Những chiếc lá như những nét môi xinh hôn lên tiếng chim trong veo chào ngày mới. Lọn nắng bình yên buông những sợi nhung ấm áp vắt qua ô cửa sổ tươi nồng, mềm mại. Nghe đâu đó cái xênh xang của màu, của hương, của thanh âm đất trời miên man đậu trên từng tế bào cảm xúc. Xuân đã về!
Sáng sớm, tôi vừa cầm chổi rơm quét vuông sân nhỏ, vừa nghêu ngao hát. Bất chợt ở cổng thấp thoáng hình ảnh một cậu bé áo quần rách rưới. Em rụt rè, lén lút sau rào hoa giấy trộm nhìn tôi. Tôi đặt chiếc chổi xuống đống lá khô đang quét dở rồi chạy ra cổng.
– Chào em! Em cần tìm ai à?
Em run run cầm chiếc bị nhỏ chằng chịt những miếng vá, mắt ngân ngấn sợ sệt:
– Dạ, không ạ. Em… Em… – Cậu bé lúng túng.
– Anh có thể giúp gì được em không?
– Dạ, anh ơi, anh cho em xin bát gạo ạ – Em bật khóc.
Thì ra là một em bé ăn xin tội nghiệp. Tôi dẫn em vào nhà lấy nước mời em uống rồi múc mấy bát gạo đầy đổ vào chiếc bị nhỏ cho em. Tôi hỏi chuyện em và được biết em tên Hoàn, năm nay 7 tuổi. Mẹ em đang ốm nặng, nằm liệt giường chưa dậy được. Nhà lại hết sạch gạo, nên em phải trốn mẹ mang bị đi xin. Em là người làng bên. Làng tôi và làng em cách nhau bởi một ngọn đồi.
Nghe cái giọng kể nức nở, nghẹn ngào của em, lòng tôi se lại. Bây giờ đang vào mùa xuân. Trong khi những đứa trẻ khác bằng tuổi em xúng xính áo hoa, vòi tiền bố mẹ, tung tăng đi chợ Tết, thì em phải áo rách, chân trần vất vả mưu sinh cho cuộc sống bộn bề, nghèo đói. Nét mặt lấm lem làm em như khắc khổ hơn và già đi trước tuổi. Nhưng khi ra về em vẫn không quên hé một nụ cười chúm chím chào tôi:
– Em cảm ơn anh. Chào anh, em đi ạ.
Tôi nhìn theo cái dáng gầy nhỏ, tong teo của em khuất dần sau rào hoa giấy hồng phai. Lúc này, không hiểu tại sao, từ lồng ngực tôi trào lên một luồng cảm xúc rưng rưng khó tả, rồi mắt tôi ươn ướt nước. Suốt cả buổi sáng hôm đó, tôi ngồi vắt vẻo trên chiếc xích đu trong vườn khế ngọt đang trổ hoa tím biếc, vừa vu vơ nghĩ. Đã có những lúc tôi ngồi bó gối khóc thương số phận của mình sao quá hẩm hiu khi phải mặc những bộ quần áo lỗi mốt của anh trai hay những lần mẹ vắng nhà, đi học về đã mệt còn phải loay hoay xuống bếp nấu ăn. Bây giờ thì tôi vỡ lẽ ra rằng, có những người còn khốn khổ hơn mình gấp nhiều lần.
Và cũng ngay lúc này đây, đầu tôi chợt vang lên câu nói quen thuộc của mẹ: “Nhà ta không khá giả gì, nhưng có áo quần tươm tất mà mặc, có cơm no đủ bữa là may mắn hơn nhiều gia đình khác rồi. Con đừng nhăn nhó khi phải nấu một nồi cơm, luộc một mớ rau. Con biết không, có những người không có gạo mà nấu cơm, không có rau mà luộc đấy con ạ”. Ngày trước, khi nghe mẹ nói như thế, tôi không dám cãi lại,nhưng thầm nghĩ trong lòng, thời nay làm gì còn chuyện thiếu ăn thiếu mặc nữa.
Nhưng câu chuyện em bé nghèo đã giúp tôi thấm thía hơn lời dạy nhẹ nhàng mà sâu sắc của mẹ, điều mà tôi chưa bao giờ tìm thấy trong những cuốn sách dày cộm xếp ngay ngắn trên ngăn bàn học. Không biết những năm tháng sau này, mẹ con em sẽ sống ra sao? Cái dáng gầy mảnh tong teo của em cứ ám ảnh trong tâm trí tôi mãi.
Chiều nay, chiều ba mươi Tết. Anh trai về và mua cho tôi bộ quần áo mới. Quần jean ống bó và áo khoác thể thao cực teen. Tôi sung sướng lắm. Lại hiện lên trong đầu hình ảnh của Hoàn. Tôi quyết định lục hết tủ quần áo ngủ vùi bấy lâu, chọn những bộ lành lặn, không dùng đến nữa, xếp lại ngay ngắn để vào túi và gói ghém thêm một ít thức ăn mang sang làng bên cho em.
Sau một lát vật lộn loanh quanh với chiếc xe đạp cà tàng cũ kỹ trên những con đường dốc lơ chơ sỏi đá và hỏi han người này người nọ, cuối cùng tôi cũng tìm đến được nhà em. Ngôi nhà tranh lụp xụp nằm chênh vênh bên sườn đồi. Xung quanh bạt ngàn màu trắng dịu dàng của bồ công anh, loài hoa thuở bé đến giờ tôi rất thích. Những chiếc chong chóng bồ công anh tí xíu du êm trong gió vừa gợi một điều gì đó là hy vọng, nhưng đồng thời cũng vẽ nên những nét buồn man mác… Khung cảnh yên bình, gần gũi làm tôi có cảm giác như mình đã từng đặt chân đến nơi đây. Thấy tôi, Hoàn nhanh nhảu chạy ra đón.
– Ôi, em chào anh. Sao anh biết nhà em ở đây ạ?
– Anh thì ở đâu mà chả biết! – Tôi đùa.
Em cười:
– Anh siêu thật.
Tôi đem túi áo quần đặt vào lòng tay em:
– Cho em đấy. Mấy bộ quần áo cũ, em thông cảm…
– Dạ. Không sao đâu anh. Đối với em, quần áo cũ cũng quý lắm rồi! – Em ôm túi quần áo, đôi mắt ánh lên niềm vui giản dị.
Em nắm tay tôi dắt vào nhà. Không gian ẩm tối, chật chội. Mẹ em đang nằm trên chiếc giường tre ọp ẹp. Tôi cất tiếng chào. Mẹ em lóp ngóp bíu thành giường gượng dậy, thều thào đáp lại:
– Ừ, cô chào cháu. Cháu là bạn của Hoàn à?
– Vâng ạ! – Tôi đáp – Cô đã đỡ hơn chưa ạ?
Mẹ em trả lời “Cũng đỡ hơn nhiều rồi, cháu ạ” rồi khù khụ ho. Nghe tiếng ho ấy, tôi biết cô còn yếu lắm. Hoàn ngồi ở mép giường đỡ lấy lưng mẹ và mở toang ô cửa sổ. Nắng chiều xuân dìu dịu soi vào làm lộ rõ khuôn mặt hốc hác, gầy sọm của mẹ em. Làn da đã gấp đầy những nếp nhăn nhưng vẫn không thể che được vết sẹo chấm đuôi mắt phải. Một khuôn mặt rất quen mà hình như tôi đã được gặp ở đâu đó, lâu lắm rồi. Bất chợt ký ức tuổi thơ ùa về…
Nhớ một mùa xuân đã xa, vì mải mê chạy ngược ngọn đồi sau làng hái hoa bồ công anh, tôi bị lạc vào một vùng đất lạ. Lúc ấy, tôi chỉ biết đứng chôn chân khóc lóc sụt sùi. Và nếu như không may mắn gặp được người phụ nữ lên đồi hái lá dong về gói bánh Tết thì chẳng biết tôi sẽ ra sao nữa. Mẹ Hoàn, người có vết sẹo chấm đuôi mắt phải, chính là người phụ nữ đã cứu tôi năm nào. Chắc chắn như vậy. Tôi đem kể lại câu chuyện mùa xuân năm ấy với mẹ Hoàn. Cô cũng kịp nhận ra tôi. Tôi đến bên nắm lấy tay cô và Hoàn. Chúng tôi vỡ òa trong niềm xúc động.
Trên những vòm xanh nõn mềm, mướt mị, tiếng chim gọi nhau hân hoan, ríu rít. Tôi cùng Hoàn xuống bếp chuẩn bị cho mâm cơm tất niên. Trong khi tôi rút rơm nhóm bếp nấu cơm và hâm nóng ít thức ăn tôi mang từ nhà đi thì em chạy ra vườn hái thêm mớ cải ngọt và rau thơm. Hý hoáy mãi, cuối cùng “những đầu bếp nghiệp dư cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Chiều ba mươi, ba người chúng tôi ngồi quây quần bên mâm cơm nhỏ đạm bạc, thanh bần.
Căn nhà quạnh quẽ chợt trở nên ấm áp, vui tươi hơn bởi những tiếng nói cười khe khẽ. Để tăng thêm không khí Tết, tôi lấy chiếc máy nghe nhạc mini trong túi áo, bật vang những giai điệu rộn ràng trong bài hát “Ngày Tết quê em” thân thuộc: “Tết Tết Tết Tết đến rồi! Tết Tết Tết Tết đến rồi! Tết Tết Tết Tết đến rồi! Tết đến trong tim mọi người…”.
Truyện ngắn của Phan Đức Lộc