ĐỂ HIỂU ĐẠO PHẬT
Phương Bối
VẤN ĐỀ LỊCH SỬ
Hiện nay tất cả các tông phái Phật-học, dù là Đại thừa, dù là Tiểu-thừa, dù là Bắc-Tông hay dù là Nam-Tông, đều không phải là Phật-giáo nguyên-thỉ. Tất cả đều trải qua nhiều biến-hóa. Những biến-hóa này đã không làm mất những tính chất căn-bản của đạo Phật, mà còn khai thác đến cùng tậnnhững tính-chất ấy, để thực-hiện một sự phát-triển cần thiết cho các thời-đại và các địa-phương.
Nếu đạo Phật chỉ là một mớ giáo điều cố-định thì đạo Phật đã không có địa-vị như ngày nay trong văn-hóa nhân-loại. Đạo Phật là một giáo-lý có nhựa sống mãnh-liệt, phong phú cho đến nỗi trải qua mấy ngàn năm, vẫn còn sức để tiếp-tục phát-triển theo đà nhu cầu của các quốc-gia và các thời-đại. Điểm đặc sắc của đạo Phật là không phải một giáo-điều cố-định cứng cỏi, nằm chết cứng trong khuôn khổ. Phật-pháp là “bất định pháp” phải tùy thời gian không gian để uyển-chuyển thích nghi với căn cơ củachúng sanh. Có thể nói rằng đạo Phật nguyên-thỉ là một “cây giáo lý”, bụ bẫm, mạnh khỏe, và sung sức. “Cây giáo-lý” ấy đã theo thời gian mà trưởng thành, để rồi bây giờ trở nên một cái cây to lớn, cành lá rườm-rà xanh tốt.
Đừng ai bắt “cây giáo lý” ấy đứng yên ở trạng thái ban sơ của nó, không cho nó sinh trưởng. Bởi vì nếu không sinh-trưởng thêm thì nó đã tàn hoại và ngày nay đã không có nó. Đàng này nó sinh-trưởng mãnh-liệt, vì nó có một sức sống mãnh-liệt. Bây giờ đây nó to lớn sum-xê nhưng nó vẫn là cây giáo-lý.
Bao nhiêu hệ-thống giáo-lý bao nhiêu tông-phái lưu truyền trên thế-giới hiện nay đều là phát xuất từ Phật-giáo nguyên-thỉ, nói một cách khác hơn, đều là những phát-triển của Phật-giáo nguyên-thỉ. Những hệ-thống giáo-lý này đã có đủ ở Phật giáo nguyên-thỉ, nhưng chỉ được khai thác và truyền dương theo nhu cầu của thời đại mà thôi.
Nguyên-thỉ hay cận-đại Phật-giáo vẫn là Phật-giáo, nghĩa là vẫn có mục-đích giải-thoát diệt khổ, vẫn tôn trọng sự sống và chân-lý, vẫn chủ trương từ-bi tế-độ. “Cũng như nước bốn biển chỉ có một vị: vị mặn, giáo-lý của ta cũng chỉ có một vị: vị giải thoát”. Tự giam mình trong khuôn khổ của giáo-lý Nam-Tông rồi bảo Phật-giáo Bắc-Tông không phải nguyên-thỉ, hay đứng về mặt giáo-lý Đại-thừa mà cho rằng Tiểu-thừa là hẹp hòi cố chấp, hai thái-độ đều thiên-lệch, không xứng đáng. Phải nhìn giáo-lý qua sự nhu cầu của nhân-loại, ta mới thấy được khả-năng bất-diệt củađạo Phật và luôn đó, cả tinh thần tích cực nhập thế của Phật-giáo.
Nền văn-học Phật-giáo minh-chứng một cách hùng-hồn cho sự-thực ấy. Dù cho Phật-giáo phương-nam có tự hào giữ được nhiều tính chất nguyên-thỉ, ta cũng thấy đã có sự biến đổi trên nếp sống tư-tưởng và tổ-chức. Chính thời đại mới, sinh hoạt mới đã tạo nên sự biến đổi đó. Ở Bắc-phương, nhiều phong thổ khác nhau, nhiều nếp sống khác nhau, cho nên đạo Phật đi đến đâu cũng đều thích-nghi để hòa mình vào sự sống của các dân tộc. Tinh thần tích-cực nhập thế của đạo Phật đã là một trong những nguyên-nhân làm cho đạo Phật phát-triển mãnh-liệt.
Ở thời đức Phật, con người đã quá đau khổ và vì vậy rất mong-mỏi giải thoát cho cá nhân mình. Giáo-lý Phật-giáo cố nhiên phải cung-phụng cho nhu cầu giải-thoát ấy. Người ta chỉ lo tuyên-dương giáo-lý giải thoát cá-nhân, sùng thượng giáo-lý ấy, và hầu như không còn để ý đến giáo-lý nhập-thế tích-cực nữa. Các kinh điển đại-thừa hầu như bịbỏ quên, không được ai nhắc đến. Dần dần về sau, theo nhu cầu của thời-thế, người ta mới để ý đến kinh điển đại thừa, mới tuyên-dương giáo-lý đại-thừa. Cho nên những kinh-điển đại-thừa xuất-hiện chậm hơn các kinh-điển tiểu-thừa. Giáo-lý đại-thừa mà đức Phật truyền dạy riêng tây cho những bậc bồ-tát, những hàng đại căn có tinh thầnnhập thế, giáo-lý ấy mãi về sau mới được chú ý đến.
Vậy trong lúc nghiên-cứu văn-học Phật-giáo, chúng ta hãy gạt ra ngoài những cố-chấp để có thể thấy rõ được tinh-thần và khả-năng của toàn-bộ giáo-lý đạo Phật.