BÀI THỨ 2: LƯỢC SỬ ÐỨC PHẬT THÍCH CA MÂU NI

PHẬT HỌC PHỔ THÔNG QUYỂN 1

Sa môn THÍCH THIỆN HOA

Khóa I: NHÂN THỪA PHẬT GIÁO

Bài thứ 2: LƯỢC SỬ ÐỨC PHẬT THÍCH CA MÂU NI

(từ Giáng sanh đến Thành đạo)

 A. MỞ ĐỀ: 

Ðời đức Phật Thích-Ca là một tấm gương sáng

Bắt luận một tôn giáo nào, vị giáo chủ bao giờ cũng là một tấm gương sáng cho tín đồ soi chung để tiến bước. Nhưng trong các vị giáo chủ của các tôn giáo hiện có trên thế giới này, không có một vị nào đầy đủ ý nghĩa cao đẹp, một đời sống sâu xa bằng đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni. Mỗi hành động, mỗi cử chỉ, mỗi lời nói, cho đến mỗi im lặng của Ngài đều là những bài học quý báu cho chúng ta. Nếu chúng ta học giáo lý của Ngài mà không hiểu rõ đời sống của Ngài, thì sự học hỏi của chúng ta còn phiến diện, thiếu sót. Ðời Ngài chính là những biểu hiện giáo lý của Ngài. Ngài nói và Ngài thực hành ngay những lời Ngài đã nói. Ðời Ngài là một bằng chứng hiển nhiên để người đời nhận thấy rằng giáo lý của Ngài có thể thực hiện được, chứ không phải là những lời nói suông, những không tưởng, những lâu đài xây dựng trên mây, trên khói.

Vậy cho nên khi chúng ta học hỏi đời Ngài, chúng ta không nên có cái quan niệm học cho biết để thỏa mãn tánh hiếu kỳ, mà chúng ta cần phải tìm hiểu ý nghĩa thâm thúy của đời sống ấy để đem áp dụng cho đời sống của chúng ta.

Làm được như thế mới khỏi phụ ý nguyện lớn lao của đức Phật khi giáng sinh xuống cõi Ta-bà này và đã cam chịu bao nỗi đau khổ, gian lao trong kiếp sống như mỗi người chúng ta.

B. CHÁNH ĐỀ  

I. ÐỊNH NGHĨA HAI CHỮ GIÁNG SINH 

Thường trong danh từ nhà Phật, khi nói đến sự hiện diện của đức Phật Thích-Ca trong cõi đời này, người ta thường dùng chữ đản sinh (nghĩa là một sự ra đời vui vẻ, làm hân hoan, xán lạn cho cõi đời); hay thị hiện (nghĩa là hiện ra bằng xương bằng thịt, cho con mắt trần của chúng ta thấy được); hay giáng sinh (nghĩa là từ một chỗ cao mà xuống một chỗ thấp để sinh ra).

Ba chữ ấy đều có 3 ý nghĩa khác nhau: Chữ đản sinh dùng để ca tụng một bậc tôn quí ra đời; chữ thị hiện hàm cái ý Phật bao giờ cũng có cả, nhưng vì mắt người không thấy được, phải hiện rõ ràng ra mới thấy; chữ giáng sinh hàm cái ý đức Phật ở một cảnh giới cao hơn, tốt đẹp hơn mà hạ xuống cảnh giới phàm trần này. Ba chữ ấy mặc dù khác nhau, nhưng đều có thể dùng để chỉ sự ra đời của đức Phật. Trái lại, khi một nguời phàm ra đời thì gọi là “đầu thai”. Ðầu thai có nghĩa là bị nghiệp báo hoặc thiện hay ác bắt buộc phải luân hồi để chịu quả báo lành hay dữ. Còn giáng sinh hay thị hiện thì không hàm cái nghĩa bị nghiệp nhân câu thúc, mà do nơi lòng từ bi, muốn lợi ích cho chúng sinh, nên tự nguyện ứng thân xuất hiện ra đời trong một thời gian để cứu độ chúng sinh; xong xuôi thì thâu thần tịch diệt, tự tại vô ngại ra ngoài sống chết.

II. HOÀN CẢNH VÀ DÒNG DÕI CỦA ĐỨC THÍCH-CA 

Ðức Phật giáng sinh ở xứ Trung Ấn Ðộ, bây giờ là nước Népal, một nước ở ven sườn dãy núi Hy Mã Lạp Sơn, là một dãy núi cao nhất thế giới. Phong cảnh ở đấy rất đẹp; đến mùa xuân cả nước đơm bông nảy lá như một vườn hoa vĩ đại. Dân cư ở xứ ấy rất là thuần lương. Vị vua trị vì là Tịnh-Phạn, một vị vua thuộc dòng Thích-Ca, là một dòng họ lớn đã mấy mươi đời nối nghiệp trị vì đất nước này. Bà hoàng hậu Ma-Da, cũng là một người thuộc dòng vua chúa đã lâu đời. Cả hai ông bà vua Tịnh-Phạn đều là người đã nhiều kiếp tu hành, có đức hạnh lớn, xứng đáng làm cha mẹ muôn dân.

Một hôm, trong thành Ca-tỳ-la-vệ, là kinh đô của vua Tịnh-Phạn, có lễ vía Tinh tú, vua tôi cùng nhau mở hội ăn chơi. Hoàng hậu Ma-Da, sau khi dâng hương hoa cúng kiến trong cung điện rồi, ra ngọ môn bố thí thức ăn, đồ mặc cho dân bần cùng. Khi trở về cung an giấc, bà nằm mộng thấy một con voi trắng sáu ngà từ trên hư không xuống, lấy ngà khai hông bên hữu của Bà mà chun vào. Bà đem điềm chiêm bao ấy thuật lại cho vua Tịnh-Phạn nghe. Vua ra lịnh mời các thầy đoán mộng. Các nhà tiên tri đoán rằng: “Hoàng hậu sẽ sinh một quý tử tài đức song toàn”. Vua Tịnh-Phạn rất mừng rỡ, vì ngôi báu từ đây sẽ có người truyền nối.

Ðến sáng ngày mồng tám tháng tư âm lịch (trước Tây lịch 624 năm), tại vườn Lâm-tỳ-ni, cách thành Ca-tỳ-la-vệ 15 cây số, hoàng hậu Ma-Da đang ngoạn cảnh, trông thấy cành hoa vô ưu mới nở, thơm ngát, bà đưa tay phải vói hái, thì thái tử cũng vừa xuất hiện ngay đấy.

Ngày đản sinh thái tử, trong thành Ca-tỳ-la-vệ, cảnh vật đều vui vẻ lạ thường, khí hậu mát mẻ, cây cỏ đều đơm hoa trổ trái; sông, ngòi, mương, giếng nước đều trong đầy; trên hư không chim chóc và hào quang chiếu sáng cả mười phương.

Vua Tịnh-Phạn vui mừng khôn xiết mời các vị tiên tri đến xem tướng thái tử. Trong số ấy, có đạo sĩ tên A-tư-đà tu ở núi Hy Mã Lạp Sơn, tiên đoán rằng: Thái tử vì có 32 tướng tốt xuất hiện, nên sẽ trở thành một vị thánh. Nhưng vua Tịnh-Phạn lại chỉ muốn con mình làm một vị vua để nối dõi tông đường mà thôi. Vì thế, Tịnh-Phạn vương muốn đổi số mệnh con mình, nên đặt tên cho thái tử là Tất-Ðạt-Ða (Siddartha) theo tiếng Phạn, nghĩa là: “Kẻ sẽ giữ chức vị mà mình phải giữ”. Chức vị mà Tịnh-Phạn vương muốn ám chỉ đây tức là ngôi vua. Ngài không ngờ rằng chính thật chức vị của con Ngài là chức vị Phật.

Hoàng hậu Ma-Da sau khi sinh thái tử được bảy ngày, vui thú quá vì thấy mình đã làm tròn nhiệm vụ cao quý, và đã rửa sạch nghiệp báo nên bà trút được xác phàm và sinh về cõi trời Ðao Lợi. Vua Tịnh-Phạn giao thái tử cho em gái hoàng hậu là Ma-ha Ba-xà-ba-đề nuôi dưỡng.

III. TÀI NĂNG VÀ ĐỨC HẠNH CỦA THÁI TỬ 

Thái tử mỗi năm mỗi lớn, thì diện mạo càng thêm khôi ngô, tài năng càng phát lộ gấp bội. Ngài có một sức khỏe hơn người, một trí thông minh xuất chúng. Từ nghề văn cho đến nghiệp võ, thái tử học với ông nào thì trong ít hôm sau, vị giáo sư ấy phải xin cáo thôi, vì không còn đủ sức để dạy nữa. Cho đến ông thầy danh tiếng đệ nhất thời bấy giờ là Sằn-đề-đề-bà cũng chịu khuất phục Ngài luôn.

Nhưng, mặc dù tài sức hơn người, thông minh xuất chúng lại ở trong địa vị cao sang quyền quý tột bậc, thái tử không bao giờ tỏ vẻ ngạo mạn, khinh người. Ngài có một thái độ rất hòa nhã ôn hòa, vô tư, bình đẳng. Lòng thương người, thương vật của Ngài không ai sánh kịp, hễ có dịp giúp đỡ, thì dù khó khăn bao nhiêu Ngài cũng không từ nan. Bởi thế, Ngài được trên Vua cha yêu quý, dưới thần dân kính trọng, nể vì.

IV. NHỮNG RÀNG BUỘC CỦA TỊNH-PHẠN VƯƠNG ĐỂ NGĂN CHÍ XUẤT GIA CỦA THÁI TỬ  

Càng thương yêu, quý trọng con, Tịnh-Phạn Vương lại càng lo sợ con mình sẽ không ở lại với mình, mà sẽ xuất gia tìm đạo để thành một vị thánh, như lời tiên đoán của đạo sĩ A-tư-đà. Nhất là khi nhận thấy càng lớn, thái tử lại càng có vẻ suy nghĩ xa xăm, và nét mặt thái tử lại không được vui tươi như thời thơ ấu, vua Tịnh-Phạn lại càng lo sợ rằng lời tiên tri xưa sẽ thực hiện. Bởi thế, vua cùng triều thần ngấm ngầm sắp đặt mọi kế hoạch để ràng buộc thái tử ở lại ngôi báu. Ngài truyền xây dựng ba tòa lâu đài nguy nga tráng lệ để thái tử thay đổi nơi ăn chốn ở cho hợp thời tiết quanh năm, và chọn từng trăm cung phi mỹ nữ có tài đàn ca hay, múa giỏi để giải khuây cho thái tử. Nhưng chừng ấy cũng chưa đủ, Ngài còn làm lễ thành hôn cho thái tử với một công chúa con vua Thiện Giác là Da-du Ðà-la, một công chúa tuyệt đẹp và đức hạnh vô cùng.

Thái tử bị bắt buộc phải lập gia thất và có một con là La-hầu-la.

Nhưng, mặc dù sống một cuộc đời quá đầy đủ: nào chức tước danh vọng, nào lâu đài cung điện, nào đàn ca múa hát, nào vợ đẹp con ngoan, thái tử vẫn thấy lòng mình nặng trĩu bao nỗi băn khoăn, thắc mắc. Ngài cho cảnh đời Ngài đang sống đây không phải là hạnh phúc chân thật, mà là cảnh giả dối, mê muội, chỉ làm cho kiếp sống thêm nặng nề đau khổ. Ngài thấy cần phải tìm một lối thoát, một cuộc sống chân thật, có ý nghĩa và cao đẹp hơn.

V. NHẬN RA BỐN TƯỚNG KHỔ Ở ĐỜI.

Một hôm, nhân ngày lễ hạ điền, Thái tử theo vua cha ra đồng xem dân chúng cày cấy. Cảnh xuân, mới nhìn qua, thật là đẹp mắt, nào hoa lá tốt tươi, muôn chim đua hót; nào bầu trời quang đãng, gió xuân phơi phới. Cảnh tượng có vẻ thái bình, an lạc lắm. Nhưng tâm hồn thái tử không phải là một tâm hồn hời hợt, xét đoán một cách nông nổi. Trái lại, Ngài nhìn sâu vào trong cảnh vật và đau đớn nhận thấy rằng cõi đời không đẹp đẽ an vui như khi mới nhìn qua. Ngài thấy người nông phu và trâu bò làm việc một cách cực nhọc dưới ánh nắng thiêu đốt, để đổi lấy bát cơm, nắm cỏ. Chim chóc tranh nhau ăn tươi nuốt sống côn trùng đang giãy giụa trên những luống đất mới cày. Cũng trong lúc ấy, trong bụi rậm người thợ săn đang nhắm bắn những con chim kia, và trong khu rừng gần đấy, bọn hổ báo đang rình bắt người thợ săn. Thật là một cảnh tương tàn tương sát, không phút giây nào ngừng! Chỉ vì miếng ăn để sống mà người và vật dùng đủ mọi phương kế để giết hại lẫn nhau không biết gớm. Ngài nhận thức rõ ràng sự sinh sống là khổ.
Một hôm khác, Ngài xin phép Vua cha đi dạo ngoài bốn cửa thành để được tiếp xúc với thần dân. Ra đến cửa Ðông, Ngài gặp một ông già tóc bạc, răng rụng, mắt lờ, tai điếc, lưng còng, nương gậy lần từng bước ngập ngừng như sắp ngã.

Ðến cửa Nam, thái tử thấy một người đau nằm trên cỏ, đang khóc than rên xiết, đau đớn vô cùng.

Ðến cửa Tây, Ngài trông thấy một cái thây chết nằm giữa đường, ruồi lằng bu bám, và sình lên, trông rất ghê tởm.

Ba cảnh khổ già, đau, chết, cộng thêm vào cái ấn tượng tương tàn trong cuộc sống mà thái tử đã nhận thấy khi đi xem lễ cày ruộng, làm cho Ngài đau buồn, thương xót chúng sinh vô cùng.

Một hôm khác nữa, Ngài ra cửa Bắc, gặp một vị tu sĩ tướng mạo nghiêm trang, điềm tĩnh, và thản nhiên như người vô sự đi ngang qua đường. Thái tử thấy trong lòng nẩy sinh một cảm mến đối với vị tu sĩ. Ngài vội vã đến chào mừng và hỏi về ích lợi của sự tu hành. Vị sa môn đáp rằng: “Tôi tu hành là quyết bỏ dứt mọi sự ràng buộc của cõi đời, để cầu cho mình khỏi khổ và được thành chánh giác để phổ độ chúng sinh đều được giải thoát như mình”.

Lời giải đáp trúng với hoài bão mà thái tử đang ấp ủ bấy lâu, nên Ngài khôn siết vui mừng. Ngài liền trở về cung xin vua cha cho mình xuất gia. Vua Tịnh-Phạn không nhận lời. Thái tử yêu cầu vua cha 4 điều nếu vua giải quyết được thì Ngài hoãn việc đi tu, để trở lại lo chăn dân, trị nước. Bốn điều này là:

1. Làm sao cho con trẻ mãi không già

2. Làm sao cho con mạnh mãi không đau

3. Làm sao cho con sống hoài không chết

4. Làm sao cho mọi người hết khổ

Bốn điều này làm cho vua cha bối rối, không thể giải quyết được điều nào cả.

VI. SỰ XUẤT GIA TÌM ĐẠO  

Tịnh-Phạn vương, khi biết được ý định xuất gia của thái tử, lại càng lo sợ, lại tìm hết cách để ngăn cản, ràng buộc Ngài trong “cung vui”. Nhưng một khi thái tử đã quyết thì không có sức mạnh gì ngăn trở được ý định của Ngài.

Một đêm khuya thừa dịp quân lính canh gác và cung phi mỹ nữ say ngủ sau một tiệc linh đình, thái tử lén trổi dậy, nhìn vợ con từ biệt một lần cuối, rồi đánh thức tên giữ ngựa Xa-nặc dậy, thắng yên cương, rồi hai thầy trò cùng nhau trốn ra khỏi thành. Lúc bấy giờ nhằm đêm mồng tám tháng hai, và Ngài được 19 tuổi.

Sau khi vứt bỏ cuộc đời vương giả, Thái tử đi vào rừng sâu tìm đạo.

Ban đầu Ngài đến ở tu với các vị tu khổ hạnh. Những hạng người này sống một cách kham khổ, nhịn ăn nhịn uống, dãi nắng, dầm sương, hành thân hoại thể một cách rất ghê rợn. Thấy cách tu hành như thế không có hiệu quả, Ngài khuyên các vị ấy nên bỏ phương pháp tu hành ấy, nhưng họ không nghe. Ngài lấy làm thương cho họ, bèn tìm nơi khác mà tu hành. Ngài đi hết chỗ này đến chỗ khác, ở đâu nghe có một vị tu hành đắc đạo thì Ngài tìm đến học; nhưng đến đâu Ngài thấy đạo của họ cũng còn hẹp hòi, thấp thỏi, không thể giải thoát cho con người hết khổ được. Từ đấy, Ngài tìm chốn tu tập một mình, đêm ngày nghiền ngẫm đến đạo giải thoát, quên ăn bỏ ngủ thân hình mỗi ngày mỗi tiều tụy. Một hôm Ngài kiệt sức, nằm ngã lịm trên cỏ, và được một người chăn cừu đến đổ sữa cho Ngài tỉnh lại. Từ đó, Ngài nhận thấy nếu muốn tìm đạo có kết quả, cần phải bồi dưỡng thân thể cho được mạnh khỏe, chứ không thể bỏ quên nó đi được.

Khi thấy mình đã đầy đủ sức lực để chiến đấu trong trận cuối cùng với bóng tối si mê và dục vọng, và đem lại ánh sáng giác ngộ, Ngài đến ngồi nhập định dưới gốc cây bồ đề và thề rằng: “Nếu ta không thành đạo thì thịt nát xương tan, ta cũng quyết không đứng dậy khỏi chỗ này.”

VII. THÀNH ĐẠO  

Ðức Thích-Ca đã ngồi nhập định 49 ngày đêm dưới gốc bồ đề. Trong 49 ngày ấy Ngài đã chiến đấu với bọn giặc phiền não ở nội tâm như tham, sân, si, nghi, mạn…và chiến đấu với giặc Thiên-ma do Ma-vương Ba-tuần chỉ huy.

Sau khi thắng được cả giặc ở nội tâm lẫn ngoại cảnh, tâm trí được khai thông, Ngài hốt nhiên đại ngộ.

Trong đêm thứ 49, vào canh hai, Ngài chứng được quả “Túc Mệnh Minh”, thấy rõ được tất cả khoảng đời quá khứ của mình trong tam giới. Ðến nửa đêm, Ngài chứng được quả “Thiên Nhãn Minh”, thấy được tất cả bản thể của vũ trụ và nguyên nhân cấu tạo của nó. Ðến canh tư, Ngài chứng được quả “Lậu Tận Minh” rõ biết nguồn gốc của đau khổ và phương pháp dứt trừ đau khổ để được giải thoát khỏi sinh tử luân hồi.

Từ ngày ấy, Ngài được Đạo Vô Thượng, thành bậc “Chánh Ðẳng Chánh Giác”, hiệu là Phật Thích-Ca Mâu-Ni. Ngày thành đạo của Ngài tính theo âm lịch là ngày mồng 8 tháng 12, vào lúc sao mai mọc. Lúc ấy Ngài được 30 tuổi.

VI. Ý NGHĨA CAO CẢ TRONG SỰ XUẤT GIA TÌM ĐẠO CỦA ĐỨC PHẬT  

Những chiến sĩ chiến thắng quân địch ở ngoài chiến trường, thường được ca tụng là anh hùng. Càng chiến thắng được nhiều quân địch càng được hoan hô là anh hùng cái thế. Nhưng những kẻ anh hùng cái thế ấy, như Nã Phá Luân, Thành Cát Tư Hãn, Xê-Da (César), đã có ai chiến thắng được những dục vọng của chính mình? Cho nên thắng người đã khó mà thắng mình lại khó hơn. Ðức Phật đã thắng cả ngoại cảnh lẫn nội tâm, đã thắng được giặc Ma vương  Dục vọng. Ðức Phật thật xứng đáng với danh hiệu Ðại Hùng, Ðại Lực.

Ngài không phải vì quyền lợi riêng mình mà chiến đấu. Ngài chiến đấu vì tình thương. Mà tình thương ở đây cũng không phải chỉ nằm trong phạm vi hẹp hòi của gia đình: thương cha mẹ, vợ con, bè bạn. Tình thương ở đây là tình thương đối với tất cả chúng sinh, tất cả cõi đời. Tình thương ấy nó rộng sâu như trời bể, thiết tha như tình mẹ thương con. Ðức Phật thật xứng đáng với danh hiệu Ðại Từ, Ðại Bi.

Lại vì tình thương ấy, Ngài đã hoan hỷ lìa bỏ ngôi báu cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan, đàn hay múa đẹp, mùi ngon vị lạ để sống một cuộc đời kham khổ, đạm bạc, thiếu thốn, giữa rừng thiêng nước độc. Và một khi đã rời bỏ thứ mà người đời cho là quý báu nói trên, Ngài không một phút giây nào hối tiếc, muốn quay về để hưởng thụ lại. Bằng cớ là Ma vương đã sai con gái mình giả làm nàng Da-Du đến kêu gọi van xin Ngài trở về cung, mà Ngài cũng không chút bận tâm thối chuyển. Ngài xứng đáng với danh hiệu là Ðại Hỷ, Ðại Xả.

Cho nên ngày nay, mỗi khi xưng tán danh hiệu Ngài, chúng ta không thể không suy gẫm cái ý nghĩa sâu sắc và đúng đắn mà người đời từ xưa đến nay đã tôn xưng Ngài là Ðại Hùng, Ðại Lực, Ðại Từ, Ðại Bi, Ðại Hỷ, Ðại Xả.

C. KẾT LUẬN 

Chúng ta nên phát tâm rộng lớn và mạnh mẽ.

Chúng ta đã được biết qua đời sống của Ðức Phật từ khi sơ sinh cho đến thành đạo. Bài học của đời Ngài dạy cho chúng ta nhiều ý nghĩa, nhiều phương diện quý báu.

Nhưng điều quý báu nhất đối với kẻ sơ cơ như chúng ta là phải phát tâm Bồ đề rộng lớn, nguyện vì đời, vì đồng bào, đồng loại mà tu hành, chứ không phải chỉ vì ích lợi riêng cho mỗi cá nhân chúng ta.

Chúng ta lại phải phát tâm dõng mãnh, tích cực trong sự tu hành; một khi đã vào đường đạo, thì dù gặp nguy nan, hiểm trở khó khăn cũng nhất quyết không thối lui quay gót. Chúng ta phải tập cho được cái đức kiên chí như Ðức Phật khi ngồi thiền định dưới gốc bồ đề.

Ðược như vậy mới xứng đáng là “chân chánh Phật tử”.

Post Comment