ĐỂ HIỂU ĐẠO PHẬT
Phương Bối
VẤN ĐỀ SIÊU HÌNH
Bất cứ một cá-nhân nào hay một dân-tộc nào, dù sinh-hoạt còn dã-man và cổ-lỗ đến mấy đi nữa, cũng có trong đầu óc một vũ-trụ quan. Cá-nhân ấy hoặc dân-tộc ấy rất có thể không ý-thức rằng mình có một vũ-trụ quan, nhưng vũ-trụ quan ấy vẫn âm thầm điều-khiển cuộc đời của mình và quy-định một phần rất lớn những hành-động, ý-tưởng và ngôn-ngữ mà mình tưởng rằng khi xúc-sự mình mới quyết định có.
Bởi vì con người luôn luôn muốn hành-động theo cái hiểu của mình, dù cái hiểu đó nằm ở phạm-vi ý thức hay là nằm trong phạm-vi tiềm-thức. Một lề-lối sống, nói một cách khác hơn, một quan-niệm nhân-sinh bao giờ cũng thành-lập trên một quan-niệm về vũ-trụ. Nhân-sự-giới dầu sao cũng vẫn là một bộ-phận của tự-nhiên-giới, và sự vận-hành của nhân-sự-giới nếu muốn có kết-qủa tốt-đẹp, phải được nhịp-nhàng theo cái hoà-điệu đại-đồng của tự-nhiên-giới. Lão-tử đã sớm biết được điều quan-trọng đó khi ông nói:
“Không biết cái hòa-điệu đại đồng của vũ-trụ để vận-hành theo, cứ tự-ý mình mà vọng tác, thì thế nào cũng sẽ gặp phải tai-họa”
( Bất tri thường, vọng tác, hung!) (Đạo-đức kinh).
Nếu về vũ-trụ, ngài có một quan-niệm duy-vật, ngài sẽ hành-động như thế nầy; ông ấy có quan-niệm duy-thần, ông ấy sẽ hành-động như thế kia; và nếu tôi có một quan niệm khác hơn, tôi lại sẽ hành-động theo một thế khác nữa. Nhậân-thức nếu không đồng nhau, thì hành-động cũng sẽ không đồng nhau. Có một vũ-trụ-quan tức là đã có một tín-ngưỡng, không hơn không kém. Chỉ có những vũ-trụ-quan riêng cho mỗi dân-tộc, mỗi cá-nhân, mà không có một vũ-trụ-quan chung cho tất cả nhân-loại. Tùy theo khả-năng nhận-thức, ta chấp thuận một vũ-trụ-quan sẵn có hoặc ta kiến-tạo một vũ-trụ-quan khác mới hơn. Cũng như tùy theo bản-chất con người, chúng ta chấp-nhận một tín-ngưỡng tôn-giáo hoặc xây-dựng một tín-ngưỡng mới. Vậy thì cần gì phải tin vào một đấng thần linh mới là có tín-ngưỡng? Chỉ cần có một vũ-trụ-quan tức đã có tín-ngưỡng rồi. Và như thế, chính những con người duy-vật cũng đã có một tín-ngưỡng: tín-ngưỡng ấy là một vũ-trụ-quan duy-vật mà họ cũng có thể nồng-nhiệt sùng-bái như những kẻ cuồng-tín khác.
Có một quan-niệm về vũ-trụ tức là đã có lối giải-đáp một ít những vấn-đề siêu-hình, hoặc ít ra, cũng đã tin-tưởng theo những giải-đáp sẵn có. Mà nói đến siêu-hình tức là nói đến phạm-vi siêu thực-nghiệm . Ở đây chỉ có thể có những giả-thuyết mà thực-nghiệm không thể kiểm-điểm. Nếu ta chấp-nhận một giả-thuyết nào đó, bằng ý-thức và bằng tiềm-thức, tức là ta có một tín-ngưỡng về vũ-trụ, ta có một vũ-trụ-quan. Rồi dựa trên tín-ngưỡng ấy, ta hành động.
Ví-dụ: một triết-phái Ấn-độ cho rằng tất-cả thế-giới nhân-loại vũ-trụ mà ta thấy đây đều là nằm trong giấc mộng của Brahma: Brahma buồn, ngài muốn giải-trí, ngài nằm mộng. Trong giấc mộng của ngài, hiện ra thế-giới, nhân-loại, cầm-thú… Bao giờ ngài tỉnh mộng, thì tất cả những thứ ấy đều tan biến. Nếu tôi tin theo “vũ-trụ-quan” nầy, thì tôi cứ sẽ ngồi đợi giờ Brahma tỉnh mộng cho khỏe thân.
Nhưng nếu tôi tin rằng thế-giới nầy là do một đấng Thượng-đế tạo-lập, rằng con người sẽ được cứu-chuộc một khi biết tin tưởng Thượng-đế, tôi sẽ hành-động khác hơn, bấy giờ tôi sẽ trao hết bao nhiêu hy-vọng của tôi vào đấng thượng-đế ấy và tuyệt-đối vâng theo lời ngài.
Hoặc giả nếu tôi tin rằng không có một lực-lượng thần minh nào cả, thế-giới chỉ là một thực-tại vật-chất, linh-hồncon người cũng chỉ là một thuộc-tính của vật-chất và sau khi chết, tuyệt-đối không còn gì nữa hết, tôi sẽ chẳng tin gì đến luật nghiệp-quả báo-ứng và tôi sẽ dễ-dàng phạm vào muôn ngàn tội ác.
Thế cho nên một quan-niệm đứng-đắn về vũ-trụ rất cần-thiết cho cuộc sống nhân-loại. Có một vũ-trụ-quan gần với chân-lý bao nhiêu, con người sẽ đến gần được hạnh-phúc bấy nhiêu. Vũ-trụ-quan càng sai-lạc, thì nhân-sinh-quan càng sai lạc, và con người càng bị đau-khổ.
Nhưng làm sao để biết được rằng quan-niệm nầy gần chân-lý và quan-niệm kia xa chân-lý? Trăm ngàn quan-niệm khác nhau, trăm ngàn tín-ngưỡng khác nhau. Người nào cũng muốn rằng quan-niệm của mình là chân-lý, nhưngrốt cuộc, không có quan-niệm nào được toàn-thể chấp-thuận cả, vì tất cả các quan-niệm đều chỉ là những giải-đáp siêu-hình, vượt ngoài phạm-vi thực nghiệm.
Bởi thế nên đã có người muốn quét sạch trong óc mình những lối giải-đáp siêu-hình, không muốn chấp nhận một vũ-trụ-quan nào cả. Họ không muốn bắt đầu bằng một vũ-trụ-quan, họ muốn bắt đầu bằng cuộc sống thực-nghiệm,tìm hiểu ngay từ cuộc sống thực-nghiệm. Đó là những nhà đạo học.
Họ không muốn để trí-óc phiêu-lưu trong những thế-giới siêu-hình. Họ trở về với thực-tại, sống với thực-tại, nhận-xét thực-tại. Thực-tại gần nhất là bản thân họ và sự sống xung-quanh họ. Họ vận-dụng lực-lượng tâm-linh và khám-phá ra những sự thực mà họ chứng-nghiệm được một cách minh bạch: thân bất tịnh, thọ thị khổ, tâm vô thường, pháp vô ngã…
Họ tìm thấy bản thân họ và cuộc đời họ là một dòng tâm-lý vật-lý liên-tục, thúc đẩy bởi một lực-lượng nghiệp-báo. Họ cố-gắng tận diệt những ác-nghiệp và nuôi dưỡng những thiện-nghiệp để biến dòng đời khổ-đau thành dòng đời an-lạc. Và khi vô-minh trừ-diệt, trí-tuệ khai mở, họ đạt đến chân-lý, thấu hiểu mọi lẽ huyền-diệu của vạn-pháp, thấy được và dự được vào sự vận-hành của vũ-trụ. Họ dạy lại cho những kẻ chưa “giác-ngộ” những đường lối vận-hành ấy để những người nầy có thể hành-động hợp với hòa điệu đại đồng của thế-giới vũ-trụ và đi đến địa-vị đạt-đạo như họ.
Theo những lời chỉ dẫn ấy, mọi người cũng có thể có một quan-niệm về vũ-trụ. Họ tin theo những định-luật nghiệp-báo, luân-hồi, nhân-qủa và thực-hành theo đó để xây-dựng một cuộc nhân-sinh hợp-lý, ít khổ đau, nhiều an-lạc. Họ hành-động theo chân-lý và họ không sợ rằng họ sẽ “vọng-tác” để phải đi đến những hậu-quả khổ-đau nữa.
Họ có một vũ-trụ-quan, một tín-ngưỡng; và như thế là họ may-mắn được thừa-hưởng sự khám-phá của những người đạt đạo. Vũ-trụ-quan ấy (hoặc tín-ngưỡng ấy) là cỗ xe đưa họ đi về chân-lý, họ sẽ về đến đích một cách ít khó nhọc hơn.
Còn những nhà đạo học đã làm công-việc khám-phá trên kia thì đã không cần dựa vào một tín-ngưỡng nào cả, một vũ-trụ-quan nào cả. Họ bắt-đầu bằng cuộc sống thực-tại. Chẳng cần phải mang một tín-ngưỡng nào hết, chẳng cần chấp nhận trước một quan-niệm siêu-hình nào hết, họ vẫn có thể đi đến chân-lý, thành-tựu đạo-quả.
Và như thế, trong đạo Phật những vấn-đề siêu-hình không là vấn-đề hệ-trọng đối với những ai đang cố thực-hiện cuộc thực-nghiệm tâm-linh. Đối với các vị tỳ-kheo hay đặt những thắc-mắc siêu-hình, đức Phật thường quở-phạt là vì lẽ đó. Ngài dạy rằng điều hệ-trọng nhất là phải tự tinh-tiến lên để được giải-thoát giác-ngộ. Đừng phí thì giờ và tâm-lực vào những vấn-đề siêu-hình ” Nầy các tỳ-kheo, các thầy đừng thắc-mắc về vấn-đề thế-giới nầy là hữu-hạn hay vô-hạn, hữu cùng hay vô-cùng. Dù thế-giới nầy là hữu-hạn hay vô-hạn, là hữu-cùng hay vô-cùng, thì điều màchúng ta phải nhận là thực có ở giữa đời nầy, vẫn là những khổ đau sinh lão bệnh tử” Như thế đức Phật đã kéo chư đệ-tử trở về thực tại để giải-quyết vấn-đề quan-yếu nhất là vấn-đề giải-thoát diệt khổ. Sự thực “đau-khổ” hiển-nhiên trước mắt, cần được giải-quyết cấp-tốc, người ta không có thì-giờ để đi tìm hiểu những chuyện xa xôi.
Trong Kinh có chép câu chuyện của một người bị trúng tên độc không chịu cho người ta nhổ tên để rịt thuốc “Khoan, khoan nhổ mũi tên đã. Để tôi còn phải tìm hiểu kẻ nào đã bắn tôi, mặt mũi ra sao, tên gì, làng nào, có thù hằn gì với tôi không, rồi sau hãy nhổ.” Nếu mà tìm-hiểu được từng ấy thứ thì thuốc độc đã ngấm vào thân-thể rồi, còn cứu làm sao được. Cuối đoạn dụ, đức Phật kết luận rằng các đêï- tử phải mau mau thực-hành phương-pháp giải-thoát diệt khổ, đừng mất thì-giờ đi tìm hiểu những chuyện vu-vơ.
Trong rừng chân-lý mà đức Phật đã đi đến, ngài chỉ lựa chọn một ít những chân-lý căn-bản có lợi cho sự giải-thoátdiệt khổ để dạy cho tứ chúng đệ-tử.
Ở đây, ta cần nhớ lại lời dạy của đức Phật trong kinh Samyutta Nikaya.
Những vị đệ-tử chưa chứng ngộ thường thắc mắc về Niết-Bàn và đặt những câu hỏi về Niết-Bàn. Đức Phật có nhiều lần đã im lặng trước những câu hỏi đó. Sự im lặng của Ngài cũng đã là một cách trả lời. Tìm hiểu về Niết-Bàn là một điều mà trí thức phàm phu không thể nào làm được, và rốt cuộc, đó là một việc làm đã khiến mất thì giờlại còn dễ đưa người tới những tưởng tượng hư-vọng. Niết-Bàn là một thực-thể cần được thực-chứng chứ không phải là đối tượng của những suy-luận duy-lý.
Không cho những vấn-đề siêu-hình là quan trọng, đó là một điểm đặc biệt của đạo Phật. Một vị tỳ-kheo quyết tâmchứng đạo, không bắt buộc phải có lòng tin của một tín đồ. Người ấy có thể không bận tâm đến các vấn đề cực lạc,thiên đường, luân hồi, địa ngục. Người ấy chỉ cần đặt vấn-đề giải-thoát diệt-khổ. Bởi vì người ấy đã có thể nhận-chân được tính cách khổ, không, vô thường, vô ngã của vạn hữu (khổ đế) cùng nguyên-nhân của những khổ đauràng buộc ấy (tập đế) và cương quyết trừ diệt chúng bằng những phương pháp hợp lý (đạo đế) để đi đến sự chiến thắng khổ đau, sống trong tịnh lạc (diệt đế). Một khi thành công, người sẽ biết tất cả, hiểu tất cả, vì bấy giờ người đã sống trong chân-lý.
Nhưng có phải toàn nhân-loại đều là những đấng trượng-phu như thế cả đâu? Số người quyết tâm xả bỏ dục lạc, đi tìm chân lý thời nào cũng hiếm, cũng ít. Họ là những chiến-sĩ can-đảm vô song. Không đủ sức kham-nhẫn, không đủ nghị lực, họ sẽ bỏ cuộc dễ dàng. Họ sẽ trở về đi con đường tiệm tiến của đa số, con đường tương đối ít chông gai hiểm trở.
Ở đây tín-ngưỡng đóng vai trò quan-trọng hơn. Nhờ sự hướng dẫn của các bậc giác-ngộ, người ta tin ở nhân quả, tội phước, nghiệp qủa, luân-hồi và người ta hành động theo những tín-ngưỡng ấy. Những chân-lý trên đây ít nhiều nằm trong phạm-vi siêu hình, tổ hợp nên một tín-ngưỡng về vũ-trụ – một vũ trụ quan – làm nền tảng cho một lối sống an-hòa và tịnh-lạc hơn, ít khổ đau hơn. Những chân-lý ấy có thể nhận chân được một phần nào bằng trí suy luận và có thể chứng nghiệm hoàn toàn được bằng những cuộc thực nghiệm tâm-linh mà nếu muốn, ai cũng có thể làm được. Mà hễ làm được tức là đã bước lên con đường chứng ngộ của các bậc đại-sĩ trượng phu.
Vậy có một căn cơ yếu đuối, ta sẽ bằng lòng đi con đường tiệm tiến: con đường bắt đầu từ tín-ngưỡng (một tín-ngưỡng mà ta có thể chấp nhận bằng trí suy luận, chứ không phải một tín-ngưỡng vô điều kiện) và sẽ sát nhập vàocon đường thực nghiệm chân-lý khi nào ta đã có một căn-cơ mạnh mẽ.
Nếu sức ta mạnh, lòng ta hăng, nghĩa là khi ta có đại-căn, đại cơ, ta sẽ chọn ngay con đường của những bậc xuất trần thượng sĩ, bắt tay vào cuộc thực nghiệm tâm linh, diệt dục, đạt tuệ, chứng quả. Với con đường này, ta không cần một tín-ngưỡng siêu hình nào cả, những suy tưởng và biện-luận về các vấn-đề siêu-hình không cần thiết gì cho ta, chúng chỉ làm mất thì giờ và gây thêm cho ta nhiều vọng tưởng. Cuộc thực-nghiệm tâm linh sẽ đưa ta đến chỗ chứng-đạo, thấu hiểu mọi chân-lý mầu nhiệm bằng trí-tuệ Bát-nhã.
Chân-lý chỉ có thể thấu-triệt bằng thực-nghiệm, vậy thì những cuộc suy luận về các vấn đề siêu hình đều chỉ là “hý-luận” không cần thiết. Một lần nữa, là người học Phật, ta chớ nên nghĩ rằng giáo-lý đạo Phật chỉ nhằm mục đích giải đáp những thắc mắc siêu hình.