70. Làm sao có thể ứng dụng lý Bát nhã vào đời sống hiện thực?

Phật lịch 2554

Dương lịch 2010 – Việt lịch 4889

THÍCH PHƯỚC THÁI

100 CÂU HỎI PHẬT PHÁP

TẬP 2

 

70. Làm sao có thể ứng dụng lý Bát nhã vào đời sống hiện thực?

 

Hỏi: Kính bạch thầy, trong thời khóa tụng kinh ở phần cuối đều có tụng Bát nhã Tâm Kinh, lý Bát nhã của đạo Phật chỉ có một chữ KHÔNG. Nhưng thực tế cuộc đời thì luôn luôn đối đãi, chẳng hạn con người làm việc mới có tiền để sống (chánh mạng). Có phương tiện mới di chuyển được (xe cộ v.v) Điều nầy là rơi vào lý nhị nguyên. Kính xin thầy từ bi khai thị cho chúng con nắm vững trong việc học hỏi tránh sự hiểu sai không chính xác sẽ rơi vào tà kiến. Kính cám ơn thầy.

 

Đáp: Giáo lý của đạo Phật tùy theo căn cơ trình độ của chúng sanh mà có phân chia “Thừa”, “Giáo” và “Thời” khác nhau. Về thừa thì có năm thừa: Nhơn, Thiên, Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ tát. Về giáo thì có phân ra nhiều hệ tư tưởng cao thấp, sâu cạn, đốn tiệm khác nhau. Bát nhã thuộc về hệ tư tưởng Đại thừa. Nếu luận về Thời, theo sự phán giáo của Ngài Thiên Thai Trí Giả Đại Sư, thì Ngài chia trọn đời thuyết giáo của đức Phật ra làm 5 thời kỳ: Hoa Nghiêm, A Hàm, Phương Đẳng, Bát Nhã, Pháp Hoa và Niết Bàn. Trong 5 thời kể trên, thì Bát nhã thuộc về thời thứ tư. Sự phán giáo nầy được tóm tắt bằng một bài kệ cho dễ nhớ như sau:

 

Hoa Nghiêm tối sơ tam thất nhựt

A Hàm thập nhị Phương Đẳng bát

Nhị thập nhị niên Bát nhã đàm

Pháp Hoa, Niết Bàn cộng bát niên.

 

Nghĩa là, hai mươi mốt ngày đầu Phật nói kinh Hoa Nghiêm. Mười hai năm, Phật nói kinh A Hàm và tám năm Phật nói kinh Phương Đẳng. Hai mươi hai năm ròng rã Phật nói kinh Bát nhã và tám năm sau cùng Phật nói kinh Pháp Hoa và Niết Bàn. Riêng về kinh Bát nhã sau nầy chư Tổ kết tập lại thành một hệ thống gồm có 600 quyển. Tâm kinh Bát nhã mà Phật tử chúng ta thường trì tụng sau mỗi thời kinh, đó là tinh yếu của toàn bộ hệ thống kinh Bát nhã. Nói thế, để chúng ta thấy tầm mức quan trọng của bài Tâm Kinh Bát nhã thật là quan trọng đến ngần nào.

 

Tư tưởng bát nhã nhằm phá chấp, triệt tiêu hết mọi vọng chấp của chúng sanh. Vọng chấp của chúng sanh tuy nhiều, nhưng không ngoài tứ tướng: “Ngã, nhơn, chúng sanh và thọ giả”. Như trong kinh Kim Cang Bát Nhã đã nêu rõ. Nói gọn, là không ngoài hai lối chấp căn bản: “Ngã chấp và Pháp chấp”.

 

Cốt lõi của kinh Bát nhã là nói rõ về tánh không của vạn pháp. Bởi các pháp do nhân duyên giả hợp mà thành. Do đó, nên thể tánh của vạn pháp là không. Chữ không nầy, xin chớ vội hiểu lầm là không trơn như lông rùa sừng thỏ. Mà chữ không (sunyata) của Bát nhã nói, là “thật tánh” hay “tướng không” của các pháp. Hiểu được chữ “Không” nầy là hiểu được toàn bộ hệ thống kinh Bát nhã. Vì thể của các pháp là không, nên trong cái tánh không đó, không sanh, không diệt, không cấu, không tịnh v.v… Nghĩa là, nó vượt ngoài đối đãi nhị nguyên.

 

Nêu rõ triết lý “Tánh Không” của Bát nhã như thế, để Phật tử thấy rằng, đây là cả một bầu trời thênh thang tự do giải thoát. Vì nơi đó triệt tiêu mọi thứ vọng tình chấp trước của chúng sanh. Muốn áp dụng lý Bát nhã vào cuộc sống, đối với trình độ sơ cơ nông cạn như chúng ta hiện nay, thật không phải là chuyện dễ dàng. Vì chúng ta đang sống trong vòng vô minh nghiệp thức, chấp trước rất sâu nặng. Mọi hiện tượng có mặt đối với chúng ta, cái gì chúng ta cũng cho là thật cả. Bởi do thấy các pháp hữu vi là thật, nên chúng ta mới khởi sanh ra bao nhiêu thứ phiền não nhiễm ô: tham, sân, si … Từ đó, tạo nghiệp thọ khổ, nên mãi trôi lăn trong vòng tam đồ lục đạo.

 

Muốn thoát khỏi vòng luân hồi sanh tử khổ đau nầy, đức Phật mới dùng nhiều phương tiện để chỉ bày nhiều pháp môn tu cho chúng ta. Pháp tu, Phật nói tuy nhiều, nhưng tóm lại, không ngoài hai pháp: “Đốn và Tiệm”. Đốn tu là thẳng đó mà trực nhận chứng ngộ, không có phương tiện vòng vo, quanh co, dài dòng, lòng thòng chi cả. Trái lại, pháp tiệm tu, thì Phật Tổ phương tiện bày ra có nhiều thứ lớp từ thô đến tế, từ cạn đến sâu và từ thấp lên cao.

 

Luận về pháp đốn tu, nếu không phải là hàng thượng căn thượng trí, thì khó có thể đạt thành sở nguyện. Về pháp tiệm tu, tức là dần dần tiến lên, thì rất thích hợp cho mọi căn cơ. Ai cũng có thể ứng dụng hành trì tu niệm được cả. Giống như người leo thang bước lên từng nấc, từ thấp lên cao.

 

Trường hợp như người Phật tử tại gia, bước đầu, Phật dạy nên hành trì tu tập tam quy và ngũ giới. Tiến lên là tu thập thiện để được sanh thiên hưởng phước báo. Đây là hai pháp tu căn bản của người Phật tử tại gia. Tuy nhiên, nếu sự thật hành huân tu của Phật tử khá thuần thục rồi, thì Phật tử cũng có thể áp dụng những lối tu khác. Phật tử có quyền chọn lựa cho mình một pháp tu nào đó cảm thấy thích hợp. Nghĩa là phải thích hợp với khả năng, căn cơ trình độ và hoàn cảnh sống hiện thực của mình và gia đình.

 

Phật tử nên cẩn thận, đừng có ham trèo cao quá mà phải té nặng. Khi tu hành, người Phật tử phải nên khéo léo biết lượng sức mình. Phật tử không nên đua đòi những gì mà nó vượt ngoài khả năng tầm tay của mình. Không khéo sẽ trở thành họa hại. Phật tử phải biết vị trí của mình hiện đang ở đâu và làm gì.

 

Về hướng tu để đạt được giải thoát, đức Phật đã phân định ra hai đường lối tu rõ rệt. Một là hướng tu còn đi trong luân hồi để thọ hưởng phước báo. Hai là hướng tu giải thoát luân hồi sanh tử khổ đau. Hướng tu đi trong luân hồi để hưởng phước báo như đã nói ở trên. Nghĩa là người Phật tử chỉ thật hành tam quy và ngũ giới cũng như tu mười điều lành. Còn hướng tu siêu xuất luân hồi, thì Phật dạy có nhiều pháp tu. Như pháp Tứ Đế, Thập nhị nhân duyên, Lục độ v.v… Nói chung, là các pháp tu cao vượt ngoài đối đãi nhị nguyên. Nghĩa là hành giả không còn bị vướng mắc nhị biên, rơi vào cái bẫy hai đầu, tức phải diệt trừ hết vô minh phiền não.

 

Những pháp tu nầy, khi ứng dụng hành trì, hành giả phải hoàn toàn tự lực. Ngoài ra, còn một pháp tu khác rất thích hợp với mọi căn cơ, gồm nhiếp tất cả, vừa tự lực mà cũng vừa có phần tha lực. Đó là pháp môn Tịnh độ. Đây là một pháp môn thẳng tắt rất thích hợp căn cơ thời nay. Pháp tu nầy lấy việc niệm Phật làm chánh yếu. Niệm Phật có sự niệm và lý niệm. Về sự niệm, thì hành giả phải chuyên tâm trì niệm sáu chữ Di Đà một cách miên mật để cầu vãng sanh về Cực lạc. Về lý niệm, hành giả phải buông xả tất cả, chỉ còn có một tâm thể thanh tịnh sáng suốt hiện tiền. Như mặt gương chiếu sáng không dính một mảy may trần cảnh. Đến đây, hành giả không niệm mà niệm. Kinh Duy Ma Cật gọi là: “ Tùy kỳ tâm tịnh tức Phật độ tịnh, hay duy tâm Tịnh độ”. Nghĩa là cõi Tịnh độ có mặt ngay trong giây phút hiện tiền, không cần phải tìm kiếm ở đâu xa, với điều kiện là tâm mình phải thanh tịnh.

 

Đại khái, đó là những pháp tu Phật dạy, tôi xin nêu ra rồi tùy Phật tử chọn lựa lấy. Sau khi chọn lựa và ứng dụng tu, Phật tử cũng cần nên tham vấn học hỏi với những bậc chơn tu đức độ và có nhiều kinh nghiệm già dặn trong sự tu hành. Có thế, thì sự tu học của Phật tử mới mong tiến bộ và mới khỏi rơi vào con đường tà kiến vậy.

 

Kính chúc phật tử thành công trên bước đường tu học.

Post Comment