng sống, gần gũi yêu thương hòa nhã với mọi người.