DANH MỤC KHÁC Danh Mục Khác

Ý nghĩa Trai Đàn Bạt Độ Chẩn Tế – Phần 2

 

dia tang 5

Ý NGHĨA TRAI ĐÀN BẠT ĐỘ CHẨN TẾ – Phần 2

Thượng Tọa Thích Giải Ngộ
Diễn đọc: Hùng Võ
– Nghi lễ biểu hiện lòng thành kính đối với Tam Bảo: Tín đồ luôn có một niềm tin sâu sắc và thành kính đối với Tam Bảo. Niềm tin đó tạo sự chuyển hóa trong nội tâm, người tu tập dựa vào đức tin để có những tiến hóa về mặt tâm linh mà trong kinh Trung Bộ Đức Phật gọi là quả vị tu chứng “tùy tín hành” là một trong bảy quả vị, quả vị này thuộc về tình cảm hay niềm tin đối với Tam Bảo.Với ý nghĩa đó thì nghi lễ là món ăn tinh thần không thể thiếu của người Phật tử.
– Nghi lễ nghệ thuật hóa triết lý: Nền triết lý của đạo Phật rất cao siêu, không phải người nghiên cứu một sớm một chiều mà có thể hiểu và quán triệt được toàn bộ. Vì vậy đối với người bình dân khó có thể thâm nhập khi bước đầu học Phật được tức khắc. Nghi lễ là con đường đưa người vào đạo bằng con tim, chứ không phải bằng khối óc. Thông qua nghi lễ, đạo lý cao siêu được cảm nhận. triết lý được nghệ thuật hóa một cách nhẹ nhàng và mang âm hưởng của văn thơ, ngôn ngữ, diễn tả cảnh tình hết sức thanh thoát. Thi sĩ không cần dùng nhiều từ ngữ để bày tỏ tâm tư tình cảm…. Quý vị thử tìm hiểu trong nghi Chẩn tế cô hồn sẽ thấy rõ văn thơ tả cảnh tuyệt vời: “Từng nghe rằng: mặt trời gác núi, tối sáng giành nhau. Bầu trời đầy sao, thế giới bùng lên ánh lửa (lửa tham lam, sân hận, si mê). Từng đàn chim bay về tổ ấm, kẻ nông phu người ngựa dắt díu nhau về. Trên chòi cao đầu làng, thỉnh thoảng điểm trống cầm canh, dưới bờ suối róc rách tiếng gió lùa vào ngọn cỏ. Lầu cao đã kín cổng, chòi cỏ cũng thâm u. Chính lúc này là thế giới của ngạ quỷ, vì vậy nên mở lòng từ khai đàn pháp sự để cứu độ chư âm linh oan hồn uổng tử.” Ngôn ngữ và âm nhạc đã góp phần làm cho nghi Chẩn tế cô hồn được cảm nhận bằng trực giác hay tình cảm chứ không bằng suy tư, lý luận.
– Nghi lễ là phương tiện độ sanh: Có những người không bao giờ đến chùa để quỳ lạy hay tụng kinh, có những người không bao giờ chịu nghe giảng Pháp… có lẽ nhân duyên chưa có. Nhưng khi có dịp ma chay, đám giỗ, quý Thầy giúp đỡ lễ tang, từ đó họ phát tâm đi chùa, tụng kinh niệm Phật, nghiêm tầm kinh lý. Đó là một phương tiện độ sanh hữu hiệu.
– Nghi lễ làm trang nghiêm tâm và đạo tràng: Một cuộc lễ đúng cách có thể làm cho tâm hồn định tĩnh, chuyên chú trang nghiêm. Khung cảnh của nghi lễ làm cho người đi vào quy củ, làm cho con người có tập quán đạo đức hướng về điều tốt một cách tự nhiên.
Theo kinh “Phật thuyết cứu bạt diệm khẩu đà la ni chú”, sách “Thí ngạ quỷ ẩm thực cập thủy pháp”, và “Du già tập yếu diệm khẩu thí thực nghi” có viết rằng: Một hôm nọ, ngài A Nan đang nhập thiền định thì một vị ngạ quỷ Diệm Khẩu xuất hiện và nói với ngài A Nan rằng, trong ba ngày nữa ngài A Nan sẽ chết, nếu muốn vượt qua khổ nạn này thì nên đem thức ăn, nước uống nhiều bằng số cát sông Hằng để bố thí cho các loài ngạ quỷ đang đói khổ. Xuất thiền, Ngài A Nan vô cùng lo âu, tự nghĩ rằng thân xuất gia, ngày ngày đi khất thực của đàn na tín thí, làm sao có đủ phẩm vật để cứu vớt chúng ngạ quỷ được đây. Ngài trình lên đức Phật. Đức Phật khuyên ngài A Nan chớ có lo sợ và dạy rằng: “Trong một kiếp về quá khứ, đức Phật sinh ra trong một gia đình Bà La Môn, và đã được học hỏi pháp bí yếu chân ngôn Đà la Ni có tên là Biến Thực Biến Thủy chân ngôn. Pháp này có thể trì tụng, thân khẩu ý thanh tịnh, biến một thành mười, mười thành trăm vạn ngàn ức, nhiều bằng số cát sông Hằng để có thể cứu giúp các loài ngạ quỷ đang đói khổ.”. Và đức Phật đã truyền lại cho ngài A Nan để cứu khổ ngạ quỷ. Từ đó về sau, mỗi lần thọ trai, các đệ tử của Phật thường sớt phần ăn của mình lại để bố thí chúng sanh và ngạ quỷ. Mãi về sau, chư Tổ sắp xếp lại theo thứ lớp: cúng Phật, cúng Tổ, thí thực ngạ quỷ cô hồn trước khi chư Tăng thọ trai. Tại chùa, cúng thí thực cô hồn là một phần không thể thiếu trong hành trì thiết yếu hằng ngày vào thời công phu chiều. Tại Việt Nam, bất cứ thời gian và không gian nào, khi trong tư gia có đám giỗ, ma chay đều có cúng thí thực cô hồn. Đơn giản thì một mâm nhỏ, 1 nồi cháo trắng gọi là cúng cô hồn, cúng kẻ khuất mặt mày, không nơi thờ tự, không người cúng tế để thể hiện lòng từ bi của đạo Phật.
Đến đời nhà Tống, Cam lồ Pháp Sư lập một trai đàn cúng thí thực trên đỉnh núi Mông thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Phần khoa nghi dựa theo kinh chú Phật thuyết và lời cầu nguyện tóm lược như sau:
1. Trình bày tất cả do tâm tạo qua bài kệ Hoa nghiêm: Nhược nhơn dục liễu tri, tam thế nhất thiết Phật, ưng quán pháp giới tánh, nhất thiết duy tâm tạo.
2. Nguyện xa lìa cảnh ác thú bằng cách tập trung tư tưởng phá tan mọi phiền não, sám hối tội lỗi, giải sạch oan khiên qua thần chú: Phá Địa ngục chân ngôn, phổ triệu thỉnh chơn ngôn, giải oan kết chân ngôn….
3. Cung thỉnh mười phương Tam Bảo, Đức Thích Ca, Đức Quán Âm, Đức Địa Tạng, và ngài A Nan giáng lâm đàn tràng chứng minh.
4. Hướng dẫn chúng sanh quy y Tam Bảo.
5. Sám hối nghiệp chướng: Tất cả chúng sanh hữu tình và vô tình, bao gồm cả người cúng và người được cúng phải thành tâm sám hối mới có lợi lạc.
6. Phát đại nguyện: thề cứu độ hết chúng sanh, thề phá hết phiền não, nguyện học các pháp môn tu tập, thề nguyện thành Phật đạo.
7. Diệt tội: Thành tâm sám hối, phát đại nguyện và hành giả tụng các thần chú mới có linh cảm như chú Diệt Định nghiệp chơn ngôn của Ngài Địa Tạng, Diệt bất định nghiệp chơn ngôn của Ngài Quán Âm.
8. Tuyên thuyết định giới: Thần chú khai yết hầu chơn ngôn và Tam Muội gia giới chơn ngôn để chúng sanh diệt trừ chướng ngại, mở rộng yết hầu thọ hưởng pháp thực, thọ xong giữ giới để thoát phiền não nghiệp chướng.
9. Biến thức ăn thành pháp vị: Biến thực chơn ngôn, biến thủy chơn ngôn, nhất tự thủy chơn ngôn, nhũ hải chơn ngôn khiến cho chúng sanh ngạ quỷ thọ hưởng được sung mãn.
10. Kết nguyện: thần chú gia trì tịnh pháp thực, tất cả chúng sanh cô hồn đã no đủ, xả hết tâm tham lam mau thoát cảnh địa ngục u đồ, trì chú: “Vô giá thực chơn ngôn” phá tan sự ngăn ngại thánh phàm, tăng tục, bình đẳng thọ hưởng cam lồ pháp vị.
11. Hồi hướng: Cầu cho tất cả chúng sanh an lành, vãng sanh cực lạc.
Khoa nghi chẩn tế cô hồn có ba điểm: 1) tâm thành 2) kinh chú 3) thân khẩu ý thanh tịnh. Chú trọng đến siêu độ cho các âm linh oan hồn uổng tử, chết bất đắc kỳ tử, bất định nghiệp, chiến sĩ trận vong không nơi nương tựa. Không những cúng tiến thức ăn nước uống mà còn gia trì Pháp sự, thực hành mật tông, một lòng cầu mong cho chư vị thoát khỏi cảnh khổ, nghiệp ác của cõi ngạ quỷ được tiêu trừ. Một khoa nghi rất nhiều lợi lạc nhưng rất khó hành trì, vì đòi hỏi sự tinh thông cả hai mặt kinh điển và mật điển.
Mật điển của khoa Du Già chẩn tế cô hồn là Tam Mật đồng tu:
– Thân kết ấn: thì thân nghiệp thanh tịnh không tạo các tội ác.
– Miệng niệm thần chú thì khẩu nghiệp thanh tịnh, không nói các lời ác.
– Ý quán tưởng Tu Bi thì ý nghiệp thanh tịnh không nghĩ các điều ác.
Khi cả thân khẩu ý đều thanh tịnh thì gọi là Tam mật tương ưng, hòa nhập vào cảnh giới của chư Phật, chư Bồ Tát. Chư Kinh sư trong trai đàn thành tâm cầu nguyện mười phương Chư Phật gia hộ, tam nghiệp thanh tịnh, phát khởi tam tâm: từ bi, hỷ xả, bình đẳng để độ thoát chúng sanh trong cõi địa ngục ngạ quỷ, súc sanh tam đồ ác đạo. Có thể nói đây là một pháp hành trì mà âm cảnh và dương gian đồng lợi lạc. Vì vậy vị chủ sám gia trì sư và chư vị kinh sư phải là những người hành trì và giới hạnh nghiêm minh, luôn thanh tịnh thân tâm, đủ sức thần giao cách cảm trong lời chú nguyện khiến thức ăn biến thành Pháp vị để chúng sanh trong các loài ngạ quỷ được thọ dụng và nhờ vào công đức lực cầu nguyện mà cô hồn được siêu sanh tịnh độ.
Trong đạo Phật có vô lượng pháp môn tu tập. Mỗi pháp môn tu tập đều tùy theo khả năng lãnh ngộ và căn cơ của mỗi chúng sanh. Nhưng tất cả các pháp môn đều đưa hành giả đến mục đích cuối cùng là đạo quả giải thoát. Có người thích pháp môn Thiền tập, có người thích lễ lạy xưng dương tán thán hồng danh chư Phật, có vị thích pháp môn niệm Phật cầu vãng sanh, có người thích pháp môn Mật tông để đi hành trì khoa chú…. Chọn pháp môn nào để tu tập là tùy theo căn tánh của chúng sanh. Chúng ta không thể phân biệt pháp môn nào hơn pháp môn nào, hoặc cho rằng pháp môn nào chánh thống, pháp môn nào dị biệt cả. Cũng như con đường đến Chùa Đại Bi. Có người thích đi xe hơi, có người đi bộ, có người đi xe bus. Đi bằng phương tiện gì không quan trọng. Quan trọng là có đi đến chùa bằng tâm thành hay không? Và cho dẫu tu pháp môn nào đi nữa thì Thiền-Tịnh -Mật : Tam mật phải tương ứng. Có nghĩa là thân khẩu và ý phải thanh tịnh, mới mong thoát khỏi phiền não và an lạc giải thoát thật sự. Trong thời gian 45 phút hạn hẹp, chúng tôi không thể trình bày một cách sâu rộng để đáp ứng lòng mong mỏi của quý vị về khoa nghi chẩn tế cô hồn. Hy vọng có dịp chúng tôi sẽ trình bày nhiều hơn. Vì khoa nghi chẩn tế là một thế giới Mật tông, đòi hỏi phải có sự tu trì và nghiên cứu nghiêm minh. Chắc chắn rằng chúng tôi đã thiếu sót vì trí lực còn non nớt, mong quý vị hoan hỷ lượng thứ.

Post by Dieu Hanh

Post Comment