Truyện Văn học

Luận về cái Miệng

Trên một chuyến tàu hỏa Bắc Nam tôi được nghe một người hát xẩm vừa kéo đàn cò vừa hát một bài về cái miệng, bài khá dài nhưng tôi chỉ nhớ mấy câu: 

Mồm ăn mồm nói mồm cười

Mồm đi nói chuyện cho người ta yêu

Có khi mồm lại nói điêu

Làm cho cửa nát nhà xiêu (cũng) vì mồm!…

Miệng là một bộ phận quan trọng không thể thiếu trên cơ thể người. Nó có 2 chức năng chính là nơi tiếp nhận đồ ăn thức uống để nuôi sống cơ thể và là cơ quan phát ngôn chính thức của mỗi người. Người ta ai cũng có: hai mắt, hai lỗ mũi, hai tai, hai tay, hai chân nhưng chỉ có một cái miệng (mồn) Ấy vậy mà người ta hay nói cái cô ấy, bà ấy thật là lắm mồm lắm miệng! Đấy là cách nói để ám chỉ sự không bằng lòng của số đông đối với những người nói nhiều, nói những điều gây ra sự bực bội cho người khác, chứ thực ra cái bà ấy, cô ấy cũng chỉ có một cái miệng như chúng ta mà thôi! Giả xử như có ai đó thực sự có nhiều miệng thì đúng là đại họa! Bởi vì:

Thứ nhất: “Miệng ăn núi lở”. Chức năng của cái miệng là nơi tiếp nhận đồ ăn thức uống. Điều đó vô cùng cần thiết để duy trì sự sống của con người. Cái thân lao nhọc vất vả cũng một phần vì cái miệng. Nhưng khổ nỗi là cái miệng thường không biết đủ, nó luôn luôn muốn ăn ngon cho sướng cái miệng. Cứ xem người ta kéo nhau đến nhà hàng khách sạn để thưởng thức những món ngon vật lạ, nào là rắn rùa, cua đinh, heo rừng, sơn dương, tay gấu vv…chỉ vì nghe nói thưởng thức những cái đó rồi thì sức khỏe sẽ được sung mãn.! Người ta thi nhau ăn như cố khoe khoang cái giàu sang sành điệu. Chẳng biết cái khỏe đó có ích gì cho ai nhưng chỉ khổ cho những con thú rừng đang ngày càng bị săn tìm có nguy cơ bị tuyệt chủng. Có ai đó đã ví cái miệng những người này giống như những lò sát sinh qủa là không có ngoa bởi vì cả một đời bao nhiêu sinh linh tội nghiệp phải chết cho cái khoái cảm của họ. Ăn đã vậy còn uống nữa chứ, nếu uống trong từ tốn thì chả có gì đáng nói mà một số người đã “nốc” (xin lỗi phải dùng từ này mới hợp) đủ thứ để thỏa mãn cho nỗi thèm khát hoặc để nổi danh là chịu chơi của mình. Họ đã “nốc” những chai rượu Tây mà cái giá của nó một gia đình nhà nghèo có thể sống được cả tháng. Nếu là tiền do lao động khó nhọc kiếm ra chắc cũng ít ai ăn uống theo kiểu đó. Cứ cho rằng họ có tiền thì họ có quyền hưởng thụ, nhưng cũng xin nhớ rằng quanh ta hãy còn nhiều người nghèo còn cần được chia sẻ, và những con thú rừng sắp tuyệt chủng mà hãy bớt hưởng thụ lại!

LUẬN VỀ CÁI MIỆNG

Thứ hai: “Bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra”, “Thần khẩu hại xác phàm” Đây là câu châm ngôn mà ông bà ta đã đúc kết từ xa xưa để chỉ những tai họa mà sự thiếu thận trong trong việc ăn, nói mang lại! Đối với việc ăn, thì mặc dầu đôi khi biết rõ là ăn cái này cái kia vào sẽ sinh bệnh cho cơ thể, nhưng mà mấy ai đã biết ăn uống cho điều độ và tránh xa để không bị bệnh? Vẫn có nhiều người uống rượu cho đến no say, trước là tàn phá bộ đồ lòng, sau là làm cho hệ thần kinh trở nên mê mờ điên lọan. Đấy là chưa kề đến những thứ độc hại khác như hút thuốc hoặc ma túy thì tác hại còn lớn hơn nhiều.…

Còn đối với lời nói thì sao? Thế giới này đã có biết bao cuộc chiến tranh chém, giết lẫn nhau chỉ vì sự thiếu hiểu biết mà lời nói đóng một vai trò quan trọng. Đó là những lời nói chia rẽ kích động sự thù hận: “Đâm bị thóc chọc bị gạo”, “Xúi nguyên dục bị” “nói xỏ nói xiên”. Nói ngang nói ngược bởi “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo” “Ăn đằng sóng nói đằng gió”. Vu khống người trắng trợn đến mức “ngậm máu phun người”. Hoặc tinh vi hơn dưới những lời nói ngot như mía lùi bởi những con người: “Bề ngòai thơn thớt nói cười mà trong nham hiểm giết người không dao”. Có những người rất khéo léo “nói ngọt lọt tới xương”. Họ sẵn sàng nói xạo nói dóc lừa đảo người để đạt được mục đích của mình, gây hại cho người. Có những người: “ngậm miệng ăn tiền” hoặc: “ngậm bồ hòn làm ngọt”cốt là có lợi cho mình. Một số người thường thích chê bai họ thuộc lọai “thờn bơn méo miệng chê trai lệch mồm”. Có những người vô tình hay cố ý  đã “Chia duyên rẽ thúy” phá nát gia cang, hạnh phúc nhà người. Những lối nói đó hệ quả là tư mình gây ra sự óan ghét xa lánh của mọi người. Cái thân vì thế mà có thê chí bị tù đày do tội lỗi của cái miệng không thì chí ít cũng bị ăn đòn…

Thật là đáng yêu và may mắn là lòai người (và chỉ có lòai người) có được tiếng nói để mà trao đổi thông tin với nhau, để bày tỏ tình yêu thương. Từ thuở nhỏ ta đã được sống trong lời ru của mẹ: “Dù cho đi trọn cuộc đời cũng không đi hết những lời mẹ ru” và đối với người mẹ cũng không có gì đáng yêu hơn lời nói bi bô của đứa con đang học nói: “Có vàng vàng chẳng hay phô, có con con nói trầm trồ mẹ nghe”. Lời nói chân thiện có tác dụng làm cho con người xích lại gần nhau yêu thương nhau hơn. Chính từ việc nhận thức được cả hai mặt thiện và ác trong lời nói mà ông bà ta thường khuyên: “Hãy uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”!; Lời nói được xem như là một cái thước đo giá trị của con người. Đối với người phụ nữ thì: “Nhất thanh nhì sắc” hay: “Chim khôn hót tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”. Và: “Lời chào cao hơn mâm cỗ”, “Chẳng cần cho thịt cho xôi, cũng được lời nói cho tôi vừa lòng”. Nhưng giá trị đích thực của lời nói là nó phải đi đôi với việc làm: “ Nói chín thì phải làm mười, nói mười làm chín kẻ cười người chê” những người: “ Ăn thì chọn những miếng ngon, làm thì chọn việc con con mà làm” và “ăn như rồng cuốn nói như rồng leo, làm như mèo mửa” thì thật là đáng trách. Khoe khoang khóac lác” nói một tấc lên đến trời ông bà ta cũng không ưa.  Còn những ai “ miệng hùm gan sứa” thì cũng chẳng đáng tin. Và chữ tín trong lời nói phải được đưa lên hàng đầu: “ Nói lời phải giữ lấy lời, đừng như con bướm đậu rồi lại bay”. Những người có quyền ăn to nói lớn thì phải thận trọng, kẻo mà bị coi là: “Miệng quan trôn trẻ” hay “muốn nói ngoa làm cha mà nói”. Con người mẫu mực không thể ăn nói hàm hồ hoặc làm những điều khuất tất để rồi bị “há miệng mắc quai”. Cách nói cũng rất quan trọng nói với thái độ yêu thương chân thành chứ đừng bốp chát, nói tọac móng heo thì không hay, mà hãy nhớ “Lời nói không mất tiền mua lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Sự duyên dáng của người phụ nữ thể hiện ở phong cách đoan trang, dịu dàng và xin đừng có : “Vô duyên chưa nói đã cười”. Trong cuộc sống cũng cần nói vui nói đùa vì “một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ” nhưng cũng chớ nên ba hoa chích chòe, hết chuyện mình đến chuyện người mất thời gian không khéo rồi bị gọi là “bà Tám”.

Theo Đạo Phật sở dĩ con người ta cứ bị sinh tử luân hồi trong ba cõi sáu đường là do vô minh nên tạo nghiệp bởi: “Thân – Khẩu – Ý”.

– Thân vì ngu muội mà sinh ra:  Sát sanh, trộm cắp, tà dâm.

– Khẩu vì ngu muộimà sinh ra:  Nói dối, nói hung ác, nói thêu dệt, nói đôi chiều.

– Ý vì ngu muội mà sinh ra:  Tham lam, nóng giận, si mê.

Như vậy cái miệng (khẩu nghiệp) đóng một vai trò quan trong trong việc tu hành của mỗi người. Cùng với làm nhiều điều công đức, giữ tâm ý trong sạch người đệ tử Phật cần cẩn trọng trong lời nói: không nói dối, không nói lời ác ngữ, không nói lời thêu dệt, không nói điều không lợi ích. Hãy nói những lời yêu thương để đem đến niềm vui cho mọi người. Thăm hỏi động viên người ốm đau họan nạn. Đem giáo lý của đức Phật truyền bá để cho mọi người hiểu và tin theo nhân qủa, gieo điều thiện lành để chop mọi người sống tốt đẹp với nhau hơn thế giới này không còn chiến tranh chia rẽ hận thù.

Hãy nguyện:

“Chỉ nói những ý cao quý

Góp thêm yêu thương niền vui

Chỉ đem cho tình thương

Góp thêm êm ấm cho đời”…! (trích kinh nhật tụng)

Nhật Thiện Tâm

Post Comment