DANH MỤC KHÁC Danh Mục Khác

Ý nghĩa Trai Đàn Bạt Độ Chẩn Tế – Phần 1

dia-tang-vuong-bo-tac

Ý NGHĨA TRAI ĐÀN BẠT ĐỘ CHẨN TE – Phần 1
Thượng Tọa Thích Giải Ngộ
Diễn đọc: Hùng Võ
 
Trong tinh thần Phật giáo Đại thừa, “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”, không phân biệt màu da, chủng loại, còn sống hay đã khuất đều độ khắp qua nhiều phương tiện mà Trai đàn Bạt độ Chẩn tế là một trong những phương tiện ấy. Chúng sanh khi còn sống đã tạo nhiều nghiệp thì khi chết cũng xảy ra nhiều hình thức: chết nước, xe cộ, trong chiến tranh, bị đâm chém, uống thuốc độc, loài khác cắn, té sông biển, sụp hầm… bằng nhiều cách như thế nên chưa được siêu thoát, vất vưởng đó đây, qua nhiều hình thái khác nhau. Cảm thương cho những vong hồn ấy mà Nguyễn Du, trong Văn tế thập loại chúng sanh viết:
“Mỗi người một nghiệp khác nhau,
Hồn siêu phách lạc biết đâu bây giờ”.
Rất nhiều thành phần chết theo nhiều cách, gọi chung là “Thập loại Chúng sinh” hay “Thập loại Cô hồn”.
Theo bộ Du Già Tập Yếu Diệm Khẩu Thí Thực Nghi do ngài Tam Tạng Bất Không Kim Cang dịch từ Phạn sang Hán vào đời Đường, thì Thập loại cô hồn gồm có:
1. Thủ hộ quốc giới: là loại oan hồn vì nước bỏ mình.
2. Phụ tài khiếm mạng: là loại oan hồn chết vì trái chủ oan gia, trụy thai, hay sẩy thai.
3. Khinh bạc Tam Bảo: là loại oan hồn vì tạo nghiệp bất hiếu, phụ nghịch, vô đạo, khinh chê Tam Bảo.
4. Giang hà thủy nịch: là loại oan hồn chết sông, chết biển.
5. Biên địa tà kiến: là loại oan hồn ở nơi biên ải hẻo lánh xa xăm.
6. Ly hương khách địa: là loại oan hồn phiêu bạc tha hương, chết đường, chết bụi.
7. Phó hỏa đầu nhai: là loại oan hồn chết vì tự tử, trầm mình xuống sông, núi, chết đâm, chết chém..
8. Ngục tù trí mạng: là loại oan hồn chết vì bị tra tấn, khổ nhục trong lao tù.
9. Nô tì kết sử: là loại oan hồn chết vì bị đánh đập, hành hạ, đày đọa.
10. Manh lung ám á: là loại oan hồn lúc sống bị đui, què, câm, điếc, cô quả không ai chăm sóc.
Mười loại cô hồn này sống không yên một nơi, nay nơi này mai nơi khác, tùy theo hoàn cảnh mà nương tựa, xuất hiện. Có những loại cô hồn bản tánh xan tham, thấy thức ăn là giành dựt cấu xé lẫn nhau, gây đau khổ với nhau. Hoặc có loại cô hồn nhìn thức ăn hóa ra máu không ăn được, chịu mọi thống khổ không sao kể siết, hứng nhận mọi cực hình. Đức Phật phóng quang thấy mọi cực khổ ấy, Ngài đem lòng thương vô hạn, thiết bày ra nhiều phương cách để cứu độ, không phân biệt loại hạn nào “ Chúng sanh vô biên khổ nguyện độ khắp ”, hay “ Độ tận chúng sanh mới thành Phật ” của Ngài Địa Tạng Bồ Tát. Đó là lý do có Trai đàn Bạt độ Chẩn tế. (Thích Huệ Khánh trích soạn)
NGUYÊN NHÂN TRAI ĐÀN BẠT ĐỘ CHẨN TẾ:
Một đêm khuya vắng nọ, ngài A-Nan đang ngồi tu tịnh, bỗng thấy một con quỉ gọi là Diệm Khẩu, miệng đỏ rực lửa, thân hình quái dị, bảo A-Nan rằng: “Trong ba ngày nữa ông sẽ chết”. A-Nan nghe vậy quá hoảng hốt. Sáng hôm sau, Ngài A Nan đem việc ấy trình Đức Phật và hỏi nguyên do. Đức Phật giải thích xong dạy ngài A Nan phương pháp cứu giúp.
GIÁ TRỊ PHƯƠNG PHÁP CỨU TẾ NGẠ QUỶ:
Như đoạn trước đã trình bày, tinh thần Đại thừa Phật giáo không những độ sanh mà còn độ tử. Chúng sanh bị đọa vào địa ngục nếu không có phương pháp cứu tế thì bao giờ mới thoát khỏi mọi đau khổ, sẽ chìm đắm địa ngục mãi. Nh ư kinh Địa Tạng dạy : “Người nam người nữ nào, lúc sanh tiền không tu tạo phước lành mà tạo nhiều tội lỗi, sau khi chết, hàng thân quyến vì người chết mà tu tạo phước lợi, làm tất cả việc Thánh Đạo, thì trong 7 phần,
người chết hưởng 1 phần để siêu thoát, 6 phần còn lại, người sống hưởng ” (phẩm thứ 7). Do vậy, độ sanh là trách nhiệm, độ tử là một hạnh nguyện của người con Phật, của tinh thần đại từ đại bi, đại nguyện của đạo Phật. Chính vì thế, ngài Địa Tạng là một vị Bồ tát đã phát nguyện: “Khi nào độ hết chúng sanh khổ đau nơi địa ngục, Ngài mới thành Phật”. Muốn cứu độ chúng sanh phải dùng phương tiện, giống như muốn có cơm ăn no khỏi đói, khỏi đau bụng thì phải dùng lửa, điện… hạt gạo mới chín thành cơm để ăn. Cũng thế, chư Phật, Bồ tát muốn cứu giúp chúng sanh còn sống hay đã chết, quý Ngài dùng nhiều phương tiện để “âm dương lưỡng lợi” người sống an lòng việc mình đã làm đối với người đã khuất, người chết nhờ công đức này thoát cảnh đau khổ.
Cho nên, Trai đàn Bạt độ chư hương linh, Chẩn tế cô hồn là một việc làm cần có đối với người con Phật. Tuy nhiên, việc lập đàn Bạt độ, chẩn tế phải đúng Pháp không nên bày vẽ những hình thức phí tiền của như đốt vàng bạc, làm hình nộm thế thân, tất cả những việc ấy không đúng tinh thần Phật dạy. Đúng Pháp ở đây cần nêu lên vài điều căn bản:
1. Chư Tăng chứng minh, thực hành lễ tế độ phải thanh tịnh chí tâm.
2. Lòng thành người lập đàn phải chí thành.
3. Thiết trí phải trang nghiêm, khuôn viên lễ phải sạch sẽ, không ồn ào.
Chính nhờ những điều căn bản trên, Trai đàn sẽ có kết quả, chư hương linh, cô hồn, ngạ quỷ nương nhờ công đức này mà được siêu thoát hướng tâm tu thiện, cải tà quy chánh, quy kính Tam Bảo.
Người con Phật làm được hạnh nguyện này là pháp bố thí rất lớn, tạo được thiện nghiệp, Bồ đề tâm mở rộng, Đạo nghiệp sáng trong, trí tuệ phát triển.
Trong vòng sanh tử, tử sanh bất tận của mỗi kiếp người không ai không có bà con quyến thuộc. Kiếp sống một chúng sanh nào đó, họ chưa có duyên lành gặp Phật Pháp, chưa rõ lẽ nhân quả, nghiệp báo, nên khi chết làm sao tránh khỏi sự đọa lạc nơi chốn đau khổ, cực hình, đói khát vô cùng, vất vưởng đó đây, hang cùng hẻm nọ. Chỉ có Đức Phật, chư Bồ Tát chứng ngộ mới thấy rõ nghiệp lành, dữ của chúng sanh mà dạy lại chúng ta. Chúng ta chưa chứng làm sao thấy sự đau khổ của họ! Vì vậy, với lòng thương vô hạn những kẻ chết nhiều nghiệp khác nhau, Đức Phật dạy chúng ta lập đàn Bạt độ, chẩn tế, giúp người đã khuất mau thoát cảnh cực hình. Cho nên, những người làm con, làm cha mẹ, làm anh chị không thể làm ngơ trước cảnh người thân mình rên siết khổ đau nơi tăm tối.
*********************************
Nói đến khoa nghi chẩn tế âm linh cô hồn thì không thể không nói đến nghi lễ của Phật giáo. Nhiều nhà nghiên cứu tôn giáo trên thế giới đều đồng ý rằng một tôn giáo phải có đủ ba yếu tố: triết học, nghi lễ và thần thoại. Phật giáo là một tôn giáo nên Phật giáo cũng có đầy đủ ba yếu tố trên. Tuy nhiên, Phật giáo là tôn giáo không có thượng đế nên yếu tố nghi lễ và thần thoại của đạo Phật mang sắc thái và ý nghĩa khác với các tôn giáo khác.
Vậy yếu tố nghi lễ trong đạo Phật được định nghĩa như thế nào?
Nghi có nghĩa là nghi thức, khuôn phép, dáng mẫu… Lễ là lễ giáo, lễ bái, cúng tế, tôn thờ, cung kính… Vậy nghi lễ có ý nghĩa rất rộng, bao trùm cả hành vi, thái độ, văn hóa, tín ngưỡng, ngôn ngữ, phong cách của con người trong xã hội. Trong nghĩa hẹp thì nghi lễ là nghi thức hành lễ tụng niệm mang tính tín ngưỡng thờ phụng của một tôn giáo. Nghi lễ của Phật giáo thường đi đôi với nhạc (lễ – nhạc), tùy theo truyền thống văn hóa nghệ thuật của mỗi miền mà nghi lễ Phật giáo sẽ ảnh hưởng truyền thống văn hóa của miền ấy. Ví dụ âm điệu tán tụng và nhạc của chư Tăng xứ Huế thì mang sắc thái âm nhạc cung đình với những điệu Nam Ai, Nam Bình, Kim Tiền, Lưu Thủy… Nghi lễ Phật giáo của chư Tăng miền Bắc thì âm hưởng lại mang màu sắc của tuồng chèo, có một số bài tán tụng mang âm hưởng của Quan họ Bắc Ninh… trong khi những điệu tán, tụng, xướng kệ của chư Tăng miền Nam lại mang sắc thái cải lương, tuồng cổ… Nói chung, nghi lễ Phật giáo mang màu sắc lễ nhạc cổ truyền của dân tộc, đậm nét văn hóa truyền thống, cần phải tôn trọng và giữ gìn.

Posted by Dieu Hanh

Post Comment