Thơ Văn học

Tĩnh Dạ Tư – Lý Bạch

TĨNH DẠ TƯ
Sàng tiền minh nguyệt quang
Nghi thị địa thượng sương
Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương.
Lý Bạch

Đầu giường ánh trăng rọi
Ngỡ mặt đất phủ sương
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng
Cúi đầu nhớ cố hương.
(Tương Như dịch)

CẢM NGHĨ TRONG ĐÊM THANH TĨNH
(Tĩnh Dạ Tư – Lý Bạch)

Lý Bạch là người quá nửa cuộc đời sống xa quê hương.

Từ năm 25 tuổi, ông đã đeo kiếm xa quê lên đường lập nghiệp.

Từ đó đi mãi, phiêu bạt nơi này nơi nọ, cho đến năm 62 tuổi, chết đuối trên dòng sông băng, ông vẫn chưa về lại quê nhà. Nói như thế để thấy trong những năm tháng xa nhà, mối tình thương nhớ quê hương của ông âm thầm, sâu nặng biết chừng nào. Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh là một trong những bài thơ thể hiện tình cảm yêu quê hương thầm kín của ông.

Nhưng bài thơ này được truyền tụng, nổi tiếng, không giản đơn chỉ vì tình yêu quê hương, mà còn vì nghệ thuật đặc sắc của nó.Khác với bài Xa ngắm thác Núi Lư đầy tưởng tượng độc đáo, mới lạ, khác với bài Hành lộ nan đầy niềm tự tin và khí thế hiên ngang, bài thơ này hầu như không có tưởng tượng gì, không có chữ nào lạ, không dùng phép khoa trương, phóng đại nào, tất cả đều tự nhiên, giản dị, mộc mạc mà thành tuyệt tác.

Nhà nghiên cứu Hồ Ứng Lân, đời Minh, nhận xét: “Thơ tuyệt cú của Lý Thái Bạch xúat khẩu mà thành, không có ý làm cho tinh vi mà không bài nào là không tinh vi”. Bài Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh này là bài thơ ngũ ngôn tuyệt cú, gồm 4 câu, mỗi câu 5 chữ, thuộc vào loại thơ không cố ý làm cho tinh vi mà rất tinh vi như thế.

Một người xa quê hương, ban ngày bận rộn công việc có thể không có lúc nhớ quê, nhớ nhà. Nhưng đêm xuống, việc ngơi, một mình trong đêm thanh vắng, làm sao ngăn được mối tình nhớ quê dào dạt trong lòng? Huống gì đó là một đêm trăng sáng, gợi về những kỉ niệm đoàn viên sum họp!

Trăng sáng, sương trong là cảnh đêm mùa thu. Hai câu đầu gợi tả cảnh đêm trăng sương xuống bằng phép tự sự:

Đầu giường ánh trăng rọi
Ngỡ mặt đất phủ sương

Nhà thơ mơ màng trên giường. Người xa quê thường trằn trọc khó ngủ. Chợt nhà thơ nhìn thấy đầu giường có ánh sáng, tưởng là sương trắng phủ mặt đất. Ngỡ là sương chứ thật không phải sương, mà chỉ là ánh trăng. Nhưng cái cảm giác về sương mù mặt đất cho thấy trời đã khuya lắm, lại là một ảo giác về mùa thu, có ý lạnh và buồn. Hai câu thơ thuần túy là câu trần thuật, chứ không phải miêu tả gì. Nó kể về một ảo giác trong khoảnh khắc, khi giấc mơ màng ngắn ngủi vừa tan. Đó là lúc từng luồng ánh trăng xuyên qua cửa sổ, chiếu rọi đầu giường. Thoạt nhìn tưởng là sương, nhưng tức khắc hiểu ra là ánh trăng, vội ngẩng đầu lên trăng sáng, như để kiểm tra ý nghĩ. Nhưng nhìn thấy ánh trăng, nhà thơ tỉnh hẳn như chạm phải nỗi niềm nhớ nhà, không nỡ nhìn lâu, liền cúi đầu, nhớ cố hương. Hai câu kết kể về hành động liên tục, làm hiện lên một quá trình cảm xúc:

Ngẩng đầu nhìn trăng sáng
Cúi đầu nhớ cố hương

Trăng thu vằng vặc, ánh sáng trong mà lạnh. Đối với người lữ thứ cô đơn nơi đất khách thì ánh sáng ấy làm tăng thêm cảm giác cô đơn trống trải. Ánh trăng sáng càng dễ khiến người ta nhớ nhà, nhớ quê, nhớ người thân thuộc. Người cúi đầu có thể tránh được ánh trăng, nhưng làm sao tránh được tình cảm nhớ mong trong cõi lòng mình?

Chỉ có bốn dòng, mà từ “ngỡ” đến từ “ngẩng đầu”, từ “ngẩng đầu” đến “cúi đầu”, hành động trong thoáng chốc, mà nỗi niềm không biết lúc nào nguôi!

Bài thơ này là như vậy. Bốn câu thơ chất phác – giản dị như lời nói thường, vậy mà chan chứa biết bao tình ý. 

Trần Đình Sử

Post Comment