Chương 4: Những chủ đề lớn trong Kinh Tam Di Đề

Hạnh Phúc Mộng và Thực
Tác giả : Thích Nhất Hạnh
Nhà xuất bản : Lá Bối

Chương 4: Những chủ đề lớn trong Kinh Tam Di Đề

4.1 Pháp Thoại Ngày 06 tháng 10 năm 1994

Thưa đại chúng hôm nay là ngày mồng 06 tháng 10 năm 1994, chúng ta đang ở xóm Thượng, trong Khóa Tu Mùa Thu.

Phần đầu của buổi pháp thoại hôm nay, tôi dành để kết thúc Kinh Samiddhi, sau đó chúng ta sẽ bắt đầu học về Tứ Vô Lượng Tâm (3).

(3) Những giảng dạy về Tứ Vô Lượng Tâm đã được phiên tả và in lại trong cuốn “Thương Yêu theo phương pháp Bụt dạy”, Nhất Hạnh, Lá Bối xuất bản, 1995.

Kinh Samiddhi có nhiều chủ đềrất quan trọng. Chủ đề thứ nhất là Ý Niệm Về Hạnh Phúc. Ta đã thấy rằng những ý niệm về hạnh phúc có thể là những bẫy sập, giam hãm chúng ta trong vòng khổ đau. Vì vậy mà ý niệm về hạnh phúc nó liên hệ tới ý niệm về những bẫy sập của ngũ dục. Cách đây chừng một tháng, có một đạo hữu từ Hòa Lan sang Làng tu học. Các vị ở xóm Hạ hỏi thăm tại sao các cháu không cùng sang, đạo hữu ấy nói: “Dạ vì các cháu đang vướng vào bẫy ngũ dục”. Đạo hữu đó thấy các con mình đang vướng vào những nỗi khổ của ngũ dục, rất khó thoát ra mà ông không làm gì được hết! Đối với không biết giáo pháp đạo Bụt, ngũ dục là con đường của hạnh phúc, là con đường đưa đến hạnh phúc. Ngược lại Kinh Samiddhi nói rằng đó là những nẻo đường tăm tối, khổ đau. Chúng ta phải có lòng thương, sự hiểu biết, và đạo lực khá thâm hậu thì mới giúp họ thoát khỏi những bẫy sập của ngũ dục được, nếu không thì chúng ta chỉ đứng ngoài mà thương hại thôi. Nói rõ ra, không tu học thì không có khả năng giúp người thoát khỏi những bẫy sập ngũ dục.

Chủ đề thứ hai của Kinh Tam Di Đề là Hiện Pháp Lạc Trú. Khi vị Thiên nữ hỏi tại sao thầy lại bỏ lạc thú trong hiện tại để đi tìm lạc thú hứa hẹn trong tương lai, tìm cái lạc thú phi thời? Thì thầy Samiddhi nói rằng: Tôi đâu có bỏ hạnh phúc trong hiện tại để đi tìm một hạnh phúc hứa hẹn hão huyền ở tương lai đâu? Chính tôi đã bỏ cái hạnh phúc hão huyền kia để đi tìm một cái hạnh phúc có sẵn trong giây phút hiện tại đấy chứ! Thầy Samiddhi cũng nói thêm với vị Thiên nữ rằng ngũ dục đem lại cho chúng ta những cơn sốt, những nỗi khổ đau, trong khi đó thì pháp hiện pháp lạc trú đem lại hạnh phúc cho chúng ta ngay bây giờ và ở đây, không phải tìm đâu xa. Vì vậy trong kinh có danh từ vượt thoát thời gian (akalika), nghĩa là không có thời gian tính. Đây cũng là một chủ đề rất lớn trong toàn bộ giáo lý của đạo Bụt, và thường được xem là kim chỉ đạo của sự tu học Hiện Pháp Lạc Trú. Tiếc rằng có rất ít Thiền viện và Trung tâm tu học đưa chủ đề này ra để khai triển!

Chủ đề thứ ba là Nương Tựa. Nương tựa ở đây là nương tựa vào Pháp, vào một cái gì không phải là ý niệm. Khi sống với Chánh Pháp chúng ta đạt được sự an lạc, sự vững chãi, sự thảnh thơi. Nương tựa vào Pháp còn được gọi là nương tựa vào hải đảo tự thân.

Chủ đề thứ tư của Kinh Samiddhi là Mặc Cảm, hay là Mạn. Ba cái mặc cảm hơn người, thua người, và bằng người đều do ý niệm gọi là ngã chấp mà sinh ra. Khi quán chiếu để thấy được sự tương quan, tương liên hay tương tức của vạn pháp, chúng ta thấy được mọi sự sống là một, ta với người, ta với cây cỏ là một. Cũng vậy, sự bình an, niềm hạnh phúc không phải là vấn đề cá nhân, không thể nào có vấn đề hạnh phúc cá nhân. Khi chúng ta vượt thoát được ý niệm về ngã, thì tất cả những sợ hãi, lo lắng, giận hờn, buồn phiền, sẽ tan biến và hạnh phúc có thể có mặt thật sự. Khi niềm vui được xây dựng trên ý niệm về ngã thì niềm vui đó tính cách mong manh, không vững chãi, không đích thực. Chỉ khi nào sự sợ hãi vắng mặt, nỗi lo lắng giận hờn tan biến, thì niềm vui đó mới là niềm vui đích thực mà thôi.

Giảng dạy ý niệm về hạnh phúc, Bụt đưa ra ví dụ của một người bị án tử hình. Người tử tội biết rằng trong vòng bảy ngày nữa thì mình sẽ bị đem ra chém đầu. May có sự can thiệp của người thân, án được giảm xuống còn khổ sai chung thân. Khi nghe tuyên án lại ông ta rất đỗi vui mừng, nhảy nhót sung sướng ! Bụt kết luận cái sung sướng vì bản án khổ sai chung thân, đâu phải là cái sung sướng thật? Chỉ vì đem so sánh với bản án tử hình, thì khổ sai chung thân mới được xem là một niềm vui. Thật ra nó có hạnh phúc gì đâu?

Biết bao nhiêu người trẻ trên thế giới, vì có những niềm đau mà họ đi tìm hạnh phúc trong năm thứ dục lạc. Khi sống trong năm thú dục lạc, họ không tìm được hạnh phúc chân thật, mà họ chỉ tìm được “niềm vui của ban án khổ sai chung thân”, để vùi lấp niềm đau của bản án tử hình mà thôi. Đó là một tấm bi kịch rất lớn của loài người. Với ma túy cũng vậy, ma túy làm cho con người rất khổ đau, nhưng vì “cái niềm đau kia” nó lớn quá, nên mình phải đi tìm ma túy để khỏa lấp. Thật ra ma túy là một bản án khổ sai chung thân để che lấp cái bản án tử hình mà mình đang mang! Thấy được vậy chúng ta sẽ thương, mà thương thì chúng ta phải tu học để có khả năng cứu độ và đưa những người trẻ đó ra khỏi vũng lầy của cuộc đời.

Thực tập hiện pháp lạc trú, thực tập nương tựa, thực tập quán chiếu về vô ngã, càng lúc chúng ta càng đạt được sự vững chãi và thanh thơi, hai đặc tính của Niết Bàn. Khi đó, cái hiện pháp Niết Bàn sẽ từ từ hiển lộ ra cho chúng ta tiếp xúc. Tiếp xúc được với Niết Bàn một cách sâu sắc, thì sự vững chãi thảnh thơi của mình sẽ trở thành lớn lao và vững mạnh, lúc đó hạnh phúc mới là hạnh phúc chân thật, mới là hạnh phúc hoàn toàn. Như vậy, từ cái Tích Môn, chúng ta tiếp xúc được với cái Bản Môn.

Post Comment