Ý nghĩa của chữ “cho”
(Trích trong “Vài lá Bồ Đề“ do Hội PGVNTP xuất bản năm 1974)
Giá trị của cho đã không phải ở nơi đồ vật, tiền bạc đem cho thì cũng không chỉ những người giàu có, dư ăn, dư để, mới cho được. Mà mọi người ai cũng có thể cho miễn là biết cách cho.
1. Nghĩa chữ “cho”
Cho là chữ có nhiều nghĩa, do đó có nhiều chữ đồng nghĩa ít nhiều với nó: chia sớt, san sẻ, tặng, nhượng, biếu, dâng, cúng dường, hy sinh, v.v…
Trong Phật học chữ Cho có gốc từ chữ DÂ (donner), DANÂ (don) nghĩa là cho một cách rộng rãi (bá thí hay bố thí). Cho là phép tu dưỡng cần phải thực hiện trước tiên. Trong mười điều rốt ráo (aarrami = pâramitâ) của Phật giáo nguyên thủy (Theraveda) hay sáu điều rốt ráo (lục độ) của Phật giáo Đại thừa (Mahâyâna) Cho là điều rốt ráo đầu tiên. Không biết cho tức là chưa bước vào cửa Đạo.
Cho là thể hiện sự giác ngộ:
a) Đạo lý vô ngã (anattâ): bản thân con người vốn không thật, do đó không có cái ta để ích kỷ và thâu góp cho nó,
b) Đạo lý vô thường (anicca): sự vật vốn không bền chắc, do đó không nên đắm say hay bo bo cất giữ làm sở hữu muôn đời. Cho là phát triển lòng từ bi (mettâ – karunâ = cho vui và cứu khổ): thương yêu và giúp đỡ những người đau khổ. Cho cũng là sự tỏ lòng biết ơn với những người đã cho ta ân huệ.
2. Biết cách cho
Cho đã có nhiều ý nghĩa như vậy nên không phải bất cứ ai cũng biết cho. Cho không phải là ném một đồng bạc vào lon của người đi xin. Cho không phải là để được khen ngợi. Công đức của cho được thành tựu khi nào người cho biết cách cho: “cách cho hơn của đem cho“. Cách cho tốt đẹp tùy thuộc một phần lớn vào người biết cho. Người biết cho là người trước khi cho có niềm vui trong lòng, trong khi cho thì hài lòng và sau khi cho thì sung sướng (X, An, III, 336). Như thế thì chỉ những người giác ngộ, lợi tha mới biết cho và cho một cách tốt đẹp. Còn những kẻ tối tăm, tàn bạo, vụ lợi không hề biết cho và nếu cho thì làm cho họ đau khổ và gây thêm phiền lụy cho người bị cho.
Giá trị của cho đã không phải ở nơi đồ vật, tiền bạc đem cho thì cũng không chỉ những người giàu có, dư ăn, dư để, mới cho được. Mà mọi người ai cũng có thể cho miễn là biết cách cho. Có ai nghèo đến nỗi không có một nụ cười, một câu nói hòa nhã, dịu dàng, một lời khuyên ích lợi đâu?
Khi biết cho thì tất cả những gì đem cho đều có ý nghĩa và lợi ích. Với lòng thân mến thì những tiếng “chào ông (bà), chúc ông (bà) mạnh giỏi“ cũng là sự cho cao nhã. Vì nếu trong khi nói ra những tiếng ấy mà ta hết lòng cầu chúc cho người được mạnh khỏe, thành công, an lành thì còn có gì tốt đẹp hơn (X, An, III. 150). (Giá mà ai cũng thật tâm trong lúc chào hỏi nhau thì cuộc đời sẽ vui đẹp biết bao).
Muốn cho và biết cho thì thế nào chúng ta cũng có vật để cho. Lẽ dĩ nhiên là những vật của mình và được làm ra một cách lương thiện chứ không phải là vật có ra bởi bóc lột hay cướp giựt. Thầy Katyayâna gặp một bà già nghèo khổ, suốt đời chưa hề cho ai một vật gì (vì bà nghĩ rằng không có vật gì để cho) và giảng cho bà biết rằng dù nghèo đến đâu nếu bà muốn cho thì cũng cho được. Sau đó Thầy đã xin bà một ít nước mà bà lấy ở sông lên. Bà vui vẻ cho và từ đó về sau bà thấy mình ít nghèo hơn (Kinh Hiền ngu, phẩm V)
Sống trong xã hội mà những gì xảy ra quanh chúng ta đều mang tính cách mua bán, đổi chác – từ cái phiếu quảng cáo xà bông được trừ tiền khi mua, nụ cười của cô bán hàng, phiếu thâu tiền của các tổ chức tôn giáo v.v… chúng ta lần lần quên đi nghĩa chữ cho, chữ hy sinh và chóng quen với thói “bánh ít trao đi, bánh chì trao lại“. Cứ đà này thì một ngày không xa, loài người không còn biết giúp nhau, cho nhau một cách không vụ lợi nữa. Nếu thế thì chúng ta sẽ trở nên nghèo nàn và bần tiện.
Thầy Khantipalo, người Anh, sau một thời gian sống tại các nước chịu ảnh hưởng Phật giáo, trong một buổi giảng ở London đã chê trách xã hội thương mại Tây phương và khen ngợi những Phật tử Á đông là những người biết cho và luôn luôn tìm dịp tốt nhưng khi cha mẹ mất, những ngày kỵ giỗ ông bà, v.v… để làm phước thiện: giúp đỡ kẻ nghèo khổ, ủng hộ người tu hành, ấn tống kinh sách cho người muốn tìm hiểu đạo lý. Còn những người tu hành phần đông không phải là những người tu hành theo chức nghiệp mà là những người tu hành tự nguyện nên dễ dàng hy sinh giúp người hiểu Đạo, sống Đạo mà không hề có ý niệm chinh phục tín đồ, làm giàu cho Đạo mình
3. Cho những gì
Chúng ta có thể cho bất cứ vật gì, điều gì với mục đích làm cho người bớt khổ, hết khổ. Các kinh điển nguyên thủy (X. An, I. 91 – Itivuttaka, trang 98 – Tăng-nhất-a-hàm, T. 125,577b) chỉ nói đến hai loại để cho là: tài thí (âmisâdâna) và pháp thí (dhammadana), trong khi đó thì các kinh điển phát triển (Mahayâna) thêm vào một loài nữa là vô úy thí (abhayadâna) (X. Kinh Giải thâm mật, phẩm Địa ba la mật). Như vậy theo Phật giáo, chúng ta có thể cho:
a) của cái như đồ ăn, quần áo, thuốc men, nhà ở, sách báo và phục vụ người bằng công sức (tài thí),
b) lời hay lẽ phải, sách báo, kinh điển, phương pháp tu dưỡng có khả năng làm cho người khác ngộ chân lý giải thoát khổ đau (pháp thí),
c) sự bảo vệ, sự ủng hộ hay hy sinh sự sống của mình để người yếu kém về thể xác hoặc tinh thần không còn sợ sệt và được sống an lành (vô úy thí).
Tùy theo sự cần thiết của người mà chúng ta có thể cho thứ này hay thứ khác. Ví dụ đối với những người đang sợ sệt thì nên chú trọng vô úy thí: bảo vệ sự sống của họ, ủng hộ tinh thần tự cường, tự quyết của họ, đối với những người đầy đủ vật chất thì nên chú trọng pháp thí: nâng cao văn hóa, tặng biếu kinh sách, đối với những người đói rách thì nên chú trọng tài thí.
Câu “Pháp thí là cao nhất“ trong kinh điển (X, An, I, 91 – Itivuttaka, 98) phải được hiểu đúng theo mục đích đạo Phật là cho người phương pháp giác ngộ giải thoát cao quí nhất. Do đó, vì thế muốn ấn tống kinh sách thì nên lựa chọn các kinh điển có khả năng giác ngộ, giải thoát mà ấn tống, mà không nên phát hành bừa bãi các sách vở mê tín dị đoan, phản lại tinh thần đạo Phật để cho người chê và sợ đạo Phật. (Hiện tượng ấn tống sách tạp nhạp, nặng phần bùa chú đang được phát triển mạnh nhất là ở Âu Mỹ, trong giới bà con có nhiều nhu cầu tín ngưỡng và ít lưu ý vấn đề tu học. Để chặn đứng sự gieo rắc mê tín dị đoan và xuyên tạc đạo Phật, Phật tử chỉ nên truyền bá các kinh sách mang dấu ấn của Phật, ấy là chơn lý khổ, vô thường, vô ngã và Niết Bàn).
Lẽ dĩ nhiên trong khi thực hành tài thí hay vô úy thí chúng ta nên nghĩ rằng giúp người đầy đủ vật chất và an ổn tinh thần tức là xây dựng nền tảng cho người đạt đến an lành trọn vẹn, mà an lành trọn vẹn chỉ có được khi nào con người giác ngộ, giải thoát, như thế phương pháp giác ngộ giải thoát thật là cần thiết. Điều cần lưu ý là mục đích pháp thí không phải để chinh phục tín đồ cho đạo mình mà để giúp người đạt Đạo. Do đó có thể thực hành tài thí, vô úy thí, pháp thí cùng một lúc, hoặc tài thí hay vô úy thí trước rồi pháp thí sau.
4. Hãy cho ai ?
Nên cho những người cần sự giúp đỡ. Nếu vì lợi tha mà cho con chó đói một miếng bánh hay cho con cá dưới ao những hạt cơm thừa trong lúc rửa nồi cũng được phước đức lớn, huống chi là giúp đỡ cho người (X.An.III.57). Điều quan trọng là trong khi cho nên sáng suốt để sự cho của mình đem lại lợi ích cho người được cho càng nhiều càng tốt. Do đó, đừng cho rượu, thuốc để người say sưa, đừng cho khí giới để kẻ cướp giết người, v.v… Tùy thời điểm và khả năng mà mở rộng lòng thương yêu và thực hiện sự giúp đỡ. Hãy cho những người gần chúng ta như cha mẹ, bà con, đồng bào trước rồi đến nhân loại, chúng sanh.
“Làm phước nơi nao
Cầu ao không bắc“
ấy là lời chê trách đối với những kẻ phát triển tình thương và thực hiện sự giúp đỡ không hợp tình, hợp lý. Trong việc hướng dẫn người về với đạo cũng vậy, hãy tiếp độ những kẻ có duyên lành trước. Đối với những người chưa có duyên lành thì cố gắng giúp họ gây duyên lành rồi tiếp độ sau. Cứ tiếp tục mà bố thí, mà tiếp độ nên sẽ không có vấn đề thương ai bỏ ai.
5. Cho thì được gì ?
Thường thường chúng ta nghĩ rằng cho là mất. Song đạo Phật thì bảo cho là được. Được gì? Trở nên giàu có. Con người nếu không biết cho thì luôn luôn muốn thâu vào mà không thích phát ra. Càng thâu vào, càng ích kỷ, nặng nề và nghèo thiếu mãi. Càng phát ra càng rộng rãi, nhẹ nhàng và giàu có luôn. Trong khi dâng hoa, tặng hoa cho ai khác thì chính mình là người thấy đẹp và vui trước. “Người cho sẽ được năm điều lợi ích: được nhiều người kính mến, có liên hệ tốt với người, được tiếng tốt, tự tin và sẽ sanh vào nơi an lành“ (A.An-V.34). Hơn nữa, cho là phong thái của người giác ngộ và giải thoát.
Cho vốn là một phép tu dưỡng chứ không phải là một lý thuyết cho nên kết quả tốt đẹp của nó chỉ có nơi những người biết cho và hay cho.