Các Bài Giảng Pháp Phật Pháp

Phật Lý Căn Bản

phatlycanban-hthuyenvi

Phật Lý Căn Bản


Cố HT. Thích Huyền Vi
Biên soạn

—————————————————————————————————

LỜI NÓI ĐẦU

Thế nào gọi là Phật Lý Căn Bản? – Giáo lý chính yếu của Phật giáo, tóm lược các quan điểm trong ba tạng (Tripitaka). Thích Ca Thế Tôn (Sakyalokajyestha) sau khi chứng thành đạo quả, Ngài đi chu du khắp xứ Ấn Độ thuyết pháp độ sanh 45 năm trường, hơn 300 hội. Giáo lý của Ngài có chia ra 84, 000 pháp môn, vô lượng diệu nghĩa. Yếu điểm trong giáo lý của đức Phật là để thuyết giảng cho các tầng lớp chúng sanh: nhận rõ thể tướng của vũ trụ và nhân sinh, hiểu thấu đâu là bến mê, đâu là bờ giác, thế nào là chơn, thế nào là vọng. Giáo lý của đức Phật mặc dù có chia ra nhiều pháp môn như thế, nhưng điểm cốt yếu, chúng ta phải hiểu biết tường tận về căn bản, Phật Lý Căn Bản là nền tảng duy nhất để mọi người đạt đạo giải thoát (moksa). Nó là con đường giúp ta tiến đến Niết Bàn (Nirvana). Cũng như thế, muốn xây dựng toà lầu đài vững chắc, điều kiện trước tiên, chúng ta phải lo xây đắp nền móng cho thật kiên cố.

Chúng sanh trong thế giới đầy tham dục, luyến ái nầy, hằng ngày gây tạo tội lỗi rất dễ dàng và đọa lạc cũng không khó. Mọi nỗi phiền não trong thế giới Ta Bà (Saba lokadhatu) nầy hoặc do đời trước con người đã tạo, hoặc do đời nầy đã và đang gây ra, thì con đường trầm luân sau khi chết thật đáng lo đáng sợ! Chúng sanh bị chìm đắm trong bể khổ sanh tử đã lâu đời lâu kiếp, vì không thấu rõ giáo lý căn bản vả không chịu thật hành Phật Lý Căn Bản. Người sinh vào nhân luân thì rất ít, nhưng kẻ bị đọa vào ác thú thì quá nhiều, nhân quả xoay vần, khổ não khó mà tránh khỏi. Chúng ta không cố tâm tìm hiểu giáo lý và áp dụng giáo lý để vượt qua bể kổ sanh tử trong đời nầy thì muôn kiếp nghìn đời về sau khó mà tìm đường giải thoát. Trước kia chúng ta bị bức màn vô minh (avidya) che lấp chân tánh (Buđhata) nên phải trôi lăn trong biển sanh tử, hôm nay được hiểu giáo lý của Phật, biết được đâu là khổ, đâu là vui, ngoài thế giới đau khổ triền miên nầy còn có nhiều thế giới khác thanh tịnh trang nghiêm, quang minh quảng đại.

Tâm muốn bốn ngàn pháp môn, ba tạng kinh điển của Phật truyền lại, mặc dù giải thích rộng rãi sâu xa, nhưng không ngoài Phật lý căn bản trong tập sách nầy, Giáolý căn bản chỉ cho ta thấy lời Phật thuyết pháp không sai, dẫn chứng cho ta thấy bánh xe luân hồi (samsara) không bao giời ngừng quay trong dục giới (kamavacara) nầy. Nhờ giáo ly căn bản chúng ta biết chắc rằng họa hay phước do mình tự tạo. Phật Ly Căn Bản nói cho chúng ta biết mỗi người đều có thể thành Phật, vì ai cũng đều có Phật tánh. Các vấn đề giải thích trong tập sách nầy chúng tôi không chú trọng phần lý thuyết suông, mà điểm cốt yếu là hy vọng mỗi người phải hiểu rõ rồi thật hành, có thật hành mới thấy chân giá trị của nó.

Sách nầy là một tập tài liệu căn bản, giúp cho các Giảng sư, Giáo sư cũng như sinh viên trong phân khoa Phật học và các Viện Cao Đẳng Phật Giáo, nhất là Giảng sư đoàn, khi đi giảng đạo các nơi. Tài liệu viết tập sách nầy, các điểm chính yếu, chúng tôi dựa theo trong tạng Phạn ngữ, về thể thức trình bày, chúng tôi theo các bài thuyết pháp của chư vị Đại Pháp Sư Trung Quốc, đã giảng giải qua nhiều Pháp hội đạo tràng.

Trong khi soạn viết và ấn hành tập sách nầy, với Phật sự đa đoan, nhất là việcv Hoằng Pháp và Giáo Dục, chúng tôi biết thế nào cũng không tránh khỏi mọi điều sơ sót từ hình thức lẫn nội dung. Vậy có chỗ nào sai lầm mong các vị cao minh vui lòng chỉ giáo, để kỳ sau tái bản được hoàn bị hơn.

Mùa an cư năm Quí Sửu, P.L 2517

Ấn Quang, ngày 14 tháng 06 năm 1973

THÍCH HUYỀN VI


CHƯƠNG I

TỔNG QUAN

1. THẾ NÀO GỌI LÀ PHẬT GIÁO?

Phật giáo (Buddhism) là giáo pháp (doctrine) của Đức Phật Sakyamuni thuyết giáo ra. Ý nghĩa chữ Phật (Bud) nói cho đủ là Phật đà (Buddha). Chữ nầy hoàn toàn dịch âm từ chữ Sanskrit hay chữ Pali của Ấn độ (India). Chữ Phật đà Trung Hoa dịch là Kioh-che, theo tiếng Việt gọi là bậc giác ngộ, hoàn toàn sáng suốt. Chữ Phật đà gồm có ba nghĩa:

a) Tự giác (Tzu-Kioh):

Nghĩa là sự giác ngộ chính do nơi mình (It means the enlightening ourselves)

b) Giác tha (Kioh-Ta)

Nghĩa là không những giác ngộ cho mình mà còn tìm phương pháp giác ngộ cho kẻ khác. (That means we try to make others to attain enlightenment too).

c) Giác hạnh viên mãn (Kioh-tsin-yìian-man):

Nghĩa là tự mình giác ngộ rồi, giác ngộ cho kẻ khác, hai công hạnh nầy đạt đến địa vị viên mãn (It means that Buddha was completely or perfectly enlightened ). The first is a Arhat’s; the first and second a Bodhisattva’s; and all the three for Buddha’s). Nhưng hai chữ Phật Đà, theo tập quán của người Việt Nam, hằng ngày chỉ nói là Phật, như nói đức Phật, chùa Phật, Đạo Phật…đó là nói tắt.

Phật giáo là các giáo pháp của: hai thừa (Dviyana), ba tạng (Tripitaka), ba thừa (Triyana), năm thừa (Pancayana), chín bộ (Navasutra) hay mười hai phần giáo (Dvadasa mayayana-sutra), nói rộng ra có tới tám muôn bốn ngàn pháp môn (the 84,000 teachings or lessson credited to the Buddha for the cure of all sufferings) do Đức Sakyamuni Buddha nói ra).

Phật giáo cùng Phật học:Bất luận Tôn giáo nào trên thế giới, mỗi tôn giáo đều y cứ theo một nền triết lý (Philosophy) riêng của vị giáo chủ. Chúng ta hãy xét qua các sắc thái của các Tôn giáo khác, như là Khổng giáo (Confucianism), Lão giáo (Taoism), Thiên Chúa Giáo (Catholicism), Tin Lành Giáo (Protestanism), Hồi giáo (Islamism), Do Thái Giáo (Judaism), Ấn Độ Giáo (Hinduism), v.v…rồi hãy trở về với cơ sở triết học Phật giáo, một nền giáo lý hoàn toàn xây dựng trên lý trí con người. Triết thuyết vừa cao thượng vừa sâu sắc bao trùm cả pháp thế gian (The worldlaw, or law of this world) và pháp xuất thế gian (to go out of the world); the supra-mundane). Các nhà Triết học (Philosophers) ở Đông phương cũng như Tây phương đều công nhận như thế. Ở đây chúng ta hãy gác bỏ các hình thức phức tạp của Phật giáo, hình thức ấy do phong tục, tập quán của mỗi nước, mỗi địa phương tạo ra, chỉ tìm hiểu và nghiên cứu đến lý của Phật giáo mà thôi. Vì giáo lý của Phật giáo quá bao la rộng lớn, pháp vị hoằng thâm, cho nên chúng ta cần phải tìm cầu và phải biết phương pháp để nghiên cứu, phải làm công việc học vấn và tìm hiểu một cách tường tận. Chính phương pháp ấy gọi là Phật học.

2. LÀM THẾ NÀO ĐỂ NGHIÊN CỨU PHẬT GIÁO?

Chúng ta phải đi sâu vào “Đại Tạng Kinh) cùng tất cả Kinh (Sutra), Luật (Vinaya) và Luận (Abhidharma) của Phật giáo. Toàn bộ môn kinh sách nhà Phật được gọi là “Ba Tạng Kinh Điển” (Tripitaka). Danh từ nầy được xuất phát hồi nào và ở đâu? Tại Ấn Độ, sau khi đức Phật nhập Niết Bàn (Mahaparinivana), các vị Thượng Túc đệ tử của Phật kết thành “Ba Tạng Kinh Điển” bằng chữ Phạn (Sanskrit là Bắc Phạn; Pali là Nam Phạn). Tại Trung Quốc (China) đời nhà Tùy, niên hiệu Khai Hoàng, năm đầu, vua sắc chỉ các nơi từ Kinh sư (Thủ đô) cho đến các địa phương làng, xã nhất luật dùng sở phí của nhà nước để sao chép tất cả kinh điển của Phật giáo, hoặc nguyên bản, hoặc đã dịch từ Phạn văn. Viết xong, kiểm duyệt lại và tôn trí trong các tự viện; một số kinh điển khác, được tàng trữ trong hoàng cung để làm bảo vật. Do các lý do nầy nên được gọi là “Đại Tạng Kinh” hay “Ba Tạng Kinh Điển”. Về sau các vị Tổ sư giải thích rộng ra làm cho ý vị của ba tạng kinh điển càng thêm phong phú. Tại Việt Nam, các đời vua Lý, Trần, đều có sai sứ thần sang Trung Quốc, phụng thỉnh ba tạng kinh điển về để cung cấp, ứng dụng cho nền Phật giáo nước nhà thời bấy giờ.

Nội dung của Đại Tạng Kinh có chia ra ba đại bộ phận: Tạng Kinh, Tạng Luật và Tạng Luận.

Tạng Kinh tiếng Phạn gọi là: Sutrapitaka. Nội dung của Tạng Kinh là ghi chép lại bao nhiêu lời giảng của Đức Phật. Chữ Sutra có ý nói dùng các sợi chỉ để xâu kết thành tràng hoa (tràng hoa là đồ trang sức cao quí của toàn dân Ấn). Lời giảng của Đức Phật bao trùm chân lý của vũ trụ (univers) và nhơn sanh (human livings). Vì thế nên dùng chữ Sutra để làm thí dụ. Nước ta, từ xưa đến nay, lời nói của các vị Thánh nhơn gọi là Kinh. Ý nghĩa chữ Kinh là lời nói đúng khuôn phép, lời dạy hợp lẽ phải, tức là chỉ cho lời nói của các vị Đại Giác Ngộ. Các Ngài đem việc thấy, biết hằng ngày để làm thí dụ: cũng như khi dệt vải, đường chỉ dọc gọi là Kinh, sợi chỉ ngang gọi là vĩ, liên lạc mật thiết dệt thành cây vải. Ý tứ liên lạc, quán xuyến trước, sau, ngang, dọc, do đó, các vị Cổ Đức dịch chữ Sutra là Kinh Tạng.

Tiếng Phạn của Luật Tạng là Vinayapitaka. Chính đó là các giới điều mà đức Phật đã qui định. Ý nghĩa của Vinaya là diệt trừ, nghĩa là các hàng đệ tử của Phật tuân giữ các giới điều nầy, chắc chắn diệt trừ được mọi việc lỗi lầm do ba nghiệp: lời nói, ý nghĩ và hành động gây ra. (Chúng ta tạo tác các hành động gọi đó là nghiệp, tất cả các nghiệp tạo tác, không ngoài sự động tác của thân, lời nói của miệng và chủ động của ý). Giới điều của Phật giáo cũng giống như luật lệ của mỗi quốc gia. Do đó nên thời xưa dịch chữ Vinaya là Luật Tạng.

Luận Tạng tiếng Phạn gọi là Abhidharmapitaka. Abhi dịch là “đối”, Dharma dịch là “Pháp”. Chính là dùng trí tuệ để đối quán chơn lý, hy vọng đạt đến ý tưởng Niết Bàn Diệu Hữu. (Niết Bàn, Nirvana là tiếng Phạn, dịch nghĩa là “Tịch diệt” . Phật giáo chủ trương vượt khỏi sanh tử, đi đến địa vị không sanh, không diệt, gọi là Niết Bàn. Tóm lại, Tạng Luận thâu nhiếp các chánh lý, hàng Bồ tát dễ nhận định thấu đáo (Bồ tát, Bodhisattva là tiếng Phạn, dịch là giác hữu tình, ý nói Bồ Tát đã giác ngộ nơi mình lại còn tìm phương tiện độ thoát chúng sanh. Chúng sanh có đủ sanh mạng và tình cảm, nên gọi là hữu tình; địa vị của Bồ tát sau Phật một bậc). Phát huy ý nghĩa trong kinh, dạy bảo phương pháp nghị luận cho học đồ, học đồ thâu thập được các lời chỉ giáo ấy. Nhờ đó quán sát các nghĩa lý sâu xa, phát sanh trí tuệ, rồi họ y cứ theo phương pháp nầy tu hành, để vượt khỏi biển khổ sanh tử đạt đến cảnh giới không sanh, không diệt (neither dying nor being reborn/anirodhanupada).

Dùng phương pháp gì để đi sâu vào sự nghiên cứu Đại Tạng Kinh? Tam tạng kinh điển của Phật giáo rất là phong phú, nghĩa lý quá cao xa, cô đọng, nếu chúng ta không có một căn bản vững chắc, khó mà đi sâu vào sự nghiên cứu Đại Tạng Kinh một cách thấu đáo. Rất nhiều bộ môn, nghĩa lý cao sâu đã đành, mà văn tự lại viết, dịch theo lối cổ điển. Chúng ta học hỏi, nghiên cứu một tạng thấy đã khó khăn rồi, huống chi muốn hiểu biết cả ba tạng lại là một việc hết sức khó khăn. Các học giả đã than thở về điểm nầy rất nhiều! Mặc dù thế, chúng ta cũng không nên lo sợ, bất cứ sự học vấn, nghiên cứu nào đều phải chịu gian nan. Nhưng phải có phương pháp, phương pháp ấy trước phải nắm được các yếu điểm của các bộ môn, tìm ra nguyên do đại khái của nó, rồi dần dần đi đến đường tắt vào cửa; sau cùng chúng ta sẽ đi sâu vào chi tiết của Tam Tạng (Tripitaka). Trong thời gian tìm học và nghiên cứu, học giả phải vận dụng hai thứ công phu chính: Xây dựng nền tảng và đi sâu vào chi tiết từng bộ môn giáo lý.

Sau khi Phật giáo truyền vào nước ta, trải qua hơn nghìn năm sống động, nhưng rất tiếc không ai đặc biệt để ý sáng tác hay dịch thuật các loại sách nhập môn, nói về giáo lý căn bản cho những người mới học Phật. Cách đây vài ba mươi năm, mới có người chú ý tới điểm nầy, có xuất bản vài tập “Phật giáo sơ học”, “Phật giáo vấn đáp” v.v…cũng có một vài tập nói về cương yếu của Phật giáo, như quyển “Phật giáo khái luận” của Thượng Tọa Thích Mật Thể chẳng hạn, và các tập giáo lý khác gần đây đã được xuất bản. Nhưng chỉ sáng tác hoặc phiên dịch chưa đủ, mà cần phải trực tiếp giảng giải cho những người sơ cơ, có một hướng đi vững chắc. Vì triết lý của Phật giáo rất là khúc chiết, nhất là danh từ chuyên môn dịch từ Sanskrit, từ Pali, hoặc dịch từ chữ Hán ra. Chúng ta muốn đi sâu vào sự nghiệp nghiên cứu ba tạng kinh sách của Phật giáo, điểm duy nhất là phải học hỏi từ thấp lên cao, từ tổng quát đến chi tiết và từ lý thuyết đến thực hành.

3. NGHIÊN CỨU ĐẠI THỂ PHẬT GIÁO.

Từ trước, Phật giáo rất ít có kinh sách nhập môn. Muốn nghiên cứu một học thuyết hay một Tôn giáo nào, trước hết chúng ta phải biết đại thể của nó, sau đó mới chia thành bộ môn nghiên cứu. Người khởi sự nghiên cứu, trước phải tìm ra khái luận về các bộ môn, những người mới học nương theo đó tiến thủ trên đường đạo hạnh; người nghiên cứu sau phải đi sâu vào chi tiết của các bộ môn. Đó là chuyên môn nghiên cứu, làm đúng theo phương pháp nghiên cứu của học giả. Hiện nay, chúng ta muốn nghiên cứu Phật giáo, cũng phải theo hệ thống nói trên. Nhưng từ xưa đến nay kinh, sách Phật giáo truyền lại, về vấn đề khái luận cho mỗi bộ môn, mỗi tôn phái hay mỗi tạng rất ít. Trước đây ở Trung Quốc có Cư sĩ Yan-wen-Hui nghiên cứu từ bộ luận Đại Thừa Khởi Tín (Mahayana-Sraddhotpada Sastra), sau đó đem ra dạy các người học, Cư sĩ nầy đem Luận Đại Thừa Khởi Tín làm sách nhập môn. Nhưng vì bộ Luận ấy trình bày triết lý quá cao sâu, hơn nữa đem phổ biến chỗ kiến giải trong một tập luận, chắc chắn không thể nào bao quát được toàn thể kho tàng Phật giáo. Về phương diện khác, có nhiều người chủ trương, hàng sơ học Phật giáo ngoài sự học tập bộ Luận Khởi Tín, học thêm Nguyên nhân luận Hoa Nghiêm. Bộ Luận này chính do vị Tổ thứ 5 của Hoa Nghiêm Tôn (Hue-Yen-School) tên là Tsung-Mi trước tác. Nội dung gồm so sánh giáo lý của hai Tôn giáo: Phật giáo (Buddhism) và Nho giáo (Confucianism); Hơn nữa Ngài đem các yếu lý sâu cạn so sánh giữa Phật giáo cùng các Tôn giáo khác, thuyết minh một cách rõ ràng để biết rõ các nghĩa lý tinh tế của mỗi Tôn giáo. Nhưng bản ý chính của nhà trước tác chỉ suy tôn giáo lý Hoa Nghiêm (Avatamska) để chỉ bày nhiều điểm của các Tôn giáo khác. Như thế cũng là kiến giải một chiều không thể viên dung, bao trùm toàn bộ giáo lý Phật giáo. Ngoài ra Cư sĩ Yan-Wen-Hui tự trước tác tập Fu-Chiao Ch’u Hsueh Ko Pen, viết theo thể thức mỗi câu 3 chữ, để tiện cho sự đọc tụng, nhưng không dễ gì hiểu thấu ý nghĩa sâu xa của nó. Việt Nam trước đây có Thượng Tọa Mật Thể soạn dịch các quyển Phật Giáo Khái Luận, Phật Giáo Sử Lược v.v…gần, và hiện nay, có rất nhiều kinh, sách được diễn dịch ra Việt ngữ, đối với đại thể Phật giáo, có phần dễ dàng nghiên cứu, học hỏi. Hiện tại căn cứ theo các nhà xuất bản mà luận, nhiều sách rất hợp cho các lớp người nghiên cứu. Chẳng hạn như các loại Kinh, sách của nhà xuất bản Hương Đạo do Thượng Tọa Thiện Hoa chủ xướng và soạn dịch, gồm các tập Giáo Lý Phổ Thông (General Buddhist Studies), Kinh Viên Giác (Purna Buddha Sutra), Đại Cương Lăng Nghiêm (Surangama Sutra), Duy Thức Nhập Môn (Vijnanamatra Sastra), Luận Tam Thập Tụng (Tridasakarika Sastra), Luận A Đà Na (Adana Vijnana Sastra) và các bài thyết Pháp v.v…Cũng như Viện Đại Học Vạn Hạnh đã và đang xuất bản nhiều loại sách dịch thuật rất có giá trị, các học giả đọc qua, nhận thức đại thể Phật Giáo rất dễ dàng hơn trước, nhờ đó chúng ra sẽ đi sâu vào Tam Tạng (Tripitaka) kinh điển Phật Giáo.

4. NGUYÊN NHÂN THÀNH LẬP PHẬT GIÁO

Lý do cải tạo Tôn Giáo (religion), tư tưởng (thought) và xã hội Ấn Độ (Indian society), chúng tôi đã lược thuật trong hai đoạn trước. Do các bối cảnh phức tạp của xã hội Ấn Độ, nên lúc bấy giờ có Đức Thích Ca Mâu Ni (Sakyamuni Buddha) ứng thân thị hiện hầu phá tan mọi tư tưởng hỗn loạn của xã hội người Ấn, chỉnh lý lại mọi mặt, quy về một mối, để mang lại cho nhân sinh một đời sống tự do, bình đẳng, no ấm. Sáng lập nền cao đẳng lý trí (Tôn Giáo), cực lực đả phá các giai cấp bất bình đẳng (The four Indian “clans” or castes – Brahamana, Ksatriya, Vaisya, and Sudra, i.e. (1) priestly, (2) military and ruling, (3) farmers and traders, and (4) serf; born respectively from the mouth, shoulders, flanks and feet of Brahma) của xã hội đương thời, mang lại tinh thần từ bi bình đẳng (compassionate and an impartial mind), giải phóng cho muôn loài chúng sanh. Sự kiện canh tân Tôn giáo nầy, rất thích ứng với nhu cầu của đại đa số quần chúng thời bấy giờ. Nhân dân Ấn Độ không một ai là chẳng hoan nghinh tinh thần tích cực lợi tha trên; không bao lâu, giáo lý của Phật lan tràn bán đảo Ấn Độ.

Bà-la-môn-giáo (Brahmanism) thì hoàn toàn kiến trúc trên phương diện thần bí (The spirits of heaven and earth, the gods). Sự kiện lịch sử nầy các phái truyền thống (traditional sect) và cải cách (the religious reform) mỗi bên đều có sở trường và sở đoản của họ. Căn cứ trên nguyên lý khoa học, tất cả đều không xác thật, đối với sự thống khổ thực tế của nhân sinh; lại nữa, không có phương pháp chân giải thoát (Release from all the hindrances of passion and attainment of the Buddha’s nirvana, which is not a permanent state of absence from the need of the living, but is spiritual, omniscient and liberating). Đó cũng là yếu tố chính phải thành lập Phật giáo, Bà-la-môn-giáo cũng như các phái triết học khác đều không thể xương minh, khó truyền bá sâu rộng và thức thời. Lúc ấy người trong Phật giáo, do sự tu chứng chính từ trong tâm mình, hoán cải tánh tình của mình như lời Phật đã chỉ dạy. Trái lại, Bà-la-môn-giáo và các phái triết học khác đều hướng ngoại tìm cầu ân huệ. Lúc bấy giờ, nhân gian tôn xưng Phật giáo là nội học (the inner learning i.e. Buddhism), trái lại các giáo phái khác đều gọi là ngoại học (study of outside, or non-Buddhist Doctrines).

Tinh thần bình đẳng của Phật giáo (The universal nature, i.e. the Bhutatathata) nhìn thấy chế độ giai cấp của dân chúng Ấn rất là áp bức phân ly, một việc rất nhỏ cũng không được tự do, nhất là ở giai cấp thứ tư Thủ-đà-la (Sudra), đời sống khổ hơn loài vật. Giai cấp hạ tiện là một giai cấp chiếm đông nhất trong bốn giai cấp, họ đâu có thể yên tâm để chịu hoàn cảnh áp bức mãi mãi? Theo luật thông thường trên thế gian nầy, bất cứ dân tộc nào bị áp bức khổ đau, nếu có người đồng một giai cấp, cùng một chủng tộc đứng ra hô hào cách-mạng, kêu gọi cho bình đẳng tự do, mà sự hô hào kêu gọi ấy không được ảnh hưởng lớn mạnh, dân chúng khó đem hết tin tưởng cho công việc làm ấy. Ngược lại, nếu có người ở trong chủng tộc giai cấp khác, đứng ra chủ xướng nền công lý, tự do, bình đẳng, chắc chắn (nhứt hô bá ứng) toàn thể dân chúng nhứt tề đứng dậy hưởng ứng lời kêu gọi thiêng-liêng hợp lý hợp tình ấy. Lực lượng ấy có thể nói là “vô địch”, kết quả chắc chắn mỹ mãn. Đức Thích Ca Mâu Ni muốn san bằng bốn giai cấp bất công của xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ. Ngài xuất hiện rất là hợp thời, hợp cơ và hợp cảnh. Bởi vì Đức Phật là giòng Sát-Đế-Lợi (Ksatriya: giòng vua chúa) lại ở vào địa vị quí tộc Bà-la-môn (Brahamana). Người trong hàng cao quý đứng ra chủ trương kêu gọi bình đẳng, tự do và nhân ái cho các chủng tộc hạ tiện thì còn chi hợp lý bằng! Ai mà không tích cực hưởng ứng, ngoại trừ thiểu số chủng tộc Bà-la-môn vị kỷ. Nên Phật giáo không những dạy giáo lý cao siêu nhiệm mầu mà còn chủ xướng nhơn luân phải được bình đẳng, tự do, hạnh phúc, bất cứ ở địa hạt nào và thời đại nào. Đây là nguyên nhân chính yếu phải thành lập Phật giáo trong nhân gian.

5. NGHIÊN CỨU KINH LUẬN.

Ba tạng: Kinh (Sutra), Luật (Vinaya) và Luận (Abhidharma). Luật là pháp luật trong Phật giáo, chuyên trọng về thực hành, không quan hệ về phần học lý, vì thế cho nên sự nghiên cứu Phật giáo chỉ cần Kinh Luận làm chủ đề. Nhưng chúng ta muốn nghiên cứu Kinh Luận, rất là khó khăn, chúng tôi xin đơn cử ba điểm sau đây:

a) Chướng ngại về danh từ: Danh từ trong Phật giáo toàn bao trùm những ý tưởng đặc biệt khó có thể giải thích rõ ràng, không giống như danh từ phổ thông ngoài đời. Hơn nữa, trong các môn học thuật, danh từ rất là phiền phức, nhất là danh từ chuyên môn trong Phật giáo. Do đó, chúng ta không lấy chi làm lạ khi thấy những người sơ cơ, nhìn danh từ đặc biệt quá nhiều, đâm ra thối chí, không thích học đạo.

b) Văn chương quá sâu sắc: Văn chương trong Phật giáo cùng văn chương phổ thông rất chênh lệch. Đây là vì từ văn Ấn phiên dịch qua văn nước ngoài. Văn pháp Ấn Độ (Indian), vị trí của danh từ (noun) và động từ (verb) cùng văn Trung Hoa có nhiều chỗ khó hiểu hơn, khi dịch ra văn Trung Hoa, mười phần không thể thông suốt giống nhau. Hơn nữa, cú pháp phiên dịch đều dùng thể văn đời Đường (Tan), đời Tống (Tsun) về trước, hiện nay người đọc tới các lối văn thời ấy, làm sao có thể thông hiểu một cách dễ dàng được?

c) Đạo lý quá cao siêu: Giáo lý Phật giáo bao trùm các môn học khác, như Triết học (Philosophy), Tâm lý học (Psychology). Siêu hình học (Metaphysics) v.v…so sánh với bất cứ giáo lý của Tôn giáo nào, nó đều có phần sâu sắc, tế nhị hơn. Người mới học Phật làm sao có thể thông hiểu dễ dàng học thuyết tinh thâm rộng lớn nầy được? Với ba sự khó khăn trên khiến mỗi học giả (scholar) đối với Kinh, Luận, mặc dù có ý chí nghiên cứu, nhưng vội vàng trong thời gian ngắn, khó mà “nhập diệu” được. Chúng tôi, gần 30 năm về trước, hết sức khổ tâm khi học, đọc đến kinh sách Phật, học qua một bộ Kinh (Sutra), hoặc một bộ Luận (Abhidharma), đem hết tâm trí học, đọc từ đầu đến cuối. Khi đọc một tập san viết thuần đạo cũng thế, chúng tôi đọc qua một lần, tuy cố gắng đọc hết, nhưng sự thật, thâu thập không được là bao. Đến lúc chúng tôi đọc lại lần thứ hai cũng không hiểu rõ ràng về lý cao sâu của nó, đành gác lại một thời gian. Cách ít lâu, chúng tôi mang ra đọc lại, đọc tới ba bốn lần, thật khó thấu suốt trọn vẹn. Khi vào trường Phật học nhờ các vị Giáo sư tuần tự giải thích, chúng tôi mới nhận rõ đâu là Tánh,đâu là Tướng về tinh thần Kinh, Luận, nhất là nhờ mấy năm dạy tại các trường Phật học. Mười hai năm trước đây, chúng tôi được duyên lành trở về Phật Quốc, tham học tại Viện Đại Học Nalanda (nơi mà trước kia Ngài Huyền Trang cũng tòng học và làm đại Giảng sư) gặp được rất nhiều Giáo sư tài ba về Phật giáo, cũng như các bậc trí thức chân tu, hoặc thảo luận với họ, hoặc trình bày các chỗ khó hiểu, hỏi họ, hoặc trực tiếp nghe giảng tại lớp v.v…hoặc có những ngày giờ yên tĩnh tự sưu tầm nghiên cứu. Trên mười mấy năm trường lưu trú tại Nalanda, chúng tôi tạm gọi là mới rõ các bộ môn giáo lý Đại thừa (Mahayana), Tiểu thừa (Hinayana), Tánh tôn (Bhutatathata), Tướng tôn (Dharmalaksana) v.v…đều có sự nhận thức tương đương. Bây giờ đem sự kinh nghiệm nghiên cứu của chúng tôi trình bày lại cho quí đọc giả để thấy sự dụng công học tập nghiên cứu Kinh, Luận là phải thế nào, mười năm chỉ mới nhập môn, rồi mới bắt đầu đi sâu vào tam tạng Kinh điển. Điểm tối cần, chính là lúc mới nhập môn, phải có một vị minh sư hay là một vài thiện hữu tri thức hướng dẫn đường lối và chỉ dạy các chỗ thắc mắc cho mình. Nếu thiếu duyên lành không đủ thầy hiền, bạn tốt chỉ dẫn, chúng ta phải cố gắng xem trọn bộ kinh, quyển sách mà mình đang đọc một cách có phương pháp đặc biệt, phải chú trọng đến các danh từ về giáo lý, phải nhận xét thông suốt tất cả. Về hai bộ sách nhập môn của Pháp tướng tôn (Dharmalaksanavada) trước phải hạ thủ nghiên cứu: một là bộ Đại thừa Quảng Ngũ Uẩn Luận (Phun-po-Inahirab-tu-byed-pa), và bộ thứ hai là Đại thừa Bách Pháp Minh Môn Luận (Tahi-chin-pahi-ka-min-mun-Lun) cần đọc qua và nghiên cứu hai bộ Luận nầy, vì các danh từ khó hiểu trong kinh Phật phần lớn nằm trong hai bộ Luận ấy. Sau đó đọc kỹ và nghiên cứu các bộ khác có thể thông hiểu dần dần. Sau đây xin giới thiệu nội dung của hai bộ Luận trên.

Ý nghĩa Pháp tướng (Dharmalaksana) và Pháp tánh (Dharmata) trong Kinh Luận:

Pháp tướng tôn (Dharmalaksanavada) có thể chia thành hai loại lớn:

1) Một là từ Pháp tướng giảng đến Pháp Tánh, chính là trước giảng Sắc Pháp (Dharmarupa) và sau giảng Tâm Pháp (Dharmacitta).

2) Hai là từ Pháp Tánh giảng đến Pháp Tướng, chính là trước giảng Tâm Pháp, sau giảng Sắc Pháp. Vì vậy cho nên Pháp Tướng Tôn có thể chia thành hai tôn:

a) Một gọi là Pháp Tướng Tôn (Dharmalaksanavada).

b) Hai gọi là Duy Thức Tôn (Vijnanamatravada); Luận Quảng Ngũ Uẩn thuộc về Pháp Tướng Tôn; Luận Bách Pháp Minh Môn thuộc về Duy Thức Tôn.

Ngũ Uẩn Luận (Pancaskandha-sastra) do Bồ Tát Thế Thân (Vasubandhu Bodhisttva ) ở Ấn Độ tạo, sau đó Ngài An Huệ Pháp Sư dịch, thêm phần giải thích, ý nghĩa sâu rộng, Do đó gọi là Quảng Ngũ Uẩn Luận. Nội dung bộ Luận nầy chính là nói rõ sắc uẩn (Buphaskandha), thọ uẩn (Vedanaskandha), tưởng uẩn (Sanjnaskandha), hành uẩn (Samskaraskandha) và thức uẩn (Vijnanaskandha). Sắc uẩn tức là sắc pháp, thức uẩn là tâm pháp. Đây là từ pháp tướng giảng đến pháp tánh. Sắc uẩn bao trùm rất rộng vấn đề vũ trụ muôn loài đều nằm trong ấy; tám thức tâm thức và các động tác của tâm đều nằm trong bốn uẩn khác.Bộ Luận giảng trong năm uẩn (Pancaskandhas), lại giải rõ vấn đề mười hai xứ (Dvadasayatana) và mười tám giới (Astadasa –dhatu). Trong kinh Phật trọng yếu các danh từ và khẩn yếu đạo lý, đại khái đều giảng qua. Bộ Luận nầy, Ngài Địa-bà-ha-ra (Devakara) đời nhà Đường (Tan) dịch thuật và không có ai chú giải. Dịch giả về trước dùng văn tự cổ điển, dẫn giải thành một bộ gọi là Đại Thừa Quảng Ngũ Luận chú thích. Đọc giả nên xem kỹ bộ chú thích nầy, bản văn không khó lắm, những ai có trình độ trung cấp Phật giáo là nghiên cứu được.

Trong Luận Bách Pháp Minh Tôn (The door to the knowledge of universal phenomena) các điểm chính cũng do Bồ Tát Thế Thân trước tác. Nội dung là thể văn vấn đáp, giảng giải 100 pháp (Satadharma) và hai thứ vô ngã (Nhân vô ngã, no-permanent human ego or soul; Pháp vô ngã, no-permanent indivuduality in or independence of things). Một trăm Pháp, bên trong có 94 thứ, là pháp hữu-vi sanh diệt; còn lại 6 thứ sau là những pháp vô-vi không sanh diệt; dạy chúng sanh thoát ly pháp hữu-vi (Samskrtadharma) để tiến thẳng vào pháp vô-vi (Asamskrtadharma). Quyển chót giảng pháp thế-gian không sinh mệnh và nhân sinh có sinh mệnh, đều là sinh sinh diệt diệt, biến chuyển không dừng, mọi sự vật không có chủ thể, thực tại đều là vô-ngã, gọi chung là nhân-vô-ngã và pháp-vô-ngã, cả hai không có thực thể. Trong sách khi giảng đến pháp hữu-vi, trước giảng tâm-pháp (Dharmacitta), tiếp theo giảng sắc-pháp (Dharmarupa). Đây là từ Pháp-tánh giảng đến pháp-tướng, nội dung vẫn không ra ngoài ba loại: Uẩn (Skandha), xứ (Ayatana) và giới (dhatu) trọn bộ Luận chỉ giảng về ngũ uẩn để phát minh giáo lý. Luận nầy đời nhà Đường, Ngài Huyền Trang tam-tạng pháp sư dịch, Thượng túc đệ tử của Ngài là Luận sư Khuy Cơ chú giải, gọi là Bách Pháp Minh Môn Luận Giải. Người đời sau chú giải thêm nhiều thứ. Luận nầy so với luận Quảng Ngũ Uẩn, xưa nay chưa có vị nào sớ giải, lý do chính là vì bản dịch quá xưa, văn tự sâu sắc, nghĩa lý khó hiểu. Nhưng có thể dùng nó để tham khảo và nghiên cứu về chiều sâu.

Hai bộ Luận trên, không những là sách nhập môn về Pháp-tướng-tôn mà là sách nhập môn cho sự nghiệp nghiên cứu các bộ Kinh, Luận khác. Vì sao? bởi vì Pháp-tướng-tôn giảng giải tất cả pháp vũ trụ vạn hữu, so với các Tôn khác nó rất là tường tế. Vì thế cho nên bao gồm rất nhiều danh từ chuyên môn. Nghiên cứu Kinh Luận trước tiên phải chú trọng đến danh từ, hiểu rõ danh từ một cách chính xác mới đi sâu vào đại bộ phận Kinh Luận được, sau đó xem đến các Kinh Luận khác, mới thoát được con đường bế tắc. Khi vượt qua mọi sự khó khăn, chúng ta mới hy vọng nghiên cứu toàn bộ Kinh Luận, hoặc chuyên môn nghiên cứu Kinh điển từng Tôn, tùy theo sở trường và sở thích của mỗi chúng ta.

6. NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ PHẬT GIÁO

Từ xưa, Ấn Độ và Việt Nam đều thiếu sót về quan niệm nghiên cứu lịch sử. Tất cả học thuật đều có nguồn gốc của nó và quan hệ đến chỗ phát đạt, biến chuyển và kết quả. Do đó vấn đề nghiên cứu lịch sử rất là trọng yếu. Nhưng riêng về Phật giáo (điểm nầy rất là đặc biệt), từ xưa đến nay không hề chú trọng đến lịch sử. Vì sao như thế? Bởi vì tánh tình người Ấn Độ ngàn xưa đến giờ, thích tưởng tượng, khảo sát các việc u-huyền, các cảnh tượng huyền-bí, thiếu sót quan niệm về lịch sử thực tế. Vì thế, nên trong Kinh điển Phật-giáo, tìm ra tài liệu lịch sử rất là hiếm hoi. Nếu có thì lầm lẫn, sơ sài, ghi không rõ rệt và không đồng nhất, không thể nghiên cứu chính xác cho mỗi vấn đề. Niên đại ghi khác nhau mấy trăm năm, không có đường lối lịch sử rõ rệt, chẳng hạn như trong sách của ông A, tôn xưng vị ấy là Thánh nhân, trái lại trong sách của ông B, chê vị ấy là ác-đồ, tùy theo quan niệm riêng của mỗi người. Do đó khi truyền bá ra các nơi có rất nhiều sự kiện chênh lệch. Đây cũng là tình trạng mà lịch sử Phật-giáo cổ truyền nằm trong cảnh ngộ ấy, thậm chí các việc thần thoại, ly kỳ huyễn hóa cũng được ghi trong kinh sử Phật-giáo. Hơn thế nữa, Phật-giáo từ khi đức Thích-Ca-Mâu-Ni (Sakyamuni Buđdha) truyền lại đến ngày nay gần ba nghìn năm lịch sử, các khu vực được phân chia, bên Nam Tôn (Theravada) từ Tích-Lan (Ceylon), đến Miến Điện (Burma), Xiêm-La (Thailand), Cao-Miên (Cambodia), Ai-Lao (Laos), Nam-Dương (Indonesia) v.v…Về Bắc-Tôn (Mahayana) từ Trung-A (Central Asia), Tây-Vức (India), đến Trung Hoa (China), Tây Tạng (Tibet), Mông Cổ (Mongolia), Mãn Châu (Man-Chu), Triều Tiên (Korea), Nhật Bản (Japan), Việt Nam, chu vi quá rộng lớn bao la. Do đó nên nghiên cứu lịch sử Phật giáo, so sánh với lịch sử các học thuyết khác rất là phức tạp. Tuy nhiên, gần đây các nhà đại học giả Tây phương, dùng phương pháp khoa học, dần dần chỉnh lý, kế tiếp có các học giả Nhật Bản, Trung Hoa v.v…Từ đó lịch sử Phật giáo mới có hệ thống để sưu tầm và nghiên cứu.

Phật giáo đồ nước ta ngày xưa, đã chịu ảnh hưởng sâu rộng của Ấn Độ (India) cũng như Trung Hoa (China), không chú trong đến vấn đề nghiên cứu lịch sử Phật giáo. Dù có soạn thuật cũng chỉ hạn cuộc ở nơi truyền kỳ và niên đại. Những ai muốn tìm kiếm một bộ “Phật Giáo Thông Sử” có hệ thống có kỷ cương, tuyệt đối không có. Các học giả rất lấy làm khổ tâm cho vấn đề nghiên cứu. Gần đây, trong tập Phật Học Phổ Thông khóa thứ V, (Hương Đạo xuất bản), có biên soạn về lịch sử Phật giáo Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam, mặc dù sơ lược, nhưng cũng giúp cho ta một khái niệm rõ ràng. Đối với khoa lịch sử Phật giáo hoàn bị, thật là thiếu sót, hầu hết các sử đã in, chỉ soạn thuật sơ lược mà không nghiên cứu kỹ lưỡng theo phương pháp học giả. Chúng tôi hy vọng các vị học giả quốc nội đã nhận rõ chỗ khuyết điểm trên, nên đem hết tâm lực nghiên cứu tỉ mỉ viết thành một pho lịch sử Phật giáo cho thật hoàn bị. Còn đứng về phương diện xuất bản Kinh sách Phật giáo, hiện tại mà luận, ai muốn soạn về phương diện lịch sử Ấn Độ, chỉ viết lược sử Phật giáo Ấn Độ, hoặc vị nào muốn soạn về lược sử Phật giáo Trung Quốc hay Việt Nam, hoăc dịch lại các sách khác. Nếu đem so các tập lược sử ấy với toàn bộ lịch sử Phật giáo thì thấy thật là hoàn toàn thiếu sót, không gây được một ảnh hưởng lớn lao gì cho Phật giáo đồ và nhân dân thế giới, học, đọc và nghiên cứu.

7. PHÂN BIỆT PHẬT HỌC và HỌC PHẬT.

Phật học là một sự kiện, còn học Phật lại là một sự kiện khác. Hai chữ ý nghĩa khác nhau rất xa , chúng ta phải phận biệt rõ ràng và tìm hiểu thất đáo.

_Thế nào gọi là Phật Học? (Buddhist Study): Nghĩa là môn học về đạo Phật, cũng như chúng ta nói: Triết học (Philosophy), Khoa học (Science), Thần học (Theology), Luật học (Law studies), Kinh Tế học (Economics), Xã hội học (Sociology), Nhân chủng học (Ethnology), Chánh trị học (Political Science) v.v…Phật học chính là thông hiểu kinh điển, tìm đọc nghiên cứu giáo lý, kết quả trở thành một học giả hiểu rộng nghe nhiều. Hạng này hoàn toàn dụng công trên phương diện hiểu biết học hỏi. Do đó, cho nên gọi là Phật học.

_Thế nào gọi là học Phật? (Study of Buddhism): Đó là y theo giáo pháp của Phật, học và thực hành. Xưa nay, bản ý của chư Phật là giáo hóa chúng sanh, muốn tất cả chúng sanh y theo giáo pháp của Ngài mà thực hành, để vượt qua bể khổ sanh tử, về nơi an vui giải thoát. Vì thế cho nên bao nhiêu kinh điển của Phật nói ra, chính là các món thuốc để điều trị các căn bịnh của chúng sanh. Khi trao các món thuốc cho bịnh nhơn, điều cần yếu là Bác sĩ bảo bịnh nhơn gắng uống cho mau lành để trừ gốc bịnh. Chớ không cần bịnh nhơn đọc thuộc tên thuốc trong toa, hoặc là nhớ tên người nào chế thuốc v.v…Căn bịnh trừ được rồi, thì phương thuốc mới có hiệu nghiệm. Cũng như vậy, chúng ta y cứ theo giáo pháp của Phật mà thực hành, tu tập nghiêm chỉnh, dụng công tích cực, để đi đến chỗ giác ngộ và giải thoát. Chính đó mới gọi là học Phật. Nói một cách dễ hiểu, Phật học là các môn học về Phật giáo, còn học Phật là thực hành giáo lý của Phật giáo một cách chu đáo.

Câu thí dụ: “Chỉ nói ăn không thể no được”, thường dẫn chứng trong các kinh sách của Phật giáo, người Trung Hoa thường gọi (Shu shih pu pao). Trong Kinh Lăng Nghiêm (Surangama Sutra) quyển thứ nhất có nói rõ thí dụ nầy: “Chỉ ngồi nói suông, không bao giờ no được bụng đói”. Ý nghĩa nầy để chỉ điều kiện gì? Khi đói, chúng ta tưởng đến sự ăn, khi ăn, chúng ta cần đến sự no. Đây là định luật thông thường của mọi người. Như có một số người chỉ ngồi nói suông các món ăn, họ kể toàn các thứ cao lương mỹ vị, các món vật thực ngon nhất ở thế gian, đồ chay cũng như đồ mặn, họ đều kể đủ, song họ không thật sự ăn món nào cả, cuối cùng họ vẫn vị đói khổ, gầy ốm. Người đời thường nói: “Bánh vẽ không bao giờ no được bụng đói”. Chính là ý nầy.

Cũng như thế, đạo lý này thường thí dụ trong các kinh sánh của Phật giáo, nó vừa cao sâu mà cũng vừa thực tế. Chúng ta chỉ theo phương diện hiểu biết không chưa đủ, mà phải chú trọng về phần thực hành. Tìm cầu học lý cao xa, nhưng không theo tinh thần thực tập, chúng ta không thể thâu hoạch được kết quả tốt đẹp, chẳng khác nào người kể các thức ăn quý báu nhưng không được ăn. Do đó cho nên, chúng ta trước phải nghiên cứu, tìm hiểu Phật học, cuối cùng phải nghiêm chỉnh, khẩn yếu học Phật, tức là thực hành các phương pháp của Phật giáo.


CHƯƠNG II

SỬ QUAN

1. TƯ TƯỞNG ẤN ĐỘ, TRƯỚC KHI ĐỨC PHẬT GIÁNG SANH

BỐI CẢNH PHẬT GIÁO XUẤT HIỆN:

Bất cứ Tôn giáo nào xuất hiện, tại thế gian nầy đều có bối cảnh riêng của nó, chắc chắn không phải không có duyên cớ, mà đột nhiên xuất hiện. Đương nhiên Phật giáo, (Buddhism) cũng như thế, không thể tránh ngoài công lệ ấy. Tôn giáo cổ truyền xa xưa của Ấn Độ (India) là Bà-la-môn-giáo (Brahmana). Bà-la-môn là tiếng Phạn, nghĩa là Tịnh-hạnh (the pure life). Tôn giáo nầy chuyên thờ các vị Thiên Thần. Giáo đồ của họ, tự xưng là dòng dõi Phạm Thiên, đời đời nối tiếp chức nghiệp giữ gìn mối đạo cổ truyền và thực hành các việc trong sạch của cha ông, nên gọi là Tịnh hạnh. Cách đây hơn 4.000 năm về trước, dân tộc Nhã Lợi An (Aryan) từ trung tâm Á-tế-A (Asia) di cư vào miền Tây Bắc Ấn Độ (North Western India), dần dần họ di chuyển đến lưu vực sông Hằng (Ganga); nhờ địa thế thích đáng, khí hậu hiền hòa và cảnh vật phong phú, dân tộc ấy sống một đời sống an cư lạc nghiệp. Họ hết lòng cảm tạ ơn huệ của Thiên Đế, khởi sanh ý niệm sùng bái Thần Linh (Deity). Lúc bấy giờ họ nghĩ đến ánh sáng của thiên không, chính là biểu hiện Thần Linh. Họ hướng về các cảnh tượng, như mặt trời (Sun), mặt trăng (moon), ngôi sao (star), điễn quang (beam of light) v.v…chí thành lễ lạy để cầu xin được nhiều phước đức, hầu tiêu tai giải ách cho kiếp sông đương thời. Do đó, từ nghìn xưa có các nghi thức cúng tế Thần linh, tán tụng, ca vịnh, rất là phổ thông trong đời sông dân chúng hằng ngày. Nhưng công việc làm chưa được thuần thục, lúc bấy giờ mới có các đoàn Tăng lữ xuất hiện, chuyên lo những việc cúng tế Thần linh, đặc trách thành một giai cấp đứng đầu trong xã hội gọi là Bà-la-môn (Brahma).

GIÁO ĐIỂN BÀ-LA-MÔN:

Bất cứ dân tộcc nào mới mở mang, xã hội của họ đều nằm trong thời kỳ nguyên thỉ, dân chúng hết lòng kính sợ Thiên Thần. Họ thừa nhận rằng Thiên Thần cùng nhơn loại có sự liên quan mật thiết với nhau, đều đủ nhân cách, ý chí như nhau. Tư tưởng dân tộc Bà-la-môn cũng đồng quan niệm trên, họ cúng tế, khen ngợi, thờ phụng các vị Thiên Thần vĩ đại của họ. Họ công nhận nhân cách Thiên Thần bao trùm vũ trụ có tính chất đạo đức bao la. Đối với dân chúng, Thiên Thần đầy đủ quyền năng, thương việc lành phạt điều ác. Trải qua nhiều thời đại lâu xa như thế, các nghi thức tế tự, ca vịnh, tán thán tự nhiên trở thành ý vị hết sức thần bí (mystic). Vì các lý do ấy, nên phải biên tập thành một số giáo điển Ba-la-môn. Chính là Thánh điển Phệ-đà (Veda) còn truyền tụng đến ngày nay (Veda, Trung Hoa dịch là Ming-Chi). Thánh Điển nầy chia thành bốn loại:

Loại thứ nhất gọi là Lê-Câu-Phệ-Đá (Rk Veda). Phỏng theo ý mà dịch, nó co nghĩa là luận rõ về sự khen ngợi; trong ấy bao gồm các bộ phận tán tụng về Tôn giáo (Religion).

Loại thứ hai gọi là Sa-Ma-Phệ-Đà (Sama Veda). Dịch theo ý của nó là luận rõ về các sự ca vịnh; trong ấy gồm có các bài tụng (Karika) thuộc về nghi thức tế tự các Thần Linh.

Loại thứ ba gọi là Dạ-Nhu-Phệ-Đà (Yayur Veda). Phỏng theo ý mà dịch có nghĩa là luận rõ các việc tế tự cầu đảo; nội dung của nó gồm có các bài Thánh ca, thuộc nghi thức tế lễ. Ba loại Phệ đà trên, trong những thời gian tế tự Thiên Thần, đều do các hàng Tăng Lữ tùy nghi chủ xướng, phúng tụng.

Sau đây còn có một loại Phệ đà, sưu tập các chú-thuật, theo trong thế gian tương truyền, có không có quan hệ đến các việc cúng bái Thần Linh. Tên riêng của nó là A-thát-bà Phệ-đà (Atharva Veda), có nghĩa là luận rõ về sự nhương tai (To drive off evil by charms or incantations) giải ách (to diliver from misforturne). Bốn loại Phệ đà trên là Thánh điển của Tôn giáo Bà-la-môn chính hiệu. Đó cũng là nguồn gốc tư tưởng của Ấn Độ thời cổ xưa.

PHONG ĐỘ THẦN BÍ CỦA BÀ-LA-MÔN:

Tăng lữ Bà-la-môn, vì các duyên cớ chưởng quản tế tự trong nhiều phương diện của xã hội thời ấy, nên tự nhiên thành một giai cấp tối cao. Muốn duy trì địa vì ưu đãi của họ lâu dài, họ chế ra rấy nhiều nghi thức tán tụng từ xưa và truyền tập đến ngày nay. Họ công nhận đó là việc chuyên môn, tạo các văn cú phân định thập phần vi diệu, giải những nghĩa lý, nói lên cảnh tượng u-huyền, tạo thành một thứ phong độ hết sức phiền toái và thần bí. Việc làm của họ là việc làm đắc ý đến các vị Thần linh (Dieties). Bất cứ sự kiện gì xảy ra với họ đều bao trùm hương vị huyền bí. Các tầng lớp dân chúng đối với Tăng lữ Bà-la-môn chỉ lo cúu đầu tôn kính, hầu hạ, đâu dám nghĩ đến vấn đề bình đẵng, tự do. Thế nhưng, dân tộc Nhã-lợi-an (Aryan) dần dần thay đổi chiều hướng, di chuyển bà con của họ về phương Nam để gần toàn bộ Ấn Độ. Do sự thay đổi phong thổ, nên tư tưởng cũng từ đó phát sanh nhiều việc cách mạng trọng đại. Dân chúng nhìn qua vũ trụ bao la nầy, từ từ thoát ly các phạm vi thần-thoại, thần quyền. Họ hướng về lý trí để tìm cầu sự thật. Đó là quá trình kiến thức của nhơn loại thời cổ có chiều hướng phát triển. Vì thế cho nên đến thời kỳ chuyển thế, họ lấy Kinh sách Phệ-đà làm căn cứ phát huy, dùng hệ thống triết học (Philosophy) soi sáng , họ tìm tra một loại triết học Nhất-Nguyên, sản sinh vũ trụ. Lúc bấy giờ họ quan niệm về Phạm Thiên (Brahma) chỉ là danh từ để giải thích, một cách trừu tượng, không nhìn nhận là Thần linh có nhân cách, ý chí. Họ công nhận Phạm Thiên là nguyên lý tuyệt đối và trừu tượng. Nguyên lý (Primary cause) đó là bản thề của vũ trụ (source of universe). Nó có thể sản xuất tất cả sự vật trong thế gian. Phái Triết học nầy được gọi là Ưu-Pa-Ni-Sa-Đàm (Upanisad), họ sáng lập ra chủ nghĩa Duy Tâm (Idealism), song cũng không rời tư tưởng Phệ Đà, chỉ ly khai lãnh vực thần thoại (Mythology), để tiến đến lãnh vực Triết học (Philosophy). Họ không có một lực lượng haỳ ý kiến nào thoát ngoài tư tưởng Phệ Đà.

PHÁI TRIẾT HỌC TỰ NHIÊN XUẤT HIỆN.

Về sau, ngoài tư tưởng Phệ đà (Veda), lại có phái chủ trương khảo sát cá nhân, sáng lập phái triết học tự nhiên. Phái đầu tiên chủ trương vũ trụ vật chất cụ thể, họ thuyết minh địa luận (earth), thủy luận (water), hỏa luận (fire), phong luận (wind or air) v.v…Tiến lên một bước nữa, lại có một phái quan niệm vũ trụ rất trù tượng, họ thuyết minh thời luận (time) phương hướng luận (direction), hư không luận (space) v.v…Từ đấy các trào lưu tư tưởng đua nhau phát khởi, hoặc hợp tác, hoặc xung đột. Học phái xuất hiện càng nhiều, càng làm rắc rối cho thế đạo nhơn tâm. Tuy nhiên, đố với tư tưởng Phệ đà, đều không ngoài hai phái chính: bảo thủ và canh tân. Phái bảo thủ thì chủ trương thừa kế Thánh điển Phệ đà (Veda), để giải thích, đàm luận. Phái canh tân thì chủ trương ly khai Thánh điển Phệ đà (Veda), tự do phát triển tư tưởng. Vì lẽ đó, tư tưởng Ấn độ thời bấy giờ sa vào tình trạng vô cùng hỗn độn. Từ đó, cơ duyên canh tân Tôn giáo (Religion) dần dần phát triển và thành thục. Đây là bối cảnh thứ nhứt khiến Phật giáo (Buddhism) xuất hiện trong nhân gian.

2. XÃ HỘI ẤN ĐỘ, TRƯỚC KHI ĐỨC PHẬT XUẤT HIỆN.

Bốn Giai Cấp của Ấn Độ: Xã hội Ấn Độ (Indian Society), vì lý do nhân chủng (human race), nên quan hệ đến chánh trị (politic) và chức nghiệp (profession), tự nhiên tạo thành bốn giai cấp trong xã hội:

a) Giai cấp Bà-la-môn (Brahmana)

b) Giai cấp Sát-đế-lợi (Ksatriya)

c) Giai cấp Phệ-xá (Vaisya), và

d) Giai cấp Thủ-đà-la (Sudra).

Bà-la-môn dịch nghĩa là Tịnh hạnh (one who observes ascetic practices), như đoạn trước đã nói. Vì họ chuyên môn các nghề nghi lễ tế tự, thờ cúng, nên trong bốn giai cấp họ được giữ địa vị tối cao, địa vị ăn nói với Thần Linh.

Sát-đế-lợi dịch là Vua Chúa (military and ruling). Vì họ làm chúa tể trên mảnh đất bao la nầy, nên họ là những người nắm quyền hành, thưởng phạt, cai trị dân chúng. Do đó họ đứng vào hàng thứ nhì trong xã hội Ấn Độ thời ấy.

Phệ-xá dịch là thương mãi (famers and traders). Họ chuyên môn mua bán làm ăn với các từng lớp người trong xã hội. Vì thế họ được đứng vào giai cấp thứ ba.

Thủ-đà-la là nông phu (serfs). Họ chuyên môn cày cấy, làm mọi công việc đồng án ruộng vườn hằng ngày. Họ là những người bị dân tọc Nhã-lợi-an (Aryan) chinh phục, sai khiến, bắt buộc làm nô lệ cho các giai cấp trên. Họ là giai cấp thứ tư của Ấn Độ. Đây chỉ nói lược qua bốn giai cấp chính còn các giai cấp phụ thuộc rất nhiều, xin miễn bàn đến.

Giai cấp Bà-la-môn đã nương cậy vào thế lực Tôn giáo (Hinduism) luôn luôn cũng cố địa vị và quyền lợi của họ. Họ tạo ra rất nhiều mẫu chuyện thần thoại, cho rằng bốn giai cấp trên đều từ trong cơ thể của vị Phạm Thiên tạo ra. Ba-la-môn sanh ra từ miệng (from the mouth) của Phạm Thiên; Sâ-đế-lợi sanh ra từ vai (from the shoulders) của Phạm Thiên; Phệ-xá thì sanh ra từ hông (from the flanks) của Phạm Thiên và Thủ-đà-la sanh ở chân (from the feet) của Phạm Thiên. Như vậy chỉ có giai cấp Bà-la-môn là độc nhất, rất cao, rất quí. Họ chiếm địa vị thứ nhất trong xã hội Ấn Độ. Lúc bấy giờ họ tìm ra phương pháp để bảo hộ và duy trì chế độ giai cấp, nương theo Thần thoại, nhưng lực luợng không hoàn bị cho lắm. Họ chế ra Luật pháp Ma-Noa (Manu) để qui định chánh giáo hổn hợp. Luật pháp nầy đã ngang nhiên công bố, chia thành bôn giai cấp trong xã hội, hết sức nghiêm khắc và bất công. Trong bốn giai cấp ấy chẳng những không cho phép gả cưới lẫn nhau và giao thiệp qua lại với nhau, mà lại còn kỳ thị kẻ sang người hèn, kẻ cao người thấp một cách vô lý và hết sức bất bình đẳng.

Chế độ giai cấp bất bình đẳng nầy xuất hiện, khiến lòng người dân khổ não, ê chề, không có tự do chút nào. Làm sao duy trì được công lý của xã hội người dân Ấn Độ? Gia cấp đã tạo ra ý chí con người bạt nhược, hèn yếu. Gia cấp triệt để áp chế con người, gây nghi kỵ thù hiềm lẫn nhau. Dân chúng nhìn thấy đời sống của họ hoàn toàn mất tự do, khổ hơn loài vật. Lúc ấy nhiều khuynh hướng sắc tộc chán đời, nhiều tư tưởng trí thức yếm thế, những ai có chúc ý chí kiên cường, đối với Tôn giáo Bà-la-môn (Brahma) đều sanh nhiều hoài nghi. Trong bóng tối, họ phát sanh nhiều tư tưởng phải động, nhiều ý chí quật khởi. Hơn nữa, Bà-la-môn giáo lúc ấy không làm đưọc gì ích lợi quốc dân. Hàng Tăng lữ thì chuyên quyền chuyên chế đủ cách, có nhiều hành vi thiếu đạo đức, làm mất hết sự tin cậy của quần chúng, nhất là quần chúng trí thức. Toàn dân tha thiết cầu nguyện, vận động nhiều lực lượng để canh tân Tôn giáo, đả đảo các thế lực bạo hành, hủ bại. Đây là sự kiện thứ hai khiến Phật giáo xuất hiện trong nhân gian.

3. LƯỢC SỬ ĐỨC PHẬT THÍCH CA MÂU NI (Sakyamuni Buddha)

GIÁNG SANH, XUẤT GIA, TU HÀNH, THÀNH ĐẠO.

a) Giáng sanh:

Hàng năm, trăm ngàn du khách, không luận Phật giáo hay không phải Phật

đồ, từ các nước trên thế giới đến Ấn độ (India) chiêm bái hay thăm viếng các Phật tích, đều có đến vườn Lâm-tỳ-ni (Lumbini) hiện nay thuộc địa phận nước Nepal. Vườn Lâm-tỳ-ni chính là nơi đức Bổn sưThích Ca Mâu Ni giáng sanh. Hiện nay còn một trụ đá, có khắc một hàng chữ Bramin như vầy: Đây là chỗ đức Gotama (Phật) đản sanh”. (Trụ đá nầy dựng lên trước kỷ nguyên 249 năm do Thánh Quân A Dục (Asoka-Raja) của Ấn độ, tính đến nay đã hơn 2,200 năm). Lúc bấy giờ nước Nepal trực thuộc Ấn Độ, phía Nam là thành Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavastunagara), gần lưu vực sông Hằng (Ganga Kohana), phía Đông của thành là vườn Lâm-tỳ-ni (Lumbini). Thái tử Shiddhartha giáng sanh chốn này. Năm ấy là năm thứ 565 trước kỷ nguyên, cũng chính là đời Châu Linh Vương ở Trung Quốc, nhằm ngày 08 tháng 04 năm thứ bảy.

Thái tử Siddhartha là con vua Tịnh Phạn (Suddhodana). Hoàng đế nước Ca-tỳ-la-vệ, Hoàng hậu là bà Ma-gia phu nhơn (Mayadevi), sau khi tu hành đắc đạo hiệu là Thích Ca Mâu Ni (Sakyamuni Buddha), về Phạn ngữ, Sakya là họ của Ngài, Muni là tên riêng của Ngài. Chúng ta có thể dịch là Năng-Nhơn, nghĩa là Ngài thật hành lòng nhơn từ, rộng giúp trong ba cõi (cõ dục, cõi sắc và cõi vô sắc). Chữ Siddhartha có nghĩa là Kiết Tường, lại cũng có nghĩa là Thành-Tựu. Chữ Phật-Đà (Buddha) là tiếng Phạn, có nghĩa là bậc Đại-giác-ngộ. Chúng ta thường gọi tắt là Phật. Thế Tôn (Lokajyestha) nghĩa là bậc được tôn kính bởi mọi người trong thế gian. Vì thế, nên chúng ta thường xưng “Thích Ca Mâu Ni Phật” hay là “Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn”.

Thái-tử Tất Đạt Đa (Siddhartha) giáng sanh được 7 ngày thì Hoàng Hậu Mayadevi nhờ phước báo ấy, sanh lên cung trời Đao-Lợi (Trayastrimisas). Bà Di Mẫu Ma-Ha-Ba-Xà-Ba-Đề (Mahaprajapati) thay Hoàng Hậu dưỡng nuôi Thái Tử đến lúc trưởng thành. Từ nhở Siddhartha thiên tách thông huệ, văn võ toàn tài; năm 15 tuổi được tôn làm Đông Cung Thái Tử; 17 tuổi vua Tịnh Phạn cưới Công Chúa Gia-Du-Đà-La (Yasodhara) cho Thái Tử. Sau đó Công chúa sanh được một Hoàng nam tên là La-Hầu-La (Rahula)

b) Xuất Gia:

Thái tử Siddhartha là bậc tôn quý, là một Đông Cung sắp kế vị ngai vàng, vật

chất cùng quyền lực quá đầy đủ, 5 thứ dục lạc (tài, sắc, danh, thực, thùy), không thiếu món nào. Thế mà Thái tử xả trừ tất cả để xuất gia tìm đạo. Trong trường hợp này, chúng ta nhận xét có rất nhiều nguyên nhơn, nhưng nếu chỉ đứng trên sự tướng theo pháp thị hiện thế gian mà thuyết minh, chúng ta tìm thấy có hai nguyên nhân chính:

1) Thái tử nhìn thấy cảnh khổ “về đời sống của con người”. Một hôm, Thái tử ra dạo chơi ngoài đồng ruộng, thấy các nông phu đang cày cấy, dưới ánh nắng thiêu đốt của trần gian, chân bùn tay lấm, thân hình mệt mỏi, khổ sở vô cùng. Những đàn trâu kép cày, cổ bị rách da chảy máu, đi trong bùn lầy khổ cực, thế mà còn bị đánh đập liên miên. Tiết trời nóng cháy da, người lẫn trâu đều mệt lã. Thái tử không dám ngó thẳng vào cảnh tượng ấy.

Trong những luống đất cày xới lên, vô số côn trùng bị tổn thương chết chóc, có những đàn chim lũ quạ đua nhau ăn tươi nuốt sống, tạo thành một cảnh đau khổn hỗn loạn. Lúc ấy trong lòng Thái tử đau nhói khó chịu, vì đã nhận thật một cảnh khổ đáng thương của chúng sanh đang tranh nhau vì sự sống.

2) Thái tử xem thấy các cảnh khổ “già, bệnh, chết” của chúng sanh. Khi còn làm Đông Cung, Thái tử thình lình ra dạo chơi bốn của thành, thấy một cụ già, ở trong đám đông, đầu bạc da nhăn, mắt lờ tai điếc, vừa đi vừa chống gậy, hành động rất là khổ sở. Thấy thế, Thái tử cảm nghĩ mọi người không ai tránh khỏi cảnh tượng già nua nầy.

Rồi một hôm khác, Thái tử thấy một người đau ốm, thân hình tiều tụy, chỉ còn da bọc lấy xương, nằm bên vệ đường, rên la thảm thiết. Thái tử liên tưởng đến mọi người không ai khỏi đau ốm, mà đau ốm là một sự khổ não lạ thường.

Một bữa nọ, Thái tử thấy một thây chết, bốn người khiêng đi, bà con họ hàng theo sau khóc lóc, trông rất não lòng. Do đó, Thái tử nghĩ rằng có người chết, người sợ hãi sự chết, nhưng không ai tránh khỏi cái chết.

Do hai nguyên nhân nầy, Thái tử nhận rõ khổ, sanh, già, bịnh, chết là nguồn gốc luân hồi của nhân thế, quyết tâm tìm đường giải thoát cho mình và chúng sanh. Một hôm, Thái tử du ngoạn ngoài thành bỗng thấy một vị Sa-Môn (Sramana), thân tướng trang nghiêm, trong người vô tư lự. Thái tử đứng nghe giảng về ý nghĩa chữ Sramana (hay phá được cảnh sanh, già, bịnh, chết và tất cả phiền não, không thọ thân đời sau, thên nên gọi là Sraman). Thái tử nghe vị Sa môn giải thích sơ lược rồi, quyết định xuất gia tìm đạo. Năm 19 tuổi, đêm mùng 7 tháng 2 (theo giáo hệ Đại Thừau), Thái tử gọi Xa-Nặc (Chandaka), tên hầu của Thái tử, thắng ngựa Kiền Trắc (Gandhara) rời khỏi Hoàng cung xuất gia tầm đạo. Thái tử đi vào rừng, tự mình cạo tóc đổi áo, bảo Xa Nặc dắt ngựa Kiền Trắc trở về tâu lại vua cha.

Vua Tịnh Phạn sai các vị Đại Thần đi tìm Thái tử khuyên nhủ trở về, nhưng không thể lay chuyển ý chí quyết liệt của Thái tử. Lúc bấy giờ, vua Tịnh Phạn bảo các vị Kiều Trần Như (Ajnata-Kaundinya), A Xá Bà Thệ (Asvajit), Ma Ha Bạt Đề (Bhadrika), Ma Ha Câu Lợi (Mahanama Kulika) và Thập Lực Ca Diếp (Dasabala Kasyapa) năm vị theo dõi phụng trì làm bạn đạo, tu hành với Thái Tử.

c) Tu Hành:

Lúc đầu, Thái tử khổ hạnh trong rừng, tìm đến các vị Đạo sĩ, như Ngài A-La-Lạ (Arada), Ngài Uất-Đầu-Lam-Phất (Udra Ramaputra) v.v…hỏi đạo tu hành. Nhưng phương pháp hành đạo của các vị ấy không làm cho Thái tử mãn nguyện. Kế đó, Ngài đến thành Vương Xá (Rajagrha), bên mé sông Ni Liên Thiền (Nairanjana) tìm sư hỏi đạo, trải qua năm năm trường. Cuối cùng, Thái tử đến gần núi Già-Gia (Gayagiri), thuộc nước Ma Kiệt Đà (Magdha), chuyên tâm tu trì, hằng ngày Ngài chỉ ăn một ít mè, một ít bắp, thân hình chỉ còn da bọc xương. Trải qua 6 năm trường khổ hạnh, mắt sâu má hóp, thân hình như cây khô, chỉ còn bộ xương phơi bày. Phương pháp tu-hành ấy, tuy tạm thời áp phục được vọng tưởng phiền não, nhưng không thể đạt đến con đường giải thoát hoàn toàn.

Lúc bấy giờ, Thái tử đi đến sông Ni Liên Thiền, tắm gọi các trần cấu trên thân, nhận lãnh bát sữa bột của Nàng Suyata dâng cúng, khiến cho thân thể phục hồi phần nào. Sau đó, Thái tử lội qua bên kia sông, đến dưới cội cây Bồ Đề, trải cỏ kiết tường, ngồi kiết già phát đại thệ rằng: “Nếu không thành đạo, ta không rời khỏi chỗ ngồi nầy”. (Ngã bất thành đạo, bất khởi thử tọa). “ Let my skin, sinews and bones alone remain, and let my blood and flesh dry up, yet never will I move from this seat without attaining full enlightenment”.

d) Thành Đạo:

Đức Phật ngồi trên tòa Kim Cang ( Vajrasana), dưới cội cây Bồ đề (Bodhi raru) suy nghĩ làm thế nào để giải quyết các vấn đề sanh tử cho chúng sanh. Do nơi lòng tín niệm kiên cường, dõng mãnh tinh tấn, các ma chướng sắc thinh ở ngoại cảnh, và các ma tử phiền não ở nội tâm, thứ lớp sanh khởi, thứ lớp hàng phục. Đức Thế Tôn đặt thành câu hỏi: Tại sao có sanh?-Tại sao có tử?- Tại sao có sanh sanh tử tử, không thể tự thoát? Nguyên nhân chính yếu kia là đạo lý sanh tử lưu truyền, cũng tức là pháp 12 nhân duyên (Dvadasanga Pratiyasamutpada), nguyên lý cơ bản của Phật giáo.

Theo sử Phật giáo Bắc Tôn chép: “Ngày 8 tháng chạp, lúc sao Mai vừa mọc, đức Bồ-Tát hoát-nhiên đại ngộ, thành bậc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác (Anuttara Samyak-Samyak-Sambodhi), lúc ấy đức Phật đúng 30 tuổi.

4. LƯỢC SỬ ĐỨC PHẬT – ĐỘ 5 VỊ TỲ KHEO – HOẰNG HÓA – NIẾT BÀN

a) Độ 5 vị Tỳ Kheo và thành lập giáo đoàn:

Sau khi Đức Phật thành đạo, Ngài vận dụng lòng đại bi, đại nguyện, rộng độ chúng sanh. Nhưng chứng ngộ được chơn lý thậm thâm vi diệu, không phải là việc dễ, bởi chúng sanh mang nhiều tà kiến điên đảo, không dễ gì tính thọ. Đức Phật muốn vào Niết Bàn, nhưng lại suy nghĩ “Chúng sanh thường bị khổng ách trong nhà vô minh hắc ám, nếu không dùng chơn lý chánh giác khiến họ khai ngộ thì nhiều kiếp họ phải trầm luân. Vì lẽ đó, nên đức Phật vận dụng tâm vô duyên đại bi, không thể thối thoát. Ngài bèn quyết định trụ thế, giáo hóa cứu độ chúng sanh.

Nhóm ông Kiều Trần Như (Ajnata-Kaundinya) v.v…năm người, trước kia theo làm bạn với đức Phật tu hành, nhân thấy đức Phật nhận lãnh bát sữa bột của nàng Mục nữ cúng dường, cho rằng đức Phật đã thối tâm trên con đường tìm cầu đạo Pháp giải thoát nên họ tự ý ly khai đức Phật, cùng đến thành Ba-La-Nại (Varanasi), ở tại Vườn Lộc Giả (Mrgadava), tu hành làm đạo. Sau khi đức Phật thành Đẳng Chánh Giác, Ngài đến vườn Lộc giả tìm năm vị kia, nói pháp Tứ Diệu Đế (Catvari Arya Satyani), độ cho họ trở thành Tỳ kheo (Bhiksu). Đây là lần đầu tiên đức Phật chuyển diệu Pháp Luân, nói Tứ Diệu Đế: là giáo Pháp căn bản tu hành trong Phật giáo. Từ đây, đức Phật là Phật bảo, Pháp Tứ Đế là Pháp Bảo và năm vị Ty Kheo là Tăng bảo. Ấy là ngôi Tam bảo trong thế gian, kế đó thành lập Giáo Đoàn hoằng hóa lợi sanh.

b) Hoằng Hóa:

Đức Thích Tôn hoằng hóa trong 49 năm trường, thuyết kinh hơn 300 hội, tiếp nhận hằng vạn đệ tử xuất gia, còn tại gia Phật tử không thể tính lường. Ngài cùng các đại đệ tử đi chu du khắp cõi Ấn Độ thời bấy giờ. Ngài lại truyền lịnh cho đệ tử đi bốn phương, truyền báo đạo lý nhờ vậy mà quần chúng hiểu rõ Phật pháp, tín kính ngôi Tam Bảo (Triratrana). Sự kiện trọng yếu trong việc hoằng hóa của đức Phật lúc nầy là độ được ba anh em ông Ca Diếp Ba (Kasyapa), Xá Lợi Phất (Sariputra) và Mục Kiền Liên (Maudgalyayana). Về phần ngoại hộ đắc lực thì có Đại thần Cấp Cô Độc trưởng giả (Anathapindika) và Vua Tần Bà Sa La (Bimbisara).

Ba anh em ông Ca Diếp Ba đều là người trước kia tu theo ngoại đạo, thờ thần Lửa. Ngài Đại Ca Diếp có 500 đệ tử, hai người em mỗi vị có 250 đệ tử. Đức Phật lại được các vị Quốc Vương, Đại thần khác và dân chúng hết lòng tín phụng. Vô số người tại gia quy y theo Phật; kẻ thọ giới xuất gia làm Tỳ Kheo cũng không ít, làm chấn động một góc trời Nam tại nước Ma Kiệt Đà (Magadha) thời ấy.

Hai Ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, nguyên là học giả của phái Lục Sư ngoại đạo, về học vấn trí thức, đương thời được mọi người tôn trọng kín nể. Nhơn tín phục giáo nghĩa đức Phật, hai Ngài đem 200 đệ tử đồng quy y Phật, thọ giới xuất gia, do đó giáo pháp của Phật ảnh hưởng vùng nầy rất lớn. Về sau hai Ngài phụ tá đức Phật để tuyên giáo, công đức của hai Ngài rất là vĩ đại.

Quốc vương Tần-Ba-Sa-La (Bimbisala) của nước Ma Kiệt Đà (Magadha), là một ông vua thuần thành, kính tin Phật pháp. Không những khuyến khích quốc dân đồng bào quy y chánh pháp, mà Ông còn xây dựng một tòa tịnh xá ở Trúc Lâm rộng rãi thênh thang trong nội thành Ka Lan Đà (Karanda), thỉnh Phật và chúng Tăng thuyết pháp thường xuyên.

Về phương Bắc nước Kiều Tát La (Kosala), thành Xá Vệ (Sravasti), có vị phú trưởng giả Tu Đạt Đa (Sudatta), lại cũng có tên là Cấp Cô Độc (Anathapindika) kiến lập tại trong thành, mọt tòa tịnh xá hết sức cao rộng trang nghiêm, biệt hiệu là Kỳ Thọ Cấp Cô Độc Viên. Ông cung thỉnh đức Phật và đệ tử Ngài an cư kiết hạ, giảng đạo ở phương này. Tu Đạt Đa là vị hộ pháp trung thành của Phật giáo thời ấy.

Giáo nghĩa của Phật giáo quan niệm bình đẳng, không có gia cấp, vì thế trong đồ chúng quy y theo Phật, có đủ từng lớp người: Quốc vương, Thái tử, Đại thần, Trưởng giả, học giả, ngoại đạo, cũng có các hàng hạ tiện, dâm nữ, thợ thuyền, nông dân v.v…Bản ý của Đức Phật là muốn phá tan chế độ bốn giai cấp bất bình đảng của xã hội Ấn Độ thời bấy giờ, để bốn sông chảy về biển, không còn tên riêng biệt, bốn họ đi xuất gia, đồng là giòng họ Thích, tất cả bình đẳng.

10 vị Thượng túc đại đệ tử của Phật, xuất thân đủ hạng người trong xã hội lúc ấy là:

1. Xá Lợi Phất (Sariputra)

2. Mục Kiền Liên (Maudgalyayana0

3. Đại Ca Diếp (Mahakasyapa)

4. A Nan (Anada)

5. Phú Lâu Na (Purna)

6. A Na Luật (Aniruddha)

7. Tu Bồ Đề (Subhuti)

8. Ưu Ba Ly (Upali)

9. Ca Chiên Diên (Katyayana0

10. La Hầu La (Rahula0

c) Niết Bàn:

Đức Phật thành đạo lúc 30 tuổi, thuyết pháp giáo hóa độ sanh hơn 40 năm, đi chu du theo dọc bờ sông Hằng và các xứ lân cận trong nước Ấn Độ, chỗ nào có nhân duyên là Ngài đến đó hóa độ. Năm Ngài 78 tuổi, chuyến du hóa cuối cùng từ thành Vương Xá (Rajagrha) đến thành Câu Thi La (Kusinagara), đức Phật cùng chúng đệ tử vượt qua sông hằng vào thành Tỳ Xá Li (Vaisali) ở trong rừng Trúc phụ cận, để an cư ba tháng. Lúc ấy gặp năm bị nạn đói lan tràn, Tăng chúng khó bề đi khất thực, bèn phân chia các đoàn nhỏ đi hành hóa bốn phương. Năm sau, Phật cùng Tôn giả A Nan Đà (Ananda) đến thành Pa Bà Lơị (Pravari), giữa đường đức Phật thị tật, nhưng vẫn gắng đi đến thành Câu Thi Na (Kusinagara). Dưới song thọ Sala, đức Phật bảo ngài A Nan sửa soạn chỗ nghỉ, đức Phật nằm nghiên bên hữu, mặt hướng về phương Tây. Giờ phúc chót nầy có một vị ngoại đạo tên là Tu Bạt Đa La (Subhadra), hơn 100 tuổi xin quy y Phật làm đệ tử cuối cùng. Giữa đêm 14 tháng 2, đức Phật nằm dưới song thọ Sa La, an tịnh Niết Bàn, lúc ấy Ngài 79 tuổi, trước kỷ nguyên 487 năm, cũng tức là đời Châu Kính Vương, năm thứ 33 ở Trung Quốc.

Đại đức Ma Ha Ca Diếp (Mahakasyapa) từ núi Kỳ Xà Quật (Grphrakura) điến thành Câu Thi Na (Kusinagara) làm lễ trà tỳ (Jhaqita, tức là hỏa táng). Sau khi phần hóa xong, xá lợi của Phật một số người thuộc giòng Mạt La (Malla), tại thành Câu Thi Na, quản thủ phụng thời. Nhưng các vị Quốc vương xa gần đem binh mã đến yêu cầu quân phân xá lợi. Kết quả xá lợi của Phật được chia làm 8 phần:

1. Câu Thi Na (Kusinaga)

2. Pa Bà (Pravari)

3. Giá La (Carya)

4. La Ma Già (Raymaya0

5. Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu)

6. Tỳ Lưu Đề (Virupaksa)

7. Tỳ Xá Ly (Vaisali)

8. Ma Kiệt Đà (Magadha)

Mỗi nơi thỉnh về một phần, kiến tạo đại thánh tháp, phụng thờ cúng dường.

Năm 1898 nhà Khảo cổ học, ông W.C Peppi đến thành Ca Tỳ La Vệ, đào được hộp xá lợi của Phật trong một cổ tháp. Như thế chứng minh rằng đó là một trong nhiều nơi đã xây tháp phụng thờ xá lợi của Đức Thế Tôn từ nghìn xưa.


CHƯƠNG III

KIẾT TẬP KINH ĐIỂN

1- KIẾT TẬP KINH ĐIỂN

500 VỊ KIẾT TẬP- 700 VỊ KIẾT TẬP – KIẾT TẬP TẠI THÀNH BA TRA LY TỬ – SÁNG TẬP LUẬN ĐẠI TỲ BÀ SA.

KIẾT TẬP:

Kiết tập nghĩa là đọc tụng lại, bao hàm có ý nghĩa nhóm hợp đại chúng đọc lại những lời do Phật thuyết ra. Kinh, Luật của Phật đầu tiên không chép thành bổn, chỉ từ kim khẩu Phật nói ra, rồi triển chuyển khẩu truyền, lâu ngày sợ sai ý chánh, nên chư Đại Đức Thánh Tăng phải nhớm họp đại chúng, đọc ra những lời quyết định, rồi sau mới viết thành Kinh, Luật, cho nên gọi là kiết tập.

a) 500 vị kiết tập:

Đức Phật khi vào rừng Song lâm, Ngài Đại Ca Diếp (Mahakasyapa) cùng 500 vị Tỳ kheo (Bhiksu) từ thành Sa Bà (Sadvarsa) đến thành Câu Thi Na (Kusinagara) giữa đường gặp một ngoại đạo tên là Ưu Ba Ca (Upavasa), tay cầm Mạn đà la (Mandala), từ thành Câu Thi Na đến, nói rằng: Đức Phật đã nhập Niết Bàn (Parinirvana) bảy ngày rồi. Lúc đó chư Đại Đức Tỳ kheo nghe xong, vị nào phiền não đã đoạn, xem đó là việc thường của nhân thế, yên lặng tiến bước, các vị phiền não chưa dứt sạch, không thể cầm được giọt lệ! Khi ấy Ngài Đại Ca Diếp (Mahakasyapa) vì đại chúng tuyên nói lời dạy thường xuyên của Đức Phật là “chư hạnh vô thường, có hiệp phải có ly”. Trong đại chúng có một vị Tỳ kheo xuất gia tuổi muộn tên là Tu Bạt Đà (Subhadra) nói rằng: “các nhơn giả chớ buồn, vị Đại Sa Môn (Maha Sramana) còn tại thế, thường nói việc nầy nên làm, việc nọ không nên làm, chúng ta hết sức bực bội. Hôm nay mình được tự do, muốn làm chi thì làm”. Ngài Đại Ca Diếp nghe được lời nầy, nên quyết tâm chế định lời đức Phật di giáo.

Sau khi lễ phần hóa kim thân Đức Phật, Ngài Đại Ca Diếp chọn 500 vị Tỳ Kheo học rộng hiểu sâu, giới đức đầy đủ, đến động Tất Ba La (Pippala) gần thành Vương Xá (Rajagrha), cử hành lễ kiếp tập lần thứ nhất. Thành Vương Xá là thủ đô nước Ma Kiệt Đà, quốc vương là A Xà Thế (Ajatasatru), một ông vua sùng đạo, nhiệt tâm hộ pháp thời bấy giờ. Ngài không những tứ sự cúng dường cho các vị Tỳ kheo, mà còn cung cấp mọi tiện nghi ăn uống, ngọa cụ cho tất cả mọi người. Kỳ kiết tập này sau khi Phật nhập Niết Bàn độ 4 tháng. Khai hội ngày 27 tháng 6, cho đến sau 7 tháng mới hoàn mãn. Đây là lần kiết tập lần thứ nhất cũng gọi là 500 vị A La Hớn kiết tập, mà cũng gọi là Tất Ba La (Pippala) kiết tập.

Nghi thức kiết tập rất uy nghiêm. Ngài Đại Ca Diếp (Maha Kasyapa) thăng tòa giữ ghế Chủ tịch. Trước hết Đại đức Ưu Pa Ly (Upali) vị trì giới đệ nhất, lên tòa cao để trả lợi các cây hỏi của Chủ tịch Đại Đa Diếp, liên quan đến 4 Pháp Ba La Di (Catvari Parajika) của Tỳ kheo (Bhiksu) và 8 Pháp Ba La Di (Asta Parajika) của Tỳ kheo Ni (Bhiksuni), thời gian, địa điểm, nhơn duyên v.v…của sự thế giới. Về Kinh, đại chúng công nhận đồn thanh đọc lên những lời đức Phật nói. Sau đó Ngài A Nan Đà (Anada), vị đa văn đệ nhất), tuyên bố lên những lời đức Phật đã nói và tra lởi các câu hỏi bị chất vần ngay trên pháp tòa. Ngài A Nan Đà đã nói rõ thời gian thuyết pháp, địa điểm, vì lý do gì mà Phật nói, khi nói có bao nhiêu người. v.v…Giáo hội công nhận không sai, quyết định là tử Kim khẩu Phật đã nói ra.

Ngài Ưu Pa Ly (Upali) đọc tụng các văn luật, gồm trong 90 ngày, qua 80 lần mới hoàn tất, do đó gọi là “80 tụng luật”, cũng tức là giới luật căn bản của Phật giáo. Về sau diển biến có Luật Thập Tụnh (Sarvastivada Vinaya), Luật Tăng Kỳ (Samghika Vinaya), Luật Tứ Phần (Dharmagupta Vinaya), Luật Ngũ Phần (Mahisasaka Vinaya) v.v…Bát thập tụng Luật hiên nay không tồn tại.

Về Kinh do Ngài A Nan trùng tuyên, có 4 bộ kinh A Hàm mãi đến nay còn truyền bá, cũng gọi là A Kiệp Ma (Agamas) Trung Hoa dịch là Wu Pi Fa (Vô tỷ pháp), cũng có chỗ dịch là Fa Kuei (Pháp quy). Tức Kinh Trường A Hàm, Trung A Hàm (Madhyamagama), Tăng Nhất A Hàm và Kinh Tạp A Hàm.

b)700 vị kiết tập:

Kiết tập lần thứ hai vào khoảng 100 năm, sau khi Phật diệt độ, nhơn vì Phật giáo đồ phân chia các nơi chốn, các địa phương, thường cùng giao thiệp với ngoại đạo, nên giáo lý, tư tưởng dần dần biến đổi. Phái bải thủ phụng trì, gìn giữ lời Phật dạy, phải cải tiến sanh ra các dị kiến. Kiết tập lần thứ hai là để giải quyết vần đề nay: vấn đề giới luật.

Tại đại tòng lâm Tỳ xá Ly (Vaisali), trong lầu cát, giảng đường, có chúng Bạt Kỳ Tỳ Kheo (Bhadrika) (?), trong những ngày Bố Tát (Uphavasatha), đem mâm đồng đựng nước để trước đại chúng, mời toàn thể tuỳ hỷ bỏ tiền vào trong để nhận mọi việc phước lành. Kẻ nào tin thì bỏ tiền vào, có người lại quở trách chê bai rằng Sa môn Thích Tử không nên làm như thế. Lúc ấy có đệ tử của Ngài A Nan Đà là Tỳ Kheo Gia Xá (Yasas), tuần tu đến đây, thấy hành động như thế, khuyên nhủ không cho. Các vị kịa lại còn thật hành 10 việc phi pháp khác:

1. Cho phép đựng muối trong sừng trâu (Singllonakappa),

2. Trưa, mặt trời qua hai ngón tay, ăn được (Dvangulakappa)

3. Được tới chôn tu lạc, ăn lần thứ hai (Gamantarakappa)

4. Cho Bố tát ở riêng trong một khu (Avasakappa)

5. Được phép hội nghị với thiểu số (Vanumatikappa)

6. Cho làm theo các tập quán trước ( Acinnakappa)

7. Cho uống các loại sữa, sau bữa ăn (Amathitakappa)

8. Được uống các loại sữa chưa lọc (Jalogimpatum)

9. Được ngồi tự do khắp nơi (Adasakam Nisidanam), và

10. Được giữ vàng bạc (jataruparajatam).

Nếu giải thích thêm, chúng ta thấy rằng:

a) Cho chứa muối trong các đồ vật bằng sừng,

b) Hằng ngày sau giời ngọ, bóng mặt trời ngã qua hai ngón tay, còn cho ăn được.

c) Sau khi ăn rồi, đến nơi khác, có thể ăn lại được.

d) Đồng một giáo khu, không cần đồng ở một chỗ Bố Tát.

e) Khi đại chúng hội nghị các nơi, nhơn số không đủ có công hiệu như thường.

f) Được phép làm theo các tập quán ngày trước

g) Cho uống các loại sữa chưa lượt, tức là các loại sữa chưa khử độc, sau bữa ăn.

h) Được uống các thứ sữa đặc sau giờ ngọ,

i) Tự ý được ngồi các chỗ rộng lớn, không cần điều kiện.

j) Được phép chứa vàng bạc v.v…

Mười điều kiện ở trên, cho phép các giới tu hành được làm. Đứng về giới luật của Phật mà nói, 10 điều cho pháp trên hoàn toàn phi pháp, phi luật.

Đại đức Gia Xá (Yasas) thấy phái Bạt Kỳ Tỳ Kheo làm 10 việc phi pháp như thế, bèn tố cáo các Tỳ Kheo ấy, là trái pháp, trái luật, nhưng Bạt Kỳ Tỳ Kheo không tự cải hối. Do đó, đau lòng vì đạo, ngài Gia Xá liền đi triệu thỉnh các vị Đại đức nhóm hợp tại thành Tỳ Xá Ly (Vaisai) để giải quyết 10 điều trái luật trên. Lúc bấy giờ chư Đại đức Trưởng lão các phương tựu về phó hội. Phái Bạt Kỳ Tỳ Kheo cũng đi thỉnh chúng tăng ở phía Nam, làm hậu thuẩn cho hội nghị; phái của Đại đức Gia Xá cung thỉnh Đại đức ở phương Tây; mỗi nơi cử 4 đại biểu về tham dự thội nghị để thẩm phán việc nầy. Trước hết đưa ra 10 điều làm chương trình nghị sự, theo thứ tự chư Đại đức trong hội trường chất vấn, theo thứ tự đại hội giải đáp. Kết quả đa số chư Đại đức Tỳ kheo cho là 10 điều ấy hoàn toàn phi pháp, phi luật. Chúng Bạt Kỳ Tỳ Kheo đã trái với pháp luật chế ra bởi Đức Như Lai, bị phái chánh thống chê bai. Lúc ấy phái Bạt Kỳ mới biệt lập một đoàn, so sánh thì số nầy rất đông, nhất là hạn trẻ tuổi, nên gọi là Đại Chúng Bộ (Mahasanghikah), phái kia phần đông là các vị cao niên, nên gọi là Thượng Toạ Bộ (Mahasthavira). Đây là lần đầu tiên Phật giáo chia ra làm hai môn phái.

Sau khi phán định 10 việc trên là phi pháp, về phía Thượng Tọa Bộ hội họp 700 vị tại thành Tỳ Xá Ly để tụng lại ba tạng (Tripitaka), lấy giới luật làm chủ yếu, thời gian 8 tháng mới viên mãn. Do đó gọi là 700 kết tập, lại cũng gọi là kiết tập lần thứ hai.

c) Kiết tập tại Thành Ba Tra Ly Tử

Kiết tập lần thứ ba, Đức Phật nhập Niết Bàn (Maha Parinirvana) 200 năm về sau, thánh quân A Dục Vương (Asoka) của Ấn Độ đương vị (trước kỷ nguyên 226-272), Quốc Vương đóng đô ở thành Ba Tra Ly Tử (Pataliputra), Trung Hoa dịch là Hua Shih Chêng (Hoa Thị Thành). Lúc về già, vua A Dục hết lòng kính tin Phật Pháp, phái các Đại Thần đi khắp nơi hiểu dụ dân chúng làm các việc phước thiện, phái các vĩ Trưởng lão đi vào các thành ấp, tụ lạc hoằng hóa chánh Pháp. Do đó, nên Phật giáo chẳng những truyền bá trong 5 xứ Ấn Độ mà còn truyền bá đến phía Nam là nước Tích Lan (Lanka), phía Bắc đến nước Kiền Đà La (Grandhara), nhờ lực lượng chánh trị và đạo đức, về sau Phật giáo thành tôn giáo quốc tế.

Vua A Dục (Asoka) một lòng tin Phật sâu sắc, nên đối với việc cúng dường đức Phật và chư Tăng hoàn toàn phong phú. Các ngoại đạo lẫn lộn trong đại chúng, cải dạng làm tăng lữ, y phục mặc giống nhau, làm nhiều việc trái đạo lý để phá hoại Phật pháp. Lúc ấy Vua ra lịnh xây cất ngôi chùa Kê Viên (Kukkutarama), tăng lữ nội ngoại phân tranh, không bao giờ hòa hợp nói giới, thuyết đạo, suốt bảy năm trường như vậy, Vua khuyên tăng chúng phải hòa hiệp, không nên chia rẽ như thế. Các sứ giả của nhà Vua thấy thế tức giận, giết hại tăng đồ. Việc nầy đến tai nhà Vua. Vua lấy làm ngạc nhiên, đích thân đến chùa xem xét. Vua hỏi sứ giả vì sao xảy ra việc như thế? Y theo mệnh lệnh của triều đình, hay triều đình không cố ý ra lệnh, mà chỉ do các sứ giả muốn làm. Sau khi giải quyết vấn đề sứ giả xong, Vua rất nghi hoặc, lúc bấy giờ Vua ký sắc lịnh triêu tập 60, 000 Tỳ kheo, bầu Thượng Tọa Mục Kiền Liên Tu Đế (Maudgalyayanatissa Thera) làm Chủ Tọa, chọn 1,000 vị Thánh Tăng học đức kiêm toàn, để bố tát thuyết giới (Upavasatha Sila), kết tập 3 Tạng (Tripitaka): Kinh (Sutra), Luật (Vinaya) và Luận (Abhidharma). Hội nghị kéo dài đến chín tháng mới hoàn tất, vì chọn địa điểm tại thủ đô Ba Tra Ly Tử (Pataliputra), nên gọi là kiết tập Ba Tra Ly Tử.

d)Sáng lập Đại Tỳ Bà Sa Luận

Kiết tập lần thứ tư, sau thời kỳ Vua A Dục (Asoka) hơn 300 năm, miền Tây Bắvc Ấn Độ có Vua Ca Nị Sắc Ca (Kaniska), sau kỷ nguyên 125-150, vị Vua nầy rất tín kính Phật giáo, lúc rảnh rỗi việc triều chính, thường thỉnh chư Tăng vào cung thuyết Pháp, nhưng các vị Giảng sư giảng giải Phật Pháp không đồng, luật lệ sau khác. Vua hết sức nghi ngờ, bèn thỉnh ngài Hiếp Tôn Giả (Parsvika) triệu tập hội nghị kiết tập lần thứ tư, chọn lọc 500 Tăng sĩ học đức trang nghiêm, bầu Thượng Tọa Thế Hữu (Vasumitra) ngồi ghế Chủ tọa, cử hành Tịnh Xá Kỳ Hoàn Lâm ở Ca Thấp Di La (Kasmira). Mục đích kỳ kiết tập nầy là để giải thích ba tạng Kinh điển, trước tiên làm mười muôn bài tụng để giải thích tạng Kinh (Sutra Pitaka), kế đó tạo mười muôn bài tụng, giải thích Tạng Luật (Vinaya Pitaka) và sau cùng làm mười muôn bài tụng, giải thích Tạng Luận (Abhidharma Pitaka), cộng tất cả có ba mươi muôn bài tụng (300,000). Kiết tập xong, chế ra bảng đồng đúc chữ in lại tất cả, đóng thành Pháp bảo, Vua cho xây đại bửu tháp để thờ, nhưng cấm chỉ không cho truyền ra nước ngoài.

Tỳ Bà Sa (Vibhasa), Trung Hoa dịch là Kuang Shu (Quảng Thuyết), có chỗ dịch là Kuang Shih (Quảng Thích). Hiện nay còn 200 quyển A Tỳ Đạt Ma Đại Tỳ Bà Sa Luận (Abhidharmamahavibhasasatra) do Ngài Tam Tạng Huyền Trang dịch, tức là mười muôn (100,000) bài tụng A Tỳ Đạt Ma Tỳ Bà Sa Luận kiết tập kỳ thứ tư nầy, cũng tức là kiết tập toàn bộ trong ba Tạng.

Lần kiết tập nầy là đem nghĩa lý nhiệm mầu trong ba tạng: Kinh, Luật, Luận của Phật giáo để giải thích, nhưng không phải như ba kỳ kiết tập trước chỉ tuyên đọc các lời Phật day. Ngài Hiếp Tôn Giả (Parsvika) là một vị đại học giả về Hữu Bộ (Sarvastivad). Vua Ca Nị Sắc Ca (Kanniska) cũng đặc biệt tin về Hữu Bộ, do đó nên sự giải thích đều y cứ vào tư tưởng của thuyết Nhất Thế Hữu Bộ (Savastivada). Hơn nữa, lúc bấy giờ các bộ phái đang phân tranh, mỗi môn phái đều có ý kiếnn khác nhau. Mục đích lần kiết tập nầy là để chọn lọc các bộ phái chính yếu nhận làm chánh thống. Nội dung kỳ kiết tập nầy rất là phong phú, có thể nói đoàn kết các bộ phái thật sự, để truyền bá Phật giáo, so với các kỳ kiết tập trước chỉ tuyên đọc lại các lời Phật dạy, kỳ nầy thấy rõ có sự tiến bộ hơn.

2- KIẾT TẬP KINH ĐIỂN ĐẠI THỪA

Bốn kỳ kiết tập trước đều là Kinh điển Tiểu Thừa (Hinayna). Sau đây xin thuyết minh về sự kiết tập Kinh điển Đại Thừa.

Về sự kiếp tập Kinh điển Đại Thừa (Mayhaỳana), có nhiều truyền thuyết không đồng , không có sử liệu chân xác để tham khảo chứng minh. Cũng vì thế mà sau có một số người nghị luận cho rằng Kinh điển Đại Thừa không phải do Phật nói. Kỳ thật, sự phát triển Đại Thừa giáo tự nhiên theo trào lưu tư tưởng diễn tiến một cách kỳ diệu, chúng ta không thể nói đó không phải là Phật thuyết. Bây giờ chúng ta phải hiểu việc ấy như thế nào? Đại phàm một Tôn giáo (Religion) hoặc một học thuyết (doctrine) lưu truyền đã lâu, lẽ dĩ nhiên trong thời gian diễn tiến truyền bá phải sang ra các bộ phái nào là bảo thủ, nào là tiến bộ v.v…chẳng hạn như thời kỳ kiết tập lần thứ hai, vì có sự trang luận 10 việc phi pháp (xem đoạn 700 vị kiết tập). Chúng ta nhận xét lúc bấy giờ các vị Trưởng Lão, niên đức đều cao, phải bảo thủ giới luật như khi đức Phật tại thế đã quy định, các Ngài thấy có sự chênh lệch trong nếp sống tu hành, cho đó là phi pháp, phi luật. Trái lại các Tỳ Kheo thanh niên tại thành Tỳ Xá Ly (Vaisali) mà vị thủ lãnh là Tỳ Kheo Bạt Kỳ (Bhadrika?), theo phương tiện thời co không có phòng ngại, thi hành nhiều việc ngoài phạm vi giới luật. Kết quả là họ đã ly khai khối bảo thủ, tự tổ chức thành một đoàn thể Giáo hội tiến thủ mà chia thành hai bộ phái: Thượng Toạ (Mahasthavira), và Đại Chúng (Mahasanghikah). Từ đó về sau phái tiến thủ không những trên phương diện giới (Sila), Luật (Vinaya) có biết thông canh cải, mà trên học lý cũng lưu tâm thảo luận nghiên cứu tối đa, tùy theo thời đại tiến bộ truyền giáo. Đến thế kỷ thứ hai (sau Tây lịch), lúc ấy Phật giáo bị Bà La Môn Giáo (Brahmanism) áp đảo, về học lý, các Ngài tân tiến phải tích cực hoạt độn để chấn hưng tôn phong theo luồng gió mới. Đến thế kỷ thứ tư (sau Tây lịch), giáo lý tiến thủ được tổ chức huy hoàng và truyền khắp mọi nơi, công cuộc cải tiến được thành công rực rỡ. Giáo phái thủ cựu lúc ấy không đủ sức so sánh và sự truyền bá càng ngày càng thồi lui, lỗi thời. Lúc bầy giờ Đại Thừa giáo của Đại Chúng Bộ (Mahasnghikah) cũng nhân cơ hội ấy giáo hội tiến thủ bọc phát và chấn hưng giáo lý. Khi Phật Thích Ca tại thế, giáo pháp của Ngài hoàn hoàn không có phân biệt đây là Tiểu Thừa (Hinayana) kia là Đại Thừa (Mahayana); giáo nghĩa Đại Thừa sớm đã bao trùm ở trong kinh điển Tiểu Thừa. Sau khi Đại Chúng Bộ được tổ chức có quy củ gần một năm, tư tưởng dần dần phát triển hợp cơ, mặt khác Phật giáo giao thiệp trực tiếp với Bà La Môn giáo, chịu ảnh hưởng của thời đại. Đại Thừa giáo theo đà đó được thành thục, đó là kết quả tự nhiên không có chi để chúng ta lấy làm lạ.

Luận đến sự kiết tập Kinh điển Đại Thừa, mặc dù không có chứng cứ về phương diện lịch sử, song trong Kinh (Sutra), trong Luận (Abhidharma) có vài chỗ có thể dẫn làm bằng chứng, như trong Kinh Bồ Tát Xử Thai, về phẩm Xuất Kinh có nói: “Lúc bấy giờ, Phật vừa nhập Niết Bàn (Maha Parinirvana) được bảy ngày, một hôm Trưởng Lão Đại Ca Diếp (Maha Kasyapa) đánh Kiền chùy (tức chung lớn) thông cáo cho 500 vị A La Hán (Arhats), vân tập đại chúng, có tất cả tám ức bốn ngàn vị A La Hớn, cung thỉnh Tôn Giả A Nan (Anada) thăng tòa bề cao bảy thước, trang nghiêm rực rỡ. Ngài Đại Ca Diếp tuyên bố với Tôn giả A Nan và đại chúng rằng; “Bao nhiêu lời Phật đã thuyết, mỗi chữ mỗi câu, chúng ta hãy thận trong chớ để quên thiếu: về Bồ Tát Tạng (Bodhisattva – Pitaka) hãy trùng tuyên một giai đoạn: Thinh Văn Tạng (Sravaka Pitaka) hãy lập một giai đoạn khác, về Giới Luật Tạng (Sila Vinaya Pitaka) hay giữ nguyên một giai đoạn”. Trong Kinh có nói đến Bồ Tát Tạng tức là Kinh điển Đại Thừa. Thinh Văn Tạng chính là Kinh điển Tiểu Thừa. Chiếu theo đây, trong sự kiết tập Kinh điển lần thứ nhất, đã có sự kiết tập Kinh điển Đại Thừa rồi. Lại nữa, Luận Đại Trí Độ (Maha Prajna Paramita Sastra) trong quyển 100 có nói: “Phật nhập Niết Bàn, về sau, ngài A Nan (Ananda) cùng ngài Đại Ca Diếp (Maha Kasyapa) kiết tập Tam Tạng (Tripitaka)”. Có người nói: “Ngài Đại Ca Diếp cùng các Tỳ Kheo (Bhiksus) vào trong núi Kỳ Xá Quật (Grdhrakuta) để hội hợp. Sau khi đức Phật diệt độ, đức Văn Thù Sư Lợi (Manjusri), đức Di Lặc (Maitreya) và các vị Đại Bồ Tát (Maha Bodhisattva) cũng lưu ý góp sức cùng ngài A Nan trong việc kiết tập Kinh điển Ma Ha Diễn (Mahayana)”. Theo đoạn văn trên đã nói, hai ngài A Nan và Đại Ca Diếp tập Tam Tạng (Tripitaka) và trong Kinh Xử Thai cũng đồng nói như vậy. Đoạn sau lại dẫn chứng các ngài Văn Thù Sư Lợi, Di Lặc cùng các vị Đại Bồ Tát v.v…cùng Tôn giả A Nan chuyên môn kiết tập Kinh điển Đại Thừa. Chữ Ma Ha Diễn là dịch âm từ tiếng Sanskrit. Mahayana dịch nghĩa là lớn, là vĩ đại. Như thế chúng ta biết rằng Kinh điển Đại Thừa, chắc chắn sau khi Phật nhập Niết Bàn, đã sớm kiết tập, không những một lần mà nhiều lần khác nhau. Tôn giả A Nan (Ananda) cùng Trưởng Lão Ca Diếp (Maha Kasyapa) họp tác để kiết tập Tam Tạng (Tripitaka); lần khác ngài A Nan cùng các Bồ Tát Văn Thù và Di Lặc họp tác kiết tập. Đây là chuyển hướng trong sự kiết tập Kinh điển Đại Thừa.

3 – KIẾT TẬP KINH ĐIỂN BÍ MẬT

Phân Biệt Hiển Giáo và Mật Giáo:

Phật giáo có hai bộ phận lớn là: Hiển giáo (The open, or general teaching; the esoteric schools), và Mật giáo (Idem, also esoteric teaching in general, or, Yoga schools).

Tương truyền cho rằng Hiển giáo dùng ngôn ngữ, văn tự trình bày, do đức Thích Ca Mâu Ni (Sakyamuni) thuyết ra: Mật giáo dùng chú thuật bí mật do đức Đại Nhựt Như Lai (Mahavairocana Tathagata) chủ xướng. Kinh điển bí mật này do ai kiết tập và kiết tập lúc nào không có sử liệu xác thật để chứng minh một cách quả quyết. Có thuyết cho rằng: Ngài A Nan (Ananda) kiết tập, có chỗ ghi ngài Kim Cang Thủ Bồ Tát (Vajrapani Bodhisattva) kiết tập. Trong Kinh Đại Thừa Chỉ Thú Lục Ba La Mật quyển I có nói: “…Lại nữa, Từ Thị (tức Phật Di Lặc) (Maitreya), thế nào gọi là Pháp bảo (Dharmaratana) thứ ba? Tức là chư Phật Thế Tôn ở quá khứ nhiều như số các sông Hằng (Ganga Nadi Valuka; as the sands of Ganges, numberless) đã nói chánh pháp (the correct doctrine of the Buddha). Tôi (Phật Thích Ca) nay cũng phải nói như vậy, có tám muôn bốn ngàn các pháp diệu uẩn, tóm tắt có 5 phần:

1. Sutra Pitaka (Tạng Kinh)

2. Vinaya Pitaka Tạng Luật)

3. Abhidharma Pitaka (Tạng Luận)

4. Prajnaparamita (Prajna dịch là Trí Huệ, Paramita dịch là đến bờ bên kia. Đây là vận dụng Trí Tuệ chân thật, vượt qua biển khổ sanh tử, để đến bờ giải thoát Niết Bàn. Các Đại bộ Bát Nhã đều nói lý này).

5. Dharani (dịch là Tổng trì, tức là chú ngữ bi giáo thọ trì).

Năm tạng này giáo hóa chúng hữu tình (chỉ loài chúng sanh có sống chết), theo trình độ mỗi loài mà diễn đạt khác nhau…Lại nữa, Từ Thị (Maitreya), sau khi ta diệt độ, A Nan phải phụng trì Kinh tạng (Sutra Pitaka), Ưu Pa Li tụng lại Giới luật (Sila Vanaya), Ca Chiên Diên thọ trì và truyền bá Luận tạng ( Abhidharmapitaka), Văn Thù Sư Lợi thọ trì Đại Thừa Bát Nhã Ba La Mật Đa (Maha Prajna Paramita), Kim Cang Thủ Bồ Tát (Vajrapani Bodhisattva) phải thọ trì và truyền bá các môn Tổng trì thậm thâm vi diệu, tức là Bí Mật Giáo”. Xem qua đoạn trên, chúng ta thấy rằng đức Phật Thích Ca trong thời gian tại thế, sớm cùng Bồ Tát Di Lặc, đã nói đến vô lượng, vô số pháp môn mà các đức Phật đời quá khứ đã nói đến; số mục rất nhiều có tới tám muôn bốn ngàn, đại khái có thể chia thành năm phần, gọi là Ngũ Chủng Tạng (The five “stores”, or the five differ differentiations of the one Buddha nature).

1. Như Lai Tạng: The Tathagata nature, which is the fundamental univeral nature possessed by all the living.

2. Chánh Pháp Tạng: The source or treasurey of all right laws and virtures

3. Pháp Thân Tạng: the storehouse of the dharmakaya obtained by all saints.

4. Xuất Thế Tạng: The eternal spiritual nature, free from earthy errors.

5. Tự Tánh Thanh Tịnh Tạng: The storehouse of the pure Buddha nature).

Tùy theo trình độ của chúng sanh, họ phải dùng một trong năm Chủng Tạnh và sự phân chia trên cũng để nói lên với họ rằng, khi đức Thích Ca tại thế, Ngài quan sát trong hàng Thượng túc đệ tử có sở trường chuyên môn vể Chủng Tạng nào, Ngài phú chúc giáo pháp cho họ thọ trì và truyền bá (thọ trì là lãnh thọ trực tiếp từ kim khẩu đức Phật, còn truyền bá làm cho mọi người nhớ mãi không quên): Theo truyền thống đó, sau khi đức Phật diệt độ, các Ngài y theo chánh Pháp màtruyền trì diệu lý, diễn xướng chánh tông, như tôn giả A Nan, đa văn đệ nhất, thọ trì Tạng Kinh (Sutra pitaka) và Trưởng Lão Ưu Pa Li ( Upali) trì luật đệ nhất, phụng trì Tạng Luật (Vinayapitaka). Kỳ thứ nhất, chính hai Ngài luân phiên chủ tọa kiết tập Kinh và Luật. Ngài Ca Diếp Chiên Diên (Katyavana) ở trong Phật môn, luận nghị đệ nhất, nên Ngài đã lưu tâm đến vấn đề Tạng Luận (Abhidharmapitaka). Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi (Manjusri Bodhisattva) có căn bản trí đệ nhất, nên truyền trì Bát Nhã Đại Thừa (Mahayana Prajna), Ngài Kim Cang Thủ (Vajrapani) truyền thọ Mật giáo (Dharani), gìn giữ các môn Tổng trì. Như thế chúng ta biết rằng Kinh điển Bí mật rất có quan hệ mật thiết với Bồ Tát Kim Cang Thủ người giữ nhiệm vụ chánh và cũng có liên quan đến Tôn giả A Nan, nhưng chỉ về thời đại và địa phương kết tập mà thôi.


CHƯƠNG IV

NHÂN SINH, VŨ TRỤ

1. HỮU TÌNH QUAN (hay Nhân Sinh Quan) CỦA PHẬT GIÁO.

SÁU ĐƯỜNG – BỐN LOÀI – BA CÕI.

Hữu tình: Tiếng Phạn gọi là Sattva, cổ Trung Hoa dịch là Chung Shêng (Chúng Sanh), Tân Trung Hoa dịch là Yu Chinh (Hữu Tình), nghĩa là các loài có tánh hiểu biết, có cử động, nói chung là tất cả động vật có sanh mạng, không phải chỉ loài người mà thôi. Theo sự sinh hoạt cùng hình trạng, hữu tình được chia ra làm 6 đường (Satgatih); về tình huống, thì chia ra có bốn loài (Caturyoni); về cảnh giới tinh thần cùng vật chất thì phân làm ba cõi (Trailokya).

1) Sáu Đường:

Phân Loại Hữu Tình:Đại thể hữu tình chia ra làm 5 loại hoặc là 6 loại, trong các kinh thường gọi là “ngũ thú” hay “lục thú”, hoặc có chỗ gọi là “lục đạo”” Trời (Deva Gati), Người (Manusya Gati), Súc Sinh (Tiryagyoni Gati), Quỉ đói (Preta Gati), Địa Ngục (Naraka Gati), gọi là ngũ thú, nếu thêm A Tu La (Asura Gati) gọi là lục thú (sáu đường).

Chữ thú nghĩa là thú hướng, chúng sanh tạo các nghiệp, (karma) khác nhau, rồi bị nghiệp lực thúc đẩy, dẫn dắt đến sáu loại đầu thai, cho nên gọi là “thú hướng”, đây là đứng về động thái mà nói. Đạo nghĩa là đường sá, do nghiệp lực của chúng sanh thúc đẩy qua lại trong sáu nẻo đường ấy, nên nói là đạo; đây là đứng về cảnh giới mà luận. Từ cõi nầy đến cõi khác, sanh rồi tử, tử rồi sanh, như bánh xe xoay vần, không bao giờ dừng nghỉ, cho nên đức Phật gọi đó là luân chuyển trong lục đạo.

Nhơn sanh do mê lầm tạo ra hành động, do hành động bị dẫn đến quả khổ sanh tử, ở trong sáu đường, khó mà thoát ly. Mê lầm tức là vô minh, si ám, hành động tức là hành vi tạo tác. Vì xung động mê lầm con người phát sanh các thứ hành vi, dồn chứa hành vi, rồi phát sanh lực lượng. Các lực lượng ấy dẫn dắc chúng sanh luân hồi hoặc vào địa ngục, hoặc làm quỉ đói, hoặc làm súc sanh, hoặc sanh vào cảnh giới A Tu La, hoặc đầu thai làm người, hoặc sanh lên các cõi Trời. Do ác nghiệp thúc đẩy nên có sự thác sanh vào địa ngục, làm quỉ đói hay súc sanh: ấy gọi là ba đườc ác. Do thiện nghiệp chiêu cảm, nên con người được sanh về các cõi Trời, Người, hay A Tu La; được gọi là ba đường lành:

a) Sanh về cõi Trời: Trời tiếng Phạn gọi là Deva, có nghĩa là sáng suốt, thanh tịnh, tự tại, tối thắng. Người sanh lên cõi Trời, thân được sáng suốt, vui nhiều hơn khổ, sự ăn mặc, cung điện, nhà cửa đều được sung sướng tốt đẹp, không thiếu thốn về vật chất. Chúng sanh nào giữ 5 giới (Panca Veramani), thật hành 10 điều thiện (Dasa Kusala) sẽ được sanh lên các cõi Trời, hưởng thọ phước báo thắng diệu hơn ở nhân gian.

b) Sanh vào cảnh giới A Tu La: Tiếng Phạn gọi là Asura, nghĩa là tánh tình xấu xa, cũng có nghĩa là phước không bằng chúng sanh ở các cõi Trời. Ai sanh về cõi nầy, phước báo gần giống như người ở các cõi Trời, nhưng tánh thích đầu tranh. Người có phước báo nhưng về ý chí bị nhiều tham vọng, dối trá, kiêu mạn, tâm thường chứa đầy giận tức, chấp trước, thì sanh về cảnh giới A Tu La.

c) Cõi Người:Người phụng trì 5 giới (Pancaveramani) được sanh lại làm thân người. Chúng sanh ở cõi nầy khổ vui lẫn lộn, thường bị cảnh khổ sở thiếu thốn, bị đói khát, lạnh nóng, sợ sệt v.v…bên trong bị các thống khổ về sanh, già, bịnh, chết, chia ly, thương ghét v.v…Khổ cảnh tuy nhiều, nhưng tóm lược thì có ba, có năm, hoặc có tám thứ.

Khổ gồm có 3: Khổ-khổ, hoại khổ, và hành khổ.

Hoặc 5 khổ: Khổ sanh, khổ già, khổ bịnh, khổ chết và khổ phạm tội bị trói buộc.

8 Khổ: Ngoài 4 khổ sanh, già, bệnh, chết, còn khổ về tình ái chia ly, khổ về oán ghét gặp nhau, khổ về cầu việc mà không được, và khổ về 5 ấm (Panca Skandha) bức bách. Tuy có sự an vui tạm thời, nhưng vui ấy là nguyên nhân của quả khổ. Người sanh về các cõi Trời được phước báo quá đầy đủ khó mà tu cầu giải thoát, sanh vào ba đường ác lại bị nhiều thống khổ bức bách khó mà điều hoà tu tập, duy có sanh trong loài Người khổ vui lẫn lộn, có thể tu hành dễ dàng. Vì thế, nên trong Kinh Phật nói: “Thân người khó đặng” (Nhân thân nan đắc).

d) Sanh vào loài vật: Súc, tiếng Phạn gọi là Tiryagyohi. Trung Hoa dịch là Ch’u Shêng (Súc sanh), nghĩà là loài sanh vật vị người đời ăn thật, sai khiến, nên gọi là Ch’u Shêng, cũng dịch là P’ang Shêng (Bàng sanh). Trên từ rồng, thú, cầm, súc, dưới đến thủy lục, côn trùng, không bao giờ được đi thẳng như con Người, Trời nên gọi là P’ang Shêng. Loài nầy thường giết hại ăn nuốt lẫn nhau, lại chịu khổ loài mạnh bạo hơn bắt giết ăn thịt, hoặc là sai sử chở chuyên, đánh đập. Chúng sanh ngu độn, ác độc mới sanh trong loài này.

đ) Sanh làm Quỉ đói: Quỉ đói tiếng Phạn gọi là Preta, Trung Hoa dịch là Ô Kuei (Ngạ Quỉ), nghĩa là Quỉ đói, vì trong các loài Quỉ, Quỉ đói rất nhiều nên gọi là Ô Kuei. Các loài Quỉ chịu quả báo không đồng, kẻ nào có chút ít phước đức được ở núi, rừng, gò miếu, loài không có phước đức sanh vaò các chỗ bất tịnh, ăn uống thất thường, bị nhiều sự đói khác, cho nên gọi chung là Quỉ. Chúng sanh nào do sự bỏn sẻn làm ác quá nhiều thì sanh trong loài này, bị nghiệp chiêu cảm, nên thấy suối nước như thấy máu mủ. Loài Quỉ đói có bụng lớn như cái trống, cổ nhỏ như cây kim, làm ngăn chận sự ăn uống, có khi đồ ăn vừa vào miệng, trở thành chất nóng đốt cháy, phải chịu đại khổ não đói khát suốt đời, cùng kiếp.

e) Sanh vào Địa Ngục: Địa ngục tiếng Phạn gọi là Naraka nghĩa là lãnh đủ mọi sự khổ não, không an vui, nhàm chán. Loài này ở chốn tối tăm, bị tra tấn thường xuyên do tội hành nghiệp cảm nên nói là ở Địa Ngục. Chúng sanh nào phạm các nghiệp nhơn cực ác bị sanh vào chốn này để gánh chịu mọi khổ não cực ác bức bách.

SÁU ĐƯỜNG

1- Trời (Deva)

BA ĐƯỜNG LÀNH

(TriKusala)

2 – Người (Manusya)
3 – A Tu La (Asura)
4 – Súc Sanh (Tirya Gyoni)

BA ĐƯỜNG ÁC

(TriAkusala)

5 – Quỉ Đói (Preta)
6 – Địa Ngục (Naraka)

Sanh mạng của loài hữu tình – tình không phải sanh trong một thời kỳ hay một chỗ nơi, mà do nghiệp lực chi phối, lưu chuyển lâu dài chịu khổ. Đức Phật vì đại sự nhân duyên xuất hiện ở thế gian để cứu độ chúng sanh khỏi mọi nỗi thống khổ. Nhưng sự cứu độ ấy không hạn cuộc trong loài người mà cả Sáu Đường, thảy đều được độ thoát. Nhìn qua việc làm cao cả ấy, chúng ta cũng đủ thấy sự việc vĩ đại của Phật giáo.

2) Bốn loài:

Đối với chúng sanh trong sáu đườngvừa nói trên, chúng ta phân tách tình trạng riêng biệt, thấy có bốn loài (Catur Yoni) khác nhau như sau:

a) Loài sanh từ trứng (Andaja): Loài nầy ở trong trứng tạo thành hình thể, đúng ngày trứng vỡ sanh ra, nên gọi là loài sanh từ trứng, như gà, vịt, chim, quạ v.v…

b) Loài sanh từ bào thai (Jarayuja): Loài nầy ở trong thai mẹ thành cơ thể rồi từ bụng mẹ sanh ra, nên gọi là loài sanh từ bào thai, như Người, trâu, ngựa v.v…

c) Loài sanh nơi ẩm thấp (Samsvedaja): Loài nầy do sức lạnh nóng hòa hiệp mà sanh ra, ở chỗ ẩm thấp, nương theo chất ướt mà thọ sanh hình thể, nên gọi là loài sanh từ nơi ẩm thấp như: các loại côn trùng, bướm, sâu bọ v.v…

d) Loài hóa sanh (Aupapaduka): Không nương theo chủng tộc mà cũng chẳng nhờ nhân duyên cha mẹ, không chỗ nương tựa, loài nầy tự biến hóa sanh ra, cho nên nói là hóa sanh như chúng sanh ở các cõi Trời, các loài ở Địa Ngục v.v…

BỐN LOÀI

(Catvaroyonayah)

1 – Loài sanh trứng (Andajah), từ trong trứng sanh ra
2 – Loài sanh thai ( Jarayujah), từ thai mẹ sanh ra
3 – Loài sanh ẩm thấp (Samsvedajah), từ hơi ướt mà sanh
4 – Loài hóa sanh (Upapadukah), từ biến hóa sanh ra

3) Ba cõi (Tam giới)

Phân biệt giữa vật chất và tinh thần, chúng ta lại phải chia ra ba cõi (Trailokya): cõi Dục, cõi Sắc, và cõi Vô Sắc.

a) Cõi Dục (Kamadhatu): Dục nghĩa là ái dục, có hai thứ: dâm dục (sự ham muốn của nam lẫn nữ) và thực dục (sự ham muốn về vật chất).

Chúng sanh ở cõi dụcđều có 5 uẩn (Pancaskandha:

1. Sắc – rupa

2. Thọ – Vedana

3. Tưởng – Sanjna

4. Hành – Samskara

5. Thức – Vijnana

Tổ hợp mà thành thân thể vật chất, đối với hai món dục đặc biệt cuồng thạnh. Thế giới vật chất bao trùm từ Địa Ngục đến các cõi Trời, bốn loài đều ở trong ấy.

b) Cõi Sắc (Rupadhatu): Sắc có nghĩa là chất ngại, lại cũng có nghĩa là biến hoại, có hình chất chướng ngại mà lại hay chuyển biến phá hoại. Cõi nầy ở trên cõi Dục, chúng sanh ở cõi này không có dâm dục và thực dục, chỉ có thân thể vật chất tốt đẹp thù thắng, cõi nước cung điện nguy nga. Tóm lại, tham dục vật chất không hừng tự thạnh, nhưng chưa giải thoát được các mối triền phược của vật chất vi tế. Y cứ theo tinh thần tu dưỡng cao thấp, cõi này được chia ra thành bốn từng bực, gọi là “tứ thiền”.

1- Cõi Sơ Thiền (Pathamajjhanabhumi).

2- Cõi Nhị Thiền (Dutiyajjhanabhumi)

3- Cõi Tam Thiền (Tatiyajjhanabhumi)

4- Cõi Tứ Thiền (Catutthajjhanabhumi).

c) Cõi Vô Sắc (Arupadhatu): Cõi này cao hơn cõi Sắc, không có thân thể, cõi nước, cung điện hoàn toàn thoát khỏi mọi sự ràng buộc của vật chất, đương thể thuần là tinh thần độc lập. Chúng sanh ở cõi này thương trụ trong các thiền định thâm diệu, không có cảnh giới xứ sở. Y theo thắng liệt của thiền định, cõi này chia ra làm bốn:

1 – Không vô biên xứ (Akasanantyayatanam)

2 – Thức vô biên xứ (Vijnananantyayatanam)

3 – Vô sở hữu xứ (Akincanyatanam)

4 – Phi tưởng, Phi phi tưởng xứ (Naivasamjnanasamjnayatanam).

BA

CÕI

(TRILOKO)

Cõi Dục

(Kamadhatu)

1- Lục dục thiên (Devaloka)

Thế giới ái dục vật chất

2- Người (Manusya)
3- A Tu La (Asura)
4- Súc Sanh (Tiryagyoni)
5- Ngạ Quỉ ( Preta)
6 – Địa Ngục (Naraka)

Cõi Sắc

(Rupadhatu)

1- Sơ thiền (Pathamajjhanabhumi)

Thế giới có vật chất nhưng không ái dục.

2- Nhị thiền (Dutiyajjhanabhumi)
3- Tam thiền (Tatiyajjhanabhumi)
4- Tứ thiền (Catutthajjhanabhumi)

Cõi Vô Sắc

(Arupadhatu)

1- Không vô biên xứ

(Akasanantyayatanam)

Thế giới không vật chất chỉ có tinh thần.

2- Thức vô biên xứ

(Vijnananantyayatanam)

3- Vô sở hữu xứ

(Akincanyayatanam)

4- Phi tưởng, phi phi tưởng xứ

(Naivasamjnanasamjnayatanam)

Trong bài này, ở đoạn trên có phân tách các loại hữu tình chúng sanh, các học giả cần phải đặc biệt chú ý ba điểm sau đây:

1- Mục đích của Phật thuyết pháp là chuyển mê khai ngộ, cho nên Ngài thường chủ trương theo lối giải thích những gì sẵn có từ trước; nếu không theo sự việc đã có mà giải thích, ấy chỉ là giảng thành Tôn giáo đối tượng, khó mà đặt thành mục đích khai ngộ chơn thật. Phân loại sáu đường, bốn loài và ba cõi là thể theo tư tưởng của các Tôn giáo lưu hành đương thời mà giải thích, cải tạo chớ không phải do Đức Phật tự sáng chế ra.

2 – Nhơn sanh quan (Philosophy of life) của Phật giáo, lấy con người làm trung tâm. Trong các loài hữu tình, con người có đủ khả năng sinh hoạt, giàu nhiệt tâm, thiện chí, có thể tạo tác các hành vi thiện mà cũng có thể làm các việc ác. Ai làm việc thiện thì linh tánh được nhẹ nhàng thăng lên, kẻ nào làm ác, linh tánh trầm trọng bị khổ sở chìm đắm. Nhân gian hiện thật đều là trung tâm của các loài hữu tình.

3 – Hữu tình quan của Phật giáo dùng ý nghĩa vật lý (phisical), luân lý (moral), và tâm lý (psychology) làm cơ sở điều hòa thành tựu. Phân loại 4 loài (the four forms of birth) thuộc về vật lý. Phân loại sáu đường (the six directions of reincarnation) là do tâm trạng và hành vi thiện ác mà khai triển. Phân loại ba cõi (the three realms) là từ trạng thái tinh thần so sánh trình độ tu hành thiền định mà phân biệt cao thấp. Đặ điểm của nó là ở nơi đó vậy.

2. THẾ GIỚI QUAN (HAY VŨ TRỤ QUAN) CỦA PHẬT GIÁO.

BA CÕI – 3000 ĐẠI THIÊN THẾ GIỚI, CÕI NƯỚC CHƯ PHẬT, CÕI TỊNH.

Thế giới cũng gọi là Thế gian (the world). Thế có nghĩa là dời đổi: Quá Khứ (in the past), Hiện Tại (at present) và Tương Lai (in the future) biến đổi không dừng, nên gọi là Thế.

Giới là nghĩa phương vị: Đông (East), Tây (West), Nam (South), Bắc (North), Thượng (Above), và Hạ (below). Phương gọi là Giới. Chữ Gian có nghĩa là cách biệt, nghĩa cùng chữ Giới đồng nhau.

Thế giới có hai nghĩa:

a) Hữu tình thế giới (That of the living, who are receiving their correct recompense).

b) Khí thế giới (That of the material, or that on which karma depends for expression).

Cả hai đều có nghĩa thuyết minh hiện tượng thế giới.

Hữu tình thế giới là tất cả thân thể loài hữu tình cũng tức là tổng thể sinh vật ở khí thế gian. Khí thế gian là thế giới vật lý cũng tức là địa phương của loài hữu tình sở trụ. Quan điểm của hữu tình thế gian đã trình bày qua trong bài thứ tư. Ở đây chỉ giảng nói về khí thế gian cũng tức là Phật giáo đối với khán pháp của thế giới vật lý.

1)- Thế giới:

Các loài hữu tình, theo cứ điểm của vật chất cùng tinh thần, được chia thành ba cõi, phân khu thế giới thành cõi dục (Kamadhatu), cõi Sắc (Ruphadhatu), và cõi Vô Sắc (Aruphadhatu). Vì Vô Sắc không có vật chất, chỉ trụ giữa không gian, không có ngôi vị, nên nghiêm cách mà nói thế giới vật chất chỉ có trong hai cõi:

Cõi dục chia thành 20 khu vực khác nhau: Các cõi Trời có 6; Địa ngục có 8; Cõi Ngưới có 4: Quỉ và Súc sanh mỗi loài chỉ có 1; cõi A tu La bao gồm trong các cõi Trời. Sau đây chúng ta tu sẽ thấy rõ trong bản đồ:

CÕI DỤC (20)

KAMADHATU

Trời dục (6)

(Kamadeva)

1 – Cõi Tứ Thiên Vương (Caturmaharajakayikah)
2 – Cõi Trời Đao Lợi (Trayastrimasah)
3 – Cõi Trời Dạ Ma (Yamah)
4 – Cõi Trời Đâu Suất (Tusitah)
5 – Cõi Trời Hóa Lạc (Nirmanaratayah)
6 – Tha Hóa Tự Tại (Paranirmitavasavartinah)

Nhơn gian (4)

(Manusya)

1- Đông Thắng Thần Châu (Purvavidehah)
2- Nam Thiệm Bộ Châu (Jambudvipah)
3 – Tây Ngưu Hóa Châu (Avaragodaniyah)
4- Bắc Câu Lư Châu (Uttarakuruh)

Súc Sanh (1)

(Tiryagyoni)

N/A (Không có chú thích)

Quỉ đói (1)

(Preta Gati)

N/A (Không có chú thích)

Địa Ngục (8)

(Naraka)

1- Địa ngục thắng hoạt (Samjivah)
2 – Địa ngục hắc thắng (kalasutrah)
3 – Địa ngục chúng hiệp (Samghatah)
4- Địa ngục đại hiếu (Maharauravah)
5- Địa ngục diễm nhiệt (Tapanah)
6 – Địa ngục hiều kiếu (Rauravah)
7- Địa ngục đại nhiệt (Pratapanah)
8 – Địa ngục vô gián (Avicih)

Cõi Sắc chia thành 17 chỗ, Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, mỗi mỗi có ba cõi; Tứ thiền gồm cả 8 chỗ:

CÕI SẮC

CÓ 17

(RUPADHATU)

Sơ Thiền

có 3

1 – Cõi Phạm Chúng (Brahmakayikah)
2 – Cõi Phạm Phụ (Brahmapurohitah)
3 – Cõi Đại Phạm (Mahabramanah)

Nhị Thiền

Có 3

1 – Cõi Thiểu Quang (Parittabhah)
2 – Cõi Vô Lượng Quang (Apramanabhah)
3 – Cõi Quang Âm (Abhasvarah)

Tam Thiền

Có 3

1 – Cõi Thiểu Tịnh (Parttasubhah)
2 – Vô Lượng Tịnh (Apramanasubhah
3 – Või Biến Tịnh (Subhakrtsnah)

Tứ Thiền

Có 8

1 – Trời Vô Vân (Anabhrakah)
2 – Trời Phước Sanh (Punyaprasavah)
3 – Trời Quảng Quả (Brhatphalah)
4 – Trời Vô Phiền (Avrhah)
5 – Trời Vô Nhiệt (Atapah)
6 – Trời Thiện Hiện (Sudrsah)
7 – Trời Thiện Kiến (Sudarsanah)
8 – Trời Sắc Cứu Kính (Akanisthah)

Cõi Vô Sắc, mặc dù không có phưong sở, nhưng y cứ theo tiêu chuẩn tiến trình của sự tu hành, chia ra thành 4 xứ:

CÕI VÔ SẮC

(ARUPADHATU)

1 – Không vô biên xứ (Akassanantyayatanam)
2 – Thức vô biên xứ (Vjjnananantyayatanam)
3 – Vô sở hữu xứ (Akincanyatanam)
4 – Phi tưởng, Phi phi tưởng xứ (Naivasamjnana-Samjnayatanam)

Giáo pháp của Phật chủ trương tất cả thân thể và thế giới sở trụ của chúng sanh đều do tâm của họ biến hiện. Thân thể là chánh báo (The direct retribution of the individual’s previous existence, such as being born as a man etc…). Thế giới là y báo (The dependent condition or environment, e.g. country, family, possessions etc…), Thế giới là một bộ phận của nhơn sinh. Trong tập kinh Phật soạn yếu đã viết: theo căn bản lý luận này đối với sự phân tách về ba cõi trên, các học giả có thể khái niệm ba đặc điểm như sau:

1 – Các hiện tương vật lý của ba cõi, sáu cõi trời, bốn châu, tám địa ngục đều do tâm thức của từng địa phương của các loài hữu tình chung đồng biến hiện. Giả như không có tâm thức của loài hữu tình thì không có thế giới, nói một cách khác, do cộng đồng tâm thức của loài hữu tình biến hiện, thế giới này trở thành thay đổi. Tại sao?

Vì cộng đồng tâm thức của loài hữu tình bị nghiệp lực tự thân hướng dẫn, chuyển biến, nhưng nghiệp lực tức là sức ảnh hưởng hành vi tập quán của loài hữu tình. Chúng ta có thể nói sự thành hình thế giới do nơi nghiệp lực của loài hữu tình; sức nghiệp thay đổi không nhứt định. Do đó, chúng ta không nên chấp thế giới nầy là thật có, đồng thời chuyển hóa không nhứt định, uyển chuyển mà có lại có thể chấp thành hư vô.

2 – Phật giáo phân tách ba cõi, y theo vũ trụ quan (World view) của các sách Veda mà giải thích. Thời đại Veda đem thế giới chia thành Trời(có các tinh tú, mặt trời, mặt trăng); Không (có địa phương, thượng tầng không khí); và Đất (mặt đất) thành ba cõi. Đến thời đại Áo Nghĩa Thơ (Upanisad) và Bà La Môn (Brahma) lại có sự phân phối các vị Thiên thần trong ba cõi , mỗi mỗi đều chiếm một địa vị. Phật giáo nương theo các thuyết ấy mà tu chỉnh. Nhưng đặc điểm của Phật giáo là chủ trương trước sau đều quan hệ, Phật giáo y theo nhơn duyên không cho vụ trụ và nhơn sinh là tồn tại, mà các sự phá hoại, thành lập đều là y theo ý chí của loài hữu tình, tuyệt đối không thừa nhận có các Thiên thần tồn tại vĩnh viễn, cai trị và sinh hóa vạn vật. Đây là chỗ bất đồng giữa thế giới quan của Phật giáo cùng các Tôn giáo, các học thuyết khác. Trong tập Kinh Phật soạn yếu có nói: “các học giả cẩn thận chớ nên thấy chỗ luận thuyết vụ trụ cùng nhơn sanh hiện thời khác nhau rồi sanh tâm “bĩ, thử”, bởi vì điều ấy có trên hai ngàn năm về trước, học thuyết ấy đối với các học phái Ấn Độ hết sức thông dụng. Đức Phật và đệ tử Ngài đều không phải là nhà chuyên môn giảng luận về thiên văn học (astronomy). Lúc nào đề cập đến vấn đề vũ trụ, các Ngài đều dẫn các học thuyết thường ứng dụng trong thế gian; giả như các Ngài ấy có biệt lập về học thuyết thiên văn. thứ nhất, trên thật tế không có nhu cầu nầy, thứ hai, kiến lập không khác mấy về thiên văn học đã có, nhưng khác hẳn khi đưa ra phần kết luận hoàn toàn mới mẻ, làm như thế để tránh khỏi cái lỗi thế gian tương vi trong Nhơn Minh Luận (Hetuvidya Sastra).

3 – Thế giới quan của Phật giáo quan niệm trọng tâm của nó toàn do tinh thần làm cơ sở, theo trạng thái tinh thần nhơn ngã, suy tính từng bực tu hành thiền định, giảng luận phối hợp ba cõi . Vì thế nên ba cõi đều là cảnh giới tinh thần lấy tiến trình tu hành làm tiêu chuẩn mà phân loại và ý nghĩa phân loại hữu tìnhchính là đồng nhau.

2) 3.000 Đại Thiên Thế Giới:

Hiện tại chúng ta ở trong thế giới nầy gọi là cõi Ta Bà. Ta Bà tiếng Phạn gọi là Saha, nghĩa là thọ khổ, kham khổ, cho nên Trung Hoa cho cõi nầy là Jên K’u, bởi vì không gian vô hạn và thế giới Ta Bà nầy lại có vô lượng thế giới. Thế giới có nhiều vô lượng, giăng bủa khắp 6 phương, mỗi thế giới lớn đồng nhỏ khác, nên gọi là một tiểu thế giới. Một ngàn tiểu thế giới hiệp thành một tiểu thiên thế giới. Một ngàn tiểu thiên thế giới thành một trung thiên thế giới. Một ngàn trung thiên thế giới thành đại thiên thế giới, 1,000 tiểu thiên thế giới, 1,000 trung thiên thế giới, 1,000 đại thiên thế giới hiệp lại thành 3,000 đại thiên thế giới. Có chỗ khác nói: Mỗi tiểu thiên thế giới có 1,000 thế giới, mỗi trung thiên thế giới lại có 100,000 thế giới, mỗi đại thiên thế giới ước khoản 1,000 000 thế giới. Hiện nay các khoa học gia (scientist) cũng xác nhận ngoài thế giới chúng ta ở, có vô lượng tinh cầu (star) khác.

3) Cõi nước chư Phật:

Trong kinh gọi là Báo độ (The land of reward, the pure land) hay là Hoa Tạng thế giới (The pure land of all Buddha in their Sambhogakaya). Các đức Phật chứng đặng Vô thượng Chánh Đẳng, Chánh Giác (Anutara Samyak Sambodhi), dùng tịnh thức chuyển biến ra các thế giới, vì thế cho nên gọi là thế giới chư Phật. Tiếng Phạn là Ksetra, nghĩa là cõi, âm nghĩa hai chữ nên gọi là cõi nước. Chỗ ở của báo thânnên gọi là báo độ. Trong Kinh Hoa Nghiem (Avatamsaka Sutra) nói: “Trong biển hương thủy sanh hoa sen lớn, trong hoa sen bao chứa thế giới nhiểu như số vi trần, cho nên gọi là Hoa Tạng thế giới hải”. Kinh Phật tuyển yếu lại nói: “Các học giả ở trong chỗ nầy cần phải chú ý hai điểm:

a) Một Hoa Tạng thế giới đã là tên chung của báo độ, mười phương có vô lượng chư Phật, tức là phải có vô lượng Hoa Tạng thế giới.

b) Nói hoa sen lớn là thí dụ chơn như pháp giới. Hoa sen mọc từ bùn nhơ mà không nhiễm mùi bùn, để dụ cho chơn như tuy ở khắp thế gian nhưng không bị thế gian làm ô nhiễm. Chúng ta, trước khi ngộ được ý nghĩa cao xa nầy, phải nghiệm xét chớ nên khinh báng không tin.”

Đại để y cứ các lý luận mà nói, mỗi thế giới đều là chỗ cư trú trên phương diện tâm thức của loài hữu tình chuyển hiện. Các đức Phật dùng tịnh thức chuyển biến các thế giới để cư trú. Cõi nước chư Phật và thế giới Ta bà không đồng. Các hiện tượng của thế giới ấy, duy có chư Phật đồng tịnh thức mới có thể thấy được, không thể dùng tâm thức ô trược của chúng sanh hình dung, nhẫn đến thấy nghe hiểu biết.

4) Cõi Tịnh

Ngoài các cõi nước Phật còn có vô lượng cõi Tịnh. Tịnh nghĩa là thanh tịnh, cõi nước không có ô nhiễm, triền phược. Các đức Phật vì chúng sanh đã phát tâm tu hành, trồng nhiều căn lành, kiến lập một chỗ nơi, tiếp độ mọi loài chúng sanh lìa khỏi thế giới ô trược sanh đến cõi ấy. Cảnh trí rất là trang nghiêm thanh tịnh, chúng sanh sanh đến cảnh nầy chuyên tâm nghe pháp tu tập, chóng thành đạo quả Bồ đề (Bodhiphala). Chư Phật vô lượng, cõi Tịnh cũng vô lượng. Đây chỉ tả sơ về cõi Tịnh của Phật A Di Đà (Amitabha Buddha) còn các cõi khác chúng ta có thể theo đó mà nhận biết. Đức Thích Ca Mâu Ni nói: “Ở về phương Tây có một cõi nước thanh tịnh gọi là An Lạc, hay là Cực Lạc (Sukhavati, highest joy, name of the Pure Land of Amitabha in the West). Vị Giáo chủ của nước nầy hiệu là A Di Đà (Amitabha Buddha). Cho nên gọi là cõi Tịnh của Phật A Di Đà, lại cũng kêu là thế giới Cực Lạc ở Phương Tây. Chữ Amitabha là tiếng Sanskrit, Trung Hoa dịch là Wu Liang Shou – sống lâu vô lượng, cũng dịch là Wu Liang Kuang – yến sáng vô lượng”.

Đức Phật A Di Đà ở trong vô lượng kiếp về truớc, thường phát 48 đại nguyện, trong đó có lời nguyện thứ 18, 19, và 20, chuyên vì nhiếp thọ tất cả chúng sanh niệm Phật mà phát nguyện:

“Nếu khi nào tôi chứng được bật Vô Thượng Giác, các chúng hữu tình ở trong cõi khác, nghe danh hiệu của tôi rồi, trồng sâu căn lành, dốc lòng hồi hướng, nguyện sanh về nước tôi, nhẫn đến 10 niệm được nhất tâm, nếu người ấy không vãng sanh, tôi thề không chứng vị Bồ Đề chỉ trừ người nào, ác nghiệp vô gián, phỉ báng chánh pháp và các thánh nhơn”.

“Nếu tôi thành Phật, ở trong các cõi nước khác, có các chúng sanh phát tâm Bồ Đề và đối với tôi khởi niệm thanh tịnh lại đem căn lành hồi hướng nguyện sanh về nước Cực Lạc. Người kia khi gần mạng chúng (chết), tôi cùng các chúng Tỳ Kheo (Bhiksus) hiện trước mặt người đó, nếu không đuợc như vậy, tôi thề không thành Chánh giác”.

“Khi tôi thành Phật, có chúng sanh nào, trong vô lượng cõi nước nghe nói tên tôi, đem căn lành hồi hướng về nước Cực Lạc, nếu người ấy không vãng sanh, tôi thề không chứng bực Chánh Giác”. (Kinh Đại Bửu Tích).

Do các lời nguyện cao quý nầy, Phật A Di Đà sáng tạo cõi Tịnh. Chúng sanh chỉ cần phát tâm chánh niệm, quán Phật niệm Phật, tới lúc mạng chung, đức Phật và Thánh Chúng có trách nhiệm tiếp dẫn vãng sanh. Khi đến cõi Tịnh, chúng sanh ở trong cung điện lầu cát, hoa viên đều tốt đẹp, nhiệm mầu, tiếng chim, tiếng gió, thảy đều hòa nhã. Chư Phật, Bồ Tát theo thời, theo chỗ mà tuyên dạy diệu pháp. Các chúng sanh được thanh tịnh diệu lạc, thân tâm đều không thọ được thanh tịnh diệu lạc, thân tâm đều không thọ khổ, chuyên chí nghe đạo hằng không thối chuyển.

Các hiện tượng ở cõi Tịnh tốt đẹp như thế, mọi phương diện cố nhiên đều do “tịnh nước” của chư Phật và Bồ Tát sở hiện, về phương diện khác cũng nhờ tâm thức thanh tịnh của chúng sanh vãng sanh cõi ấy tham gia đồng thể biến hiện mà có. Giả như không có các tâm thức thanh tịnh, đương nhiên không thể vãng sanh. Trong Kinh A Di Đà (Amitabha Sutra) nói: “Không thể dùng chút ít căn lành, phước đức nhơn duyên, mà đặng sanh vào nước kia”. Như vậy chúng ta biết rằng cõi Tịnh không phải ai ai cũng được vãng sanh, cũng không thể bỗng nhiên niệm vài tiếng Phật (không chí thành) mà có thể vãng sanh. Thân Như Lai (Tathagatakaya), không thể thân cận với căn lành cạn cợt; chỗ Thường tịch quang tịnh độ (Realm of eternal rest and light (i.e.Wistom) and of eternal spirit (Dharmakaya), the abode of Buddha) không phải là nơi mà hạng người phước đức mỏng manh có thể hưởng thọ được. Chúng ta phải nên đặc biệt chú ý các điểm nầy.

3. NHƠN THỪA – THIÊN THỪA

NHƠN THỪA: NGŨ GIỚI

THIÊN THỪA: THẬP THIỆN

a) Năm thừa:

Thừa tiếng Phạn gọi là Yana, Trung Hoa dịch là Chêng tsai, nghĩa là xe cộ chuyên chở. Giáo pháp của Phật dụ như sức chuyên chở của xe cộ. Có hai nghĩa:

– Một là, đứng về vật chất mà nói, xe nầy có thể chuyên chở mọi sự vật đến mục đích.

– Hai là, đứng về người mà nói, ai ngồi trên xe nầy chắc chắn được đưa đến nơi đến chốn:, giải thoát, an lạc.

Giáo pháp của Phật từ cạn đến sâu có chia ra năm trình độ, hành giả chỉ cần y theo mỗi giáo pháp thực hành, đều có thể đạt đến mỗi thứ thành quả tốt đẹp. Đây là nói năm loại xe cộ lớn nhỏ không đồng, bạn ngồi trên thứ xe nào, chính xe ấy sẽ chở bạn đến mục tiêu cuối cùng. Cho nên gọi đó là Năm Thừa (the fives vihicles conveying to the karma reward which differs according to the vehicle).

Sau đây là sơ đồ tu chứng năm thừa:

5 THỪA CHIA LOẠI

PHƯƠNG PHÁP

THÀNH QUẢ

1 – Nhơn thừa

(Narayana)

5 Giới

(Panacaveramani)

Sanh trong nhơn gian
2 – Thiên thừa

(Devayana)

10 Thiện

(Dasakusala0

Sanh lên các cõi Trời
3 – Thanh Văn thừa

(Aravakayanam)

4 Diệu Đế

(Catvari Aryasatyani)

Chứng 4 quả Thanh Văn
4 – Duyên Giác thừa

(Kabuddhaỳanam)

12 Nhơn duyên

(Dvadasanga Pratiyasamutpada)

Chứng quả Phật Bích chi
5 – Bồ Tát thừa

(Bodhisattva Yanam)

6 Độ

(Sdaparamita)

Chứng quả Phật

Tùy theo chỗ cạn sâu trong Phật giáo, năm thừa chia thành hai pháp: Thế gian và xuất thế gian. Thinh Văn (Sravakas), Bích Chi Phật (Pratyeka Buddha) và Bồ Tát (Bodhisattva) là ba thừa xuất thế gian, (sẽ được giảng thuật ở bài sau). Đây chỉ nói về nhơn thừa (Rebirth among men conveyed by observing the five commandments) và thiên thừa (Among the Devas by the ten forms of good actions), pháp ở thế gian.

A – NHƠN THỪA

Như bài trước đã nói, hữu tình quan của Phật giáo lấy loài người làm trọng tâm. Nhơn loại có thể làm lành mà cũng có thể tạo tác, làm ác thì bị sa đọa trong ba đường ác (Triakusalagati); làm lành thì được sanh lên các cõi Trời, siêu xuất ba cõi (Tridhatu), thành A La Hớn (Arhat), Bích Chi Phật (Pratyekabuddha), chứng quả vị Phật (Buddha). Sở dĩ Phật dùng nhơn thừa làm khởi điểm là vì đức Phật muốn chúng ta gìn giữ thân người, thật hành cho đúng nhơn cách rồi sau tu hành hướng thượng.

Phương pháp bảo tồn thân người chính là phụng trì năm giới:

1 -Không sát sanh (Pranatipataviratih)

2- Không trộm cướp (Adattadanaviratih)

3- Không tà hạnh (Kamamithyacaradviratih)

4- Không nói dối (Mrsavadaviratih)

5 – Không uống rượu say sưa (Madyapanaviratih)

Giới, nghĩa là ngăn ngừa, nó có thể chận đứng các hành động, ý nghĩ, lời nói ác, tức là đình chỉ các nghiệp báo ác trong khi phát khởi. Năm giới là điều kiện căn bản làm người, ai giữ trọn các điều kiện căn bản nầy mới xứng đáng làm người. Trái lại thì đời nầy chỉ sống bằng thân người, mà phi nhân cách, thì sau khi chết do nghiệp cảm thuần thục, khó giữ được thân người, phải chuyển sanh trong ác thú. Do đó người học Phật, thọ tam qui (Saranagamana), tùy tiện giữ năm giới (Panca Veramana). Ngũ giới cùng Ngũ thường; Nhơn, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, của Nho giáo có ý nghĩa gần đồng nhau. Nhưng Ngũ thường của Nho giáo có phần trừu tượng (to be abstract), đức Phật nói năm giới hết sức cụ thể (to be concrete, rõ ràng, vã lại có phương pháp nhức định, dễ thật hành.

1) Không sát sanh:

Sát sanh nghĩa là tàn hại tất cả sanh mạng của loài hữu tình. Ở trong giới luật, giới nầy đứng đầu. Chúng ta phải làm thế nào để ngăn chận sát sanh – có ba lý do trọng yếu:

a) Nghiệp báo nhơn quả: Sát nghiệp bị sát báo, giết người sẽ bị người giết lại. Trong kinh nói: “Phải biết rằng tất cả các loại hữu tình chúng sanh, loài nào cũng quý trọng thân mạng, đều tham sống sợ chết, thậm chí đến lúc trăm năm mãn nghiệp vẫn còn sợ chết, tất cả già trẻ đều lo tiếc giữ thân mạng. Vì sao? Vì họ quý trọng sự sống, nên khi bị gia hại họ căm thù trọn kiếp. Lúc gần chết lại oán ghét nhau, lấy oán để trả oán, oán không bao giờ chấm dứt”. Bởi vì loài hữu tình đều sợ chết, khi bị giết hại, quyết đem lòng báo hận, đời đời không thôi.

b) Sát sanh cùng với tâm cứu hộ trái nhau: Nhân loại đồng tâm tình, cần phải cứu giúp lẫn nhau. Nhưng sát sanh cùng cứu hộ tương phản nhau, người ưa sát sanh, hung hăng ác độc, khiến tất cả chúng sanh thất mặt là sợ sệt. Kia, đây cơ hội gần gũi đều không thể được, làm sao nói đến việc cứu hộ. Vì thế, nên cấm sát sanh là để tiến vào tâm đồng tình của nhơn loại.

c) Bồi dưỡng thân tâm: Phật giáo không cho Phật tử đích thân giết, cố ý giết, nhơn giết, cùng duyên giết đều nặng cả; cũng không cho phép các Phật tử làm và bán các dụng cụ sát hại, như: cung, tên, dao, gươm. Vì sao phải cấm các phương tiện giết hại? Vì khi bộ máy giết hại đã trừ, thì tâm thức an nhiên, dần dần tiến tới con đường thiện. Lại nữa tâm không khởi niệm sát hại, nó có cảnh hưởng đến thân thể vật chất an lành, tăng trưởng mạng sống lâu. Do đó, nên cấm sát sanh là một phương pháp rất tốt để bồi dưỡng thân tâm.

2) Không trộm cướp:

Bất cứ vật chi của người khác không cho mà mình có ý lấy, gọi là trộm hay cướp. Ý nghĩa ngăn cấm trộm cướp là để diệt trừ nghiệp báo, nhơn quả ở ngoài, chủ yếu là trừ tâm niệm tham và diệt hẳn ngã chấp, ái dục mạnh thì khởi tâm tham cầu, tham cầu không được thì sanh ra trộm cướp. Cố chấp có ta, thì có của mình mà không có của người, chỉ nghĩ đến sở hữu của ta, không nghĩ đến sở hữu của người. Ngăn ngừa trôm cướp (trộm cướp mà không tự giác) tức là chận đứng lòng tham và chấp ngã.

3) Không tà dâm:

Giới nầy có chia ra hai phạm vi: tại gia và xuất gia. Không tà dâm là chỉ cho người tại gia thọ trì năm giới cấm, nghĩa là vợ chồng không chính thức, cưới hỏi, phi thời, phi xứ, đều thuộc tà dâm. Giới cấm nầy ngoài việc tránh quả báo, còn đặc biệt giữ gìn, bồi dưỡng thân tâm không chạy theo dục tình phi pháp, không lang chạ để tôn trọng luân lý thuần phong. Về các tăng chúng xuất gia với ý chí cầu phạm hạnh, phải đoạn tuyệt tất cả hành vi dâm dục, cho đến khởi tâm động niệm đều cho là phạm giới. Điểm cốt yếu của giới nầy là muốn giữ thân tâm trong sạch và cao thượng.

4) Không nói dối:

Lời nói không thành thật gọi là nói dối, nói xa xự thật nên gọi là vọng ngữ. Đó là việc phải nói quấy, chuyện quấy cho là phải, không nghe nói nghe, nghe nói không nghe, thấy nói không thấy, không thấy nói thấy v.v…cho đến chưa chứng quả mà tuyên bố mình đã chứng quả, chưa thành công mà nói là thành công v.v…đều thuộc vọng ngữ . Trong Khế kinh nói: “Ôi, kẻ sĩ ở đời, lưỡi búa ở trong miệng, nó có thể giết mình, co vì lời nói ác, nói vọng”.

5) Không uống rượu:

Rượu thường hay làm cho tánh người cuồng loạn, uống rượu là cội gốc buông lung, thân tâm sanh nhiều thứ bịnh, người uống rượu thường ưa đấu tranh, mất dần trí huệ, nhơn uống rượu mà dẫn đến các việc làm tội ác. Khi uống rượu say rồi, người ấy có thể phạm các giới khác và làm các việc ác khác rất là dễ dàng. Đức Phật cấm không cho uống rượu say là ý muốn cho người đời giữ gìn thân tâm thanh tịnh, tăng trưởng đạo niệm.

B – THIÊN THỪA

Cõi Trời sánh với nhơn gian thì an vui hơn nhưng điều kiện sanh lên cõi trời là phải thật hành mười điều lành (dasa Kusala). Năm giới là ngăn ngừa việc ác, chỉ nằm trong phạm vi tiêu cực (to be passive), mười điều thiện chính là phần phụng hành, mới là tích cực (to be active). Hãy xem bản đồ:

MƯỜI ĐIỀU THIỆN

(Dasa Kusála)

1- Không sát sanh (Pranatipatadviratih)

Thân Nghiệp Thanh Tịnh

(Kayasucaritam)

2- Không trộm cướp (Adattadanadviratih)
3- Không tà hạnh (Kamanithycaradviratih)
1- Không nói dối (Mrsavadatprativiratih)

Khẩu Nghiệp Thanh Tịnh

(Vaksucaritam)

2- Không nói hai chiều (Paisunyatprativiratih)
3- Không hỗn hào (Parusyatprativiratih)
4- Không nói thêu dệt (Sambhinnapralapatprativiratih)
1- Không tham dục (Abhidhyayahprativiratih)

Ý Nghiệp Thanh Tịnh

(Manahsucaritam)

2- Không giận tức (Vyapadaprativiratih)
3- Không tà kiến (Mithyadrstehprativiratih)

Ý nghĩa 10 điều lành là lìa sự giết hại các sinh mạng, lìa sự trộm cướp của cải của mọi người, lìa hạnh tà dục, lìa sự nói dối, bốn thiện nghiệp nầy đã giải thích trong đoạn Ngũ Giới. Xa lìa các lời nói ly gián cũng gọi là đừng nói lưỡi đôi chiều tức là đến bên nầy nói xấu bên kia hay ngược lại, làm cho hai bên giận tức nhau. Lìa lời nói thô ác, tức là chớ để tâm giận nỗi lên mắng nhiếc mọi người (có chỗ nói không nên hỗn hào). Lìa sự vọng ngữ tức là không nói sai sự thật và không tạo chuyện không mà cho là có. Lìa sự thêu dệt tức là không nói các lời trau chuốt, điêu ngoa khiến xiêu lòng dạ người.

Lìa 10 điều ác, tức là thật hành 10 điều thiện:

“Chớ làm điều ác

Siêng tu việc thiện

Giữ ý trong sạch,

Lời chư Phật dạy”

To do no evil,

To do only good

To purify the will,

Is the doctrine of all Buddhas”

Từ cõi Người đến cõi Trời con người phải xa hẳn 5 trược (Panca Kasayah) và tám khổ (Astaduhkha) mới hưởng thọ được phước báo ở cõi Trời. Đây là bước tiến thứ hai về giáo pháp của Phật dạy người tịnh hóa thân tâm.

Mười điều thiện là những điều kiện chính yếu để sanh về các cõi Trời mà cũng là tiêu chuẩn (Standard) của các cõi Trời dục giới cộng đồng sinh hoạt. Phật nói Chúng đồng phận (Nikayasabhagah) chính là nghĩa nầy. Chúng đồng phận nghĩa là các quần sanh trong mỗi loại có bản tánh tương tợ, tức là nói: các loài hữu tình đều có phương thức sinh hoạt của mọi loài cộng đồng, các loài ấy khó ở chung trong một thế giới. Điểm nầy chúng ta cần chú ý.

4. UẨN, XỨ, VÀ GIỚI

NĂM UẨN, MƯỜI HAI XỨ – MƯỜI TÁM GIỚI.

Phật giáo nói “KHÔNG” (Sunna), yếu nghĩa của nó ở chỗ “Vô Ngã” (Anatta).Ngã (self) có nghĩa là “Chủ tễ” (Chief). Nói cách khác,Ngã là Chủ Thể, “là một, là thường”, lại cũng tức là “cá thể”, không nương nhờ các duyên, nhưng độc lập bất biến. Thế tục chấp CÓ, nghĩa là có bản thân mình và vũ trụ (The universe) ở ngoài bản thân. Phật giáo lại đem vần đề bản thân và vũ trụ ra để phân tích và giải thích. Nguyên nhơn chính chỉ là các thứ nhơn duyên tích tụ lẫn nhau vốn không thật ngã,cũng không thật có vũ trụ, cũng như chúng ta lột bẹ chuối, lột mãi từng bẹ không thấy cây chuối tồn tại. Lại nữa, cũng như chúng ta phân tách cái nhà, chia ra từng bộ phận, nào là gạch nào là đá, nào là ngói nào là vôi v.v…cuối cùng cũng không thấy có cái nhà tồn tại. Khi nào nhơn duyên đầy đủ gọi là có, lúc nào nhơn duyên tan hoại thì nó là không, chúng ta thấy sự vật không cố định mà cũng không thật tại. Vì thế, nên nói là giả có hay là huyễn, có chỗ lại nói là “không”.

Năm uẩn, mười hai xứ và mười tám giới hợp thành ba khoa, Phật giáo thường dùng để chia loại cho các pháp. Phân loại bga thứ để thuyết minh muôn loài do nhiều sự vật tổ hợp mà thành, dùng ba loại, phương pháp không đồng để thuyết minhvô ngã.

Năm uẩn (Pancaskandha): Phân tách tổ chức, hình thành của loài hữu tình, để chỉ rõ “Ngã” không có thật thể.

Mười hai xứ (Dvadasayatana): Phân tách các điều kiện sanh khởi và gá nương của tâm thức, để chỉ rõ “Ngã: không có chủ tể.

Mười tám giới (Asta Dhatuvah): Phân tách chỗ căn nguyên nhận thức, để thuyết minh rằng ngã không phải một nhơn sanh.

1) NĂM UẨN:

Uẩn nghĩa là tích tụ, Phật giáo đem cá thể của loài hữu tình phân tách thành năm tụ, giọi là năm uẩn. Loài hữu tình căn cứ theo cá thể giả hòa hiệp nầy, chấp cho là thật ngã, nên có sự giải thích năm uẩn để đối trị. Năm uẩn xưa dịch là năm ấm, ấm có nghĩa là che đậy, cũng có nghĩa là tích tụ, nghĩa cùng chữ uẩn đồng nhau.

Năm uẩn thường thức:

a) Sắc uẩn (Rupa Skandhah): Vật chất, vật thái.

b) Thọ uẩn (Vedanaskandhah): Cảm tình, cảm thọ.

c) Tưởng uẩn ( Samjnaskandhah): Biểu tượng, liên tưởng, ấn tượng.

d) Hành uẩn (Samkaraskandhah): Ý chí, tác ý và hành vi.

e) Thức uẩn (Vijnanaskandhah): Ý thức, liễu biệt.

Năm uẩn chia thành hai loại:

a) Vật chất (Vật)

b) Tinh thần (Tâm)

Thuật ngữ của Phật giáo nói: sắc – phi sắc. Lại nói: sắc – danh. Cá thể (Personality) của loài hữu tình là do vật và tâm, hai thứ tổ hợp mà thành. Một uẩn trước là vật, bốn uẩn sau là tâm.

Năm Uẩn

a) Sắc uẩn; Sắt, vật, vật chất.
b) Thọ uẩn, lãnh thọ, cảm thọ
c) Tưởng uẩn, phi sắc, danh tâm, tinh thần
d) Hành uẩn, xê dịch tốt xấu của tâm
đ) Thức uẩn, nhận thức, phân biệt

Nếu lại phân tách theo phương diện khác mà nhận thức, chúng ta chia năm uẩn thành hai loại:

a) Chủ thể hay nhận thức

b) Đối tượng bị nhận thức.

Thuật ngữ trong Phật giáo gọi là “Ngã” và “Ngã sở” (The self and its possessions). Tức là “Ngã” hay nhận thức và “vật” bị nhận thức.

Năm Uẩn

– Sắc uẩn: Các cảnh sắc
– Thọ uẩn: Vật bị nhận thức, ngã sở (mine)
– Tưởng uẩn: Tưởng tượng
– Hành uẩn: thiên lưu biến chuyển
– Thức uẩn: Ngã hay nhận thức, ngã.

Uẩn, nghĩa là tụ hợp, đông đảo, mỗi uẩn cũng có nhiều loại tụ hợp, không không phải một cái đơn giản, cũng không phải phần tử chót sau. Y cứ theo Luận Đại Thừa Ngũ Thủ Uẩn và Luận Bách Pháp Minh Môn, chúng ta phân biệt như sau (Đây là so sánh phần chi tiết, các học giả muốn hiểu rõ, cần xem kỹ hai bộ luận trên.

Năm Căn: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân.

NĂM

UẨN

Sắc uẩn 5 cảnh: Sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp Vô biểu sắc

PHÁP

HỮU

VI

Thọ uẩn Thọ tâm sở pháp
Tưởng uẩn Tưởng tâm sở pháp
Hành uẩn Trừ ngoài thọ, tưởng, còn lại đều thuộc tâm sở pháp – 3 pháp trong biến hành tâm sở

– 5 pháp biệt cảnh tâm sở

– 11 pháp thiện tâm sở

– 6 pháp phiền não tâm sở

– 20 pháp tùy phiền não tâm sở

– 4 pháp bất định tâm sở

– 24 pháp bất tương ưng hành.

Thức uẩn 8 thức: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, Matna (Klista mano vijnana) và Alaiya (Alaya vijnana)

2) MƯỜI HAI XỨ:

Chúng ta đã rõ sự tổ hợp hình thành của loài hữu tình, vậy thì loài hữu tình có thể nhận định được tâm thức và vũ trụ, từ đâu sanh khởi không? Thế gian chấp có thật ngã, vì là ngã thường hay tạo tác, thường hay thọ dụng, không đợi các duyên bên ngoài, tự nó có chủ tể. Phật giáo vì muốn phá lối chấp nầy nên nói tâm thức không tự tánh, cần phải y theo căncảnhrồi sau mới sanh khởi, có tâm thức nhiên hậu mới có tạo tác và thọ dụng. Nếu không căn cùng cảnh, tâm thức không từ đâu sanh khởi thì không có tạo tác và thọ dụng. Cũng như người mù không thể xem được các sắc, người điếc không nghe được các âm nhạc hay, còn các loại khác chúng ta xét biết. Nếu các căn đã hoại thì các cảnhkhông hiện bày, không thọ dụng, không tạo tác, do đó chúng ta biết rằng tất cả không có. Mục đích kiến lập 12 xứ là để thuyết minh tâm thức sanh khởi, lại để cho thiên hạ biết rằng “ngã” không có chủ tể.

XỨ – nghĩa là gi?Ý nghĩa của chữ “Xứ” là chỗ, là nơi sanh trưởng, loài hữu tình dùng 6 căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý) làm chỗ nương tựa, lấy 6 cảnh (sắc, thinh, hương, vị, xúc và pháp) làm chỗ đối tượng, căn cảnh giúp nhau, rồi sanh khởi tâm thức, 6 căn, 6 cảnh, hiệp thành 12 xứ là chỗ để cho tâm thức sanh khởi, nói theo cách khác, xứ là nơi để cho tâm thức ra, vào tiếp xúc.

1- Giải thích 12 xứ theo lối thông thường:

MƯỜI HAI XỨ

6 chỗ ở trong.

6 CĂN:

6 hệ thống cơ quan cảm giác thần kinh hệ.

– Nhãn căn (Caksurayatanam)

Thị giác thần kinh

-Nhĩ căn (Srotrayatanam)

Thính giác thần kinh

-Tỹ căn (Gbranayatanam)

Khứu giác thần kinh

-Thiệt căn (Jihvayatanam)

Vị giác thần kinh

-Thân căn (Kayayatanam0

Xúc giác thần kinh

-Ý căn (Manayatanam)

Tri giác thần kinh

6 cảnh bên ngoài

6 CẢNH:

6 trần, 6 thức đối tượng của cảm giác.

-Sắc cảnh (Rupayatanam)

Đối tượng thị giác

-Thinh cảch (Sabdayatanam)

Đối tượng thính giác

-Hương cảnh (Gandhayatanam)

Đối tượng khứu giác

-Vị cảnh (Rasayatanam)

Đối tượng vị giác

-Xúc cảnh (Sprastavyayatanam)

Đối tượng xúc giác

-Pháp cảnh (Dharmayatanam)

Đối tượng tri giác

Chúng ta cần phải chú ý: Chữ Căn của sáu căn là một thứ vật thể hết sức nhỏ con mắt thường không thể thấy, ý nghĩa của nó một phần thuộc về tâm lý và một phần thuộc về sanh lý. Nhãn căn không phải là tròng con mắt mà là một thứ vật chất đặc biệt, nó có công năng thị giác, bủa giăng dưới tròng con mắt. Nhĩ căn, tỹ căn, thiệt căn, thân căn cũng là như vậy, cho nên gọi nó là “tịnh sắc căn”. Theo thuật ngữ bây giờ gọi là thần kinh hệ (nervous system).

2- Căn đối với cảnh: Căn là cơ quan cảm giác, thường hay nhận thức được ngoại cảnh. Nhưng các đối tượng của nó đều có hạn định. Thí dụ như: Nhãn căn đối với sắc cảnh, nhĩ căn đối với thinh cảnh, tỹ căn đối với hương cảnh, thiệt căn đối với vị cảnh, thân căn đối với xúc cảnh, và ý căn đối với pháp cảnh. Nhãn căn ngoại trừ tiếp xúc với sắc cảnh, không thể nào thông với các cảnh khác được, nhĩ căn, thiệt căn, thân căn và tỹ căn cũng giống như vậy.

Nhưng ý căn thì không những cùng với năm căn đồng là một cơ quan cảm giác ngoại giới, mà còn có công năng thống nhiếp toàn thể năm căn. Nó là cơ quan đầu não nhận thức tất cả các tin tức từ các phương xa đưa lại. Chữ Phápcủapháp cảnh cũng là nghĩa của tất cả pháp, nó bao trùm năm cảnh: Sắc, thinh, hương, vị và xúc, bất luận nhận thức đối tượng nào cũng đều thuộc về pháp (Dharma) cả.

– Nhãn căn Sẳc cảnh

– Nhĩ căn Thinh cảnh

– Tỹ căn Hương cảnh

– Thiệt căn Vị cảnh

– Thân căn Xúc cảnh

– Ý căn Pháp cảnh

3) MƯỜI TÁM GIỚI:

Căn đối với cảnh rồi sanh ra thức, sáu thức sanh khởi trên 12 xứ, tức là 6 căn và 6 cảnh hiệp lại thành 18 giới. Giới nghĩa là nhơn, cũng tức là chủng tử (hột giống). Sáu căn, sáu cảnh vả sáu thức đều có chủng tử năng sanh, đem chủng tử của 18 giới để bao trùm hiện hành 18 giới, cho nên gọi đó là 18 giới. Thuyết minh sự sanh khởi của tâm thức với các điều kiện để phá mỗi nhơn:

6 cơ quan cảm giác Đối 6 đối tượng cảm giác Sanh khởi tâm phân biệt
6 Căn 6 Cảnh 6 Thức
Nhãn giới (Caksudhatuh) Sắc giới (Rupadhatuh) Nhãn thức giới (Caksuvijnanad)
Nhĩ giới (Srotradhatuh) Thinh giới (Sabdadhatuh) Nhĩ thức giới (Srotravijnanad)
Tỹ giới (Ghranadhatuh) Hương giới (Grandhadhatuh) Tỹ thức giới (Ghranavijnanad)
Thiệt giới (Jihvadhatuh) Vị giới (Rasadhatuh) Thiệt thức giới (Jihvavijnanad)
Thân giới (Kayadhatuh) Xúc giới (Sprastavyadhatuh) Thân thức giới (Kayavijnanad)
Ý giới (Manodhatuh) Pháp giới (Dharmadhatuh) Ý thức giới (Manovijnanadhatuh)

 

Post Comment