Các Bài Giảng Pháp Phật Pháp

Hướng Đến Con Đường Giải Thoát

15-thewayfreedom

VIỆN TRIẾT LÝ VIỆT NAM VÀ TRIẾT HỌC THẾ GIỚI

Tái bản lần thứ nhất

2544-2000

HƯỚNG ĐẾN CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT

Nguyên Tác: THE WAY TO FREEDOM

Tác giả: HIS HOLINESS THE DALAILAMA

Dịch giả: NGUYỄN THÚY PHƯỢNG

Lời Giới Thiệu

Chương 1: Giáo Pháp

Chương 2: Thượng Sư

Chương 3: Cơ Hội

Chương 4: Cái Chết

Chương 5: Sanh

Chương 6: Quy Y

Chương 7: Nghiệp

Chương 8: Tứ Diệu Đế

Chương 9: Bồ Tát Nguyện

Chương 10: Bồ Tát Hạnh

LỜI GIỚI THIỆU

Tam tạng thánh điển của đạo Phật trong đó chứa đựng tám vạn bốn nghìn pháp môn vi diệu,tức 84.000 thần dược để chữa trị cho 84.000 căn bệnh “phiền não đau khổ”của chúng sinh và,do đó, đã đem lại niềm an vui,hạnh phúc cho những ai biết tin theo và áp dụng nguồn ánh sáng giáo lý Giác Ngộ Giải Thoát của đạo Phật trong thực tại cuộc sống hằng ngày.

Tác phẩm “HƯỚNG ĐẾN CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT”[1]là một tác phẩm lớn của Đức Đạt Lai Lạt Ma có công năng đem sự an lành đến với cuộc đời nên hiện nay, được mọi lớp người trong thế giới đón nhận với tất cả tấm lòng hân hoan,ngưỡng mộ.

Nội dung tác phẩm gồm 10 chương-Trong chương IV,nói về “Cái Chết” chẳng hạn,Ngài dạy:

-Một người tu theo Phật pháp,hằng ngày đều nghĩ đến cái chết;tư duy về niềm đau khổ của nhân loại như về sinh khổ,về lão khổ,về bệnh khổ và về tử khổ.Mỗi một ngày, người tu Mật Tông, đều quán tưởng phải trải qua cả một quá trình chết chóc giống như trong nội tâm,mỗi ngày đều sẽ chết một lần[2]nên khi đối diện với tử thần họ đã chuẩn bị sẵn sàng nên không còn khiếp sợ nữa…

-Đối diện với cái chết,con người sẽ tạo cho mình một đời sống đầy ý nghĩa…

-Khác nào như (một người) sắp phải vượt qua một vùng đất hiểm nguy (cái chết)và đầy sợ hãi…

Vậy khi nói đến cái chết là Ngài có ý khuyến thỉnh con người ở kiếp này hãy chăm làm những việc tốt lành để lấy đó làm tư lương cho kiếp mai sau.

Là Phật tử,phát nguyện tu hành Bồ Tát Đạo thì tự bản thân phải biết quên mình đi…để phụng sự chính pháp, phục vụ chúng sinh; biết đau trước nỗi đau của đồng loại,và vui sau niềm vui của thiên hạ.

…Thẩm định từng ý, từng lời trong toàn bộ tác phẩm HƯỚNG ĐẾN CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT của vị Thánh tăng, ta thấy:mỗi ý,mỗi lời chan hòa tình Thương Yêu nhân loại,chúng sinh khác nào như những đóa sen tỏa hương thơm làm tươi mát những tâm hồn đau khổ,là vầng thái dương làm tan đi những đám mây mù che phủ thế gian.

Nay Phật tử, NGUYỄN THÚY PHƯỢNG Nguyệt Tuệ Huy,phát tâm dịch tác phẩm trên,từ Anh văn sang Việt ngữ, đây cũng là phần đóng góp tinh anh của mình trong sự nghiệp “hoằng pháp lợi sinh”,tôi xin nhất tâm tán dương công đức và trân trọng giới thiệu cùng toàn thể quý vị độc giả.

Viết tài chùa Giác Minh, Sàigòn, tháng trọng xuân, Phật lịch 2543-DL.1999

Thích Đức Nhuận

ĐẠO NGÔN

Tu học và hành trì giáo pháp của Phật dạy là dấn bước vào một cuộc chiến đối kháng giữa hai lực lượng tiêu cực của nội tâm.Hành giả cần truy cầu để khai trừ mặt tiêu cực và phát huy tiềm năng của mặt tích cực.Những giáo pháp trong quyển sách này nhằm mục đích chuyển hóa tâm thức; do vậy,chỉ cần duyệt đọc hay lắng nghe một đoạn nhỏ thôi cũng đủ mang đến một sự lợi lạc vô cùng to lớn.

Đã không có khắc độ cụ thể nào có thể dùng để đo lường tiến trình tranh chấp giữa lực lượng tích cực và tiêu cực trong tâm thức.Sự chuyển biến sẽ bắt đầu kể từ khi bạn tự tri nhận được những phiền não của chính mình,chẳng hạn như lòng sân hận và tị hiềm.Vì thế,con người cần phải có trình độ tri nhận và ý thức cách diệt trừ những phiền não; loại tri thức đó có được là do sự lắng nghe từ giáo pháp.Không có bất cứ một phương pháp đơn giản nào để diệt trừ phiền não cả. Không thể dùng thủ thuật ngoại khoa để cắt bỏ chúng.Chúng cần phải được tri nhận.Sau đó,xuyên qua sự dụng công thực tập và hành trì theo giáo pháp thì phiền não sẽ dần dần giảm thiểu và cuối cùng sẽ hoàn toàn bị đoạn diệt.

Các giáo pháp này đã cung cấp những phương thức để con người tìm được giải thoát ngay từ trong phiền não-con đường đã thật sự đưa dẫn đến giải thoát mọi khổ đau và đạt được sự an lạc tự tại của quả vị cứu cánh giác ngộ (the bliss of enlightenment).Khi con người càng hiểu Phật pháp bao nhiêu thì sự ôm giữ tính kiêu căng,sân hận,gian tham và những tình cảm tiêu cực đã từng gây ra nhiều đau khổ trước kia cũng sẽ giảm thiểu bấy nhiêu.Nếu áp dụng sự hiểu biết này vào đời sống thường nhật thì nội tâm sẽ dần dần được chuyển biến trong khi mình tưởng chừng như trái ngược lại.Nếu bạn có thể so sánh giữa trạng thái tâm thức hiện tại và tâm thức sau khi đọc xong quyển sách này, có lẽ bạn sẽ tìm thấy một vài thay đổi tiến triển.Nếu quả đúng như vậy thì những lời dạy này đã đạt được mục đích của nó.

Tại đây,hơn 2500 năm trước,trong một kiếp, Đức Phật đã thị hiện thành Đức Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn,một bậc trí giả của dòng tộc Thích Ca.Ngài đã xuất gia như một vị sa môn,trải qua một quá trình tu tập du già (yoga) một cách gian khổ.Ngài đã đạt được quả vị giác ngộ viên mãn khi thiền tọa dưới một cội cây ở một địa danh phía bắc Ấn Độ được gọi là Bodh Gaya.Từ đó về sau,Ngài đã khai thị vô số giáo pháp thích ứng với từng loại tham dục và căn tánh khác nhau của chúng ta.Có người,Ngài dạy làm thế nào có được sự chuyển sinh tốt đẹp hơn;người khác thì Ngài dạy cách để thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi.Những điều dạy tinh thâm vi diệu chứa đựng trong những giáo pháp ấy, được gọi là Kinh (Sutra), đã vạch rõ những phương pháp và những con đường dẫn đến hạnh phúc an lạc cho tất cả chúng sanh, được thể nghiệm trực tiếp bởi Đức Phật và rất hợp với mọi lý luận, bất cứ ai cũng có thể thực hành và nghiệm chứng được.

Tại Tây Tạng,giáo nghĩa Phật giáo được biên soạn thành một bộ sách,trình bày cặn kẽ những giai đoạn của cả một hành trình tiến đến sự giác ngộ.Trong quá khứ,có rất nhiều người đã dựa vào những giáo pháp được chỉ dạy, giống nhau này để tựu thành quả vị chứng ngộ viên mãn; những giáo pháp này rất thích hợp với bất cứ ai tâm tánh vẫn còn chưa được thuần thục.Mặc dù tự thấu triệt nỗi nguy hại gây ra do chính những sai lầm của mình,ví dụ như một cơn thịnh nộ sẽ mang đến biết bao tổn thương cho mình và cho người,nhưng những lỗi lầm ấy vẫn còn đã và đang khiến chúng ta bị nghiêng ngả ảnh hưởng.Do vậy,một tâm hồn chưa được điều phục sẽ vẫn táo bạo thúc đẩy chúng ta nhảy xuống hố sâu thay vì dừng lại ngay bên bờ hố.

Phiền não và hành vi tạo tác khiến chúng ta bị cuốn hút trong vòng luân hồi tuần hoàn đau khổ; đó là “nghiệp lực” (karma).Do quan hệ giữa hành động và kinh nghiệm,chúng ta đã kéo dài đời sống với biết bao nỗi trầm bổng,nhiễu loạn và mê mờ.Cởi bỏ hoàn toàn những nghiệp lực trong quá khứ và thoát khỏi vòng nô lệ của tham,sân và si gọi là “giải thoát”hay “Niết Bàn”.Khi chúng ta thấu rõ được bản thể thanh tịnh tự nhiên của nội tâm mà có thể loại bỏ được những lầm lỗi và phiền não thì niềm an lạc tuyệt đích sẽ theo đó mà đến,và chúng ta sẽ tìm được cứu cánh giải thoát ngay chính trong vòng luân hồi đau khổ.

Nếu chúng ta có thể làm được những điều thiện,chẳng hạn như cứu lấy sanh mạng của những con vật sắp chết;chúng ta cũng có thể tích tập được những điều kiện cần thiết để được thác sanh làm người trở lại.Cuộc sống tâm linh của chúng ta sẽ tiến triển tốt đẹp trong đời vị lai nếu chúng ta chịu thực hành nghiêm chỉnh “Phật Pháp” Điều quan trọng là chúng ta nên dụng công tu hành ngay khi đang còn có nhiều cơ hội vì cuộc sống vốn dĩ rất quý giá nhưng lại khó lường trước được.Chúng ta sẽ không bao giờ biết được cơ hội như thế sẽ kéo dài đến bao lâu.

Thể theo luật nhân quả và nghiệp lực thì những gì chúng ta làm hôm nay sẽ đưa đến những kết quả trong tương lai.Tương lai chúng ta được định đoạt từ trạng thái nội tâm trước mắt,mà trạng thái nội tâm trước mắt thường là sự tràn lan của chuỗi dài phiền não.Trên hết chúng ta cần nên cầu nguyện để chứng đắc được quả vị giác ngộ giải thoát.Nếu không,cũng nên tầm cầu để thoát khỏi vòng luân hồi sanh tử.Nếu không nữa,thì ít ra cũng nên gieo những hạt giống để được thác sanh vào một cảnh giới tốt đẹp hơn,tránh khỏi đọa vào cảnh giới thấp kém hơn cảnh giới mà chúng ta đang sống hiện nay.Trong hoàn cảnh may mắn được thuận duyên nghe thấy và tu hành theo Phật pháp thì chúng ta cũng chớ đánh mất cơ hội hy hữu này.

Tuy nhiên,tự giải thoát ra mọi khổ đau không thôi chỉ mới là một phần của mục tiêu truy cầu của chúng ta.Vì ai cũng giống như chúng ta đều mong mỏi hạnh phúc, đều mong mỏi tránh được khổ đau dù là khổ đau nhỏ nhất.Tất cả chúng sanh đều bình đẳng trong khuynh hướng mưu cầu hạnh phúc và giải thoát khỏi mọi khổ đau.Một khi đã biết được đạo lý này rồi mà chúng ta vẫn chỉ mưu cầu giải thoát cho riêng mình thì sẽ làm cho sự cố gắng thành tựu giải thoát của mình biến thành nhỏ nhiệm lắm.Nhưng nếu động cơ căn bản là để giúp cho tha nhân thì chúng ta sẽ đạt được cảnh giới Nhất Thiết Trí (Omniscience); với cảnh giới này chúng ta sẽ có năng lực giúp ích lợi lạc mọi loài chúng sanh.Và tự thân chúng ta đã có thể thành PHẬT rồi vậy.

Nếu nội tâm nghèo nàn và năng lực hạn hẹp,thì làm sao chúng ta có thể đáp ứng được nguyện vọng của mọi người?Chỉ mong giúp đỡ tha nhân không thôi vẫn chưa đủ.Trước tiên chúng ta cần có khả năng cảm biết được những nguyện vọng khác nhau của mọi người. Để có được một sự nhận thức rõ ràng sáng suốt,chúng ta phải loại bỏ tất cả mọi kiến chấp đã chướng ngại và như thế chúng ta sẽ nhìn thấy mọi sự mọi vật như nó đang hiện hữu.Những chướng ngại vật của Nhất Thiết Trí chính là những dấu vết để lại từ những loại phiền não như tham dục,phẫn nộ,kiêu mạn và vô minh.Cho dù sau khi loại bỏ được những phiền não rồi thì tâm thức vẫn còn in đậm những dấu vết của nó.Nhưng vì bản thể của tâm thức vốn là trong sáng,thuần khiết nên chúng ta có thể thanh tịnh hóa triệt để nội tâm của mình.Và khi đã đạt được thể tánh sáng suốt tỉnh giác như thế,tức là đã đạt được Nhất Thiết Trí.

Đức Phật có được tất cả những đặc chất vĩ đại của Thân,Ngữ, Ý chủ yếu là do động lực của “Đại Bi Tâm”.Chủ yếu của sự tu hành của chúng ta cũng phải do tâm nguyện lợi tha.Do tri nhận được rằng mọi người đều giống như chúng ta,mong cầu vui sướng và diệt trừ đau khổ nên lòng vị tha sẽ tự nhiên hiện ứng trong tâm chúng ta. Đó là một hạt giống gieo xuống,và xuyên qua quá trình tu tập,chúng ta có thể bảo vệ và chăm bón cho nó được trưởng thành.

Tất cả mọi giáo pháp của Đức Phật đều chủ yếu giúp chúng ta phát triển lòng Đại Bi và tâm Lợi Tha.Con đường để thành Phật đã được kiến lập trên lòng Đại Bi:mong người khác có thể xa lìa đau khổ.Và điều này đã khiến chúng ta thấu triệt được rằng niềm an vui hạnh phúc của người khác chung cuộc còn tối thượng,quan yếu hơn cả hạnh phúc của chính mình; bởi vì,nếu không có người khác thì chúng ta sẽ không có cơ hội tu hành và chứng đắc quả vị giác ngộ.Tôi không dám tự xưng mình là người có kiến thức quảng bác hoặc liễu ngộ cao thâm.Tôi chỉ nhớ đến các vị sư trưởng của tôi, đã vì lòng từ ái mà truyền dạy cho tôi những giáo pháp này,vì vậy với ý nguyện tha thiết quan tâm đến sự lợi ích của muôn loài,tôi xin mang ra để hiến dâng cho quý vị những giáo pháp vi diệu đó.

[1]Nguyên tác:The WAY TO FREEDOM

[2]Một phen chết lớn, tức có nghĩa nói rằng con người hãy tự chết đi những thói hư tất xấu như lam tham,sân hận,ngu si để tái sinh một con người mới:Con người thánh thiện-sống bằng tâm hồn phật-một cuộc sống đẹp như hoa sen ở trong bùn mà không nhiễm bùn-chú thích của người viết giới thiệu.


CHƯƠNG 1: GIÁO PHÁP

Hơn 2500 năm về trước, sau khi chứng đắc được quả vị giải thoát giác ngộ,từ trong quán tu xuất định, bài pháp đầu tiên mà Đức Phật đã giảng dạy, đó là “Tứ Diệu Đế” (bốn chân lý hay bốn sự thật).

Đệ nhất Thánh đế là Khổ Đế: sự vui sướng của chúng ta không ngừng bị dần dần tiêu hao, bất cứ sự vật nào chúng ta có cũng đều rất ngắn ngủi và rất tạm bợ.Thông thường cái chúng ta xem là tồn tại chân thật thì lại không phải là vĩnh viễn thường hằng.Vô minh,tham chấp và sân hận là những nguyên nhân khiến chúng ta đau khổ kịch liệt.Vì thế đệ nhị Thánh đế là muốn tìm hiểu nguyên nhân gây khổ.Sau khi bạn gột sạch được căn nguyên đau khổ phiền não thì đạt đến trạng thái diệt khổ-đó là đệ tam Thánh đế hay Niết Bàn. Đệ tứ Thánh để là con đường chỉ dẫn hướng về sự diệt khổ. Để tâm linh mình đạt đến cảnh giới Niết Bàn, bạn cần phải tuân theo một con đường chân chánh.

Không cần phải chờ đến khi thấu triệt được luật “nhân quả” hay “nghiệp”mới có thể khơi dậy lòng ham muốn dấn thân của chúng ta để đi trên con đường chân chánh nhằm chấm dứt khổ đau.Những tư tưởng và hành vi tiêu cực sẽ mang đến những hậu quả và điều kiện nhân duyên tiêu cực;cùng thế ấy,những tư tưởng và hành vi tích cực sẽ mang đến những kết quả và điều kiện nhân duyên tích cực.Chỉ khi nào phát khởi được tín tâm sâu chắc vào luật “nhân quả” thì chúng ta mới cảm biết được những nguyên nhân đau khổ của chính mình.Sự vui sướng hoặc bất hạnh hiện nay ít nhiều đều là kết quả của những hành vi tạo tác trước kia.Kinh nghiệm của chúng ta đã xác quyết sự tồn tại của mọi khổ đau vì sự hiện diện của chúng đã quá rõ ràng lộ liễu.Do đó, nếu muốn hết khổ,thì ngay từ bây giờ,chúng ta phải tập ý thức cách nào để nhổ sạch gốc rễ của nhân duyên đau khổ.Trải qua kinh ngiệm thấu hiểu được đau khổ và nguyên nhân duyên khởi của nó,chúng ta có thể ý thức được một trạng thái tịch diệt,một trạng thái hoàn toàn diệt lặng mọi vô minh và mọi phiền não đã từng phát xuất từ đó.Khi sự hiểu biết đó phải thâm nhập đến nỗi có thể làm rung chuyển cả bản tánh nội tại của chúng ta và đồng thời khiến chúng ta phát khởi ra ý muốn đạt đến cảnh giới ấy cho kỳ được.Một khi chúng ta đã tự nhiên phát khởi ý muốn đạt đến sự tịch diệt này thì một nỗi niềm tri ân sâu xa cũng sẽ dấy lên trong tâm tư chúng ta đối với những ai đã thấu triệt được sự tịch diệt.Sự tri nhận về những thành tựu viên mãn của Đức Phật càng trở nên mạnh mẽ.Những lợi ích thù thắng và nét đẹp của các giáo pháp của Ngài trở nên sáng sủa rõ ràng.

Giáo pháp Bồ Đề Đạo Thứ Đệ đã được truyền sang Tây Tạng từ Ấn Độ.Cho mãi đến thế kỷ thứ tám Tây Nguyên,Phật giáo mới được truyền vào Tây Tạng,nhưng qua đến thế kỷ thứ chín thì Phật giáo đã bị vua Lang-dar-ma cấm chỉ. Ông đã đóng cửa những trung tâm giảng dạy chánh yếu, giống như việc Trung Cộng đã làm ngày nay.Sự hủy diệt Phật pháp của vua Lang-dar-ma rất khủng khiếp và rộng lớn,nhưng người ta vẫn còn có thể tu hành được ở những vùng xa xôi hẻo lánh và truyền thống của Phật giáo đã được bảo tồn.Đến thế kỷ thứ mười một thì bắt đầu có sự rối loạn trước sự xuất hiện của hai giáo phái. Đó là Hiển tông (Sutra) hay còn gọi là con đường học hỏi và tu trì trải qua nhiều đời nhiều kiếp để thành tựu sự chứng đắc quả vị giác ngộ; và Mật tông (Tantra),một phương pháp tu trì bí mật có thể thành tựu sự chứng đắc quả vị giác ngộ ngày trong một kiếp.Vào thế kỷ thứ mười một có một vị tăng Ấn Độ tên Atisha đã trở nên nổi tiếng về khả năng giảng dạy và biện luận Phật pháp với nhiều triết gia ngoại đạo.Ngài có thể tổng tập tất cả các loại kiến giải Phật học đã từng phát triển từ nhiều trăm năm trước như các hệ thống tu hành của hàng tại gia và xuất gia. Ngài đã được tất cả các Tông phái triết học ủng hộ và kính ngưỡng như một vị đạo sư uy quyền siêu việt.

Cùng thời ấy,có một vị vua ở miền Tây của Tây Tạng,chịu ảnh hưởng tín ngưỡng một cách kiền thành đối với Phật giáo từ các tổ tiên ông. Ông đã từng đọc rất nhiều kinh điển và nhận xét là đã có nhiều mâu thuẫn giữa các hệ phái tu tập khác nhau nhất là về Hiển tông và Mật tông.Những người Tây Tạng thời ấy,do vì hiểu lầm giác sắc định vị giữa hai hệ thống giới luật nên đã nghĩ rằng một người không thể cùng một lúc tu theo Hiển và Mật tông được.Tuy vị quốc vương này vẫn biết rằng khi Phật giáo truyền đến Tây Tạng vào thế kỷ thứ tám thì cả hai hệ phái đều đồng xuất hiện một cách êm đềm.Một đại sư Ấn Độ có tên là Shantarashita (Tịch Hộ) đã truyền dạy cả hai hệ phái;phương thức tu trì giới luật hoằng truyền Hiển tông tự viện [1]và phương thức tu trì quảng đại bi tâm [2].Cũng trong thời gian ấy, bậc đại hành giả du già Padmasambhava (liên Hoa Sanh) đã hoằng dương hệ phái Mật tông và đã điều phục những mà chướng đang quấy nhiễu Tây Tạng vào thời bấy giờ.Hai vị đại sư này đều cùng nhau hoằng dương Phật pháp và không có gì đối lập thù nghịch nhau cả.Sau khi quốc vương tri nhận được rằng Hiển tông và Mật tông đều phát xuất từ Ấn Độ,thế là từ Tây Tạng,nhà vua đã phái hai mươi học sinh thông minh tài giỏi đến Ấn Độ để cầu học với một ý muốn tương lai họ sẽ trở về và minh bạch hóa tất cả giáo pháp cho nhân dân Tây Tạng.Rất nhiều vị đã chết ở dọc đường,chỉ còn hai vị trở về và báo cáo cùng quốc vương là pháp tu Hiển Mật ở Ấn độ đều có thể hành trì cùng một lúc mà không có gì trở ngại và khó khăn.Họ đã tìm được một vị đại diện tên là Atisha (A Để Hạp) tại tu viện Vikramashila ở Bengal (Mạnh Ca La). Những học sinh này cho rằng ngài Atisha là người có thể giúp cho Tây Tạng.Vì thế,quốc vương đã đích thân quyên góp đầy đủ số vàng để dùng làm phí tổn nhằm cung thỉnh đại sư Atisha từ Ấn Độ sang.Nhưng ông đã bị một quốc vương đối lập với Phật giáo bắt giữ.Vị quốc vương này cho ông lựa chọn một trong hai điều kiện, đó là bảo vệ lấy mạng sống hay truy cầu Phật pháp. Ông đã bị giam cầm ngay sau khi ông không chấp nhận từ bỏ công cuộc cầu học giáo pháp.Một người cháu đã tìm cách cứu ông nhưng vị quốc vương này bảo rằng: “Ngươi đừng vì ta mà lo lắng,chớ tốn hao một miếng vàng nào để làm tiền chuộc mạng ta.Hãy mang tất cả vàng sang Ấn Độ để cung thỉnh ngài Atisha đi”. Người cháu không tuân theo chỉ thị của chú, đã dâng tất cả khối vàng cho vị quốc vương này vẫn từ chối, bảo với người cháu rằng: “Số vàng này ngươi mang đến chỉ mới nặng bằng thân thể của chú ngươi thôi,chưa nặng bằng cái đầu được”. Ông ta quyết liệt từ chối thả con tin trừ phi mang thêm vàng đến.Người cháu bèn đem sự việc trình lại với chú rằng: “Nếu cháu phát động cuộc chiến tranh cứu chú”, người cháu trình bày tiếp: “sẽ tạo nên một cuộc đổ máu vĩ đại.Vì thế cháu sẽ cố gắng tìm đủ số vàng thế nạp cho đầu của chú.Xin chú hãy cầu nguyện cho cháu được thành công”.Người chú trả lời: “Nguyện vọng của ta là mang ánh sáng Phật pháp đến Tây Tạng để làm sáng tỏ tất cả những nghi kỵ và mâu thuẫn.Nếu nguyện ước của ta được thành tựu thì cho dù có bỏ mạng tại đây ta cũng không ân hận.Ta nay đã già rồi,chết chóc chỉ là việc sớm tối thôi.Quá khứ nhiều đời ta đã mãi luân hồi lưu chuyển nhưng thật là vô cùng hy hữu để được hy sinh tánh mạng cho sự lợi ích của Phật pháp.Hôm nay ta đã có được cơ hội này.Cho nên xin chuyển lời đến Atisha, hãy trình với Ngài rằng ta đã dâng hiến tính mạng lý do là ví muốn Ngài đáp lời mời của ta đến Tây Tạng. Ước nguyện cuối cùng của ta là cung thỉnh Ngài vào Tây Tạng để hoằng truyền giáo pháp Phật Đà và minh bạch hóa mọi sự hiểu lầm của chúng ta”.Sau khi nghe xong quyết định của chú,người cháu vô cùng cảm động,và cáo biệt giã từ với một nỗi niềm bi thương vô hạn.

Người cháu gửi một nhóm dịch sư đến Ấn Độ để tìm ngài Atisha.Sáu vị đồng bạn này đã mang theo bảy trăm đồng tiền vàng,cuối cùng đến được tu viện của Ngài Atisha để diện kiến vị trụ trì.Dù chưa kịp thổ lộ mục đích của mình vị trụ trì đã phát biểu: “Không phải vì ta có ý chiếm giữ Atisha nhưng rất tiếc là vị không có nhiều bậc đại sư như ngài và nếu ngài rời khỏi Ấn Độ thì Phật pháp nói riêng và toàn thể đại chúng nói chung sẽ phải đối diện với một nguy cơ to lớn.Sự hiện diện của Ngài ở Ấn Độ rất quan yếu.” Cuối cùng những dịch sư Tây tạng đã được diện kiến đại sư Atisha trong sự xúc động vô bờ đến nỗi không thể nào có thể cầm được những giọt lệ nóng Atisha thấy thế nên đã bảo họ rằng: “Xin đừng lo lắng,ta biết Tạng vương đã vì ta mà hy sinh rất nhiều.Ta sẽ suy nghĩ cẩn thận đến sự thỉnh cầu của ông,nhưng hiện nay ta đã là một lão già,và lại còn vướng mắc trách nhiệm trông lo tu viện nữa.”Tuy vậy,cuối cùng rồi Atisha cũng đồng ý đến Tây Tạng.Sau khi đặt chân đến Tây Bộ Tây Tạng,thể theo lời yêu cầu của người cháu của vị quốc vương,Ngài đã biên soạn một bộ sách và bộ sách này đã đem lại rất nhiều lợi ích cho toàn thể Phật giáo Tây Tạng.Ngài đã lưu lại cho chúng tôi bộ “The Lamp On The Path To Enlightenment” (Bồ Đề Đạo đăng luận).Tác phẩm này đúc kết toàn bộ phương pháp tu hành chân chánh do sự tổng hợp từ các giáo phái sở hữu để soạn thành một bộ luận với nội dung thiết thực thích hợp với những như cầu của nhân dân Tây Tạng.

Đầu thế kỷ thứ 15,một Đại sưTây Tạng tên là Tsong-Kha-Pa đã viết một quyển sách mang tựa đề Lam Rim hay là “Stages Of The Path to Enlightenment” (Đạo Thứ Đệ hay Bồ Đề Thứ Luận). Ngài đã nghiên cứu một cách kỹ lưỡng sâu xa đến quan điểm của Ngài Atisha và đã dung hợp một cách hoàn chỉnh những giáo nghĩa này để giúp cho mọi người dễ dàng ứng dụng trong việc tu hành. Đạo Thứ Đệ là một bộ luận chứa đựng những giáo lý căn bản nhất.

Ngoài việc trình bày tất cả những thứ yếu của Bồ Đề Đạo, Đạo Thứ Đệ còn khai triển phương cách dung hợp mọi giáo phái-làm thế nào để Phật pháp bao gồm cả hai Hiển Tông là phương pháp cộng thông đạo và Mật Tông là phương pháp bí mật đạo.Những giáo lý này lắm khi tỏ ra rất mâu thuẫn nhau,nhưng nếu ứng dụng một cách thỏa đáng theo tiến trình tuần tự thì lại chẳng có gì mâu thuẫn cả. Đối với việc hướng tới Bồ Đề đạo,tất cả mọi giáo pháp đều là những sự hướng dẫn trọng yếu.Có một số người nghĩ rằng họ có thể hành trì pháp tu bí mật (Mật pháp) mà không cần phải thông hiểu những giáo lý căn bản của Phật giáo.Một người nếu không đạt được nền tảng căn bản chính xác để thông hiểu đạo pháp thì vào Mật thừa sẽ không đạt được bất cứ sự tiến bộ nào.Nếu không vì hướng dẫn con người nhắm đến con đường giải thoát bằng tâm nguyện đại bi giác ngộ thì Mật pháp sẽ trở thành sự trì tụng chú ngữ và việc tu hành Mật pháp sẽ bị giới hạn trong việc trình tấu các dụng cụ như phèng la,chập chả và những chiếc kèn làm bằng xương đùi để tạo ra một rừng âm thanh mà thôi.The Perfection Of Wisdom Sutra (kinh Đại Bát Nhã) đề cập đến:tu hành các hạnh Bố thí,Trì giới,Nhẫn nhục,Tinh tấn,Thiền định,Trí huệ. Đó là con đường duy nhất mà chư Phật trong quá khứ đã từng đi qua để hướng đến sự giác ngộ,dù là tu theo phương pháp Hiển hay Mật.Quả thật là một sai lầm to lớn nếu bạn quên hẳn những tầng diện cộng thông chánh đạo.

Vì thế, đạo sự Tsong-kha-pa (Tôn Cách Ba) tác giả quyển “Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Luận” đã khuyên nhủ tất cả những người tu hành nên tìm một vị đạo sư tinh thần có kinh nghiệm để dẫn đạo và nên cố gắng thể nhận mọi giáo pháp Phật Đà một cách đích đáng và thích ứng với phương pháp tu hành của mình.Cũng không nên loại bỏ những khía cạnh nào bạn không thể áp dụng liền được.Trái lại, bạn hãy tự hỏi là có ứng dụng phương pháp ấy trong tương lai không?Nếu bạn có thể làm được như vậy thì viễn kiến của bạn đối với mọi giáo phái của Đức Phật sẽ rất uyên thâm.

Tất cả mọi chuẩn tắc pháp quy của Phật giáo đều rất cần thiết và thích ứng đối với một người tu.Khi một người đã vẽ một bức Đường Khá [3](một Phật họa Tây Tạng),người họa sư phải cảm nhận sự cần thiết của mọi loại hình vẽ.Nhưng vẫn chưa đủ, họ phải biết lúc nào cần loại hình nào,phải vẽ khuôn mẫu trước, sau đó mới tô màu. Điều rất quan trọng là phải biết sự phối hợp hiện hữu của chúng.Cũng giống như vậy,chúng ta cần phải biết tất cả trọng điểm của Phật pháp cũng như khi nào và làm cách nào để ứng dụng tất cả những giáo pháp ấy.Khi những yếu tố trên đây được hiển thực thì tất cả mọi sự ẩn khúc và khó khăn đã từng gắn liền với sự tu hành của bạn sẽ tự nhiên được hóa giải.

Khi tôi đề cập đến sự hành trì Phật pháp;tôi không có ý muốn nói đến sự buông bỏ tất cả để tìm một nơi cách biệt mà ẩn tu.Tôi chỉ đơn thuần muốn bày tỏ rằng chúng ta nên phối hợp một trình độ tỉnh thức cao hơn để áp dụng vào đời sống thường nhật.Bất cứ khi nào,ngay những lúc chúng ta đang ăn uống,ngủ nghỉ hoặc làm việc,chúng ta cần nên thường xuyên kiểm tra mọi ý niệm của mình,thân,khẩu, ý và mọi hành vi của mình,cho dẫu đó là một sự sai quấy tiêu cực nhỏ nhất.hãy cố gắng hướng mọi sinh hoạt thường ngày theo động cơ của từ bi.Mang trí huệ có được từ sự lắng nghe những giáo pháp và thực tu để hòa nhập vào mọi hành vi của thân,ngữ, ý.Nhưng nếu người nào có thể từ bỏ tất cả để hiến dâng đời mình cho việc tu hành,thì người đó rất xứng đáng để được kính ngưỡng.

Nghiên cứu học tập giống như một ngọn đèn soi sáng mọi tăm tối vô minh và kiến thức gặt hái được sẽ là vật sở hữu tối thượng vì nó không thể bị đánh cắp dù với một tên trộm giỏi nhất.Nghiên cứu học tập là một vũ khí dùng để loại trừ kẻ địch vô minh và cũng là một người bạn tốt nhất đưa dẫn chúng ta thoát khỏi những giai đoạn khốn khó.Nhờ lòng nhân từ và tâm không dối gạt ai mà chúng ta sẽ kết thân được với những người bạn chân thành.Những bè bạn mà ta kết giao được khi đang có quyền thế, địa vị và sức ảnh hưởng của chúng ta mà thôi.Khi gặp cảnh bất hạnh hoặc bị khánh tận thì những loại bè bạn này sẽ lìa bỏ chúng ta ngay.Còn người bạn không phản bội và chân thành nhất của ta chính là sự nghiên cứu học tập các giáo pháp. Đây chính là một loại lương dược không có bất cứ tác dụng đảo ngược hay nguy hiểm nào cả.Kiến thức giống như một quân đội hùng mạnh có thể giúp nghiền nát mọi sức mạnh của những phiền não nội tại.Với những kiến thức như thế,chúng ta có thể phòng vệ để tránh làm những hành vi bất thiện.Danh vọng, địa vị, bạc tiền có thể là kết quả của kiến thức con người;nhưng chỉ có sự học hỏi và tu tập để loại trừ những lỗi lầm phiền não mới mang đến niềm hỷ lạc trường cửu của sự chứng đắc.

Nếu không có sự hiểu biết các giáo pháp thì sự khai ngộ sẽ không theo đó mà sanh ra được.Những giáo pháp mà ta nhận được có ý nghĩa là chúng phải được kế tục sanh tồn.Khi chúng ta huấn luyện một con ngựa đua thì nó phải được chạy trên con đường giống như ở trường đua vậy.Cùng thế ấy,những chủ đề nghiên cứu học tập của bạn là những giáo pháp mà bạn nên mang ra thực tập tu hành.Mục đích của sự nghiện cứu học tập là nhắm vào ích lợi của công việc tu hành.Ngài Tsong Kha-pa dạy rằng nếu bạn có thể thấu triệt được những ý nghĩa thâm sâu uyên áo của kinh điển như là lời khuyến dạy cho cảnh giới của riêng mình thì bạn sẽ không có chút trở ngại nào trong việc thể nhận những Mật pháp và mật tục (chú thích của Mật Pháp) để thực tập, ứng dụng vào việc tu trì như là lời chỉ dạy cho riêng mình trên tiến trình chứng ngộ.

Điều này sẽ giúp chúng ta tránh được tà kiến cho rằng một vài giáo pháp nào đó không cần thiết cho việc tu hành và một vài giáo pháp nào đó chỉ cần thiết cho sự thành tựu trên phương diện học thuật.

Cúi đầu và chắp tay trước khi tiếp nhận giáo pháp là phương pháp đối trị kiêu căng và tự đại. Đôi khi bạn thấy một người chưa hiểu đạo bằng bạn,nhưng họ lại có thái độ khiêm cung và lễ phép hơn.Do vì sự hiểu đạo của bạn mà bạn càng nên khiêm cung hơn người kia.Nếu không,quả tình bạn còn thấp kém hơn cả người đó nữa.Vì thế khi học tập,nên tìm cách kiểm soát trạng thái nội tâm,và đem sự dung nạp vào phương thức tư duy của bạn.Nếu làm được như vậy thì dần dần sẽ đến một giai đoạn mà bạn có thể thấy được một vài ảnh hưởng,một vài thay đổi hoặc một vài thành quả nào đó trong chính tâm thức mình.Đó là dấu hiệu cho thấy công việc tu hành có sự tiến bộ và mục đích của việc nghiên cứu học tập cũng đã được thực hiện một cách vẹn toàn.

Chinh phục phiền não là khóa học cần học cả đời.Nếu chúng ta có thể lấy thái độ kiên trì chịu đựng để tu hành,trải qua nhiều năm tháng sẽ thấy được sự chuyển hóa tâm thức.Nhưng nếu chúng ta trông mong được chứng ngộ hoặc những tư tưởng và tình tự được điều phục tức khắc, ắt hẳn chúng ta sẽ trở nên thất vọng và chán nản.Hành giả du già Milarepa của thế kỷ thứ mười một là một trong những đạo sư vĩ đại nhất của lịch sử Tây Tạng,vì muốn đạt đến sự chứng ngộ tối cao, đã tốn nhiều năm trời,trải qua mọi gian khổ và sống cuộc đời không khác gì dã thú.Nếu có thể đầu tư thời giờ và tâm sức giống như vậy thì sẽ thấy sự lợi ích tu hành của chúng ta tiến triển một cách nhanh chóng hơn.

Sau khi đạt được một niềm tin nào về hiệu năng của những giáo pháp,điều quan trọng là phải phát huy ngay tức khắc niềm tin sắt son về giá trị của việc dụng công tu tập. Để tăng tiến trên đường giác ngộ, sự hiểu biết một cách chính xác về con đường mình đi rất là quan trọng và chỉ đạt được bằng cách chịu lắng nghe giáo pháp.Do đó, hãy phát khởi lòng mưu cầu đạt được giác ngộ toàn triệt nhằm đem đến lợi ích cho tất cả chúng sanh hữu tình và lấy duyên cớ thúc đẩy như vậy để tham học hay duyệt đọc các giáo pháp.

Khi có ai đang truyền dạy Phật Pháp thì người ấy đang phục vụ như một kẻ rao truyền thông điệp của Chư Phật.Bất chấp sự thực chứng của sư trưởng,trọng yếu là kẻ nghe pháp cần kính phục vị đạo sư như kính trọng Chư Phật không hai và không khác.Những kẻ nghe pháp không cần tốn thì giờ để soi mói suy tìm lỗi lầm của đạo sư.

Jataka Tales (Bản Sanh Kinh) có đề cập:cần phải ngồi ở địa vị thật thấp,lấy tâm ý thuần thục và đại hoan hỷ để chiêm ngưỡng dung diện thượng sư và uống từng giọt cam lồ cốt tủy của pháp ngữ do ngài khai thị giống như bệnh nhân cẩn thận lắng nghe những lời chỉ dạy của vị y sĩ. Đức Phật đã từng khai thị:Không nên mong chờ gì ở bản thân đạo sư cả và trên hết là hãy trông cậy vào bản thân pháp,tức là chủ thể truyền thụ của họ,là giáo thị của Phật.Kính ngưỡng vị giáo thọ trên bình diện tự thể linh hiển của những giáo pháp là điều tối ư quan trọng.

Khi lắng nghe hay đọc tụng những giáo pháp,chúng ta chẳng khác nào như chiếc bình được dùng để thu nạp trí tuệ.Nếu dốc ngược đầu xuống thì cho dù trời có xối xả mưa pháp cam lồ thì cũng bị hao chảy theo hai bên thành bình mà thôi.Nếu bình chứa hoen ố thì bẩn lây cam lộ.Nếu bình chứa rạn nứt thì cam lộ sẽ chảy mất.Khi chúng ta dự một buổi khai thị giáo pháp và nếu để tâm dễ dàng phân tán thì chúng ta chẳng khác nào chiếc bình bị lật úp xuống.Cho dù tâm có chuyên chú nhưng lại mang tâm trạng vấy động bởi những ý niệm tiêu cực,chẳng hạn như đi nghe giáo pháp vì muốn tự chứng tỏ là mình có tài trí siêu việt hơn người thì chẳng khác nào như chiếc bình đang bị ô uế dơ bẩn.Sau cùng, cho dù có tránh được mọi lỗi lầm vừa kể,nhưng giáo pháp đã nghe mà chẳng ghi nhớ trong lòng thì cũng như chúng vào lỗ tai này và thoát ra lỗ tai kia thôi.Khi thời khai thị kết thúc,chúng ta hoàn toàn trống trơn giống như ra về nhưng không sao mang giáo pháp đã được khai thị xuyên qua khỏi cánh cửa. Đó là lý do tại sao ngày nay chúng ta nên ghi chép hoặc dùng máy để ghi âm lại những lời khai thị.Mọi khả năng tiếp nhận những lời khai thị đều tùy thuộc vào sự thuần thạo luyện tập mà ra.

Trong lần thảo luận cùng Khun nu-Lama (Khôn Na La Ma), ông đã diễn tả một cách sống động về một số sự việc từng xẩy ra trong cuộc đời ông,rất lâu từ thuở tôi còn chưa sinh ra.Năm nay tôi năm mươi chín tuổi.Tôi có khuynh hướng hay quên thậm chí luôn cả những kinh văn đương thời tôi đang nghiên cứu.Khôn Na la Ma nói:không kiên trì học tập là do khuyết điểm không có được sự hỷ lạc khi tinh tấn dụng công mà ra.Và tôi nghĩ điều này rất đúng.Bởi không đủ thì giờ,tôi không thường xuyên đọc trọn kinh văn,chỉ lược đọc một lần để có một ý niệm khái quát về nội dung của nó.Bởi vì có chút thông minh nên tôi không thường xuyên mà chỉ duyệt đọc các kinh văn một cách rất nhanh chóng.Như một câu ngạn ngữ đã nói: “Người có trí thông minh lớn chẳng khác nào một cánh đồng đang bốc cháy-ngọn lửa sẽ thiêu rụi nó một cách nhanh chóng”.

Nếu bạn đọc quyển “Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Luận” của Tsong-Kha-pa chín lần thì bạn sẽ thông hiểu lý giải về bộ luận này chính cách khác nhau.Khi bạn đọc một đề mục nào trên tờ báo,thường không thấy lý do cần thiết để đọc lại lần nữa vì bạn không cảm thấy hứng thú mà chỉ cảm thấy nhàm chán.Khi bạn đọc thật kỹ càng những bài kinh văn thâm áo được viết với một phương thức biện luận chừng hai, ba, bốn lần; có lúc bạn sẽ kinh ngạc tại sao mình sơ sót trọng điểm này hay trọng điểm nọ,cho dù trước đây đã từng đọc quá nhiều lần. Đôi khi bạn sẽ có lối lý giải mới hoặc cảm quan khác biệt.Vì thế nỗ lực không ngừng nghỉ sự luyện tập thuần thục là phương pháp chánh yếu để tránh bị quên lãng.Những người muốn đạt đến Nhất Thiết Trí [4]cần phải một lòng chuyên chú,mang tâm thái khiêm cung và nhất tâm mong cầu cứu giúp mọi loài chúng sanh hữu tình,cũng như phải tập trung mọi loài chúng sanh hữu tình,cũng như phải tập trung mọi tư tưởng để chú ý ngắm nhìn đạo sư bằng chính mắt mình và lắng nghe đạo sư bằng chính tai mình.

Lấy tâm thức trung thực để nghe pháp cũng là điều vô cùng trọng yếu.Trước tiênnên xem mình là một bệnh nhân,còn đạo sư là vị thầy thuốc.Thi nhân lỗi lạc Ấn Độ Shantideva (Tịch Thiên) nói rằng khi chúng ta khổ về một số bệnh thông thường,cần phải nghe theo lời của thầy thuốc.Huống hồ, bệnh phiền não có đến hàng trăm loại, được tạo ra do vì tham dục và sân hận thì không chút nghi vấn nào về việc chúng ta cần nghe theo những lời khai thị của một vị đạo sư cả.Phiền não thường rất hư dối.Vì khi bị phiền não như là sự phẫn nộ hiển hiện lên,chúng ta thường mất đi sự khống chế,tự chủ.Và những ưu tư vì tham đắm thường làm trở ngại giấc ngủ và ăn uống kém ngon miệng.Như một bệnh nhân không muốn phí phạm mà lại còn rất trân quý những thuốc men do y sĩ chu cấp; giáo pháp cũng vậy,khi đã được truyền thọ bởi vị đạo sư,cũng nên được bảo tồn như một báu vật.

Bệnh nhân vì muốn khỏi bệnh nên cần phải uống thuốc.Chỉ duy trì thuốc sẵn trong lọ không thôi chẳng giúp ích gì cả.Tương tự như vậy, để đời sống tâm linh được giải thoát căn bệnh phiền não mãn tính,cần phải đem giáo pháp ứng dụng vào việc hành trì và chỉ xuyên qua sự tu trì mới có thể giúp ta giải thoát được chứng bệnh phiền não.Chỉ trong một thời gian ngắn, sức nhẫn nhục của bạn càng mạnh thì lòng sân hận càng giảm và sự cung kính lễ độ đối với tha nhân càng tăng trưởng.Khi sự kiêu căng và lòng ngã mạn giảm xuống thì những ảnh hưởng của phiền não cũng dần dần vơi bớt.Ngài Tsong-Kha-pa nói:một người không thể trị dứt chứng bệnh phong cùi mãn tính với một vài lần uống thuốc mà phải uống thuốc không ngừng nghỉ.Cùng thế ấy,lòng chúng ta từ vô thủy đến nay cứ mãi bị kềm kẹp trong vô minh phiền não, đâu thể vội nghĩ tu hành một đôi lần là giải thoát được?Làm sao chúng ta có thể kỳ vọng rằng chỉ đơn giản xem qua một tập sách y khoa là có thể trị lành được một chứng bệnh?

Phật giáo Tây Tạng có bốn giáo phái: Nyingma [5]Sakya [6]Geluk [7]và Kagyu [8]. Tuyên xưng giáo phái nào cao hơn giáo phái kia là sai lầm to lớn.Họ được truyền thừa từ chung một vị đạo sư, Đức Thích Ca Mâu Ni; họ đều kết hợp toàn bộ hệ thống Hiển Tông và Mật Tông. Đối với tất cả bốn giáo phái tôi đều bồi dưỡng đồng nhất một tín niệm: đó là lòng kính ngưỡng tán thán.Tôi làm như thế không nhằm để bày tỏ một cách thức ngoại giao,mà do lòng tin kiên định, Điều này cũng đồng thời phù hợp với vai trò của tôi là một Đạt Lai Lạt Ma muốn có sự hiểu biết đầy đủ những giáo pháp của cả bốn giáo phái để có thể dâng kiến ngôn chi những ai tìm đến tôi.Nếu không,tôi giống như một bà mẹ mắt thấy con mình chết chìm mà không có tay để cứu vớt.Có lần,một vị hành giả phái Nyingma đến hỏi một vài phương pháp tu trì mà chính tôi không hiểu mấy.Tôi đã hướng dẫn ông ta đến một vị Đại sư có thể giải đáp được thắc mắc của ông,nhưng tôi cảm thấy buồn chán vì không thể đáp ứng như nguyện sự thành khẩn cầu giáo của ông.Nếu nguyện vọng người khác vượt quá khả năng của mình thì đó là một chuyện khác,nhưng nếu nguyện vọng này còn nằm trong phạm trù năng lực của chính mình thì điều tối ư quan trọng là phải thỏa mãn được mọi nhu cầu tâm linh của càng nhiều chúng sanh hữu tình càng tốt.Chúng ta cần phải học tập mọi khía cạnh của giáo pháp và cần phát triển lòng tùy hỷ tán thán đối với tất cả.

Cũng không nên xem Phật giáo Tây tạng cao hơn các sự truyền thừa của những nước Phật giáo khác.Tại Thái Lan,Miến Điện và Tích Lan v.v… các vị xuất gia chân chính đã rất thâm tín và đã giữ gìn phương thức tu hành của Tăng Đoàn.Không giống như người xuất gia Tây Tạng, họ vẫn bảo tồn phong tục có hơn 2500 năm trước của chính Đức Phật và tăng đoàn của Ngài là phương thức nâng bát khất thực.Tôi từng ở Thái Lan,tham gia tăng đoàn và theo họ tu chung.Một ngày oi ả và chói chang bởi ánh nắng mặt trời,vì theo truyền thống đi chân không nên chân tôi đã bị phỏng nặng.Ngoài việc này ra,trông thấy sự tu hành của các bậc tăng già tại Thái Lan đã làm cho mọi người rất cảm kích,phấn chấn.

Nhiều người gần đây chỉ thấy toàn những điều tiêu cực trong truyền thống của những khóa tu hay nghi thức tôn giáo.Họ chỉ thấy những tổ chức tôn giáo lợi dụng những khóa lễ để bóc lột của cải tín đồ.Tuy nhiên những sai trái mà họ thấy không phải là sai trái của những truyền thống tôn giáo,nhưng chính là của người tự xưng là tín đồ của tôn giáo,chẳng hạn như những thành viên của các tu viện hay các chùa chiền đã viện dẫn các lý do tâm linh để tự lợi bằng những chi tiêu của các thành viên khác.Nếu tự thân những người lãnh đạo tinh thần bất cẩn, sẽ ảnh hưởng đến mọi người đang tu.Mọi cố gắng để sửa chữa những sai lầm thường bị gán cho là một hành động đã kích toàn bộ truyền thống.Nhiều người đã kết luận rằng tôn giáo chỉ làm hại và chẳng giúp ích được gì cho họ.Họ khước từ bất cứ hình thức tín ngưỡng nào.Một số người khác thì hoàn toàn thờ ơ lãnh đạm với mọi tu sửa tâm linh và tự mãn với lối sống thế tục của họ.Họ có những thoải mái về thể chất và vật chất và do đó họ không tán thành cũng chẳng phản đối tôn giáo.Dầu sao thì tất cả đều bình đẳng trên phương diện tự nhiên muốn sướng và tránh khổ.

Nếu khước từ sự dụng công tu sửa tâm linh,trong trường hợp này là khước từ Phật giáo,chúng ta cũng không còn tin vào thuyết nghiệp lực và cũng sẽ không thể thấu hiểu được rằng những bất hạnh của mình chính là kết quả của những hành vi tạo tác xấu ác trong quá khứ.Những bất hạnh này có thể được hiển lộ ra ngoài như là những lỗi lầm của xã hội,của cộng đồng hay của người quen gây ra.Từ đó chúng ta bắt đầu oán trách người khác về những lỗi lầm mà rõ ràng là do chính tự thân mình gây ra.Sự oán trách này sẽ làm gia tăng những thái độ cố chấp như tự xem mình là trung tâm điểm,như tham đắm,như ân hận…chẳng hạn.Liên kết với những loại tâm thái giả dối như vậy,chúng ta sẽ trở nên chấp luyến vào mọi tài vật của mình và sẽ bị gò bó trong định kiến hồ nghi hoặc thậm chí ngay cả trong bệnh vọng tưởng. Đảng Cộng Sản Trung Quốc vì lý tưởng giải phóng mà đã hủy bỏ tôn giáo.Họ gọi nhau bằng đồng chí,và đã hy sinh rất nhiều trong trận chiến cho cuộc giải phóng quê hương của họ.Sau khi nắm quyền, họ tạo ra những tranh đua chính trị và hiện giờ thì thường xuyên chống đối lẫn nhau.Phe này muốn thắng phe kia và cuối cùng là phe này tiêu diệt phe kia.Tuy chủ nghĩa Xã Hội có mục tiêu lý tưởng mưu cầu phước lợi chung cho tập thể nhưng cách thức để đạt được mục tiêu ấy lại tương phản với tập đoàn dân chúng và tâm thái nhân dân cũng đã biến thành đối nghịch.Dưới mô thức này,chủ nghĩa Cộng Sản trở nên quá tàn ác và tai hại vì tất cả mọi tinh lực nhà nước đều chủ hướng về phần cấm ngăn đàn áp hơn là tháo gỡ giải phóng.

Tương phản với Cộng Sản, biết bao vị đại hành giả đã đi trên con đường Phật pháp, lấy tâm từ bi làm căn bản để định hướng cho cuộc đời của họ.Với những động cơ như vậy,chủ tâm căn bản của bạn là phục vụ cho sự lợi ích của mọi hữu tình chúng sanh mà bạn đang cố công vun bồi tâm niệm chánh hướng cho họ.Cho dù sự tổn thất gây ra bởi đảng Cộng Sản Trung Quốc tại Tây Tạng và Trung Hoa đã được phối hợp bằng một kế hoạch tương đối lớn lao nhưng tôi vẫn hoài nghi là họ có thể kiến thiết nên một xã hội tiến bộ hơn; lý do là vì họ thiếu mất động lực của Đại Bi Tâm.

Khi chúng ta quan sát cuộc đời của chính Karl Marx và nguồn gốc đích thật của chủ nghĩa Marxism,chúng ta sẽ khám phá rằng ông đã trải qua biết bao khổ đau vĩ đại trong đời mình và đã đề xướng chiến đấu liên tục nhằm lật đổ giai cấp trung sản.Viễn kiến của ông dựa trên căn bản đối nghịch.Bởi vì động lực chánh yếu như vậy,nên toàn thể cơ cấu hoạt động của chủ nghĩa Cộng Sản đều bị thất bại.Nếu động cơ ban đầu được đặt để trên nền tảng của lòng từ bi và vị tha,có lẽ mọi sự mọi việc đều rất khác biệt.

Tại những quốc gia phát triển mở mang,có biết bao người thờ ơ với mọi hính thức tu sửa tâm linh,dù rất giàu có về vật chất nhưng họ cũng không hoàn toàn hài lòng thỏa mãn.Tuy giàu nhưng không biết đủ.họ quằn quại thống khổ vì”muốn thêm”;vì vậy dù vật chất có sung mãn nhưng nội tâm vẫn nghèo nàn.Khi khám phá ra rằng không thể nào sở hữu được mọi vọng cầu thì phiền não thực sự phát khởi.Họ trở nên chán nản bi quan và sự bồn chồn lo âu sẽ kéo ập đến.Tôi từng hàn huyên với một số thân hữu rất giàu,do họ lấy vật chất làm nhân sinh quan,miệt mài bởi công việc và không còn rảnh tay để tu hành ngõ hầu có thể giúp họ đạt được một vài viễn kiến nào đó.Trong tiến trình ấy, họ đã thật sự đánh mất đi giấc mơ an vui hạnh phúc mà đáng lẽ ra đồng tiền phải mang lại cho họ.

Trong cách tu hành theo Phật giáo,chúng ta cẩn thận trọng thẩm định đau khổ thay vì tìm cách tránh né nó –sanh khổ,lão khổ,cái khổ biến động thân phận trong cuộc đời,cái khổ phưởng phất bất định,và tử khổ.Cố gắng cẩn thận để thẩm tra,tư duy chúng ngõ hầu chúng ta có được sự chuẩn bị khi phải thật sự đối diện với chúng.Khi đối đầu với cái chết,chúng ta biết rằng đại hạn đã đến. Điều đó không nói lên là chúng ta không tự bảo vệ thân thể mình.Khi lâm bệnh chúng ta vẫn uống thuốc để tránh thoát tử thần.Nhưng nếu cái chết là điều không thể tránh khỏi thì người tín đồ Phật giáo sẽ được chuẩn bị trước.Hãy tạm thời gác qua một bên câu hỏi về sự sống sau cái chết, sự giải thoát hay trạng thái Nhất Thiết Trí.Cho dù ngay trong đời này, chỉ cần tu duy đến nghĩa lý Phật Pháp và đặt sự tin tưởng nơi Phật Pháp thì cũng có nhiều lợi ích thực tiễn rồi.Tại Tây Tạng,dẫu rằng Trung Cộng đã phá hoại tận cùng và dày vò một cách hệ thống,nhưng người Tây Tạng vẫn không đánh mất đức tin và lòng quyết tâm.Tôi cho rằng đó là do truyền thống Phật giáo mà có.

Sự bức hại Phật Giáo dưới ách thống trị của Trung Cộng tuy không kéo dài lâu bằng dưới thời kỳ của vua Lang-dar-ma vào thế kỷ 9,nhưng mức độ tàn phá lại vĩ đại hơn nhiều.Khi vua Lang-dar-ma hủy hoại Phật Pháp,chính Ngài Atisha là người đã đến Tây Tạng và dựng lại toàn bộ phương pháp tu học Phật Giáo.Hiện tại,trách nhiệm thuộc về chúng ta dù chúng ta có đủ hay không đủ khả năng trùng hưng lại những sự hủy hoại một cách có hệ thống của Trung Cộng.Phật giáo được xem như một kho tàng bảo vật chung cho cả thế giới.Truyền thụ và lãnh hội giáo pháp là một đóng góp vào sự phong phú của nhân loại.

Có thể còn nhiều vấn đề mà bạn chưa mang ra tu hành ngay tức khắc được.nhưng hãy giữ trong tâm bạn,ngõ hầu có thể sử dụng đến cho năm sau hoặc năm năm sau hoặc mười năm sau đó miễn là những giáo pháp ấy chưa bị chìm vào quên lãnh.Dẫu rằng người Tây Tạng chúng tôi đã và đang sống một cuộc sống lưu vong bi thiết,phải chịu cảnh mất cả ruộng vườn nhà cửa, xứ sở,quê hương chúng tôi vẫn có đầy đủ cơ hội để hành trì Phật Pháp một cách không chướng ngại.Dù cư ngụ trên bất cứ quốc gia nào,chúng tôi cũng lãnh hội được Phật Pháp qua các vị giáo thọ lưu vong và chúng tôi còn biết tạo điều kiện nhân duyên cho việc tu thiền hữu ích nữa.Nhân dân Tây Tạng đã làm như vậy ít ra từ thế kỷ thứ 8 đến nay.Những người còn ở lại Tây Tạng sau cuộc xâm lăng của Trung Hoa năm 1959 đã phải trải qua nhiều sự khổ đau nghiêm trọng của thân xác và tâm thần.Tự viện bị bỏ hoang, sư trưởng bị bắt bớ và mọi việc tu hành trở thành lý do để phạt giam hoặc để xử tử.

Cần phải tận dụng mọi cơ hội để thực hành chân lý, để tự trau dồi thay vì trông đợi đến khi mà chúng ta nghĩ rằng ít bận rộn hơn.Giống như ngài Gung-thang Rin-poche đã nói,mọi sinh hoạt trên thế gian này đều giống như sóng nước trong ao hồ: lớp này tan biến thì lớp khác trồi lên,chẳng bao giờ cùng tận.Mọi biến động của những sự vật trên thế gian này sẽ tiếp diễn mãi cho đến giờ phút lâm chung; chúng ta hãy nên cố gắng dành một ít thời gian trong sinh hoạt thường ngày để tu tập theo giáo pháp Phật.Ngay trong thời điểm hôm nay,khi đã mang được thân người hiếm qúy, đã gặp được Phật Pháp lại còn có được niềm tin vào Phật Pháp nữa-nếu như không biết dụng công tu hành thì quả tình chúng ta khó lòng gánh vác được việc tu tập trong những kiếp sống vị lai khi mà chúng ta không còn những điều kiện nhân duyên như vầy nữa.

Hiện tại,chúng ta đã gặp được một pháp môn thâm sâu mầu nhiệm-trong đó, bao gồm những phương pháp có thể đạt đến cảnh giới khai ngộ giải thoát,rất dễ hành trì và chứng đắc.Nhưng nếu chúng ta không chịu nỗ lực để tạo ra một số ảnh hưởng trong đời sống bằng Phật pháp thì đáng buốn tiếc biết bao!

[1]Phương thức tu trì giới luật hoằng truyền hiển tông tự viện:the practice of monastic discipline.

[2]Phương thức tu trì quảng đại bi tâm:the vast and compassionate practice of sutra.

[3]Đường Khá: AThangka (A Tibetan Buddhist scroll)

[4]Nhất Thiết Trí: năng lực trí huệ mà Phật có sẵn.

[5]Nyingma: Ninh Ma

[6]Sakya: Tát Già

[7]Geluk: Cách Lỗ

[8]Kagyu:Cát Cử


CHƯƠNG 2: THƯỢNG SƯ

Quá khứvô số Đức Phật xuất thế,chúng ta đã không có đủ phước báu để gặp gỡ. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã đến với cõi đời ác trược này để hóa độ chúng sanh trong thời Mạt Pháp.Ngài đã thị hiện xuống thế gian này cách đây trên 2500 năm trước và từ đó đến nay đã khai hiển chánh đạo nhằm giải thoát sự đau khổluân hồi cho vô số chúng sanh.

Tuy nhiên,chúng ta không có phước báu để được Đức Phật trực tiếp dẫn dạy; do vậy,tâm niệm vẫn còn phàm phu chưa được thuần thục.Tại Ấn ĐộTây Tạng đã từng có biết bao vị đạo sư đã đến được cảnh giới giác ngộ viên mãn.Nhiều vị khác cũng đã đạt đếntrình độ liễu ngộ cao thâm trong khi một vài vị khác chỉ mới cất bước hướng theo con đường giác ngộ.

Giáo pháp đã hiện diện cách đây từ nhiều thế kỷ; nhưng điều quan trọng trong sự hiện diện của giáo pháp không phải ở chỗ là sự lưu truyền có được miên viễn hay không,mà ở chỗ là Phật pháptồn tại trong lòng chúng ta hay không,có sống động trong hành vi của chúng ta hay không?Nếu chúng ta hài lòng chỉ vì giáo pháp hãy còn hiện hữu trên thế gian thì sẽ có nguy cơ bị hủy hoại vì không còn ai có thể thuyết giảng bằng kinhnghiệm thực tư của chính mình nữa.Ngài Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 13 sau khi viên tịch năm 1933,người Tây Tạng đã tự cách ly.Mặc cho sự canh tân rộng lớn của nhiều quốc gia khác trên thế giới,người Tây Tạng lại tự cô lập lấy mình và đó là nguyên nhân mở đường cho Trung Quốc xâm lược Phật giáo Tây Tạng hiện nay nhược điểm bị suy thoái từ sau cuộc lưu ly thất tán của toàn dân; do vậy, điều quan yếu là phải thật sự dồn nỗ lực vào việc tu học Phật pháp.Ngay trong những thời điểm nguy kịch này,chính vị đạo sư là người đã bảo hộcứu độ chúng ta.Vị Thượng Sư[1] chính là người đã giới thiệu một giáo pháp thậm thâm vi diệu đã từng được khai mở bởi Đức Phật trong một phương cách xứng hợp với căn cơ hiểu biết của chúng ta.Mặc dầu tất cả Chư Phật đều tích cực nổ lực vì lợi ích của các loài hữu tình chúng sanh nhưng chúng ta có thể thưởng thức cảm nhận được những ích lợi ấy hay không cũng còn tùy thuộc vào mối quan hệ của chúng ta với vị đạo sư.Vị đạo sư là cửa ngõ duy nhất dẫn đưa đến sự chứng ngộ bởi vì ngài là vị thầy sống mà chúng ta có thể trực tiếp liên lạc được.Nếu chúng ta không tuân chỉ theo sự khuyến dạy tu hành và theo cách thức hướng đạo đời mình thì gặp gỡ được một vị đạo sư không chưa đủ.Nếu có phước báu nhận lãnh được những huấn thị trên đây, điều này nói lên ý nghĩa rằng chúng ta đã tránh được đa sốchướng ngại then chốt trong việc tu tập Phật pháp,do đó điều quan trọng là hãy tự làm cho cuộc đời còn lại của chúng ta đượm nhiều ý nghĩa bằng cách dấn thân hành trì chánh pháp.Nếu nhập cuộc ngay bây giờ,chúng ta sẽ đương nhiên có thể thẳng tiến trên con đường giác ngộ.

Tu hành bất luận là đường lối nào đều cần đặt nền tảng trên những huấn thị bao quát, hàm súc và xác thực.Cần phải suy xét cẩn thận loại phương thức tu hành nào chúng ta muốn thực tu và những giáo phápnào chúng ta muốn đặt nền tảng để dụng công thực tập. Đại học giả Tây Tạng Sakya Pandita[2] (1182-1251) từng nói: đối với những việc thế tục như khi đi mua một con ngựa,người ta rất thiết tha quan tâm.Do vậy, điều quan trọng là chúng ta càng phải trở nên kén chọn hơn,khi tuyển lựa phương cách tu tập giáo pháp và chọn lựa sư trưởng; bởi vì cứu cánh của bạn là thành tựu Phật Quả chứ không vị phương tiệnvận chuyển.Một vị Thầy có chân xác hay không chưa hẳn tùy thuộc vào khả năng dẫn thuật từ Phật Kinh.Bạn cần nên phân tích ngôn hạnh và cử chỉ của vị ấy.Xuyên qua sự phân tách tỉ mỉ không ngừng, bạn sẽ có thể phát sinh lòng kính ngưỡng sâu xa đối với vị ấy.

Vị đạoTây Tạng Po-To-Wa[3] (1031-1106) đã nói:khởi điểm của con đường giác ngộ viên mãn là học tập kiến ngôn của Đạo sư; còn kinh nghiệm liễu ngộ nhỏ nhất hay sự đoạn trừ được phiền não nhỏ nhất nào cũng đều là thành quả giáo huấn của vị đạotinh thần.Nếu không có một luật sư giỏi cố vấn chỉ dẫnthì chúng ta không sao xử lý được công việc; nếu phải tiến bước trên con đường chưa quen thuộc nhằm thánh tựu Phật quả thì tính cách trọng yếu cỏa một đạo sư tinh thần là điều không có gì để còn phải đặt thành nghi vấn.

Có một số tình huống đã xảy ra, đó là một số người vốn sẵn thông minh tài trí có vẻ như rất khéo léo và tinh anh;nhưng khi muốn chuyên tâm quay hướng theo Phật pháp thì tâm thức lại trở nên tê cóng. Điều này biểu hiện rằng họ chưa tích tập đủ tiềm năng của thiện căn.Còn một số trường hợp khác là,có người tuy rất tinh khôn và sở đắc được một kiến văn quảng bác về Phật pháp,nhưng kiến văn này lại không gây được ảnh hưởng nào cho tâm thức họ cả.Họ chẳng đem sự hiểu biết để dụng công tu hành.Dưới tình huống này, đạo sư tinh thần rất cần yếu.Sự liễu ngộ cao thâm đặc biệt chỉ đạt được xuyên qua sự chỉ giáotuần tự của một vị đạo sư có kinh nghiệm thực chứng.Vị sư trưởng trở nên một gương sáng để noi theo và là mạch nguồn hứng thú để hành trì chánh pháp.Dù duyệt đọc những kinh văn nói về cách tu luyện Đại Bi Tâm,cũng có thể khiến ta phát khởi lòng xác tín kiên định; nhưng gặp gỡ được một vị hiện tiền đã từng thật tu và còn có thể trao truyền lại cách thức luyện Đại Bi Tâm bằng chính kinh nghiệm của vị ấy nữa thì sự khích lệ càng mạnh mẽ hữu lực hơn con đường chưa quen thuộc nhằm thành tựu Phật quả thì tính cáchtrọng yếu của một đạo sư tinh thần là điều không có gì để còn phải đặt thành nghi vấn.

Đại sư Tsong-Kha-Pa nói rằng: trừ phi nội tâm sư trưởng đã được điều phục,nếu không thì khó hy vọngrằng ngài sẽ điều phục được tha nhân.Cử chỉ và ngôn hạnh của sư trưởng cần được tiết chế,nội tâm cần phải được phòng vệ tránh xao lãng loạn động do nhờ vào động lực chuyên chú.Họ nên dùng huệ lực[4] để trang bị,và thấu triệt xuyên suốt mọi hiện tượng bề ngoài.Nội tâm của một người sẽ được cho rằng là đã thuần thục nếu người này đạt được sự rèn luyện nghiêm mật hơn trên phương diện giới luật.Trong “Biệt giải thoát giới kinh”[5] bộ kinh nói về những thệ nguyện xuất gia tu hành,nội tâm được ví như con ngựa hoang và sự tuân hành các giới luật được ví như chiếc dây cương để điều phục con ngựa hoang ấy.Vì thế,khi lòng chưa được thuần nhuyễn và bắt đầu cách ly hướng đến đạo quả giác ngộ cũng như say đắmtheo những hành vi tiêu cực,thì ngựa hoang cần phải được dây cương giới luật chế ngự, để ngăn ngừacho thân tâm không bị vi phạm những hành vi xấu xa tiêu cực kia.

Một vị sư trưởng xứng đáng còn cần phải được khéo léo rèn luyện định lực tu tập ở một tầng bậc cao hơn,cụ thể hóa bằng cách vận dụng phương pháp quán chiếu và tự kiểm không ngừng.Gần đây,những người còn ở lại Tây Tạng, đã đạt được kinh nghiệm to lớn trong pháp tu chánh niệm[6]; và chánh tri phản tỉnh[7] vì bất cứ hành vi nhỏ nhiệm nào để diễn đạt sự kháng nghị cũng đều gây phẫn nộ cho chế độ Trung Cộng.Họ phải luôn cẩn thận và giữ tâm chánh niệm để lưu ý thử xem phải chăng mình đã vượt quá qui định nào.Vị sư trưởng còn cần phải được vẹn toàn an định bởi sự tôi luyện cao đẳng của tuệ giác để thấu triệt được thể tánh của mọi hiện tượng hư ảo.

Ngài Tsong-Kha-Pa nói:chỉ có điều phục nội tâm của mình không chưa đủ mà phải cùng lúctri thức đối với giáo pháp nữa.Ngài Lạt Ma Drom-ton-pa [8] từng nói: khi một vị tôn sư diễn giảng về một tiêu đề đặc biệt nào đó,ngài cần có khả năng liên kết tiêu đề ấy với toàn bộ hệ thống kinh điển của con đường tiến đến Phật quả.Sư chưởng cần chuyển đạt được sự thấu triệt của mình về toàn bộ tiêu đề đó thành một phương thức lợi lạc và dễ dàng áp dụng.Như kinh sách đã dạy: chư Phật không thể rửa sạch nghiệp chướng của muôn loài,cũng không thể tẩy trừ được khổ đau cho muôn loài,càng không thể chuyển nhượng sự liễu ngộcủa các ngài sanh chúng ta được.Chỉ cần khai mở một chánh đạo cho chúng ta tuân phụng thực hành; đó là chư Phật đã giúp cho mọi loài chúng sanh đạt được giải thoát rồi.

Mục đích chủ yếu trong việc giảng dạy muôn loài là giúp họ thấu hiểu được đạo mầu.Vì thế,trọng yếu là phải có một phương thức thuyết pháp thu hút,làm đủ mọi điều cần thiết đề diễn đạt đúng được tiêu đích.Tâm cơ truyền giáo phải thuần chánh.Không nên vì động cơ mong cầu danh tiếng hoặc lợi dưỡng.Nếu tiền bạc là động cơ thúc đẩy thì việc truyền giáo chỉ trở nên một sinh hoạt của thế tục thôi.Năm 1951,trước khi Trung cộng xâm nhập,một số người tại Lhasa lấy việc tụng kinh hoặc xướng ca để kiếm tiền. Điều này vẫn còn xảy ra tại Tây Tạng.Khách du lịch tụ tập chung quanh và chụp hình lưu niệm.Tôi cảm thấy khá đau lòng khi Phật pháp được dùng như một công cụ để xin ăn chứ không phải để thăng hoa đời sống tâm linh.

Ngài Po-To-Wa đã nói:mặc dù truyền giảng rất nhiều giáo pháp nhưng thâm tâm ngài chưa hề chấp nhậnbất luận sự khen ngợi nhỏ nhất nào, bởi vì ngài đã truyền giáo bằng tấm lòng bi mẫn đối với mọi loài chúng sanh.Ngài tôn quý sự truyền dạy như là trách nhiệm của chính mình vị mục đích ban sơ vẫn là sự giúp đỡ tha nhân.Không có lý do nào để khiến kẻ khác cảm thấy mang nợ ta,những gì ta đang làm chỉ là đang hoàn mãn lời nguyện thề của chính mình mà thôi.Giống như khi bạn ăn thì cũng không có lý do để cảm tạ chính mình vì ăn uống chỉ là một việc mà bạn cần phải làm.

Ngài Tsong-Kha-Pa nói: vị đạotinh thầnđạo diễn của bạn trên chánh đạo hướng đến giác ngộ,y hệt như một nền tảng hay một gốc rễ để được chứng ngộ.Vì thế những ai đang tìm kiếm một vị đạotinh thần cần biết rõ những tư cách cần thiết để có thể phán đoán xem vị đạo sư ấy đã hội đủ tiêu chuẩnchưa.Trên thế gian này, nếu không có một vị lãnh đạo xứng đáng thì không thể cải thiện xã hội được.Trừ phi đạo sư tinh thầntư cách thích đáng,dẫu rằng với tín tâm kiên định nhưng nếu bị hướng dẫn sai đường thì đeo đuổi theo vị đạo sư này vẫn bị nguy hại.Do vậy,trước khi thật sự chọn lựa một vị đạo sư cho mình, điều thiết yếu là phải xem xét,dò hỏi nhiều người khác về vị đạo sư này và cũng nên tự kiểm chứng lại nữa.Khi đã tìm được một vị nào thích hợp rồi thì lúc ấy mới bắt đầu quan tâm liên hệ với vị ấy. Đối lại,một vị đạotinh thần muốn tiếp nhận một người nào đó thành đệ tử của mình; quan trọng nhất phải tự châu toàn đầy đủ phẩm hạnh để xứng đáng là một vị thầy lãnh đạo.

Một vị Lạt Ma chỉ vì có một số tùy tùng hoặc người hậu cần vẫn không đủ yếu tố để trở thành vị đạotinh thần.Có sự khác biệt giữa một đạo sư và một Tulku vừa là Lạt Ma,có một số vị chỉ là Tulku chứ không phải là Lạt Ma,và một số vị là Lạt Ma nhưng không phải là Tulku.Trong dòng tộc đoàn thể Tây Tạng,Tulku có địa vị cao và rất được sùng kính.Nếu họ không có phẩm hạnh đạo sư thì cũng chỉ là một danh vị của xã hội thôi.Trong xã hội Tây Tạng và ngay cả ở Tây phương,nơi có rất nhiều các vị Lạt Ma đang truyền giáo; người ta thường quy kính ngay tức khắc những vị nào được tôn xưng là Tulku.

Một số vị khác,tuy cũng thực tu nghiêm mật nhưng không được sùng kính nhiều như vậy chỉ vì họ chưa được ấn chứng là Tulku.Một triết gia vĩ đại nhất ở Ấn Độ,Ngài Long Thọ [9],được nhiều hành giả hậu bốitôn là đạo sư tuy trằng tên tuổi ngài đơn giản;hơn nữa chẳng có sự ghi chép nào rằng là ngài đã từng có tùy tùng hoặc bí thư.Lạt Ma Tây Tạng chúng ta thường có danh xưng rất dài,thậm chí có những danh xưng còn khó phát âm nữa.Trên thực tế,không cần thiết danh xưng nào khác hơn là Tỳ kheo (Tăng lữ)-danh xưng đã được chính Đức Phật phong cấp. Đây là một vài sai lầm của xã hội Tây Tạng.Người Tây Tạngchúng tôi không đặt sự chú ý đến chiếc cà sa màu vàng do Đức Phật đích thân cấp phát nhưng lại quan tâm nhiều đến những y phục dùng để biểu lộ cấp bậc của một người cao trội.Các đạo sư Ấn Độ cận đại đã đội mũ đỏ,và những đệ tử của các vị ấy ở Tây Tạng lập tức đặc biệt chú ý đến chiếc mũ đỏ này thay vì chú ý đến những gì thật chân chánh trọng yếu.

Không nên quá nhấn mạnh đến tầm mức quan trọng phải tìm cho ra vị sư trưởng đáng tin cậy,và tôi thiết nghĩ tình hình chính trị đất nước Tây Tạng đã tỏ ra điên rồ khi chẳng biết hoài nghi về người lãnh đạo.Ngụy trang dưới hình thức người bảo trợ và người có chánh nghĩa,Trung quốc đã thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với Tây Tạng.Chúng ta không ngờ Trung Hoa làm thế với ý đồ miêu tả Tây Tạng như một tỉnh trong chính quốc gia họ để rồi sau rốt dùng luận cứ này biện minh cho sự xâm lăng.Nếu khôngtinh thần trách nhiệmtrong việc chỉnh đốn nội tình của chúng ta trên cả hai phương diện tôn giáoxã hội; ắt hẳn chúng takhông tránh khỏi sự hối tiếc về sau.

Vị đại tăng sĩ Geshe Sang-Pu-wa [10] (vào thế lỷ thứ 12) đã có rất nhiều sư phụ tinh thần.Có lần,khi đang du hóa từ Tạng Đông,ngài đã gặp một cư sĩ tại gia đang giảng kinh.Geshe Sang-pu-wa liền đến nghe pháp.Những tùy tùng của ngài đã hỏi tại sao ngài lại cần đi nghe một cư sĩ tại gia giảng pháp.Geshe Sang-pu-wa trả lời rằng: tôi đã từng nghe qua hai quan điểm rất hữu ích.Bởi vì có thể vừa phát khởi lòng hâm mộkính phục vừa có cả sự tín tâm đối với nhiều người,nên không có gì trở ngại khi ngài có nhiều thầy cùng một lúc.Những người như chúng ta với nội tâm chưa được thuần thục nên thường dễ dàng trông thấy những khuyết điểm của vị đạo sư và tín tâm lại còn có khuynh hướng bị lung lạc một cách dễ dàng-tốt hơn là nên có ít sư phụ nhưng lại liên hệ tốt đẹp với các sư phụ của mình khi mà mình vẫn còn có khuynh hướng trong thấy khuyết điểm và đánh mất niềm tin chỉ vì sự thấy biết những lỗi lầm phiến diện hoặc tưởng tượng nơi các vị này.Bạn có thể tự do tha hồ có càng nhiều đạo sư càng tốt nếu bạn không vấp phải những trở ngại này.

Khi bạn xem vị đạotinh thần là hiện thân của tất cả Chư Phật mà quy y thì loại tịnh tín đó được xây đắpdựa trên nhận thức rằng vị Thượng Sư được ví nhưcăn bản và cội rễ của mọi tăng trưởng thì loại tịnh tín đó được xây đắp dựa trên nền tảng là một sự xác tín kiên định.Khi phát triển niềm tin đối với vị đạo sư bằng cách tuân thủ theo lời chỉ giáo của ngài, điều đó được gọi là tịnh tín gia trì.Thông thường mà nói,tịnh tín được nêu ra như là cội rễ hay cơ sở của mọi đạo đức thiện niện.Khi có thể thấy rằng đạo sư của mình cũng bình đẳng như chính bản thân đức Phật,thì bạn có thể tự chấm dứt nhìn ngó những sai trái và sẽ chỉ tri nhận mọi ưu điểm tốt đẹp của ngài.Nhưng tịnh tín phải dựa trên thử thách và trắc nghiệm.Vì vậy, bạncần phải cố gắng không ngừng và hãy suy đoán cẩn thận để tránh bớt nhìn ngó các khuyết điểm và hãy nỗ lực tìm kiếm những ưu điểm to lớn của sư trưởng; bởi vì tất cả những soi mói tìm kiếm các khuyết điểm như vậy trên thực tế rất có thể chính là do sự dụng tâm trù dự của bạn.Kinh điển dạy rằng đạo sư tinh thầncủa bạn trên thực tếthể không phải là một vị Phật hiện thực nhưng nếu xem ngài hệt như Phật sống thì bạn sẽ đạt được nguồn cơ cảm như thể từ một vị Phật chân chính.Hay nói ngược lại,dù đạo sư tinh thầncủa bạn trong hiện thực có thể là một vị Phật toàn bích đi nữa,nhưng nếu không thể lấy kinh tâm đối với Phật mà đối đãi thì bạn chỉ gặt hái được một sự cơ cảm gia trì của một con người thông thường mà thôi.

Trong thời đại mạt pháp những vị Thượng sư (Guru) thường đại biểu cho tất cả Chư Phật, Chư Bồ Tát để tận lực vì mục đích giải thoát mọi loài hữu tình chúng sanh ra khỏi vòng luân hồi đau khổ.Trong nhiều mật pháp đã từng được tiên tri từ trước rằng, Đức Phật sẽ lấy hình tướng của Thượng sư (Guru) để thị hiệnvào thời buổi lộ ra ngoài một cách mạnh mẽ hơn vào thời Mạt pháp; điều này có thể gây hoang mang xáo trộn cho những ai kỳ vọng một hình thức cố định đối với Đại Bi Tâm.Nếu không dễ dàng tiếp nhận lòng bi mẫn và sự minh huấn của Chư Phật thì không có sư trưởng nào có thể giúp đỡ gì nhiều cho chúng tađược.Nhưng,tín ngưỡng và lòng xác tín kiên định sẽ thông hướng chúng ta đến pháp lực của Chư Phật.Bi tâm lớn mạnh của Chư Phật hướng về tất cả chúng sanh,không có biệt lệ nào cả.Điều này bao gồm cả bạn và tôi.

Có một bài giáo thị nói rằng: “Khi ta đang phiêu du trong luân hồi sanh tử,Ngài (Đức Phật) đã tìm đến ta và soi sáng mọi tăm tối vô minh của ta.Ngài đã hướng dẫn ta bằng một con đường quang minh chính đạigiải phóng ta vượt thoát mọi trói buộc phiền não”. Dựa vào quá trình của sự Chỉ Diệt,chúng ta có thể phát hiện rằng Phật đang vì ta mà nỗ lực.Hãy tự vấn: ai trong số những người cận kề đã chỉ đạo cho bạn thoát xa khỏi vòng luân hồi đau khổvô minh,tham đắm và sân hận? Là một trong song thân bạn chăng?Bằng hữu bạn chăng? Vợ hay chồng bạn chăng? Bằng hữu bạn không thể,thân quyến bạn không thể, song thânbạn cũng không thể nốt.Vậy thì,nếu có một vị Phật nỗ lực vì bạn, ắt hẳn vị ấy là người đã dẫn đạo để bạn chứng đắc được quả vị giác ngộ.Sư trưởng của bạn đấy. Đó là nguyên nhân ta nên xem sư trưởng hệt như một vị Phật châu toàn viên mãn.Quá khứ từng có nhiều dẫn chứng,do chướng ngại nội tâm,người tu đã trông thấy một vị Phật chân thật mang hình tướng tầm thường.Ngài Asanga[11] (thế kỷ thứ 4 C.E.) đã từng trông thấy ngài Di Lặc Bồ Tát [12], đức Phật đời vị lai thị hiện thành một con chó cóc ghẻ đầy mình; và ngài Sang-pu-wa [13] thì trông thấy vị Phật Mẫu hiện thành một bà lão cùi hủi.Nếu chúng ta có thể hội ngộ được những vị đại sư của quá khứ,các vị này đã từng chứng ngộ trong cùng một hiện kiếp; thoạt nhìn họ chỉ như một đoàn hành khất bình dịẤn Độ,dạo quanh khắp vùng áo quần lõa thể và trên trán có xâm vẽ nhiều hành chữ.

Khi tôi đề cập đến sự quan trọng của lòng kính ngưỡng đối với sư trưởng và sự nhận tri rằng sư trưởngnhư một vị Phật;xin chớ hiểu lầm tôi đang ám chỉ cá nhân tôi là Phật. Đây không phải là trường hợp đó ,vì tôi biết tôi không phải là Phật.Bất cứ là tôi được tôn sùng,tuyên dương hay bị kết án;tôi sẽ luôn là một tăng lữ Phật giáo bình phàm như hiện giờ tôi đang là một tăng sĩ,và tôi cảm thấy rất thoải máian lạc.Người ta gọi tôi là Đại Bi Bồ tát, bồ tát Quán Thế Âm;nhưng điều này không làm tôi trở thành Quán Thế Âm [14] Bồ Tát được.Người Trung Cộng gọi tôi là con chó sói mặc áo cà sa,nhưng điều này cũng không khiến tôi thua một con người và hơn một con chó sói.Tôi vẫn nguyên vẹn là một tăng sĩ tầm thường.

Nếu tuân theo những huấn thị của sư trưởng khiến bạn hành động trái luân lý hoặc giả khi giáo pháp của họ mâu thuẫn với giáo lý Phật thì bạn nên làm thế nào? Bạn nên kiên trì với những gì thuộc phần đạo đứcxa lìa những gì không nhất trí với chân lý Phật pháp.Tại Ấn Độ,từng có một vị lão sư có nhiều đệ tử,muốn học trò ông đi trộm cắp.Lão sư này thuộc Bà La Môn giáo và rất nghèo.Ông bảo với các đệ tử khi người Bà La Môn trở nên nghèo khó thì có quyền trộm cắp. Ông nói,do được sủng ái của đấng sáng tạothế giới. Đại Phạm Thiên Thần,[15]làm thân một người Bà La môn trộm cướp không bị cho là vô đạo đức.Khi nhóm môn đồ sắp sửa kéo nhau lên đường hành nghề móc túi.Vị Bà La Môn bỗng chú ý đến một đệ tử đang đứng lặng yên,chiếc đầu cúi thấp xuống.Vị Bà La Môn hỏi: tại sao con chưa ra tay hành động?

Người đệ tử đáp rằng: “Hiện tại thầy đang dạy chúng tôi làm điều phản lại Phật pháp nên thiết nghĩ tôi không nên làm.” Điều này đã khiến cho vị Bà La Môn rất hài lòng, ông bảo: “Ta đang trắc nghiệm sở học các ngươi.Tuy các ngươi đều là đệ tử trung thành của ta nhưng sự sai biệt giữa các ngươi chính là khả năng phán đoán.Thằng bé này đối với ta rất trung thành,nhưng khi ta dạy điều sai ,nó đã có khả năng tri nhận được lời chỉ bảo ấy trái ngược với Phật pháp và nó đã không thi hành. Điều này rất hợp cách.Ta là thầy của các ngươi,nhưng các ngươi phải cân nhắc lời khuyên dạy của ta,khi nó trái ngược với giáo phápPhật đà,các ngươi chớ tuân theo.”

[1] Thượng Sư hay Cổ Như dịch từ chữ Guru

[2] Sakya Pandita dịch là Tát Ca Bang Trí Đạt

[3] Po-Ta-Wa dịch là Bác Ta Va

[4] Huệ lực:năng lực của trí huệ dịch từ “Faculty of wisdom”

[5] Biệt giải thoát giới kinh: Pratimoksha sutra

[6] Pháp tu chánh niệm; (application of) mindfulness

[7] Chánh tri phản tỉnh: (application of) introspection

[8] Drom-tom-pa;Chung Đôn Ba

[9] Long Thọ: Nagarjuna.

[10] Geshe Sang-pu-wa: Cách Tây Tang Bố Va

[11] Asanga:Ngài Vô Trước

[12] Maitreya:Ngài Di Lặc Bồ Tát

[13] Sang-Pu-Wa: Ngài Tang Bố Ba

[14] Avalokiteshvara:Quán Thế Âm Bồ Tát

[15] The God Brahma: Đại Phạm Thiên Thần


CHƯƠNG 3: CƠ HỘI

Hãy thử tưởng tượng một gông trâu màu vàng trôi nổi trên mặt đại dương rộng lớn.Dưới đáy bể sâu có một con rùa mù đơn độc bơi lội.,cứ cách trăm năm thì trồi lên mặt nước một lần để thở.Cơ hội như vậy có hy hữu chăng để con rùa có thể chui đầu trúng ngay lỗ gông trâu khi trồi lên cao. Đức Phật từng dạy,muốn tái sinh thân người,việc đó lại càng hy hữu hơn thế nữa.

Theo như kinh dạy,ngay cả chư thiên còn ganh ghét với thân người của chúng ta vì đấy là hình tướng hiện hữu tốt nhất để tu học.Giống như năm tỷ chúng sanh trên thế giới tất cả đều mang thân người.Tay,não,tứ chithân thể họ đều y hệt nhau.Nhưng nếu khảo sát,phải chăng mọi người đều có được cơ hội tu hànhPhật pháp giống nhau?Chúng ta sẽ thấy có sự khác biệt rất lớn.Chúng ta đang thoát được những hoàn cảnh nghiệt ngã làm trở ngại đường tu như sanh nhằm nơi tà kiến, đầu thai làm súc sanh,làm ma,làm ngạ quỷ hoặc làm thiên nhân tham đắm dục lạc, hoặc tuy có được thân người,lại khó nghe được giáo pháp hoặc sanh nơi không có giáo pháp.Những hoàn cảnh bất lợi khác cũng có thể là sanh nhằm nơi biên địa nên mọi ý tưởng sinh tồn của con người đã bị hoàn toàn tiêu hủy hoặc sanh nhằm thời đại không có Phật trụ thế.

Nhìn theo khía cạnh tích cực,chúng ta lại cũng có nhiều đặc ân để có thể tu trì giáo pháp.Ví dụ:ta được sanh nơi có giáo pháp truyền bá và được sanh làm thân người có khả năng tiếp nhận được Phật pháp.Ta không phạm vào những tội trạng cùng hung cực ác mà lại có nhằm thời đức Phật tại thế nhưng ta gặp được các bậc đạo sư có thể tiếp tục truyền thừa những giáo pháp mà các vị ấy đã tiếp thị từ thời Đức Phật trụ thế.Chánh pháp vẫn trường tồn và hưng thịnh là nhờ có những vị hành giả biết bao thí chủ công đức nhân từ đã ân trợ những nhu cầu thiết yếu cho tăng ni tu hành như thực phẩm, áo quần,nhà cửa v.v…

Nhìn theo khía cạnh tích cực,chúng ta lại cũng có nhiều đặc ân để có thể tu trì giáo pháp.Vị dụ:ta được sanh ở nơi có giáo pháp truyền bá và được sanh làm thân người có khả năng tiếp nhận được Phật pháp.Ta không phạm vào những tội trạng cùng hung cực ác mà lại có trình độ hiểu biếttin tưởng Phật pháp.Tuy không sanh nhằm thời đức Phật tại thế nhưng ta gặp được các bậc đạo sư có thể tiếp tục truyền thừa những giáo pháp mà các vị đấy đã tiếp thị từ thời Đức Phật trụ thế.Chánh Pháp vẫn trường tồn và hưng thịnh là nhờ có những vị hành giả đã nối gót theo Phật pháp.Ta cũng sống vào thời đại có biết bao thí chủ công đức nhân từ đã ân trợ những nhu cầu thiết yếu cho tăng ni tu hành như thực phẩm, áo quần,nhà cửa v.v…

Giáo pháp Phật Đà đã mang ích lợi đến cho vô số người do nhờ vào công hạnh tu tập mà họ đã đại ngộnội tâm của họ cũng tuyệt diệt được mọi phiền não.Nhưng nếu đầu thai làm súc sanh,làm chúng sanhđịa ngục hoặc làm ma đói (sẽ tường thuật ở chương thứ 5) thì sự xuất hiện của Phật pháp trên thế gian này cũng chẳng giúp ích gì được cho ta.Ví dụ: Đức Thích Ca MÂu Ni Phật sanh tại Ấn Độ,chứng đắc quả vị rốt ráo,chuyển pháp luân ba lần.Vào thời gian đó, nếu chúng ta mang được thân người quý giá như vầy,lại còn được Đức Phật che chở đùm bọc thì có lẽ vận mệnh chúng ta giờ đây hoàn toàn khác hẳn.Có lẽ chúng tađã thoát khỏi vòng luân hồi tái sinh rồi.Nhưng,thực tế không phải như thế, ngay trước mắt,giáo pháp của ngài cũng chẳng giúp ích được gì cho chúng ta nếu chúng ta không chịu nỗ lực tu học.Nhưng,may mắnthay,chúng ta đã không sanh vào một hình thức tồn hữu thấp hơn (chỉ cho cảnh giới thấp hơn cảnh giớilàm người); tuy nhiên chỉ thuần túy sanh ra làm người và thoát khỏi được tình trạng hiện hữu phi nhân [1] không cũng chưa đủ.Giá như sanh vào nơi Phật pháp được hưng thịnh nhưng bẩm sinh khôngtrí năngvẹn toàn thì Phật pháp cũng chẳng trợ ích gì cho ta được.Những khuyết tật thể xác chưa đủ trở ngại việc tu hành nhưng quả thậtvô phương nếu bạn không thể vận dụng đến trí óc.Cho dù không có khuyết tật nào đi nữa,nhưng nếu sống trong một đoàn thể mà luật nhân quả bị phủ nhận thì tâm trí chúng ta cũng dẫy đầy tà kiến.Nhưng đó cũng chưa phải là trường hợp muốn nói.Nếu tái sinh vào những thời đại chẳng hề có Phật pháp thì chúng ta cũng không thể bước vào chánh đạo nhằm chuyển hóa tâm linh để chấm dứt khổ đau. Và trường hợp đó lại cũng không hẳn đúng.Chúng ta nên nhận diện vận may mắn của mình, đó là được sanh vào thời kỳPhật pháp đang hiển hiện.Ta nên suy nghĩ về chuyện này,và hoan hỷ với niềm vui là đã tránh thoát được mọi bất lợi như trên.Tu duy theo những chiều hướng như vậy,cuối cùng rồi ta sẽ ý thức tường tận rằng mang được hình tướng loài người quả là độc nhất vô nhị.Nếu thẩm định việc trên đây một cách tỉ mỉ,chúng ta sẽ hoát nhiên đại ngộ về ý nghĩa chân thật của sự tồn tại nhân dạng.Và vì thế, ta sẽ quyết định phát nguyện thực tập giáo pháp một cách tinh tấn dõng mãnh và kiên định.

Giáo pháp của Đức Thích Ca Mâu Ni Phật theo kinh chép, sẽ trụ thế 5000 năm.Ta sẽ không hưởng thọ được gì nếu tái sanh làm người sau thời gian ấy.May thay ta lại được sanh ra đúng ngay khoảng thời giandài bất tận với ánh sáng quang minh rực rỡ của Phật pháp.Vì thế,muốn chuyển hóa tâm thức ta cần phảivững tin để vận dụng cả đời mình khi mang được một thân người hãn hữu như thế nầy.

Cho đến giờ khắc này, ta đã từng sinh sống,từng ăn uống,từng trú mưa đụt nắng,từng mặc áo,mặc quần.Nếu cứ tiếp tục cùng một thể thức như vậy, ăn uống chỉ thuần đơn giản để sống thì cuộc đời ta có ý nghĩa gì?Chúng ta đã có được thân người quí giá như thế,nhưng chỉ thuần túy mang thân người thôi thì chẳng đáng kể được hãnh diện một chút nào cả.Còn có vô vàn vô số hình thái sinh mạng khác hiện diệntrên quả địa cầu này;nhưng,chẳng có loài nào tàn phá hủy hoại nhiều như loài người cả.Con người đã gieo rắc hiểm họa cho muôn loài trên mặt đất.Nếu chúng ta dùng đại bi tâm và lòng lợi tha hướng dẫn đời sống,ta có thể thành tựu được một số đại sự-những sự việc mà các loài chúng sanh khác không thể làm nổi.Nếu có khả năng sử dụng thân người quý giá này theo hướng tích cực, điều đó sẽ mang lại những giá trị rất lâu dài.Và sự tồn tại của kiếp nhân sinh sẽ trở thành thật sự đáng quí.Tuy nhiên,nếu ta vận dụng tiềm lực của con người,khả năng của trí óc một cách tiêu cực để hành hạ tra tấn, bóc lột, ức chế, bức hại kẻ khác thì sự hiện hữu của ta sẽ tức khắc trở thành mối hiểm họa cho tha nhân và cho cả chúng ta trong đờivị lai nữa.Sự hiện hữu của kiếp người,nếu sử dụng để tàn phá,có khả năng tận diệt mọi thứ mà ta biết được.Nhưng sự hiện hữu của kiếp người cũng có thể là một khơi nguồn để thành Phật.

Mãi đến giờ đây ,ta cũng chưa thật sự dấn bước trong việc thăng hoa đời sống tâm linh.Hãy tự vấn lòng mình: “Ta đã thực hiện được những công đức thù thắng nào rồi; đã thật sự hạ thủ công phu để điều phụctâm thức,và giúp ta quả cảm trong tương lai chưa?” Nếu chưa tìm ra điều gì có thể giúp bạn vững tin vào vận số tương lai của mình;thế thì cho đến nay,mọi dinh dưỡng để duy trì tánh mạng chỉ là hoài công uổng phí.Giống như thi sĩ Shantideva [2] của Ấn Độ vào thế kỷ thứ 8 đã nói: “Sự ra đời của ta chỉ thuần túy cống hiến những khổ đau và dày vò cho mẹ ta, đâu còn mục đích gì khác nữa”.

Ngài Shantideva dạy: Đã mang được hình hài quí giá của thân người mà không tu thiền và tích lập phước đức thì quả là ngu xuẩn! Nếu vì lười biếng mà trì hoãn việc tu,e rằng đến lúc chết ta sẽ đại hối và sẽ hiểu thấm thía nỗi bàng hoàng lo sợ vì phải thọ khổ khi chuyển sanh vào cảnh giới thấp hơn.

Nếu đã mang được thân người quí giá mà lại lãng phí thì chẳng khác nào đi đến núi báu nhưng lại trở vềvới hai bàn tay trắng.Hãy nghiệm xét lại tất cả những bậc tôn sư của thời quá khứ đã từng chứng ngộ rốt ráo ngay trong một đời-như Ngài Nagarjuna[3],ngài Asanga [4] và những đại sư Tây Tạng như Ngài Milarepa chẳng hạn-các vị ấy cũng chỉ mang kiếp làm người như ta ngày nay.Sai biệt duy nhất giữa ta và họ là vì ta thiếu mất lòng tiến thủ tinh tiến của họ.Bằng cách trầm tư suy xét về sự thù thắng hiếm có của hoàn cảnh chúng ta hiện giờ;ta có thể tô bồi được một động lực tương tự.

Một con chó không thật sự được lợi lạc gì cả dù nó sinh sống ở một nơi Phật pháp đang hưng thịnh. Động vật còn thậm chí bị các lỗi lầm sai quấy sai sử mạnh bạo hơn nữa là vị chúng không sao có khả năng như chúng ta để biết tuyển chọn giữa các loại hành vi khác nhau.Chúng dễ dàng sa vào các ý nghĩ và hành động xấu ác hơn chẳng hạn như;sân hậntham dục.Chúng lại càng có nhiều trở ngại hơn nữa đối với những hành vi thánh thiện.Nếu bị chuyển sanh làm cầm thú hoặc rơi vào một cảnh giới hạ đẳng hơn thì làm sao ta có được cơ hội để hành trì giáo pháp?Quả tình rất khó tô bồi phước đức nếu tôi không biết đình chỉ việc tích tạo thêm những hành vi bất thiện, để rồi sau khi mạng chung,tôi sẽ quay cuồng trong chuỗi dài quả báo bị chuyển sanh vào những hình thái thấp hơn.Nếu trong trường hợp chỉ cần một thoáng chốc hành động xấu ác thôi,cũng đủ dẫn đến việc chuyển sinh vào cảnh giới hạ đẳng trong vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp rồi;vậy thì,do kết quả của hằng hà sa số hành vi bất thiện tích lũy từ lâu xa,làm sao có thể hoài nghi gì việc ta sẽ đầu thai thành hình thái thấp kém hơn chứ?Một khi đã thác sanh vào cảnh giới hạ đẳng này rồi;thật khó lòng hy vọng thoát khỏi dẫu rằng nghiệp báo thác sinh này đã tận chung vì bạn phải chịu trả qua biết bao khổ sở đau đớn.Bởi vì trong vòng luân hồi ác xấu, bạn sẽ bị cuốn hút theo biết bao hành vibất thiện để rồi lại tạo ra một cảnh chuyển sanh thấp kém khác nữa.Hồi quang tỉnh ngộ rằng: thân người khó được và thay vì si mê lãng phí nó, bạn hãy nhất tâm quyết ý để khéo dùng thân người của mình nhằm hành trì Phật pháp.

Các tín đồ Phật giáo thường nói, có một thân người đòi hỏi một nhân duyên tối sơ là sự trì giới thanh tịnhtừ đời trước.Thêm vào đấy,có được thân người rồi lại còn đặc biệt có khả năng tu hành Phật pháp nữa thì điều tối quan trọng là mỗi giới luật phải được bổ khuyết bằng những hành vi như bố thí và nguyện cầu một sự gia trì từ đời quá khứ.Nếu suy xét điều này, bạn sẽ khám phá rằng rất hiếm người hội đủ tất cả nhân tố trên đây.Nghĩ đến sự hạn hữu của căn nguyên, bạn sẽ thấu triệt rằng thân người quí giá quả rất khó có. Và nếu so sánh nhân mạng với nhiều chủng loại khác,như các loài súc sanh chẳng hạn, số lượng động vật và côn trùng nhiều hơn nhân mạng bội phần.Thậm chí ngay trong loài người,rất hiếm người được ưu đãi, sống nhàn hạ và có cơ duyên tu học.Nếu bạn hiểu được tầm mức quan trọng của thân người quí giá này,thì mọi liễu ngộ khác sẽ tự nhiên khởi phát.Nếu kẻ nào vứt đi khối vàng trong tay mình, sau đó cầu khẩn cho ngày mai có thêm nhiều vàng nữa, hắn sẽ trở thành trò cười.Cùng thế ấy,tuy chúng ta đã già và thân thể yếu đuối ta vẫn hơn xa nhiều hữu tình chúng sanh khác trong khả năng tu hành theo giáo phápPhật. Ít ra,chúng ta cũng có thể trì tụng tâm chú của Đức Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát-Om Mani Padme Hum.Thậm chí đối với một người sắp chết, họ vẫn còn năng lực tư duyvun trồng những tư tưởng đạo đức.

Sự nghiệp công đức của Đức Phật-từ ban sơ với bản nguyện vun trồng để giúp đỡ muôn loài cho đến sự tích tập công đức,và sau rốt là sự thành tựu giác ngộ-tất cả đều nhằm đến sự phúc lợi của mọi loài hữu tình chúng sanh.Sự an lạc của mọi loài hữu tình chúng sanh có thể chia định ra thành hai phần:

1/nhất thời an lạc-đó là thành tựu việc chuyển sinh vào cảnh giới Nhất Thiết Trí.

2/cứu cánh an lạc đó là sự chứng đắc giải thoátđạt được cảnh giới Nhất Thiết Trí.

Tất cả những giáo pháp liên quan đến việc thành tựu lai sanh hậu thế được xem như thuộc về phạm trùTiểu Tri Kiến[5].Vì mục đích này, hành giả Trung Tri Kiến dấn thân trì thủ giới luật,tu tập thiền định,trí huệ Bát Nhã và rồi đoạn trừ phiền não để thành tựu mục tiêu giải thoát mọi khổ đau và giải thoát khỏi luân hồi sanh tử.

Tất cả những giáo pháp trình bày về những kỹ thuật chứng đắc cảnh giới Nhất Thiết Trí để đạt được Phật quả, bao gồm cả Hiển và mật, đều là giáo pháp của những hành giả Đại Tri Kiến[6].Nội tâm của Thượng SĩĐạo hành giả (Đại Tri Kiến) được hun đúc bằng lòng đại từ đại bi đối với mọi loài hữu tình chúng sanh và vì phúc lạc của muôn loại hàm linhchứng ngộ Phật quả.Vì thế có nhóm người chỉ nghĩ đến kiếp sau;những người này thuộc về Hạ Sĩ, đó là người có Tiểu Tri Kiến.Nhóm người thứ hai,không chỉ quanh quẩn bận tâm đến kiếp sống vị lai không thôi mà họ còn có tầm nghĩ xa hơn-sự giải thoát luân hồi chuyển thế-đó là những hạng người Trung Sĩ Đạo,là người có Trung Tri Kiến.Còn bậc không chỉ bận tâm đến niềm phúc lạc của mọi hữu tình chúng sanh khác, đó chính là những bậc Thượng Sĩ Đạo, là những bậc có Đại Tri Kiến.Ngài Tsong-kha-pa dạy rằng:tuy chúng ta phân chia tiến trình tu hành ra làm ba loại:Hạ SĩĐạo,Trung Sĩ Đạo và Thượng Sĩ Đạo nhưng hai loại đầu tự nó đã bao hàm trong tiến trình tu Thượng SĩĐạo rồi vì hai loại tu này giống như những chuẩn bị cho Thượng Sĩ Đạo vậy.Khi huấn luyện nội tâm của chúng ta đến một trình độ có thể thấu triệt tầm mức quan trọng của thân người quí và hiếm này, ắt hẳn ta sẽ nhất tâm để khéo léo xử dụng nó.

Thân thể ta gồm có thịt,máu,xương;nó hệt như một cây chuối bọng ruột,nhưng lại là nguồn gốc của tất cả khổ đau vật chất.Vì thế,không nên quá chú ý đến thân xác của ta.Ngược lại,nên nối gót theo khuôn thước của các bậc Đại Bồ Tát;hãy làm cho thân mạng ta đượm nhiều ý nghĩa và dùng xác thân này phụng sựmọi loài chúng sanh.

Nói cách khác,ta cần biết nhận thức được chân giá trị của những cơ hội quí giá hy hữu chung quanh ta. Đã mang được thân người vô cùng hiếm quý lại còn được phú cho những đặc tính thù thắng nữa.Nếu lãng phí chúng và thuần túy chìu lụy theo những âu lo xoàng xỉnh và những hành vi thiển cẩn thì quả là đáng buồn.Sau khi tri nhận một cách rõ ràng giá trị của kiếp nhân sinh,trọng yếu là hãy quyết chí lợi dụngsử dụng thân người theo tiến trình tu hành Phật pháp.Nếu không,trong sinh hoạt của một kiếp người, đời sốngcủa chúng ta sẽ chẳng khác nào như đời sống của các loài cầm thú

[1] Hiện hữu của loài phi nhân: Nonhuman existence

[2] Shantideva:Tịch thiên

[3] Nagajuna:Long Thọ

[4] Asanga:Vô Trước

[5] Tiểu Tri Kiến/Hạ Sĩ Đạo: Category of small scope

[6] Đại Tri Kiến/Thượng Sĩ Đạo: Category of great scope.


CHƯƠNG 4: CÁI CHẾT

Đức Phật từng dạy: Trong mọi thời điểm để cày cấy,mùa thu là mùa thích hợp nhất,tất cả nhiên liệu dùng để nhen lửa,phân bò tốt nhất;còn trong tất cả các loại giác ngộ,giác ngộ đối với vô thườnggiác ngộ đối với cái chết là sự giác ngộ vô thượng nhất.Cái chết là điều chắc chắn sẽ phải xảy ra,nhưng chừng nào nó sẽ xảy đến thì quả thật khó mà định được.Khi đối diện với mọi sự việc,ta không tài nào biết được việc gì sẽ xảy đến trước-ngày mai hay cái chết.Ta không thể khẳng định rằng già lão sẽ chết trước còn tuổi trẻ sẽ lưu lại sau.Ta có thể trau dồi một tâm thức thực tế nhất là kỳ vọng vào điều toàn bích,nhưng hãy chuẩn bị cho điều tồi tệnhất.Nếu tình huống tồi tệ nhất không hề xảy đến thì mọi sự đều tốt,nhưng nếu nó xảy ra thì cũng chẳng làm ta bỡ ngỡ.Cũng nên áp dụng nguyên tắc này vào việc hành trì Phật pháp;hãy chuẩn bị cho những gì dở xấu nhất,vì không ai trong chúng ta biết trướcđược ngày giờ chết của mình.

Xuyên qua tin tức hàng ngày,ta nghe loan báo về cái chết của một người bạn,của một người nào không quen biết lắm hay của một người bà con nào đó. Đôi khi ta cảm nhận một mất mát; đôi khi ta gần như hớn hở;nhưng ta vẫn còn mang ý tưởng tựa hồ như cái chết sẽ không xảy đến với ta.Ta nghĩ rằng mình được đặc miễn đối với lẽ vô thường,và vì vậy,có thể tạm gác chuyện tu hành,(có thể giúp ta chuẩn bị cho cái chết),và nghĩ rằng ta còn nhiều thời giờ trong tương lai.Khi thời khắc không thể tránh được này xảy đến,ta còn lại một điều duy nhất là nỗi niềm hối tiếc.Ta cần nhập cuộc tu hành ngay tức khắc để được chuẩn bị dù cho cái chết có xảy ra nhanh chóng thế mấy cũng được.

Khi thời khắc tử vong đã điểm,không có tình huống nào có thể cản ngăn.Bất kỳ bạn có loại thể phách nào,chịu đựng được bệnh tật dày vò thế mấy,cái chết vẫn chắc chắn sẽ phải xảy ra.

Nếu ta ngưỡng vọng về cuộc đời của Chư Phật và Chư vị Bồ Tát trong quá khứ; tất cả giờ đây chỉ còn là ký ức.Các vị đại sư Ấn Độ như Ngài Long Thọ và ngài Vô Trước đã từng đóng góp rất lớn cho Phật phápnỗ lực cho sự lợi lạc của biết bao hữu tình chúng sanh nhưng tất cả những gì còn lưu lại từ các vị ấy bây giờ cũng chỉ tuyền là tên tuổi không thôi. Điều này cũng áp dụng luôn cho các vị đại thống trị và các vị lãnh tụ chính trị.Sự tích cuộc đời của các vị ấy,vì quá chói sáng,nên họ dường như vẫn còn sống động.Khi sang Ấn Độ hành hương ,ta sẽ phát hiện ra được những nơi như đại học Nalanda mà các đại sư đương thời như Bồ Tát Long Thọ, bồ Tát Vô Trước đã từng học tập và giảng dạy tại đó.Nalanda hiện giờ chỉ còn tường xiêu vách ngã.Khi xem dấu tích do các nhân vật vĩ đại trong lịch sử lưu lại, sự hoang tàn đổ nát sẽ chỉ bày cho ta bản tánh huyễn ảo vô thường.Như một bài cách ngôn Phật giáo xa xưa đã nói: “Dù chúng tacó chui vào lòng đất,lặng sâu xuống đáy biển hay bay lên không trung;ta vĩnh viễn không sao tránh khỏi cái chết”.Thân bằng quyến thuộc của ta sớm muộn gì rồi cũng cách chia như đám lá tung bay rời rạc trong gió.Giữa một đôi thánh kế tiếp,vài người trong chúng ta sẽ bắt đầu vĩnh viễn ra đi và những người khác sẽ phải lìa đời trong vòng một vài năm nữa.Trong khoảng tám chín chục năm sau;tất cả chúng ta bao gồmluôn cả Đạt Lai Lạt Ma đều phải chết.Đến lúc đó, chỉ có sự liễu ngộ tinh thần của ta mới giúp ích cho ta mà thôi.

Không có bất kỳ người nào có thể càng ngày càng lìa xa cõi chết kể từ khi sinh ra đời cả.Ngược lại,càng ngày càng cận kề cái chết giống như thú vật bị dẫn độ đến lò sát sinh vậy.Như người chăn bò dùng roi vọt để dẫn độ những con bò cái bò đực của họ quay ngược về chuồng;chúng ta cũng vậy,dày xéo bởi khổ đau của sanh lão bệnh tử,càng ngày càng tiến gần hơn đến hồi chung kết của cuộc đời.Vạn pháp trên thế gianđều bị chi phối bởi lẽ vô thường; để rồi tận cùng sẽ rời rạc phân ly.Như ngài Đạt Lai Lạt Ma đời thứ bảy thường dạy: “Những người trẻ tuổi trông rất mạnh và rất khỏe nhưng lại chết sớm mới thật sự là vị thầy dạy chúng ta về đạo lý vô thường”.Trong tất cả những người ta quen biết,không ai là người sống đến trăm tuổi.Cái chết không thể xoay chuyển được dù bằng niệm tụng chú ngữ hay là được bảo hộ bởi một vị lãnh tụ chính trị quyền uy.

Trải qua nhiều năm trong cuộc đời,tôi đã từng gặp gỡ rất nhiều người;nhưng hiện giờ tất cả chỉ còn là đối tượng trong ký ức.Hiện tại thì tôi lại quen biết một vài người mới;cứ như đang xem một vở tuồng;sau khi vai trò diễn xuất chấm dứt;người ta sẽ thay đổi xiêm y để tái xuất hiện.

Nếu hoang phí cả cuộc đời ngắn ngủi của ta theo chiều hướng tham dụcsân hận;nếu cũng vì cuộc đờingắn ngủi như vậy mà gia tăng phiền não thì sự tổn hại quả rất dài lâu bởi vì chính nó đã tiêu hủy tiền đồhy vọng cứu cánh an lạc của chúng ta.

Có đôi khi ta không thành công trong một vài việc thế tục thường tình thì cũng không có gì đáng quan ngạicho lắm.Nhưng nếu để lãng phí cả cơ hội quí báu của kiếp nhân sinh này,thì chúng ta sẽ trường kỳ thất vọng.Tương lai đang nằm ngay trong lòng bàn tay của chúng ta-phải chăng ta muốn trải qua bao điều trầm luân thống khổ khi bị đạo lạc xuống cảnh giới phi nhân-hoặc giả ta muốn được chuyển sinh lên cảnh giớicao tốt hơn-hoặc ta muốn đạt đến cảnh giới thực chứng giác ngộ.Ngài Shantideva dạy rằng;hiện đời này,ta có cơ hội,có trách nhiệm,có năng lực để định đoạtquyết định cho cả cuộc đời vị lai của ta.Ta nên đào luyện tâm trí để cuộc sống khỏi bị luống uổng-dù là một thánh hay một ngày-và hãy chuẩn bị cho thời điểm của tử vong.

Nếu có thể vun trồng sự hiểu biết như vậy thúc đẩy tiến trình tu hành tâm linh sẽ xuất phát từ nội tại-đó là một nhân tố, động cơ kiên định nhất.Ngài Geshe Sha-ra-wa[1] (1070-1141) đã dạy: “Vị thầy cao tốt nhất của Ngài là pháp quán tu về lẽ vô thường”.

Khi trực diện với tử thần, bậc tu hành đạo hạnh nhất sẽ cảm thấy vui sướng;người tu hành trung đẳng đã chuẩn bị vẹn toàn;và ngay cả người tu hành kém nhất cũng sẽ không còn hối tiếc gì nữa.Vào ngày cuối cùng của mạng sống chúng ta, điều tối quan trọng là không nên có dù một mảy may thương đau hối tiếc.Nếu không thì những kinh nghiệm tiêu cực vào giờ chết ảnh hưởng đến sự luân hồi tái sanh của ta.Phương pháp tối thượng để làm cho mạng sống tròn đầy ý nghĩa là hãy đi trên lộ trình của từ bi.

Nếu bạn suy gẫm về cái chết và vô thường, bạn sẽ khởi sự làm cho đời mình đượm nhiều ý nghĩa.Có thể bạn sẽ nghĩ rằng: sớm muộn gì cũng phải ra đi,không có lý do để nhớ nghĩ đến cái chết vào giờ phút này, bởi vì nó chỉ thuần túy khiến bạn bi quan và âu lo.Tuy nhiên,giác ngộ vế cái chết và lý vô thường có thể gây nhiều lợi ích to lớn.Nếu nội tâm bị kềm hãm bởi cảm giác rằng chúng ta được bất tử thì chúng tachẳng bao giờ thực tâm dấn bước trên con đường chánh pháp để tu hành.Niềm tin sẽ được bất tử chính là khối đá to lớn ngăn trở quá trình tu đạo của bạn;bạn không nhớ nghĩ đến Phật pháp;bạn không tuân phục dù có thể bạn cũng nhớ đến Phật pháp;hoặc bạn chẳng triệt để mà chỉ tuân phục Phật pháp đến một trình độ hạn định nào đó.Nếu không trầm tư mặc tưởng về cái chết thì không làm sao cố gắng thật tu cho được.Bị khống chế bởi lười biếng dãi đãi, bạn sẽ đánh mất sự tinh tấn nỗ lực và xông pha trên đường tu để rồi mệt mỏi chán nản sẽ trùm phủ lên bạn.Bạn sẽ sanh ra chấp trước sâu đậm đối với danh vị; đối với lợi dưỡng vật chất và đối với vinh hoa phú quí.Khi suy nghĩ quá sâu xa về cuộc sống hiện tại,ta sẽ có khuynh hướng phục vụ cho người ta yêu mến-cho thân quyến,cho bằng hữu của ta-thế là ta phải nỗ lực để mang niềm vui đến cho họ.Khi có người muốn ám hại họ, ta tức thì dán một nhãn hiệu vào nhóm người này như chính họ là thù địch của ta.Phiền não như tham dụcsân hận sẽ từ đó dâng trào như lũ lụt của giòng sông vào hạ.Những phiền não này sẽ tự nhiên xui khiến ta sa đắm vào đủ mọi hành vi xấu ác tiêu cựchậu quả đưa dẫn đến tương lai bị chuyển sinh vào cảnh giới thấp hơn.

Do công đức tích lũy một phần nhỏ phước thiện;ta đã có được một báu thân.Phần phước báo nào còn thừa lại sẽ hiển lộ ra cuộc sống qua từng nấc thang phú quí tương ứng.Vì thế,chút ít vốn liếng dành dụm đã tiêu pha rồi;nếu không góp nhặt thêm gì mới lạ nữa thì cũng hệt như tiêu dùng hết trương mục tiết kiệm mà chẳng chịu bỏ thêm tiền mới vào.Nếu chỉ tiêu tổn công đức phước báo đã tích tập, sớm muộn gì ta cũng sẽ lao đầu vào chốn thập phần khổ đau trong đời sống hậu lai.

Đối với tử vong,nếu không có một nhận xét thích đáng;lúc chết sẽ bị sợ hãi và nuối tiếc ràng buộc.Loại cảm giác này sẽ đưa dẫn ta đến cảnh giới thấp hơn.Nhiều người rất tránh kỵ nói đến chết chóc.Họ tránh né suy nghĩ đến những điều xấu xa tồi tệ nhất để rồi đến khi mọi chuyện trở thành hiện thực thì họ sẽ hoàn toàn kinh hãi và không còn kịp trở tay nữa.

Tu hành theo lời Phật dạy thường cảnh tỉnh chúng ta không nên ngoảnh mặt thờ ơ với mọi bất hạnh.Trái lạiphải tri nhận và trực diện với bất hạnh, để khi ta thực nghiệm và thực chứng thương đau thì chưa hẳn là không có cách nhẫn chịu.Chỉ đơn thuần tránh né vấn đề thì không giúp giải quyết được gì mà thực tế chỉ làm cho nó tệ hại hơn thôi.

Có một số người lưu ý rằng là tu Phật dường như chỉ đặc biệt nhấn mạnh đến nỗi khổ đau và sự bi quanyếm thế.Tôi cho rằng điều này hoàn toan sai lầm.Trên thực tế, hành trì Phật Phápnỗ lực đạt được một sự bình yên vĩnh cửu-đó là điều không thể tưởng tượng nổi đối với một tâm hồn bình dị-chỉ diệt trừ một lầnvĩnh viễn thoát khỏi khổ đau.Phật giáo đồ không mãn nguyện với sự giàu sang phú quý đời này không thôi hoặc kỳ vọng vào vinh hoa sung mãn của những kiếp sống vị lai,mà thay vào đó là mưu tìm sự an lạc hạnh phúc tối thượng.

Nhận xét căn bản của Phật giáo là: Bởi vì khổ đau là một thực thể chân thậtnội tâm chỉ cố tránh né cho nên không thể nào giải quyết được vấn đề.Việc ta cần làm là hãy trực diện,mặc đối mặt,phân tích,kiểm soát,xác định những căn nguyên và tìm cách tốt nhất để giúp bạn đối phó với chính những khổ đau.Với những ai thường trốn tránh nhớ nghĩ đến đau thương bất hạnh,thì thực tế khi bị nó tấn công đã kích;họ sẽ không kịp chuẩn bị và sẽ bị hành hạ quằn quại hơn cả những người đã từng quen thuộc với khổ đau,với nguồn gốc và với cách thức khổ đau trổi dậy.Một người tu theo Phật pháp, hàng ngày đều nghĩ đến cái chết;tư duy về niềm đau nỗi khổ của nhân loại như: về sinh khổ,về lão khổ,về bịnh khổ và về tử khổ.Mỗi một ngày,người tu Mật tông đều quán tưởng phải trải qua cả một quá trình chết chóc.Giống như trong nội tâm mỗi ngày đều sẽ chết một lần.Do thuộc làu và làm quen đối với cái chết nên lúc thật sự đối mặt tử thần,thì họ đã chuẩn bị khá sẵn sàng.Nếu phải băng ngang một vùng đất đầy nguy hiểm ấy và trước tiênphải biết cách đối phó ra sao.Không suy nghĩ trước khi hữu sự là điên rồ khờ dại đó thưa bạn! Dù ưa thíchhay không, bạn đều phải đến đó.Vì thế,tốt hơn là phải được chuẩn bị để khi những nguy khốn ập đến, bạn sẽ biết cách phản ứng.

Nếu sở hữu được một sự tỉnh thức trọn vẹn đối với tử vong thì bạn cảm thấy chắc chắn rằng mình sẽ sắp sửa ra đi.Sau đó, nếu phát giác là mình có thể chết trong nay mai;do nhờ quá trình tu tập tâm linh, bạn sẽ nỗ lực tự cách ly ra khỏi những chấp trước vật chất bằng cách loại bỏ mọi sở hữu của mình và xem thế tục vinh hoa phú quí như khôngthực chấtvô nghĩa.Bạn sẽ tận lực tu hành. Điều thắng lợi khi biết tỉnh thức đối với cái chết sẽ khiến cho đời sống ngập tràn ý vị.Khi kề cận với tử thần, bạn sẽ cảm thấyhoan hỷ và lìa đời không chút hối tiếc.

Thông thường,khi biết nghĩ cái chết là điều chắc chắn phải đến và nó không xác định là sẽ đến ở vào thời điểm nào; bạn sẽ tận sức vì tương lai mà tự chuẩn bị.Bạn sẽ thấm thía rằng vinh hoa phú quí và mọi sinh hoạt phàm tục đều không có thực chất và không còn quan trọng gì cả.Vì thế, làm việc cho sự ích lợi bền lâu của chính mình và của tha nhân dường như trọng yếu hơn nhiều,và cuộc đời bạn sẽ được đưa dẫn theo tầm hiểu biết như vậy.

Như ngài Milarepa[2] từng dạy: “Sớm muộn gì mọi thứ cưu mang cũng phải bỏ lại sau lưng, sao không bỏ ngay đi?” Quả chưa chắc mấy ai sống trên trăm tuổi dù với tất cả toàn lực bao gồm luôn việc uống thuốc chữa trị và tu pháp trường thọ.Tuy cũng có đôi ba trường hợp ngoại lệ;nhưng qua sáu, bảy mươi năm sau,phần lớn những người đang đọc sách này đều đã qua đời.Sau một trăm năm,người đời sẽ thuần túynhớ nghĩ về thời đại chúng ta như một giai đọan của lịch sử thế thôi.

Khi tử vong kề cận,chỉ còn có tâm đại bi và bao nhiêu hiểu biết về bản chất của hiện thực mà người ta đã đạt được cho đến giờ phút ấy là điều trợ ích duy nhất mà thôi.

Theo như quan điểm này, sự kiểm chứng để nghiệm xem phải chăng đằng sau cõi chết còn có những đời sống khác hay không là điều tối ư trọng đại Đời sống trong quá khứvị lai hiện diện vì những lý do như sau: Một vài mô thức đặc định tư duy nào đó từ năm ngoái,từ năm trước nữa,và thậm chí từ thuở ấu thờigiờ đây đều có thể hồi tưởng lại được. Điều này rõ ràng cho thấy có một giác thức đã hiện hữu trước cả giác thức hiện tại.Cái sát na đầu tiên của sự ý thức hiểu biết trong cuộc đời không phải không có nguyên nhân mà được tạo thành; cũng không phải được thoát sinh từ vật thể gì trường cửu hay vô hồn.Cái khoảnh khắc của tâm linh là điều gì trong trắngminh giác.Vì thế,trước nó cần phải có một vật thể nào trong trắngminh giác lắm; đó chính là cái tiền khoảnh khắc tâm linh vậy.Quả không thể hợp lý nếu giờ khắc đầu tiên của tâm thức trong hiện đời có thể đến từ một sự vật nào khác hơn đời sống trước đó.

Cho dù thân thể hữu tình có thể đóng vai trò như duyên cớ phụ thuộc của những biến hóa tinh vi trong tâm thức; nhưng nó không thể là nguyên nhân đầu tiên được.Vật chất không bao giờ chuyển thành tâm linh;và tâm linh cũng chẳng chuyển thành vật chất.Vì thế,tâm linh do gốc rễ từ tâm linh.Tâm linh hiện đời này đến từ tâm linh của đời trước và phục vụ như nguyên nhân của kiếp sống tâm linh đời sau.Khi bạn hồi tưởngvề cái chết và không ngừng cảnh giác thì cuộc sống của bạn trở nên ngập tràn ý nghĩa.

Thấu triệt được những bất lợi to lớn của mọi bám víu tự nhiên của ta đối với cái mà ta nghĩ là thường hằngbất biến; ta phải nghịch chống lại nó và thường xuyên cảnh giác về cái chết để ta được khích lệ trong việc hạ thủ công phu tu hành nghiêm túc hơn.Ngài Tsong-Kha-pa dạy rằng: “Tầm quan trọng của sự cảnh tỉnhđối với cái chết không chỉ hạn định ở giai đoạn đầu tiên.Nó trọng yếu và xuyên suốt qua mọi giai đoạn của Bồ Đề Đạo (đạo giác ngộ); nó trọng yếu từ giai đoạn đầu,qua giai đoạn giữa va kể luôn cả giai đoạn cuốicùng”.

Sự tỉnh thức đối với cái chết mà ta bắt buộc trau dồi không phải là nỗi niềm lo sợ thường tình, bất lực vì bị chia cách giữa những người thân yêu và vật sở hữu của chúng ta.Thay vào đó,ta hãy tập lo sợ là ngày lìa đời mà ta vẫn chưa thể tận diệt được mọi nguyên nhân gây ra cảnh chuyển sinh vào thế giới hạ đẳng.Và,ta sẽ lìa đời khi chưa tập đủ điều kiện nhân duyên cần thiết cho một sư luân hồi ưa thích đúng như ước nguyện.Nếu chưa hoàn thành hai mục tiêu trên thì vào giờ phút lâm chung,ta sẽ bị kềm hãm bởi sự hoảng sợ ảo nãoăn năn hối hận.Trải cả cuộc đời nuông chìu theo những hành vi tiêu cực bất thiệnsân hậndục vọng xui khiến; sự tổn hại tạo ra không chỉ tạm thời mà rất dài lâu bởi vì ta đã tích lũy và sưu tập rất nhiều điều kiện nhân duyên làm bại hoại những kiếp vị lai.Lo sợ như vậy, sẽ càng khơi sáng trong ta cách làm cho sinh hoạt bình nhật đượm nhiều ý nghĩa. Đạt được sự tỉnh thức đối với cái chết như vậy rồi; ta xem vinh hoa phú quí,công việc thế tục không còn quan trọng và sẽ làm việc cho một tương lai tươi sáng hơn. Đó chính là mục đích quán tưởng về cái chết.Nếu bây giờ sợ sệt chết chóc,ta sẽ tìm kế vượt qua sự sợ hãi; nhưng lại ôm hối tiếc vào giờ phút lâm chung.Tuy nhiên,nếu tìm cách tránh né sự sợ hãi về cái chết này thì ta lại bị vây hãm bởi trường hận vào giờ phút ấy.Ngài Tsong-Kha-Pa dạy rằng: “Khi sự trầm tư mặc tưởng của ta đối với vô thường trở nên vững vàng ổn định;mọi sự mọi việc gặp gỡ đều đang dạy ta về đạo lý vô thường”. Ngài nói quá trình tiến dần về cõi chết bắt đầu ngay từ trong thai mẹ và ngay khi còn đang sống.Cuộc đời ta đã không ngớt bị dày xéo bởi bệnh hoạn và già lão.Ngay khi đang sống khỏe mạnh,ta chớ nên để bị lôi cuốn theo ý nghĩ rằng là ta sẽ chẳng chết.Ta không nên quá vui mừng mà quên hết mọi sự ngay khi đang được yên lành; tốt hơn cả,là hãy chuẩn bị cho phần số tương lai. Ví như; kẻ đang rơi từ hố cao sẽ chẳng hân hoan gì trước khi y chạm đất.Cần tư duy rằng: Ngay khi còn đang sống,ta cũng có rất ít thì giờ để tu hành.Dù rằng ta còn có thể sống lâu được,có thể cả trăm tuổi,ta cũng tuyệt đối không bao giờ bị khuất phục bởi cảm nghĩ rằng là hãy còn nhiều thì giờ để tu hành sau này.Chớ nên bị ảnh hưởng bởi sự trì hoãn vì đó là một hình thức lười biếng.Phân nửa đời người đã tiêu pha vào việc ngủ nghỉ và thời gian còn lại đa số bị phân tâm vì tạp sự thế gian.Khi tuổi già chồng chất,thể tạng và trí năng giảm sút thì dù muốn tu cũng đã quá trễ vì ta không còn sức lực nữa.Giống như kinh điển đã dạy; trải nửa đời người trong giấc ngủ,mười năm ta làm một đứa trẻ, hai mươi năm cho sự già nua.Khoảng thời gian chính giữa thì bị dày xéo bởi âu lo,phiền muộn,khổ đau,và buồn chán.Vì thế, dường như không còn thời gian nào để tu hành Phật pháp cả! Nếu sống thọ được sáu mươi năm, thử nghĩ phí cả thời gian như đứa trẻ nít ,thời gian ngủ nghỉ luôn cả thời gian tuổi tác già nua; ta sẽ phát giác rằng; chỉ còn khoảng năm năm để có thể chuyên tâm cống hiến cho tiến trình tu hành.Thay vì sống cuộc đời bình dị như hiện nay,nếu ta không cẩn thận nỗ lực hầu gánh vác con đường tu hành thì điều chắc chắn là ta đã sống một cuộc đời vô công rỗi nghề và không có mục đích gì cả.Ngài Gung-Thang Rinpoche[3] từng nói nửa đùa nửa thật: “Tôi phí thời gian hai mươi năm không hề nghĩ đến việc hành trì Phật pháp rồi tiêu thêm hai mươi năm nữa,nghĩ rằng sau này có thể tôi sẽ tu,và rồi thêm mười năm khác nữa nghĩ về cách tại sao tôi bỏ lỡ cơ duyên tu hànhcủa mình.”

Lúc tôi còn trẻ chưa có chuyện gì xảy ra.Khoảng mười bốn mười lăm tuổi,tôi bắt đầu thật sự quan tâm đến Phật pháp.Rồi người Trung Hoa đến và tôi đã tiêu phí nhiều năm với đủ loại xoáy lốc chính trị.Tôi đã đi Trung Quốc và viếng thăm Ấn Độ vào năm 1956.Sau đó,trở về lại Tây Tạng,và lại lần nữa phung phí một số thời gian cho nhiều sự vụ chính trị.Điều rõ nhất mà tôi có thể còn nhớ nổi là sự tham gia khảo thí cho chức vụ Geshe[4] (học vị cao nhất trong đại học tăng viện Tây Tạng); sau đó tôi buộc lòng phải rời bỏ quê hương. Đến nay tôi đã sống lưu vong hơn ba mươi mấy năm rồi;tuy tôi vẫn không ngừng nghiên cứu học tập và tu hành nhưng phần lớn cuộc đời tôi trôi qua không chút ý nghĩa cũng chẳng ích lợi gì.Tôi rất lấy làm hối tiếc vì đã bỏ lỡ công việc tu hành.Nếu nghĩ về pháp tu “Vô Thượng Du Già Mật pháp”[5] thì tôi không còn khả năng hành trì một vài phép tu của pháp môn này vị sự cấu tạo cơ thể của tôi đã bắt đầu suy thoái với tuổi tác.Thời cơ tu học Phật pháp chẳng phải tự nhiên mà đến, ngược lại,nó cần phải được sắp xếp riêng rẽ cẩn thận.

Nếu buộc phải chấp nhận dấn thân trên một cuộc du hành dài lâu; đến một thời điểm nào đó, điều cần thiếtlà phải lo toan chuẩn bị.Như tôi thường ưa nói,ta nên đầu tư năm mươi phần trăm thì giờtinh lực đế quan tâm đến cuộc đời vị lai và năm mươi phần trăm đến mọi vấn nạn trong đời hiện tại.

Duyên chết chóc thì nhiều mà duyên sống sót thì rất ít.Hơn thế nữa,thực phẩm và thuốc men mà ta thường xem như những thứ để duy trì mạng sống có thể trở nên nguyên nhân gây chết chóc.Nhiều loại bệnh hiện nay được xem như phát nguốn từ cách ăn uống của ta.Sản phẩm hóa học được dùng để trồng trọt nông sản,nuôi súc vật đã góp phần vào việc tổn hại sức khỏe và gây ra sự mất quân bình trong cơ thể.Thân thể con người quá nhạy cảm,yếu ớt;vì vậy nếu quá mập, bạn sẽ có đủ thứ vấn đề:bạn không thể đi đứng vững vàng,cao áp huyết và chính thân thể bạn trở thành một gánh nặng.Ngược lại,nếu bạn quá gầy,thể lực và sức chịu đựng rất yếu sẽ đưa dẫn đến đủ thứ phiền phức khác.Khi còn niên thiếu, bạn lo sợ không được bao gồm trong đám người lớn và khi quá già thì bạn cảm thấy như bị tách biệt chia xa khỏi đoàn thể xã hội. Đây là bản chất sinh tồn của chúng ta.Nếu sự thương tổn là một vật thể đau đớn ngoại tại nào đó thì có thể bạn còn có cách tránh né được; bạn có thể chui trốn dưới đất hoặc lặn sâu vào lòng biển cả.Nhưng nếu sự thương tổn xuất phát từ nội tại thì bạn chẳng còn có thể làm gì được. Đang khi không bệnh khổ cũng chẳng gặp khó khăn,lại còn có một cơ thể tráng kiện; ta phải lợi dụng cơ hội và nắm lấy tinh hoa.Nắm bắt tinh hoa của đời sốngnỗ lực đạt đến cảnh giới toàn nhiên không bệnh khổ,không chết chóc,không suy nhược và không sợ hãi-đó chính là cảnh giới giải thoátNhất Thiết Trí.

Người giàu có nhất thế gian,lúc chết dù một món vật sở hữu đơn giản cũng không thể mang theođược.Ngài Tsong-Kha-Pa dạy rằng; nếu phải bỏ lại sau lưng cái thân thể mà ta đã cưu mang quá thân thiết, được ghi dấu như là của riêng mình, hơn nữa nó đã đeo đuổi ta từ thuở sơ sinh như người bạn đồng hànhkỳ cựu nhất.Thế thì không còn gì thắc mắc để tức khắc buông bỏ mọi sở hữu vật chất. Đa số nhiều người hao phí biết bao nhiêu thì giờsức lực,chỉ thuần túy cố công đạt được vinh hoa phú quíhạnh phúctrong hiện đời. Đến lúc chết đi,tất cả mọi sinh hoạt thế tục như đùm bọc lo lắng cho thân nhân bằng hữu vàtranh đua với đối thủ của ta đều ngưng đọng dang dở.Dù có đủ thức phẩm để nuôi mạng cả trăm năm thì cũng phải chết trong đói khát và dù có quần áo đủ bận cả trăm năm thì cũng vĩnh viễn lìa đời trong trần truồng.Khi tử thần ập đến,không có gì sai biệt trong cái chết giữa một vị vua để lại cả một vương quốc vĩ đại và người hành khất chỉ để lại vỏn vẹn một chiếc gậy con.

Bạn bên cố gắng hình dung cảnh tượng khi bạn lâm bệnh.Hãy tưởng tượng bạn lâm trọng bệnh,toàn thểsức lực tiêu tán; bạn cảm thấy gân mỏi, hơi tàn, sức kiệt,ngay đến thuốc men cũng chẳng giúp ích được gì.Một khi tử thần kề cận, bác sĩ sẽ có hai cách nói: Với bệnh nhân, bác sĩ sẽ nói: “Chớ có âu lo, bạn sẽ bình phục,tuyệt đối không nên bận tâm,cần phải nghỉ ngơi thư thái”. Với họ hàng gia quyến, bác sĩ sẽ nói: “Bệnh tình rất nghiêm trọng,nên thu xếp hậu sự đi”. Đến lúc ấy bạn không còn cơ hội để hoàn thành công việc dang dở hoặc hoàn tất công việc học hành.Khi nằm xuống rồi,thân thể suy nhược đến độ tựa hồ như không còn cách chi di động được.Rồi hơi ấm trong thân thể bạn dần dần tan biến, bạn cảm thấy xác thân trở nên cứng đơ như một khúc cây ngã nằm trên giường.Bạn sẽ thật sự bắt đầu trông thấy thân xác của mình.Những lời nói sau cùng của bạn tựa hồ không thể nghe đượcmọi người vây quanh cố sức lắng hiểu thử xem bạn muốn trối lại điều gì.Thực phẩm lần chót ăn vào không còn là những mỹ vị mà là một đống thuốc hỗn hợp mà bạn không còn đủ sức nuốt vào.Bạn bị bắt buộc phải bỏ lại những bằng hữu thânthương nhất; có thể đến vô số kiếp sau bạn mới gặp trở lại họ được.Phương thức hô hấp sẽ thay đổi và trở nên hỗn hợp ồn ào.Dần dần biến thánh không liên tục, hơi hít vào thở ra càng ngày càng gấp rúthơn.Sau cùng trút ra một hơi dài chót,và đấy là chung cuộc của sự hô hấp. Điều này đánh dấu cái chết theo thói hiểu biết thông thường.Từ đó về sau,cái danh xưng đã từng mang nhiều an vui hạnh phúc đến với bằng hữu thân nhân sẽ được gắn thêm mấy chữ ở đầu câu: “người quá cố”.

Vào giờ phút lâm chung,nội tâm có được trạng thái đạo đức thiện niệm là yếu tố then chốt quyết định. Đó là cơ hội sau cùng còn lại của chúng ta và là cơ hội không thể bỏ lở.Dù ta đã có thể từng sống một cuộc đờitàn ác tiêu cực nhưng khi sắp chết,ta vẫn nên cố gắng hết sức để bồi dưỡng tâm niệm lương thiện.Nếu ta có thể phát khởi lòng từ bi mãnh liệt và kiên định vào giờ phút này, hy vọng ta sẽ được chuyển sinh vào cảnh giới mà ta ưa thích.Thông thường mà nói, tình thân mật đóng một vai trò vô cùng trọng yếu.Khi một người bệnh sắp chết,quả thật bất hạnh nếu mọi người khác để cho người này khởi niệm tham và hận. Ít ra người sắp chết cũng được cho ngắm nhìn hình tượng các vị Phật và các vị Bồ Tát.Vì có thể chiêm ngưỡng Phật và Bồ Tát,người đó có thể phát sanh tín tâm mãnh liệt và ra đi với một tâm cảnh quang minhtốt đẹp.Nếu không thể làm được như vậy, điều tối quan trọng là những người hậu cận và thân quyến không được làm cho người chết cảm thấy buồn phiền.Vào giờ phút ấy, nếu bị xúc động và khởi lên ý niệm tham lam hay tình tự sân hận mạnh mẽ,tất cả đều có thể gây cho người chết rơi vào trạng thái đau khổ cùng cực và rất có thể bị luân hồi vào cảnh giới thấp hơn.

Khi tử thần kề cận,một vài dấu hiệu báo trước cuộc đời vị lai của người đó có thể xuất hiện.Những người có tâm niệm lương thiện sẽ cảm thấy từ đen tối đi tới sáng sủa hoặc tiến đến một khoảnh đất trống rộng rãi.Họ sẽ cảm thấy an lạc,trông thấy cảnh tượng của nhiều sự vật tráng lệ và sẽ không còn cảm thọ đau đớn cùng tột khi chết nữa.

Nếu lúc chết,người ta dấy lên tâm niệm tham và sân một cách dữ dội,thì họ sẽ thấy đủ loại ảo giác và lòng trĩu nặng bồn chồn lơ sợ.Có người cảm thấy đang vào nơi đen tối;có người lại cảm thấy bị lửa đốt.Tôi đã từng gặp những người bị bệnh nặng kể cho tôi nghe rằng khi họ lâm trọng bệnh, họ đã có ảo giác bị lửa thiêu đốt. Đây là điềm chỉ định vận mệnh tương lai của họ.Do kết quả của những dấu hiệu như vậy,người chết sẽ cảm thấy nội tâm vô cùng hỗn loạn;sẽ gào thét và than van;cảm thấy toàn thân như bị ghì kéo xuống dưới.Họ sẽ cảm thấy đau đớn dữ dội khi chết.Tất cả những điều này đều tuyệt đối phát xuất từ tự tâm chấp ngã.Người sắp chết biết rằng “con người”mà họ đã từng quá yêu quí đang đi vào cõi chết.

Những người đã từng tiêu pha phần lớn cuộc đời của họ vào những hành vi bất thiện lúc chết,theo truyền thuyết,thì quá trình tản thất thể ôn[6] bắt đầu từ phần trên thân thể chuyển dần đến tim.Trong bất cứ trường hợp nào, ý thức cũng đều thực sự tách rời ra từ tim cả.

Sau khi chết con người tiến đến trạng thái trung gian tức là Thân Trung Ấm[7].Thể xác của Thân Trung Ấmcó vài đặc thù riêng biệt; mọi quan năng sinh lý đều hoàn thành trọn vẹn,tướng mạo của Thân Trung Ấm sẽ hệt khuôn như tướng mạo của chúng sanh mà nó sắp sửa đầu thai vào.Ví dụ:nếu nó sẽ luân hồi trở lại làm người thì sẽ có tướng mạo giống như con người.Nếu nó sẽ đi đầu thai làm súc sanh thì sẽ có tướng mạocủa riêng loài thú đó.Thân Trung Ấm có một nhãn quan mạnh mẽ đến nỗi có thể trông xuyên qua những vật thể và dạo chơi cùng khắp mà không bị cản trở.Thân Trung Ấm chỉ có thể bị nhìn thấy được bởi Thân Trung Ấm cùng loại.Ví dụ: nếu một Thân Trung Ấm nào đã được định đoạt trước để tái sinh làm người thì nó chỉ được nhìn thấy bởi những Thân Trung Ấm đã được định phần để đầu thai làm người.Những Thân Trung Ấm cõi thiên đi đứng,nhìn ngó theo chiều hướng thượng;và những Thân Trung Ấm cõi người đi đứng nhìn ngó theo chiều ngang.Thân Trung Ấm của những người từng chìm đắmhành vi bất thiện, bị định phần sẽ đầu thai vào cảnh giới thấp kém hơn và theo truyền thuyết, sẽ di chuyển theo hướng chúc đầu lộn xuống.

Thân Trung Ấm trải qua chu kỳ kéo dài trong bảy ngày.Sau một tuần nếu Thân Trung Ấm gặp được tình cảnh thích hợp,nó sẽ tái sanh vào cảnh giới tương ứng thích hợp ấy.Nếu không,Thân Trung Ấm sẽ trải quamột cảnh chết nhỏ một lần nữa và sống trở lại như một Thân Trung Ấm.Tình trạng này có thể xảy ra bảy lần;tuy nhiên sau bốn mươi chín ngày,nó không còn kéo dài trạng thái Thân Trung Ấmbị bắt buộc đi đầu thai cho dù thích hay không thích.Khi thời giờ đã điểm để Thân Trung Ấm đi đầu thai; nó trông thấy chúng sanh cùng loại với nó đang vui đùa và nó sẽ nẩy sinh ý muốn tham gia.Những tinh chấttính cách tái tạo cuộc sống của cha mẹ tương lai của nó, ấy là tinh cha trứng mẹ.Cả hai,tinh cha và trứng mẹ là những gì rất đổi khác thường đối với Thân Trung Ấm.Thân Trung Ấm này sẽ có ảo tưởng rằng song thân nó có thể đã ngủ chung với nhau rồi dù thực tế không phải vậy.Nên nó mang lòng lưu luyến gắn bó với song thân.Nếu vị nào gần như có thể đầu thai làm con gái; theo kinh nói,vị ấy sẽ cảm thấy muốn cự tuyệt đẩy luingười mẹ và sẽ tìm cách ngủ với người cha do thúc đẩy bởi ái luyến chấp trước.Nếu vị nào có thể được sanh ra làm con trai,vị ấy sẽ cảm thấy muốn chống đối cự tuyệt người cha nhưng lại luyến ái với người mẹ và sẽ tìm cách ngủ với mẹ.Do sự thúc đẩy của loại dục niệm như vậy,cậu ta hay cô ta sẽ dõi theo bước chân của song thân.Thế rồi,không có phần thể nào của song thân hiển lộ ra đối với Thân Trung Ấm ngoại trừ bộ phận sinh dục và kết quả là nó cảm thấy bị trắc trở và sanh ra giận dữ.Sự phẫn nộ đó,trở thành điều kiện tất yếu làm cho trạng thái Thân Trung Ấm bị chết và đầu thai vào trong tử cung.Khi song thân giao hợp và đạt đến cao điểm nhục dục;Kinh nói,một hoặc hai giọt tinh dịch dầy đặc sẽ cùng trứng hòa hợp trộn lẫn với nhau như chất kem nổi trên mặt sữa nóng.Tại thời điểm đó, “ý thức” của Thân Trung Ấm sẽ ngừng hẳn và nhập ngay vào chất hỗn hợp này. Đó là dấu hiệu tiến vào tử cung.Cho dù song thân cũng có thể chưa giao hợp với nhau nhưng Thân Trung Ấm vẫn có ảo tưởng rằng cha mẹ đang giao hợp như vậy,nên nó sẽ tiến ngay đến nơi ấy.Điều này bao hàm chỉ cho những trường hợp xảy ra khi mà song thân có thể chưa giao hợp nhưng “ý thức” vẫn có thể thẳng tiến vào trong cơ phận thân thể rồi. Điều đó xác định rõ ràngtrường hợp của những “thí quản thai nhi”[8] ngày nay.Khi dịch thể của song thân được thu nhặt, hòa trộn và chứa giữ trong một cái ống thì “ý thức”có thể nhập ngay vào dung hợp này mà không cần phảisự thật thụ giao hợp.

Ngài Shantideva nói rằng: dẫu là súc sanh cũng còn tìm cách trải qua được kinh nghiệm lạc thú,và tránh né khổ đau trong đời này.Ta phải chuyên chú chuyển hướng tương lai; bằng không ta sẽ chẳng khác gì cầm thú.Sự tỉnh thức đối với cái chết là chiếc bàn thạch vững chắc của trọn vẹn chánh đạo.Ngoại trừ bạn phát triển được loại giác ngộ này;nếu không, tất cả mọi phương thức tu hành khác đều bị tắc nghẽn.Phật pháp là hướng đạo viên dìu dắt ta băng ngang vùng đất chưa quen; Phật phápthực phẩm nuôi sống cuộc hành trình;Phật pháp là vị thuyền trưởng đưa dẫn ta đến bến bờ Niết Bàn xa lạ.Vì thế, hãy dốc toàn lực thân,ngữ, ý dung hòa vào quá trình tu hành. Đàm luận về pháp tu quán tưởng đến cái chết và lẽ vô thường rất dễ,nhưng thực tế tu hành quả thật không phải dễ dàng.Và ngay cả khi thực tu;lắm lúc cũng chẳng nhận biết được bao nhiêu biến chuyển đang thay đổi nhất là khi ta chỉ so sánh giữa hôm qua và hôm nay.Quả có sự nguy hiểm làm mất đi hy vọng và trở nên nản lòng.Trong trường hợp như vậy,thật hoàn toàn hữu ích khi không so sánh giữa sự khác biệt của mấy ngày hoặc mấy tuần.Tốt hơn nên cố gắng so sánh tâm cảnh hiện giờ với tâm cảnh năm năm hay mười năm về trước,rồi ta sẽ thấy đã từng có một vài thay đổi trong lối kiến giải,trong năng lực hiểu biết,trong tính chất tự phát và trong cách đáp ứng với tu hànhkể trên.

Chính từ trong những thay đổi ấy, phát xuất ra cội nguồn của một sự khích lệ vô cùng to lớn.Điều này sẽ thật sự cung ứng cho ta một niềm tin; bởi vì, nó đã chứng minh rằng có nỗ lực ắt hẳn ta sẽ có khả năng tiến thủ xa hơn.Còn thối chíquyết định trì hoãn việc tu hành nhằm chờ đợi một dịp khác thuận tiện hơn thì quả là điều rất nguy hiểm.

[1] Geshe Sha-ra-wa: Cách Tây Hạ La Va

[2] Milarepa:Mật Lặc Nhựt Ba.

[3] Gung-Thang Rinpoche: Đường Nhơn Ba Thiết

[4] Geshe:Cách Tây

[5] Vô Thượng Du Già Mật pháp; Highest Yoga Tantra

[6] Quá trình tản thất thể ôn: process of the dissolution of the body’s warmth.Chú giải: đây là giai đoạn hơi ấm của thân thể tiêu tan dần, biến thể xác cứng lạnh và hồn phách rời khỏi thân xác.

[7] Thân Trung Ấm:the bardo

[8] Thí quản thai nhi: test tube baby.

CHƯƠNG 5: SANH

Nghiệp (Karma) có thể được hiểu như sự quan hệ giữa nguyên nhân và kết quả;khá giống như lối hiểu biết của các nhà vật lý học về mỗi tác động đều có một phản ứng tương đồng hay trái ngược. Đối với vật lý học,không phải bao giờ ta cũng tiên đoán được hình thức nào mà phản ứng sẽ sanh ra.Nhưng đôi khi ta có thể tiên liệu được phản ứng và có thể làm một chút gì để dịu bớt kết quả.Khoa học ngày nay đang cố gắng dùng đủ mọi phương thức để thanh lọc hoàn cảnh môi sinh đã từng bị ô nhiễm.Có nhiều khoa học gia đang tìm cách ngăn chặn để tránh tiếp tục ô nhiễm thêm nữa.Cùng thế ấy,những kiếp sống vị lai của ta cũng được định đoạt bởi những hành vi trong hiện tại cũng như trong tiền kiếp và trong nhiều kiếp quá khứ.Việc tu hành Phật pháp được hiểu là để làm dịu bớt kết quả của những hành nghiệp[1]của ta và để ngăn chận mọiô nhiễm chồng chất thêm từ những ý tưởnghành vi tiêu cực bất thiện.Nếu không,những tư tưởnghành vi tiêu cực ấy sẽ đưa dẫn ta đến sự chuyển sinh trong đau khổ kịch liệt.Sớm muộn gì ta cũng sẽ chết và sớm muộn gì ta cũng sẽ tái sanh luân hồi.Cảnh giới mà ta đầu thai vào được chia làm hai loại: loại ưa thích và loại không ưa thích.Nơi chốn tái sanh của ta tùy thuộc vào nghiệp thức.

Nhiệp được tạo tác từ một tác giả-con người hay sinh vật.Chúng ta không gì khác hơn là tự ngã, được tác thành dựa vào liên tục tánh của ý thức[2].Bản tánh của ý thức là sáng sủa,rõ ràng (linh minh giác tri).Nó là chủ tể của linh minh giác tri,là nguyên nhân cho mọi hành vi được khởi lên bởi ý thức trước đó trong một sát na.Nếu ta bắt đầu hiểu rằng liên tục tánh của ý thức không thể tiêu hao hết được trong vòng một đờisống thì ta sẽ khám phá rằng sự khả dĩ có một mạng sống sau khi chết hợp với luân lý học.Nếu ta không thể được thuyết phục để tin vào tánh liên tục của ý thức thì ít ra,ta cũng biết không có chứng cớ gì có thể bài bác lý thuyếtđời sống sau khi chết.Ta không thể chứng minh,nhưng ta cũng không thể phủ định được.Có rất nhiều trường hợp,con người nhớ rõ ràng những tiền kiếp của họ. Đây không phải là hiện tượng chỉ giới hạn cho riêng Phật giáo đồ.Có những người có những trí nhớ như vậy mà ngya cả cha mẹcủa họ cũng không tin có đời sống sau khi chết hoặc có tiền kiếp.Tôi đã từng thấy ba sự kiện trong đó,trẻ con có thể nhớ rành rẽ tiền kiếp của chúng.Trong một trường hợp, sự hồi tưởng lại tiền kiếp quá sống thực mà thậm chí song thân của chúng trước kia không tin là có đời sống sau khi chết.Vì sự hồi tưởng quá rõ ràngchính xác của đứa trẻ,kết quả là hiện nay họ đã bắt đầu tin tưởng. Đứa bé này không những có thể hồi tưởng lại rõ ràngnhận ra thôn làng phụ cận mà một thời nó từng trú ngụ.Nó còn có thể nhận diệnđược song thân đời trước mà nó chưa hề có dịp quen biết trong hiện đời.Nếu khôngđời sống sau khi chết hoặc không có tiền kiếp thì ta phải bắt buộc tìm cho ra một câu giải đáp khác cho những sự hồi tưởngkia.Có rất nhiều trường hợpcha mẹ đã nuôi dưỡng hai đứa trẻ trong cùng một phương cách,cùng một xã hội và cùng một bối cảnh như nhau.Nhưng đứa này thành công hơn đứa kia.Ta phát hiện những dị biệt như vậy xảy ra do kết quả của nhiều dị biệt trong những hành nghiệp quá khứ mà chính ta đã làm.

Chết không gì khác hơn là sự tách rời của ý thức khỏi thân thể.Nếu bạn không thể tiếp nhận cái hiện tượng gọi là ý thức này, tôi cho là rất khó để thuyết minh chính xác sinh mạng là gì.Khi ý thức nối liền vào thân xác và sự quan hệ này nối tiếp thì ta gọi là “đời sống”.Và khi ý thức chấm dứt sự quan hệ của nó với một thân xác đặc biệt nào đó thì ta gọi là “chết”.Cho dù thân thể ta là một tổng hợp của các cơ cấu tạo từ một loại linh xảo của thuần nhiên quang minh[3].Vì không phải là vật chất,ta không thể đo lường được nhưng điều này không có nghĩa là nó không hiện diện.Ta đã từng tiêu pha quá nhiều thì giờ, sức lực trong công cuộc nghiên cứu hay thăm dò thế giới ngoại tại.Nhưng nay,nếu ta thay đổi cách thức và trực hướng mọi phám phá,nghiên cứutinh lực của chúng ta quay về với nội tại và bắt đầu phân tích thêm; tôi thật sự nghĩ rằng chúng tađủ khả năng thấu triệt bản tính của ý thức-sự trong sáng, sự linh minh này-ngay chính từ trong tự thân của ta.

Theo lối giải thích của Phật giáo,tâm thức được cho là không hề bị trở ngại và cũng không có tính cách vật chất.Tất cả mọi tình tự cảm giác,mọi phiền não,mọi lỗi lầm của con người đều khởi nguồn từ những hành vicủa tâm thức.Tuy nhiên,cũng vì bản chất cố hữu của tâm thức này mà con người có thể loại trừ tất cả những sai quấy và phiền não ấy hầu mang lại một nền hòa bình vĩnh cửu và niềm an lạc thường hằng.Bởi vì ý thức là nền tảng của mọi hiện hữu và của sự giác ngộ nên còn có rất nhiều bài khảo thuyết uyên áobàn luận về vấn đề này.

Cho chính kinh nghiệm bản thân,ta biết rằng ý thức hay tâm thức rất dễ biến hóa, điều này cũng có nghĩa là chúng tùy thuộc vào những điều kiện nhân duyên đã thay đổi, biến hóaảnh hưởng chúng: những điều kiệnnhân duyên của đời sống chúng ta. Để cho tâm thức có thể khởi phát,nó cần phải có một nguyên nhân khả dĩ to lớn tương đồng với thể tính của chính nó.Không có một sát na ý thức trước đó thì không thể có bất cứ ý thức nào cả.Nó không thể xuất phát từ hư vô và cũng không thể chuyên trở lại thành hư vô.Vật chất không thể chuyển thành ý thức được.Do vậy,chúng ta có thể quay lại để truy nguồn tìm gốc về sự quan hệ tương tục nhân quả của sát na ý thức nầy…

Kinh điển Phật giáo đề cập đến cả trăm tỉ thể hệ thế giới; vô lượng vô biên thể hệ thế giớiý thức đã hiện diện từ vô thỉ đến nay.Tôi tin rằng còn có sự hiện hữu của nhiều thế giới khác nữa.Nghành vũ trụ luận ngày nay cũng nói rằng còn vô số hình thức thể hệ thế giới khác nhau.Tuy khoa học chưa quan sát thấy được có đời sống trên những hành tinh khác; nhưng quả tình không hợp lý để luận định chỉ có tinh cầu duy nhấtdựa vào thái dương hệ này chứ không thể có bất cứ hành tinh nào khác có thể có những đời sống hiện diện.Kinh Phật đề cập đến dấu tích sanh mạng hiện diện trên nhiều thể hệ thế giới khác nhau cũng như trên nhiều thái dương hệ khác nhau và vô lượng vô biên vũ trụ thế giới.

Các khoa học gia ngày nay sẽ có nhiều giải đáp khi được hỏi đến nguyên nhân phát sinh và sự hình thành của vũ trụ.Nhưng nếu được hỏi tại sao phát sinh loại tiến hóa này thì họ sẽ không có câu trả lời thích đáng.Thông thường, họ không giải thích sự kiện này như là do Thượng đế sáng tạo ra; bởi vì họ là những quan sát viên khách quan có khuynh hướng tin tưởng vào vũ trụ vật chất.Có người nói vũ trụ ngẫu nhiênđược tạo thành.Thế thì quan điểm này tự nó không hợp lý; bởi vì nếu sự vật nào cũng hiện diện bởi tình cờthì cũng tương đương như ta đang nói là mọi sự mọi vật đều không có căn nguyên.Nhưng ta lại thấy trong sinh hoạt thường ngày thì mọi vật đều có nguyên nhân của nó:mây là nguyên nhân làm mưa,gió thổi tung bay các hạt giống để sanh ra cây cỏ.Không có sự vật nào tồn tại mà không có nguyên nhân.Nếu sự tiến hóa nguyên nhân của nó thì khả dĩ có hai lối giải đáp.Bạn có thể chấp nhận rằng vũ trụ do Thượng Đế sáng tạo.Trong trường hợp như vậy sẽ có rất nhiều mâu thuẫn; chẳng hạn như sự khổ đau và tàn ác cũng tất nhiên là do Thượng Đế sáng tạo.Một chọn lựa khác để giải thích rằng:vô số chúng sanh với tiềm lực của nghiệp thức tích chứa đã tạo ra toàn thể vũ trụ vạn hữu này thành một môi trường cho chính họ.Thế giớimà ta đang sống được tạo ra bởi chính những dục vọnghành vi của chúng ta Đó là tại sao ta hiện diệnnơi đây Điều này, ít ra cũng hợp lý.

Vào giờ phút chết,ta sẽ bị lôi kéo bởi sức mạnh của các hành nghiệp của chính chúng ta.Kết quả của những nghiệp bất thiệnchuyển sinh xuống cảnh giới thấp hơn. Để tự bảo vệ mình không phạm vào các hành vi bất thiện,chúng ta thử tưởng tượng xem liệu mình có chịu đựng nổi với biết bao thống khổ ở các cảnh giới thấp hơn không? Nhận chân được niềm an vui hạnh phúc là kết quả tất yếu của các hành vilương thiện thì ta sẽ hăng say vui vẻ trong việc vun bồi phước đức.Cân bằng kinh nghiệm tự thân và kinh nghiệm của tha nhân, bạn sẽ phát khởi tâm từ bi dõng mãnh;bởi vì bạn sẽ cảm thông được niềm đau nổi khổ của người không khác chi với niềm đau nỗi khổ của chính bản thân mình; bởi vì họ cũng đồng thờimong muốn đạt được cứu cánh giải thoát vậy. Điều quan trọng là hãy tư duy về nỗi khổ sở của các loài súc sanh và nỗi khổ sở của cảnh giới địa ngục.Nếu chẳng chịu nỗ lực cầu tiến trong đời sống tâm linh thì những hành vi xấu ác sẽ đưa đường ta đến đó.Nếu cảm thấy không thể nhẫn chịu nổi cái khổ phỏng cháy hoặc buốt giá hoặc đói khát triền miên thì động cơ tu hành của ta sẽ tăng trưởng vô hạn.Thời điểm trước mắt,mang được thân người đã cung cấp cho ta cơ hội và điều kiện để tự cứu thoát.

Hình thức tồn hữu thấp hơn,là sự thác sanh vào loài súc sanh,thành ngạ quỷ hoặc thành chúng sanh trong cảnh giới địa ngục.Căn cứ theo kinh điển,các cảnh giới địa ngục nằm ở một vị thế nào đó ngay chính phía dưới của Bồ Đề Đạo Tràng[4]ở Ấn Độ,là nơi Đức Phật thành đạo(giác ngộ).Nhưng nếu bạn thật sự du hành đến khoảng cách đó,thì bạn sẽ tận cùng dừng ngay ở vùng Trung Mỹ.Do đó không nên xem từng chữ một các lời dạy trên đây.Các giáo nghĩa trên được dạy tùy theo tập tục đương thời hay tùy theo niềm tin của quảng đại quần chúng.Mục đích Đức Phật thị hiện xuống nhân gian không phải để đo đạt chu vi của thế giới và khoảng cách của điạ cầu và mặt trăng;nhưng hơn hết là để khai thị Phật pháp,giải thoátcứu nguy những nỗi thống khổ của mọi loài chúng sanh.Nếu không thấu hiểu được tiến trình cơ bản của Phật giáo,ta sẽ nghĩ rằng, đôi lúc Đức Phật thuyết pháp một cách khó hiểu và mâu thuẫn.Nhưng trong từng loại quan điểm triết học khác nhau do Ngài giáo huấn đều có mục đích riêng biệt của nó.Và mỗi quan điểm đều giúp ích cho mọi chúng sanh với từng căn cơ khác biệt.Khi đề cập đến các cảnh địa ngục, ắt hẳn ngài muốn nhắm đến các tập tục và tín ngưỡng dân gian với mục đích rõ ràng muốn người nghe phát tâm tu hành Phật pháp.

Tôi tin rằng những loại trạng thái địa ngục nóng lạnh khác nhau đều có thật.Nếu có các cảnh giới cao tột nhất như Niết BànNhất Thiết Trí; tại sao không có các cảnh giới trái ngược hẳn,các cảnh giới của thống khổ trầm luân nhất, của tâm thái khó điều phục nhất chứ?Cho dù trong kiếp làm người cũng có đủ mọi hạng người khác nhau:làm người được an lạc hạnh phúc và vui hưởng đời sống;nhưng cũng lắm kẻ phải cam chịu hoàn cảnh khốn khổ khó khăn.Vậy,tất cả các kinh nghiệm sai biệt trên đây đều xảy ra do từ kết quả của các nhân tố dị biệt-đó là hành vi hay nghiệp lực.Nếu tiến xa hơnso sánh loài người với nhiều hình thể động vật khác nhau; ta sẽ khám phá rằng trạng thái tâm linh của động vật càng khó điều phục hơn nữa và sự khốn khổ, bấn loạn của chúng cũng càng hiển nhiên hơn.Chúng vẫn có khuynh hướng tự nhiên muốn sướng và tránh khổ.Có một vài loại thú rất thông minh:chúng rất cẩn thận nếu ta tìm cách bắt chúng bằng cách cho chúng thức ăn.Vừa ăn xong chúng tìm cách chạy trốn ngay.Nhưng nếu ta chân thànhkiên nhẫn cho chúng thức ăn thì chúng bắt đầu tin tưởng ta hoàn toàn.Ngay cả động vậtnhư chó mèo,cũng biết cảm kích đối với lòng nhân từ,giá trị lòng chân thànhyêu thương.Nếu mục tiêuthành tựu tinh thần có những đẳng cấp khác biệt dựa vào mức độ tâm thức được điều phục thì cũng nên có những đẳng cấp khác nhau của tâm thức chưa điều phục được. Ở ngoài lãnh vực súc sanh còn có cảnh giới ngạ quỷ,chúng không thể ăn uống no đủ được. Địa ngụccảnh giới mà các chúng sanh ở đó rất khó lòng dùng sức phán đoán hoặc trí huệ vì sự lầm than đau khổ cùng cực.Các khổ nạn nơi địa ngụcthật cực nóng và cực lạnh.Chứng minh rằng các cảnh giới như vậy có thật vượt ra ngoài tầm luận lý thông thường của chúng ta.Nhưng ta có thể đi đến kết luận rằng các cảnh giới ấy thật có bởi vì Đức Phật đã chứng minh cho ta thấy nhiều vấn đề hệ trọng khác một cách quá chính xác,quá hợp lý và quá vững chắc; chẳng hạn như lý vô thường và sự tương quan nhân quả mà ta có thể xác chứng rằng rất hợp lý.Vì thế,ta có thể suy luận rằng đối với đẳng cấp khác nhau của sự tái sanh,Ngài cũng rất đúng. Động cơ khiến Đức Phật thuyết giảng về các cảnh giới địa ngục thuần túy do lòng bi mẫný muốn dạy dỗ những gì xét ra hữu ích để mọi loài chúng sanh tự giải thoát khỏi vòng luân hồi sanh tử.Những điều sâu kín này bắt buộc phải tuyệt đối chân thật bởi vì Ngài chẳng có lý do gì để phải vọng ngữ.

Hàng ngày ta thường chấp nhận một vài sự thể như là chân thật mà ta không có cách trực tiếp chứng minh.Tôi sanh ngày 6 tháng 7 năm 1935.Tôi biết được điều này chỉ đơn thuần vì mẹ tôi bảo cho tôi biết và tôi đã tin bà.Tôi không sao nhận hiểu trực tiếp hoặc chứng minh điều này hợp lý cả.Nhưng dựa vào một người mà tôi đặt để lòng thâm tín,lại cũng không có lý do để dối gạt tôi thì tôi biết rằng tôi sanh ngày 6 tháng 7 năm 1935.Những câu hỏi thâm áo hơn trên đây về đời sống sau khi chết và sự hiện hữu của những cảnh giới khác chỉ có thể được tiến gần đến bằng sự thâm tínliễu giải tường tận kinh điển.Ta phải dẫn chứng rằng các kinh điển trên có giá trị bằng cách biện giải lý luận.Chúng ta không chỉ chiếu theo một đoạn trích dẫn dựa trên bề mặt,mà ta cần nghiên cứu học tập và ứng dụng vào đời sống thực tiễn.

Bao nhiêu mức độ đau khổ khác biệt trong cảnh giới thấp hơn đã được thuyết minh trong một số kinh điểnkhác.Có nhiều nỗi thống khổ cùng cực đến mức vượt xa tầm hiểu biết của ta.Làm sao bạn có thể chịu đựng nổi,nếu bị thác sanh xuống những cõi hạ đẳng đó? Hãy kiểm lại xem phải chăng bạn đã từng gây tạo nhân duyênđiều kiện cho sự thác sanh vào cảnh giới thấp hơn như vậy! Cho đến khi nào còn bị kềm kẹp bởi phiền não-những sức mạnh kinh khiếp của sân hận và tham dục-ta sẽ bị cưỡng bách để chìu thuận theo những hành vi tiêu cực xấu ác trái với ý muốn của mình; và đó chính thực là nguyên nhân gây ra đọa lạc.Nếu đúng là trường hợp này,thì ta sẽ phải tự gánh lấy những quả báo khổ đau.Nếu không muốn trải qua hoặc nghĩ rằng bạn chẳng bao giờ kham nhẫn nổi những đau khổ cùng cực như vậy thì bạn nên tìm cách chế ngự ba nghiệp thân,khẩu và ý của mình để khỏi sa đắm vào những hành vi tích tụ những tiềm lực có khả năng khiến bạn bị đọa lạc vào các cảnh giới đó.Những hành vi đã tích lũy cần được thanh lọc kỹ càng tương ứng với phương pháp tu hành thích đáng.Bởi vì mọi sự mọi vật đều vô thường, không có sự độc ái nào mà không thể tịnh hóa được ( chuyển hoá để biến thành thanh tịnh).

Càng tư duy kỹ, bạn càng cảm nhận một cách sâu sắc rằng những khổ đau cùng tột như thế quả thật là điều không thể chịu đựng nổi;từ đó bạn sẽ tri nhận rằng những hành vi xấu tự nó là những nguyên nhântiềm tàng sự hủy diệt đáng sợ.Khi quán tưởng đến các nổi khổ đau, bạn nên hình dung chính tự thân mình thác sanh vào các cảnh giới ấy và đang chịu đựng những nỗi thống khổ như vậy.Kinh điển dạy rằng:ví dụ,khi ngẫm nghĩ đến các loại đau khổ trong địa ngục nóng, bạn nên tưởng tượng thân thể đang bị bốc cháy; hoặc khi ngẫm nghĩ đến các loại đau khổ trong địa ngục lạnh, bạn nên tưởng tượng thân thể đang bị đông lạnh.Cũng nên làm giống như vậy khi ngẫm nghĩ đến nỗi thống khổ của các loài súc sanh.Thật đáng khuyến khích bạn nên ẩn dật một nơi biệt lập nào đó và thử bắt chước kinh nghiệm của các loại chúng sanh như vậy,thử hình dung chính mình đang nhẫn chịu cảnh khổ.Càng cảm thấy không thể chịu đựngđược những nỗi khổ sở một cách mãnh liệt chừng nào thì sự kinh khiếp về các cảnh giới hạ đẳng càng lớn mạnh chừng đó.Nó sẽ dẫn đưa chúng ta nhận thức được sức hủy diệt của các hành vi bất thiện cùng những khổ đau do chúng gây ra.Dần dần khi bạn quán chiếutư duy bằng với một tâm đại bi thì pháp tu này sẽ giúp tăng trưởng tâm từ đối với những người bị sa đắm vào các hành vi cùng hung cực ác ấy.Tỷ như,khi người Tây Tạng nghỉ đến Trung Cộng với biết bao hành vi ác độc gồm cả công việc sát nhân diệt chủng.Thay vì phẫn nộ,chúng ta cố gắng phát triển một tâm từ bi rộng lớn đối với những người đã bị phiền não của mình khống chế một cách quá sức tưởng tượng.Dù những người này không tức khắc gặt hái những đau khổ một cách rõ rệt; nhưng chỉ là vấn đề của thời gian,vì sớm muộn gì họ vẫn phải đối diện với quả báo mà thôi.

Mang được thân người,nếu ta có thể phát triển ngay bây giờ nỗi sợ hãi bị đau khổ thì ta sẽ có tiềm năng,năng lực và cơ hội để phòng ngừa những nhân duyên gây nên đọa lạc cho chúng ta.Ta có thể tịnh hóa điều xấu và tích tập nhiều phước đức.Ta cũng có thể làm cho công đức tích lũy được tăng trưởngthêm, và mang công đức này hồi hướng trở lại để chúng không bị hủy diệt vì tâm phẫn nộ.Nếu mỗi ngày,chúng ta đều thực tập cách thức tu hành chánh đáng như vậy,ta sẽ có thể làm cho kiếp nhân sinhcủa mình đượm đầy ý nghĩa.

[1] Hành nghiệp:karmic action

[2] Liên tục tánh của ý thức: continuity of consciousness

[3] Linh xảo thuần nhiên quang minh:subtle agent of pure luminosity.

[4] Bồ Đề Đạo Tràng: Bodh Gaya

CHƯƠNG 6: QUY Y

Tín đồ Phật giáo là một người bị thôi thúc bởi động cơ lo sợ phải chịu đau khổ trong vòng luân hồi sanh tử và trong sự chuyển sinhvào cảnh giới thấp hơn mà quay về quy y với Tam bảo: Phật,Pháp(giáo pháp) và Tăng (đoàn thể những người tu hành).Người Phật tử,xuyên qua kinh nghiệm tu hành,biết rằng Tam Bảonăng lựchỗ trợ họ khỏi bị đọa lạc xuống cảnh giới thấp.Vị sư Po-to-Wa[1] vào thế kỷ thứ mười một có lần nói rằng khi ngài viếng thăm một tu viện: dù trong số những vị tu sĩ cao niên đang ngồi cầu nguyệntrong ấy,vẫn có vài vị chưa hẳn đã là những Phật tử.Rất nhiều người trong họ thiếu sự hiểu biết thích đáng về Tam Bảo.Vì quy ytăng cường nguyện vọng thành tựu Niết Bàn.

“Phật” là một bậc hoàn toàn thoát ly mọi phiền nãolỗi lầm,là đặc chất của tất cả mọi phẩm hạnh cao quí,là một bậc đã đạt được trí tuệ viên mãn siêu việt để có thể loại trừ được mọi vô minh tăm tối. “Pháp” là kết quả của sự giác ngộ của ngài.Sau khi chứng ngộ, Đức Phật giảng dạy,và điều mà ngài giảng dạy, được gọi là Phật pháp. “Tăng” được hình thành từ đoàn thể những người tu hànhtheo giáo pháp truyền thừa bởi Đức Phật.Trên đây là định nghĩa căn bản của Tam Bảo.Phạm vi sinh hoạt của Đức Phậtthuyết phápkhai hiển chánh đạo giác ngộ.Hoạt động hay chức năng của giáo phápdiệt trừ đau khổnguyên nhân gây khổ: phiền não.Chức năng của đoàn thể Tăng giàhoan hỷ đảm trách sứ mệnh hoằng pháptu hành theo giáo pháp.Bạn nên quy ngưỡng tôn kính Phật. Đối với pháp bạn cần có thái độ khát vọng cầu thỉnh để nỗ lực tạo được phần nào kinh nghiệm cho chính nội tâm mình;và bạn nên quy ngưỡng tăng đoàn như các thiện hữu cao quý dìu dắt mình trên quá trình của chánh đạo. “Phật” là vị đại đạo sư chỉ bảy cho ta hướng đến con đường giác ngộ. “Pháp” là thật sự quay về nương tựa vào nơi mà ta có thể tìm thấy được sự bao che,bảo hộ tránh khỏi mọi khổ đau ách nạn,và “Tăng” thì bao gồm những thiện tri thức trong suốt mỗi giai đoạn của con đường tu tập đạo chân chính giác ngộ.

Một trong những lợi ích khi quy y là có thể thanh tịnh được mọi tội,mọi nghiệp tạo tác từ quá khứ.Bởi vì quy y sẽ buộc ta phải tuân theo những điều hướng dẫn của Đức Phật để tiến bước trên con đường của những hành vi lương thiện. Đa số những hành vi xấu ác mà bạn đã lỡ phạm trong quá khứ đều có thể được giải trừ hoặc giảm khinh;còn công đức tích lũy thì được gia tăng.Quy y với Tam Bảo,chẳng những ta được sự hỗ trợ để tránh đi những tổn hại trong hiện đời mà còn tránh được cảnh đọa lạc thống khổ trong cảnh giớithấp hơn và có thể nhanh chóng đạt thành Phật quả.Không bao giờ được từ bỏ Tam Bảo dù phải trả giá bằng chính thân mạng của ta. Ở Tây Tạng đã xảy ra nhiều trường hợp Trung Cộng đã tìm cách cưỡng bách người dân từ bỏ tín ngưỡng.Nhiều người đã bày tỏ thà chịu hy sinh tính mạng chứ không thể bỏ được niềm tin tôn giáo Đây mới đích thực là sự phát tâm quy y chân chánh.

Ngài Tsong-Kha-Pa nói: nếu sự sợ hãi[2] và lòng xác tin[3] của bạn chỉ là lời nói không thôi thì quy y cũng chỉ là ngôn ngữ suông.Nhưng nếu sự lo sợ và niềm tin vững chắc vào Tam Bảo của bạn dựa trên nền tảng và dựa vào gốc rễ sâu dầy rằng Tam Bảo có khả năng bảo hộ bạn tránh khỏi niềm lo sợ như vậy thì sự quay về nương tựa của bạn cũng sẽ có năng lực rất cao.

Chính bản thân những đối tượng mà ta quy y cũng phải đạt được cảnh giới hoàn toàn không còn sợ hãi và khổ lụy nữa.Nếu chính những đối tượng ấy còn chưa đạt được đến cảnh giới như vậy thì họ không thể nào có đủ năng lực hỗ trợ chúng ta; giống như người đang ngã quỵ không thể giúp bạn đứng lên được.Vì thế,những đối tượng mà ta trông chờ được bảo vệ cần phải thoát khỏi mọi khổ đau sợ hãi:nếu không thì họ cũng chẳng có khả năng cho dù bị có tâm nguyện muốn bảo hộ chúng ta. Đức Thích Ca Mâu Ni Phậtkhông những đã tự thoát ly mọi khổ đau sợ sệt mà Ngài còn có năng lực thiện xảo vô thượng có thể hướng dẫn mọi loài chúng sanh tiến bước trên con đường chân chính để được khai ngộ.Ta có thể thấu hiểu điều này dựa trên những giáo pháp khác nhau mà Đức Phật đã tùy ứng giảng dạy theo căn cơ sở thích và khuynh hướng của mọi loài chúng sanh.Ngài đã lưu lại nhiều giáo pháp có thể đáp ứng cho chúng ta với bất cứ trình độ tri thức nào.Khi đã liễu ngộ được tầm mức quan trọng của sự việc như vậy,ta cũng sẽ tùy hỷ tán thán mọi tôn giáo trên thế giới,bởi vì mục tiêu tối thượng của những giáo điều của họ cũng chỉ là giúp đỡ tha nhân.Ngài Tsong-Kha-Pa nói: Nếu bạn tưởng nghĩ đến những đặc chất vĩ đại đã cụ thể hóađối với ba đối tượng ấy thì không thể nào bạn không được hỗ trợ che chở. Điều ta cần có là cảm giác sợ hãi cùng cực đối với những thống khổ của cảnh giới thấp và vững tin rằng Tam Bảonăng lực bảo vệchúng ta khỏi khổ.Ta phát khởi lòng tin kiên định này xuyên qua sự quán chiếu các phẩm hạnh cao thượng của Phật,Pháp và Tăng.

Lòng từ bi của chư Phật thì không có thiên vị.Ngài chẳng hề phân biệt trong số những hữu tình chúng sanhai đã giúp hoặc ai đã không giúp Ngài.Ngài nỗ lực hành hoạt “cho” và “vì” sự an vui phúc lợi của chúng sanh một cách vô tư không thiên vị.Những công hạnh như vậy chỉ có Chư Phật mới được toàn bích.Vì thế nơi nương tựa quy y chính là Đức Phật và nhiều hình thức hóa thân xuất phát[4] của ngài cùng với những giáo pháp đã được truyền dạy,cũng như tất cả đoàn thể những người đã học theo và dấn thân tu hành theo ngài đều chính là nơi nương tựa để quy y.

Kim ngôn của Chư Phật trùm khắp đến nỗi nếu ngài được hỏi một hoặc nhiều điều khác nhau cùng một lúc,kinh sách nói rằng ngài có khả năng thấu triệt nội dung tinh yếu của vấn đề và có thể dùng một câu giải đáp duy nhất mà kết quả nội dung trả lời có thể tương ứng nhất trí với từng trình độ lý giải của người hỏi.

Trí huệ Phật có thể thấu triệt được mọi hiện tượng theo định ước,truyền thống tập tục một cách tuyệt đốigiống như xem mọi sự vật trong lòng bàn tay của ngài.Do đó, mọi đối tượng tri thức đều có thể liễu tri và nằm gọn trong tuệ giác siêu việt của Đức Phật.

Tâm Phật bao tùm tất cả,là Nhất Thiết Trí.Tâm trí Phật không có một biệt lệ nào trong việc thấu triệt vạn hữu sum la (mọi hiện tượng thế giới) vì ngài đã đạt đến được cảnh giới hoàn toàn thoát ly mọi chướng ngạicủa tri thức.Các chướng ngại của tri thức là những dấu ấn hoặc những khuynh hướng thiên lệch còn sót lại trong nội tâm bởi phiền não từ vô thỉ đến nay: đó là sự vô minh đối với bản tánh thực tại,sự tham đắm chấp trước,và lòng sân hận.Khi rũ bỏ hết những nét in ấn trên đây,ta sẽ đạt đến cảnh giới Nhất Thiết Tríbởi vì ta không còn vướng mắc bởi bất cứ chướng ngại tri nhận nào.Khi nội tâm đã đạt đến Nhất Thiết Trí,tâm linh ta sẽ liễu tri được vạn hữu vũ trụ một cách vô chướng ngại.

Khi chứng kiến niềm đau nỗi khổ của mọi loài chúng sanh,tâm Phật tự nhiên cảm kích và bừng lên một lòng bi mẫn bất tận.Khởi đầu của Bồ Đề đạo,Chư Phật phát khởi tâm từ bi rộng lớn đối với tất cả chúng sanh,và đã khai triển tâm từ bi ấy đến cứu cánh tuyệt đích xuyên suốt quá trình tu hành.Từ Bi Tâm,một trạng thái tâm linh có phẩm cao đạo hạnh dựa trên bản tánh hằng sáng của nội tâm,có khả năng tăng trưởng một cách vô tận.

Chư Phật luôn dùng thân,ngữ và ý trong việc mưu cầu lợi ích cho chúng sanh.Các ngài đáp ứng nguyện vọng và dẫn đạo chúng sanh trên từng giai đoạn tu hành bằng phương tiện thiện xảo thích ứng với tùy loạinhư cầu,sở thích,căn cơ khác nhau.Ngài Tsong-Kha-Pa nói rằng nếu bạn có niềm tin vững chắc nơi “Phật” thì nhờ sự nhớ tưởng đến các phẩm hạnh khác của ngài và lòng nhân từ vô lượng của ngài mà niềm tinđối với “Pháp” là lời khai thị và “Tăng” là đoàn thể những người tu hành sẽ tự nhiên phát sinh.Như thế, toàn bộ luật nghi,quy phạm trong kinh điển Phật giáo sẽ như là lời khuyên bảo cho mỗi cá nhân.Vì thế khi phát khởi lòng tin tưởng kiên định nơi Phật thì bạn cũng sẽ phát khởi niềm tin sâu xa đối với những giáo phápcủa ngài.

Bạn không nên chỉ trích phê bình tượng đắp hoặc hình Phật bất kể các tôn tượng đó được làm bằng chất liệu gì hay hình trạng thế nào.Bạn hãy kính trọng tôn tượng như kính trọng Chư Phật.Khi đã quy y Phậtrồi,bạn không nên quan tâm đến hình tướng mà chỉ nên kính trọng các tôn tượng bất kể tôn tượng ấy được làm thành bằng chất liệu gì.Bạn tuyệt đối không dùng tượng Phật để buôn bán hoặc để thế chấp vay mượn.

Có lần ngài Atisha được một trong các vị đệ tử của ngài yêu cầu Ngài bình phẩm về tôn tượng của đức Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi,vị Bồ Tát đại biểu cho đại trí và nói rằng nếu ngài Atsha nghĩ rằng pho tượng này đẹp thì ông sẽ mua ngay.Ngài Atisha bảo rằng: Không nên bình phẩm về thân tướng Bồ Tát Văn Thù nhưng pho tượng này chỉ đạt được mức độ trung bình nếu xét về khía cạnh nghệ thuật điêu khắc.Và rồi Ngài Atisha bảo rằng khía cạnh thủ công điêu khắc hoàn toàn ở mức trung bình,dường như Ngài ngụ ý là pho tượng trông không được đẹp lắm.Do đó,những người nghệ sĩ điêu khắc cần nên hết sức cẩn tắc.Nhữngđiêu khắc gia mang trọng trách rất lớn kho tô vẽ hoặc điêu khắc nhằm làm thế nào để các Phật tượngđược tướng hảo trang nghiêm.Nếu không thì sẽ rất nguy hiểm bởi vì có nhiều người đã tự tích tập nghiệpchứng bất thiện,chỉ vì không thể nhịn cười được trước những hình tượng kỳ dị không cân xứng.

Phương pháp hướng dẫn ta đạt đến cảnh giới Nhất Thiết TríĐạo Đế. Đạo ĐếDiệt Đế đã tạo thành một sự quy y chân chính-Phật Pháp.Phật Pháp là điều mà ta không thể hấp thụ,thấm nhuần ngay tức khắc được mà cần phải được chứng nghiệm xuyên qua một tiến trình dài lâu.Trong tiến trình quy y tu tập,bạn phải hết sức khéo léo để hành thiện đồng thời cần tránh xa các hành vi xấu xa tiêu cực. Đó gọi là thực hành theo giáo pháp Phật.Nếu khiếp sợ những nỗi thống khổ ở các cảnh giới hạ đẳng thì bạn nên chuyển hóangăn ngừa tâm thức mình đừng để sa vào các hành vi bất thiện thường khiến bạn bị đọa lạc. Điều này tùy thuộc rất nhiều vào sự tu hành của bạn có nghiêm cẩn không?Hoặc bạn có quyết chí tích tập công đức và tránh xa những hành vi tổn đức không?Và điều này cũng còn tùy thuộc vào điều, đó là bạn có tin tưởng sâu xa vào luật nghiêp báo hay không?

Có hai loại kinh nghiệm khác nhau; ưa thích và không ưa thích; và loại nào cũng có căn nguyên riêng của nó.Sự đau khổ,một loại kinh nghiệm không ưa thích, được gọi là vòng tuần hoàn luân hồi (samara),có căn nguyên xuất phát từ các phiền nãoác nghiệp, đã ép buộc chúng ta phải tạo nghiệp.Hình thức mong cầu một sự hân lạc,một niềm hạnh phúc chân thật; đó là một loại kinh nghiệm ưa thích,và cũng chính là cứu cánh Niết Bàn và tất cả đều là thành quả của sự tu hành Phật pháp.Còn căn nguyên của đau khổđọa lạc xuống cảnh giới thấp kém hơn là mười ác nghiệp (tường thuật ở chương thứ 7).Sự giàu có phong lưu và thác sanh vào cảnh giới tốt đẹp đúng như sự mong muốn là do trì giới thanh tịnh hoặc do tu hành theo mười thiện hành. Để tránh bị thọ sanh và thọ khổ ở cảnh giới thấp kém hơn,bạn phải diệt trừ tận gốc nguyên nhân đau khổ ấy bằng cách chuyển đổi thân ngữ, ý hướng về hành vi lương thiện đạo đức.Trình độ cả quyết nghiêm mật tu hành của bạn tùy thuộc rất nhiều nơi niềm tin sâu xa vào luật nhân quả; vả chăng bạn có hoàn toàn tin tưởng rằng những khổ họa không như ýhậu quả của các hành vi tiêu cực; và tin rằng các thành quả như ý, chẳng hạn như: hạnh phúc,hỷ lạc,giàu sang đều là quả báo của các hành vi tích cực chánh chân.Vì thế, điều tối trọng yếu trước tiên,là hãy phát triển niềm tin kiên định rằng pháp tắc nghiệp báo không thể sai lầm được.

Quy y Phật pháp,như một lời phát nguyện để khẳng định;người Phật tử cần tỏ bày sự ngưỡng trọng đối với các kinh sách Phật giáo.Bạn không nên bước ngang qua dù là một trang kinh,và Pháp bổn thì cần phảiđược cất giữ nơi sạch sẽ.Bạn không nên có thái độ chiếm hữu,buôn bán hay cầm thế kinh sách để vay mượn.Không nên mang kính đeo mắt và bút viết đặt trên kinh điển.Khi lật trang kinh,bạn không nên liếm tay.Tương truyền,mỗi khi có người mang Pháp bổn đi ngang qua thì ngài Geshe Chen-nga-wa[5] thường đứng lên;sau này vì tuồi tác lớn,ngài không làm sao đứng lên cung tống được thì ngài thường lặng yên chắp tay tỏ ý tôn kính.Khi ngài Atisha còn ở tây bộ Tây Tạng,có một vị hành giả Mật Tông chưa từng thỉnh pháp với ngài.Một hôm,ngài Atisha chứng kiến một tăng nhân Tây Tạng khác đã dùng thức ăn trong răng mình để làm dấu trang sách kinh đang đọc.Ngài Atisha bảo vị kia không nên làm như vậy.Kết quả là vị hành giả Mật Tông quá cảm kích trước sự quyết tâm quy yphụng hành giới luật học xứ của ngài Atisha,nên tương truyền rằng vị hành giả Mật Tông sau này đã trở thành đệ tử của ngài Atisha.Chúng ta cũng nên tin Tăng Bảo, đoàn thể của các bậc tu hành.Khi nói đến tăng già,chủ yếu là ta đề cập đến những bậc tôn kínhtrong đại chúng vì nhờ cần mẫn chuyên tu mà đã liễu ngộ được Phật pháp ngay chính từ trong nội tâm và đã thấu triệt được bản tính của mọi thực tại.Tăng Bảo chân chính là những người thường xuyên thực hànhPhật pháp; những người duy trì thích đánggiới thể; những người rất xuất sắc trong việc trì giới; những người luôn chân thành chánh trực,tâm tư thì thuần tịnh và ngập tràn từ bi.

Quy y tăng rồi,bạn tuyệt đối không nên thóa mạ bất cứ vị tăng hay ni nào đang theo đuổi đời sống xuất gia.Hãy tôn kính họ và không nên phân biệt phái hệ hoặc tranh đua cao thấp ngay chính trong tăng đoànvới nhau. Ở những nơi như Thái Lan,Tăng Bảo rất được quý kính.Vì được mọi người kính trọng, nên các tăng sĩ không nên cư xử kém thanh nhã khiến người tại gia bị mất niềm tin.Thông thường,tôi không nghĩ phải cần có một đoàn thể tăng sĩ đông đảo to lớn như ở Tây Tạng trước kia mới tốt.Dù chỉ là một đoàn thể nhỏ gồm những vị tăng thuần chánh thanh tịnh cũng còn tốt đẹp hơn.Trở thành tu sĩ hay không chỉ là mộtvấn đề lựa chọn cá nhân;nhưng sau khi lựa chọn con đường xuất gia làm một vị tăng hay ni rồi, điều đương nhiên là tốt hơn không nên làm ô danh đạo.Nếu không,không những chỉ bất tịnh cho chính bạn mà còn đồng thời khiến người khác thối thất tín tâmtích lũy ác nghiệp một cách vô ích.Tương truyền ngài Drom-ton-pa không hề bước ngang dù chỉ là một mảnh vải đỏ hoặc vải vàng bởi nó tượng trưng cho y bào tăng ni.

Ngài Tsong-Kha-pa dạy rằng: Bắt đầu thọ tam quy là bước vào ngưỡng cửa của Phật giáo.Nếu sự quy ycủa chúng ta thực sự được cảm nhận một cách sâu đậm chứ không phải chỉ là những ngôn từ suông thì chúng ta sẽ không còn cảm thấy bị thương tổn trước những hãm hại ác độc của loài người và điều này sẽ trợ duyên cho việc tu hành của chúng ta được trở nên dễ dàng. Đã hiểu rõ được những ích lợi này rồi, ta hãy cố gắng nung nấu nỗi lo sợ bị khổ và hãy dõng mãnh phát khởi tín tâm kiên định vào khả năng phò trợ của Tam Bảo trong việc giúp tu thoát khổ.Ta hãy cố gắng để sự hành trì tu tập trong ý nghĩa quy y càng kiên cường càng tốt và tuyệt nhiên không nên vi phạm giới luật đã tiếp thọ.Vì thế,với sự tỉnh thức trước cái chết và niềm lo sợ các cảnh giới thấp kém hơn,ta sẽ khám phá rằng Tam Bảonăng lực che chở ta,rằng Tam Bảo là cội nguồn chân chính để ta quy y nương tựa.

Phật là vị đạo sư chỉ dạy cách quy y chân chánh và Tăng già giống như là những người bạn đồng hànhhướng dẫn con đường tiến đến giác ngộ.Thọ giới quy y chính thật ra là quy y với Giáo pháp bởi vì nhờ sự liễu tường giáo pháp mà ta trở nên tự tại giải thoát khỏi mọi khổ đau.Phật pháp gồm có Diệt ĐếĐạo Đế.Sự vắng mặt của phiền não hoặc ly trừ được phiền não gọi là Diệt Đế (Chỉ Diệt).Nếu ta không áo dụng một phương thuốc thích đáng để sửa đổi lỗi lầmđối trị phiền não thì chúng sẽ tiếp tục sanh khởi.Nhưng,một khi phiền não đã được khai trừ tận gốc rễ với phương thuốc giải khổ thì nó sẽ không bao giờ phát khởi trở lại nữa. Cảnh giới như thế,nghĩa là thoát vòng phiền não hay diệt trừ sự ô nhiễm trong tâm linh, được gọi là một loại Chỉ Diệt.Một cách đơn giản,những gì ta muốn buông bỏ,chẳng hạn như khổ và căn nguyên của khổ, đều có thể vận dụng sức đối nghịch để giải trừ buông bỏ chúng được.Sự Chỉ Diệtcuối cùng còn được xem nhưNiết Bàn, đó là một cảnh giới hoàn toàn tự do giải thoát.

Chư Phật,những bậc toàn nhiên chứng ngộ thì bất khả tư nghì ( không thể nghĩ bàn); Phật Pháp,những lời dạy của Chư Phật,là bất khả tư nghì,và Tăng cũng bất khả tư nghì.Vì thế, nếu bạn phát khởi lòng kính tín bất khả tư nghì ,thì kết quả cũng sẽ bất khả tư nghì.

Trong kinh dạy rằng: Nếu có thể thực hành để có thể trông thấy được những ích lợi của sự phát tâm quy y Tam Bảo thì toàn thể vũ trụ cũng quá nhỏ để gồm thâu các sự ích lợi ấy,ví như đại hải không thể đo lường bằng bàn tay của bạn.Dùng chánh niệm để quán chiếu những lợi ích thù thắng này, bạn hãy hoan hỷ với những cơ hội được cúng dường và cơ hội quy y Tam Bảo.Và bạn có thể làm giảm nhẹ những ảnh hưởngcủa các hành vi bất thiệnnghiệp chướng.Tất cả những hành vi bất thiệnnghiệp chướng kể trên sẽ được hoàn toàn tiêu trừ và bạn sẽ được xem như là một chúng sanh cao siêu toàn bích,một “hoàn nhân” hay một “vô thượng nhân” làm đẹp lòng Tam Bảo.

[1] Po-To-Wa:Bác Đa Va

[2] Dịch chứ: sợ hãi luân hồi đau khổ

[3] Dịch chú:niềm tin vững chắc vào Tam Bảo

[4] Chú thích của dịch giả: đó là Phật pháp,xá lợi,kinh tượng v.v

[5] Geshe Chen-nga-wa:Cách Tây Gian Nga Wa

CHƯƠNG 7: NGHIỆP

 

Những hậu quả của nghiệp lực rất rõ ràng:các hành vi xấu luôn luôn gây khổ và hành vi tốt luôn luôn mang lại an lạc hạnhphúc.Nếu bạn hành thiện sẽ được an lạc; làm ác,chính bạn sẽ chịu khổ.Hành nghiệp của chúng ta sẽ đeo đuổi ta từ kiếp này sang kiếp khác. Điều này giải thích tại sao có người không ngớt làm ác lại vẫn công thành danh toại trên phương diện thế tục hoặc lắm kẻ khác dốc lòng tu hành thì lại phải đối đầu với muôn vàn khó khăn khốn khổ.Hành nghiệp đã tạo tác từ vô số kiếp; vì thế,có vô sốtiềm năng trong vô số nghiệp báo.

Tiềm năng của nghiệp thức luôn luôn gia tăng theo thời gian.Hạt giống nhỏ có tiềm năng đơm kết trái lớn. Điều này cũng đúng đối với nhân quả nội tại,cho dù hành vi nhỏ cũng có thể mang đến ảnh hưởng tốt hoặc xấu to lớn.Ví dụ như: một cậu bé có lần đã từng lấy nắm cát cúng dường lên Phật và quán tưởng như kim sa. Cậu bé đó là vua Asoka[1].Một hành động tốt nhỏ nhất cũng có thể mang đến một kết quả là niềm hạnh phúc lớn lao nhất; đồng thời,một hành động xấu nhỏ nhất cũng có thể mang lại sự đau khổmãnh liệt nhất.Nghiệp lực trôi chảy trong nội tâm của ta gia tăng bội phần hơn tiềm năng của những nguyên nhân vật lý,như hạt giống trái táo chẳng hạn.Những hành động nhỏ nhất nếu tạo tác liên lỉ có thể khỏa đầy tâm thức chúng sanh như một giọt nước có thể dần dần châm đầy bình.

Trong xã hội loài người,ta thấy có rất nhiều sai biệt.Có người luôn thành công trong đời sống,lắm kẻ luôn thất bại.Có người sung sướng, có người trông có vẻ được yên ổn may mắnan định tâm hồn.Lắm kẻ dường như luôn phải đối diện với những bất hạnh lớn lao,khác với dự đoán của chúng ta.Có người ,bạn mong sao họ gặp tai ương thì họ lại bình an vô sự.Tất cả điều đó, đều nói lên rằng không phải mọi sự việc đều nằm trọn trong tay ta.Khi bắt đầu một dự án nào đó, đôi khi ta cố gắng hết sức,tích lũy mọi điều kiệncần thiết để đạt đến thành công, nhưng vẫn bỏ sót một vài việc nào đó.Ta bảo người này hên.Người kia kém may mắn.Nhưng chỉ thế thôi vẫn chưa đủ; vận may chắc chắn phải có lý donguyên nhân.Theo lối giải thích của Phật giáo, đây là kết quả của những hành vi tạo tác trong đời quá khứ hoặc đã tạo trước đây ngay trong đời này.Khi tiềm năng chín mùi,tuy đang đối đầu với nghịch cảnh nhưng bạn vẫn thành công.Tuy nhiên,trong một vài trường hợp khác,dù tập hợp được mọi điều kiện cần thiết nhưng bạn vẫn cứ thất bại.Nhân dân Tây Tạng chúng tôi trở thành lưu vong tị nạn và trải qua nhiều cam go đau khổ nhưng vẫn tương đối thuận lợithành công.Tại Tây tạng,Trung Cộng cố gắng bình đẳng hóa toàn dân bằng cách quốc hữu hóa và hạn chế tư sản.Nhưng trong thị xã vẫn có vài lâm sản này trồng được nhiều hoa màu hơn nơi khác và vài con bò này vẫn cho nhiều sữa hơn con khác. Điều đó chứng tỏ có sự sai khác lớn lao giữa công đức phước báu của từng cá thể.Khi thiện nghiệp chín mùi,cho dù chính phủ có tịch thu tài sản nhưng người ta vẫn thành công vì nhờ vào năng lực của phước báu và thiện nghiệp.Tương lai và đời sau sẽ được ích lợi nếu bạn biết tích tập một cách chân xác các hành vi lương thiện như tránh sát sanh mà lại phóng sanh; hoặc bồi dưỡng hạnh nhẫn nhục đối với tha nhân.Trong khi ấy,nếu cứ mãi cuốn hút theo những hành vi bất hảo thì chắc chắn bạn sẽ gặp quả báo trong tương lai.Nếu không tin theo định luật của nghiệp báo thì bạn có thể hành động tùy theo sở thích.

Một khi đã tạo nghiệp,nghiệp nhân tương ứng sẽ lưu lại và gia tăng cho đến khi nghiệp báo hiện tiền.Nếu chưa từng tạo nghiệp thì bạn sẽ không bao giờ gặt quả báo.Một khi đã tạo nghiệp rồi thì nghiệp quả sẽ ứng hiện trừ phi bạn thanh tịnh hóa nó xuyên qua các tiến trình tu hành thỏa đáng.Hoặc đối với một hành vi đạo đức,thì nghiệp quả cũng sẽ ứng hiện và nó chỉ hủy diệt trừ phi có một sự cuồng nộ hay nguyên nhân đối kháng nào đó. Ảnh hưởng của nghiệp[2] dù tạo tác từ nhiều đời trước sẽ không bao giờ phôi pha theo thời gian cả.

Nghiệp tốt hay xấu đều được định đoạt từ chính sự tác ý của ta mà ra.Nếu tác ý tốt thì mọi hành động đều lương thiện; nếu tác ý sai lầm, mọi hành động đều trở nên xấu ác.Hành nghiệp có nhiều hình tướng khác nhau;có nhiều loại nghiệp thuần thiện,có nhiều loại hoàn toàn bất thiện và có loại nghiệp lẫn lộn cả hai.Dù hành động dường như biểu lộ hình tướng khá dữ dội bạo động,nhưng nếu tác ý chân chánh thì nó vẫn mang đến an lạc hạnh phúc.Trong khi ấy,nếu tác ý sai trái và nất chánh thì dù cho hành động dường như hữu ích và tốt đẹp nhưng thật tế vẫn sẽ mang đến nghiệp báo xấu.Tất cả đều tùy tâm:nếu tâm bạn đã thuần thục và khéo huân tập rồi thì mọi hành động đều trở nên chánh đáng tốt đẹp nhưng thựa tế vẫn mang đến nghiệp báo xấu.Tất cả đều tùy tâm:nếu tâm bạn đã thuần thục và khéo huân tập rồi thì mọi hành động đều trở nên chánh đáng tốt đẹp.Trái lại,nếu tâm bạn chưa được thuần thục, lại còn thường xuyên ảnh hưởng bởi tham dụcsân hận,thì tùy việc làm dường như chánh đáng nhưng thực tế bạn vẫn sẽ tiếp tích tập nghiệp báo xấu.Nếu càng có nhiều người hơn tin vào phép tắc nghiệp báo thì ta có thể tuyệt đốikhông cần đến lực lượng cảnh sát hay những chế độ hình phạt.Dù trên hình thức ngoại tại,người ta có thể áp dụng đủ loại kỹ thuật để chấp pháp nhưng nếu thiếu mất niềm tin nội tại đối với các hành nghiệp thì cũng không thể mang đến một xã hội hòa bình được.Trong xã hội hiện đại,máy móc tối tân phức tạp được dùng để kiểm soát theo dõinhận diện những kẻ phạm pháp.Nhưng dụng cụ càng tinh vi tối hảo thì tội phạmcàng trở nên giải hoạt ngoan cố hơn.Nếu muốn cải thiện xã hội nhân loại thì tăng cường pháp luật ngoại tại không thôi vẫn chưa đủ; chúng ta cần có sự tiết chế nội tâm.

Phương thức sống văn minh,hòa bình và nền đạo lý tâm linh cần phải được tiến hành song song.Trước khi Trung Cộng xâm chiếm năm 1959;các quốc vương Tây Tạng đã dựa theo quan niệm đạo đức Phật giáo để chế định luật pháp quốc gia.Nhân dân khắp toàn thế giới bảo rằng người Tây Tạng ôn hòa nhân từ một cách phi thường.Tôi không thể thấy lý do nào khác giải thích nết đặc thù của nền văn hóa chúng tôi hơn là sự việc nó đã được đặt trên nền tảng giáo pháp bất bạo động của Phật Giáo từ quá nhiều thập niên qua.

Chúng ta có thể tạo nghiệp qua ba cửa ngõ:thân,ngữ,và ý.Qua các cửa ngõ này, ta có thể tạo hoặc thập thiện nghiệp hoặc thập bất thiện nghiệp.Trong các bất thiện nghiệp có ba việc thuôc về thân,bốn việc thuộc về khẩu và ba việc thuộc về ý.Việc phạm tội thứ nhất do thân gây ra là sát sanh. Để tạo nên tội sát sanh, đương nhiên phải có sự liên quan đến một sanh mạng nào khác.Còn tự sát là một trường hợp biệt lệ vì không liên quan gì đến những kẻ khác.Nếu bạn khởi lên tâm niệm muốn hạ sát một kẻ nào đó, nhưng bạn lại giết lầm người khác; hành động này hoàn toàn chưa phải là một bất thiện ngiệp đối với tội sát sanh.Mặt khác nếu trong tâm thức vốn có sẵn động cơ sát hại muôn loài,và bạn sẵn sàng giết bất cứ ai bạn gặp; trường hợp này đã xác định rõ rệt,hoàn toàn đây là một bất thiện nghiệp của tội sát sanh.

Sát sanh có thể vì tam độc; tham,sân,si mà ra.Ví dụ: vì tham ăn thịt mà ta có thể sát sanh,vì sân mà ta có thể giết địch thủ và vì si mà ta giết thú để cúng tế.Bất kể là bạn đích thân tạo nghiệp hoặc xúi dục người khác tạo nghiệp đều gây nên nghiệp ác sát sanh như nhau. Để cho hành vi sát sanh rõ ràng hoàn thành,người bị giết chắc chắn phải chết trước hung thủ.

Nghiệp ác thứ nhì do thân tạo ra là trộm cướp.Trộm cướp có thể thúc đẩy vì tham hoặc giảsân hận mà muốn hãm hại người nào.Trộm cướp cũng có thể do si,vì lầm tưởng rằng bạn có thể cướp lấy bất cứ gì mình muốn.Chủ tâm là muốn khai phân vật sở hữu và chủ sở hữu..Trộm cướp có thể thực hành bằng bạo lực hoặc do lén lút; hoặc do bạn vay mượn xong,chờ chủ nhân quên rồi giữ lại luôn cho mình; hoặc mượn tiền không chịu trả.Hành động trộm cướp được kể như hoàn tất khi bạn có ý nghĩ rằng món đồ vật giờ đây thuộc về mình.Dù chính bạn không trực tiếp mà để cho kẻ khác làm dùm mình vẫn bị xem như tội trộm cướp.

Nghiệp cuối cùng trong ba nghiệp ác của thântà dâm Đó là liên hệ sinh lý với một người không thích hợp,thực hiện tại một cơ phận không thích hợp; vào một thời giờ không thích hợp; tại một điểm không thích hợp hoặc vi phạm ý muốn của người khác-đương nhiên là bao gồm cả việc hãm hiếp. Đối với người đàn ông thì người đàn bà không thích hợp bao gồm mẹ mình; vợ hoặc người yêu của kẻ khác; cô gái giang hồ do người khác trả tiền thuê bao, thân quyến của chính mình hoặc những người nữa đã xuất gianhư các ni sư.Cũng bao gồm luôn cả những người đàn ông khác.Những cơ phận không thích hợp trong thân thể là hậu môn và miệng.Những nơi chốn không thích hợp là chung quanh tịnh thất của sư phụmình,gần tháp miếu hoặc ngay trong chùa hoặc ngay trước mặt cha mẹ mình.Thời gian không thích hợpđối với người đàn ông là khi người đàn bà đang thời kỳ kinh nguyệt,lúc mang thai và khi người đàn bà đang vướng phải một chứng bệnh mà sự giao hợp làm cho bệnh trở nên trầm trọng.Nếu người đàn ông giao hợp sinh lý theo những cách trên thì dù với chính vợ mình vẫn kể là tà dâm.Thông thường mà nói,sự giao hợp là do từ tham luyến,nhưng người ta vẫn có thể giao hợp vì sân hận ví dụ như người đàn ông ngủ với vợ của kẻ thù của hắn.Có lúc cũng do vì vô minh mà nghĩ rằng sự liên hệ sinh lý có thế giúp con ngườiđạt đại giác ngộ.Nghiệp xấu của hạnh tà dâm chỉ do mình tự tạo và hành động trở nên cụ thể khi có sự va chạm giữa hai cơ quan sinh dục.

Bốn loại nghiệp xấu kế tiếpkhẩu nghiệp.Trước tiênvọng ngữ; bao gồm việc nói những ngôn từ trái vớiđiều đã thấy, đã nghe và đã biết.Vọng ngữ có thể do bởi tham,sân hoặc si.Chủ tâm là gây hoang mang cho người khác,có thể diển đạt bằng lời nói,gật đầu hoặc chỉ cần ra một dấu tay.Bất cứ hành động nào có chủ ý làm người ta hoang mang đều tạo nên nghiệp xấu vọng ngữ.Và nếu người khác nghe thấy những vọng ngữ này, điều đó đã làm cho hành động vọng ngữ được thành hình.Tiếp theo,là nói lời chia rẽ ly gián.Chủ tâm là gây sự bất hòa phân tranh giữa bạn bè hoặc tăng đoànquyền lợi của chính mình hoặc vì quyền lợi của người khác.Dù một người nào đó có thành công hay không trong việc tạo ra sự phân tranh bất hòathì hành động ly gián của họ hoàn tất ngay trong phút giây mà người khác nghe được những lời nói chia rẽ này.

Kế tiếpác ngữ.Chủ tâm là nói lời thô ác,và nghiệp ác ngữ sẽ hoàn tất ngay khi người bị nói xấu nghe được những lời mắng nhiếc nhắm đến họ.Gièm pha nói xấu bao gồm những lời sỉ nhục người khác,chỉ trích lỗi lầm người ấy dù đúng hay sai.Nếu người nào sử dụng ngôn ngữ ác độc để gây tổn thương cho người khác, đó gọi là ác ngữ.Kế tiếpỷ ngữ (nói chuyện thị phi). Ỷ ngữ là nói chuyện thị phi bỉ thử do một trong tam độc[3] thúc đẩy.Chủ đích đơn giản là chỉ muốn hàn huyên vô cớ hặn nhàn đàm tâm sự không mục đích. Ỷ ngữ không cần có người thứ hai.Bạn chẳng cần có một người tri âm, bạn có thể nói lời ỷ ngữ( lời thị phi) bằng cách nói chuyện với chính mình.Nhàn đàm vô ích bao gồm việc bàn luận chiến tranh thời sự,việc lỗi lầm của kẻ khác hoặc biện luận chỉ biện luận thôi.Cũng bao gồm luôn việc đọc các loại sách không quan trọng gì cả,các loại sách vô bổ mất thì giờ chỉ vì ái chấp.

Sau cùng là ba nghiệp xấu được tạo ra bởi ý, điều đâu tiên là tham dục.Đối tượng của tham dục là vật sở hữu của người khác.Phiền não cổ súy cho lòng tham dục có thể do tam độc tham,sân si gây nên.Hoàn thành việc làm bất thiện này liên hệ đến năm yếu tố: tham chấp mãnh liệt tài vật của người khác; ý đồ tích chứa của cải; dã tâm thèm muốn tài vật người khác; muốn giựt của cải người khác tạo thành của riêngmình; không trông thấy được sự nguy hại vì thèm khát tài vật của người.Nếu hội đủ năm yếu tố này khi người ta ao ước thèm khát vật gì đó thì hành vi tâm lý này (tham dục) đã hoàn thành.

Kế đến là tâm sân hận; tâm sân hận tương tự như ác ngữ, chủ đích là do ý muốn gây thương tổn cho người; hoặc là nói lời ác ngữ hoặc là mong cầu người ta gặp hoạn nạn tai ương và bị thất bại,hỏng việc.Một khi bị cuốn hút theo tâm niệm như vậy thì cũng đã hoàn thành nghiệp sân rồi. Điều này (nghiệp sân) cũng đòi hỏi cần phải có năm yếu tố: 1/phải có động cơ căn bản là lòng sân hận hoặc lòng phẫn nộ.2/thiếu tinh thần nhẫn nhục.3/không tri nhận được những lỗi lầm của sự giận dữ.4/cố tình hãm hại kẻ khác.5/không tự tri nhận rằng nếu bạn chỉ cần thấu hiểu được những hậu quả tai hại của tâm sân hậnkhông thôi,thì sự tri nhận này cũng đủ sức giúp bạn chế ngự được ý muốn hãm hại kẻ khác rồi.Chỉ cần bạn đơn thuần mong muốn người khác gặp khổ đau ách nạn, đó chính là tâm sân hận.

Hành vi cuối cùng trong mười hành vi bất thiệntà kiến hoặc chấp kiến (tức là bám víu một cách ngoan cố vào những tri kiến sai lầm); những điều này có nghĩa là bạn phủ nhận bản tánh tồn tại của các pháp hiện hữu.Thông thường có bốn loại tà kiến: tà kiến đối với nhân;tà kiến đối với quả; tà kiến đối với tác dụng của các pháp và tà kiến đối với sự hiện hữu của một vật thể. Đối với tà kiến về nhân thì tin rằng không có hành nghiệp; đối với tà kiến về quả thì tin rằng có những hành vi nào đó không tạo ra nghiệp báo; tà kiến đối với tác dụng của các pháp thì nghĩ rằng con cái không phải do cha mẹ nuôi nấng,và hạt giống không thể kết trái và cũng nghĩ rằng không có tiền kiếp hoặc không có đời sống sau khi chết.Tà kiến thứ tư là tà kiến đối với sự hiện hữu của mọi vật thể-do vì vô minh và tham chấp mà tin tưởng rằng các bậc A La Hán,Niết BànTam Bảo đều không hiện thực.Ngài Tsong Kha-Pa nói rằng:mặc dù có nhiều loại tà kiến khác nhau nhưng các tà kiến này thật sự cắt đứt mọi cội rễ tích lũy công đức của con người và chính vì lý do đó đã khiến cho người ấy bị cuốn hút theo các hành vi bất thiện một cách không kiềm chế nổi.Vì thể,tà kiếnkhông tin Tam Bảotà kiến không tin luật nhân quả được gọi là tà kiến lớn nhất.

Chúng ta cũng nên biết rằng có sự sai biệt nặng nhẹ trong các hành nghiệp.Khi hành vi được thôi thúc bởi những phiền não mãnh liệt thì hành vi này được gọi là hành vi vô cùng nghiêm trọng.Phương thức hành vitạo tác cũng quyết định mức độ khinh trọng của nghiệp.Ví dụ như một cuộc mưu sát được diễn ra trong tâm thức hân hoan,trước tiêntra tấn,rồi chế giễu và phỉ báng người ta thì cuộc mưu sát này được gọi là cuộc mưu sát rất nghiêm trọngcon người đã bị giết một cách vô nhân đạo.Nếu kẻ sát nhân khônglương tâm và không có ý thức hổ thẹn thì hành vi sát sanh ác độc này được kể là rất nghiêm trọng bởi vì hắn đã đánh mất khả năng hoặc lực lượng đối trị.Nếu sát sanh vì do ngu si, với mục đích sát sanh để làm tế phẩm chẳng hạn và nghĩ rằng hành động sát sanh này thật sự là một nghi lễ tôn giáo chứ không phải là một hành vi xấu ác thì theo kinh dạy,nghiệp tạo ra xem như rất nghiêm trọng.

Thông thường,nếu bạn tái phạm một vài hành vi nào đó càng nhiều lần thì nó càng trở nên nghiêm trọnghơn.Nghiệp lực nặng hay nhẹ cũng còn tùy thuộc kẻ tạo tác.Nếu bạn hồi hướng công đức do sự phúc lợicủa chúng sanh để tầm cầu chứng ngộ,kinh dạy,năng lực sẽ mạnh mẽ hơn.Trong khi ấy,nếu hồi hướng công đức do mục tiêu thấp kém hơn,kinh dạy,năng lực cũng sẽ yếu hơn. Điều này cũng còn được áp dụngcho hành vi bất thiện nữa.Phiền não càng thôi thúc dữ dội chừng nào thì hành nghiệp càng gia tăng mạnh mẽ chừng ấy; và trong tất cả các phiền não này thì sân hận được kể là loại phiền não mạnh mẽ nhất.Một niệm sân rất nhỏ đối với một vị Bồ Tát sẽ thiêu hủy mọi công đức tích tụ từ ngàn kiếp của bạn.

Quả báo của những hành vi bất thiện dựa trên cường độ của các phiền não đã xúi giục sai sử chúng.Cũng có các quả báo tương ứng với các loại nghiệp nhân.Ví dụ:vì đã từng sát sanh,con người sẽ bị đọa sanh vào các cảnh giới thấp kém;sau đó dù màng được thân người nhưng thọ mạng cũng sẽ rất ngắn.Bởi vì đã từng trộm cướp nên sẽ thiếu thốn vật chất.Bởi vì tà dâm nên sẽ có người phối ngẫu không trung thành.Bởi vì ác ngữ nên người ta sẽ nhục mạ bạn.Bởi vì nói lời ly gián nên bằng hữu bất hòa chia rẽ v.v…Một loại quả báo khác là cách hành xử theo bản năng bẩm sinh.Bởi vì đời trước sát sanh,cho nên dù được đầu thai làm người nhưng vẫn tự nhiêntính tình rất xung động và thích giết chóc.Cũng có loại quả báo tùy theo hoàn cảnh và môi trường; loại quả báo này chín mùi và tích lũy chung cho cả tập thể cộng đồng.Ví dụ như,do bởi sát sanh mà một người đã sinh sống ở vùng lúa mạ trái trăng không được xum xuê dồi dào,làng cùng hẻo lánh,khí hậu không tốt, đầy dẫy cây độc gai góc.Bởi vì trộm cướp nên gặt quả báo làm người nông phu bị thất mùa.Bởi vì tà kiến mà có quả báo phải chịu hoàn cảnh thiếu sự cứu hộ và không nơi nương tựa.

Nếu do nhờ giới luậtcon người có thể tự kềm chế và không đắm chìm vào các hành vi xấu ác; ngược lại còn quyết tâm không để dính líu vào những sự kiện như thế thì người đó đã tích lũy được nhiều thiện hành.Nếu không đủ sức hoặc không có khả năng để tạo tác ác nghiệp nhưng vì đạo đức nên tự chế không làm mới được kể là tích tụ thiện hành.

Tuy hành vi đã tạo tác rồi nhưng không phải do cố ý; ví như ngộ sát,sát sanh trong giấc mộng,hoặc làm những việc trái với ý nguyện cá nhân; trong những trường hợp như vậy,hành động tuy đã tạo tác nhưng nghiệp vẫn không tích lũy.Do vì thiếu yếu tố cần thiết là sự chủ tâm cố ý nên nghiệp báo của hành động cũng không thành hình. Mặt khác nếu bạn cưỡng bách người nào phải dính líu đến các hành động bất hảo thay thế cho bạn thì nghiệp xấu tích tụ là do từ bạn mà ra.

Nghiệp quả có thể ở đời này, đời sau hoặc cách khoảng nhiều đời mới chín mùi.Một vài hành động quá trọng đại gây ra do sự vô minhsân hận kịch liệt nên được xem như rất trầm trọng và đã mang đến quả báo ngay trong hiện đời.Các hành vi tốt đẹp tích cực cũng thế.Nếu cưu mang bi tâm lai láng đối với tất cả chúng sanh,nếu vững tâm quy y Tam Bảo và đền đáp ân đức sư trưởng cùng cha mẹ mình thì hoa trái của các hành động này được kể là quá thù thắng đến nỗi chúng sẽ khởi sự chín mùi ngay trong hiện kiếp.

Mang được thân người chủ yếu là do trì giới thanh tịnh và tự chế không tạo mười ác nghiệp.Tuy nhiên để có được thân người với nhiều trợ duyên ưu đãi giúp vượt tiến trên quá trình tu hành thì vẫn phải cần đến các nhân tố khác nữa. Điều này bao gồm cả việc sống lâu để hành trì Phật pháp một cách viên mãn.Cũng đồng thời cần bổ túc thêm; nếu có được thân hình tráng kiện,trang nghiêm,khỏe mạnh,lại sanh trưởng trong một gia đình tôn quý; đương nhiên bạn sẽ tạo được niềm quy ngưỡng lớn lao từ tất cả mọi người và gây được sức ảnh hưởng rất to lớn.Trong kinh điển có đề cập đến nhân tố khác, đó là ngôn từ đáng tin cậy và thân tâm cường tráng để tránh không bị công kích bởi những sự hỗn mang khuấy phá.Chỉ cần thoáng trông thấy bạn,thì với nhân dáng thu hút,bạn sẽ không khó khăn gì trong vấn đề thu nạp đệ tử và tạo cho họ vững tin nơi bạn.Khi thuộc dòng dõi của một gia đình tôn quý,mọi người sẽ lắng nghe và lưu tâm đến lời khuyên của bạn hơn.Bằng sự giúp đỡ vật chất cho nhiều người,bạn có khả năng phối hợp đông đảo quần chúng với sức ảnh hưởng của bạn và với ngôn từ đáng tin ,bạn sẽ làm cho quần chúng tin tưởng vào lời nói như thật của bạn.Những gì bạn nói đều có thể thành tựu sớm sủa đúng theo ý nguyện.chẳng khác nào như chiếu chỉ của một vị quốc vương.Trước đám đông,bạn không còn sợ sệt hay rụt rè khi giảng pháp cho họ.Và cũng sẽ có rất ít chướng ngại trong việc tu hành.Nhờ thân tâm vững mạnh,bạn có thể nhẫn chịu được sự thử thách cam go của thể xác và cũng không còn hối hận hoặc gặp bất cứ chướng ngại nào trong nỗ lực đạt được bất cứ ước nguyện gì của mình và của người.

Mỗi một trong những ưu điểm khác nhau này đều do một nghiệp nhân đặc thù của nó.Nhân trường thọ là do hằng thườngthái độ vị tha giúp ích, không bao giờ gây thương tổn cho kẻ khác.Thân thể cường tráng khỏe mạnh là do cung cấp quần áo mới cho người và kềm chế không nóng giận.Sanh trưởng trong gia đình tôn quí là do nhân luôn luôn khiêm cung,tuyệt đối không cao ngạo và tự xem mình như tôi tớ cho sư trưởngcha mẹ của mình.Nhân đại phú là do bố thí tài vật cho người nghèo,và nhân có lời ăn tiếng nói uy tín là do kềm chế khẩu nghiệp.Gây được nhiều uy tín ảnh hưởng sâu sa là do nhân cúng dườngTam Bảocha mẹ sư trưởng mình v.v…Có thân tâm vững mạnh là bởi cung cấp thức ăn vật uống cho người.Bạn sẽ có một thân người đặc biệt hy hữu với nhiều ưu điểm kể trên nếu bạn tích tập các nghiệp nhân vừa dẫn.

Nếu cứ trì trệ biếng nhác,không chịu suy gẫm kỹ càng về luật nghiệp báo,có thể ta tự cho rằng mình chẳng làm gì xấu ác và tự cho mình là một người tu hành đạo hạnh.Tuy nhiên,nếu tự phân tích cặn kẽ những ý nghĩviệc làm của mình thì sẽ khám phá rằng hằng ngày ta đang vướng vào những lời nói vô căn cứgây tổn thương cho người; hoặc đang vướng vào lỗi tham đắm.Ta sẽ khám phá rằng mình thật sự thiếu mất yếu tố hành đầu cần thiết của lòng tín tâm vững vàng kiên định để có thể tuân thủ pháp tắc nghiệp quảmột cách chân chính.Ngay bây giờ ta cần tri nhận được sự khác biệt và khiếm khuyết giữa việc tu hànhtheo pháp Phật và phương thức sinh sống thường nhật.Hãy liên kết tầm hiểu biết về luật nhân quả với việc làm của bạn để kết thúc sự dị biệt này.Nếu tri nhận được mối nguy hiểm tiềm ẩn trong đường lối tư duy và hành động thì ta sẽ không ngừng bồi dưỡng quyết tâm nhằm sửa đổi cách cư xửý tưởng của ta.Ngài Tsong-Kha-pa dạy rằng:vì đã liên kết quá lâu với những phiền não nên dù chúng ta có tận sức để không vướng mắc vào các hành vi bất thiện,tuy nhiên đôi khi ta tự phát hiện ra rằng mình không thể nào tự chủđược để tránh tạo tác thêm nhiều hành vi bất thiện.Ta không nên khinh xuất đối với những chuyện như vậy.Trái lại hãy dấn bước theo những phương pháp thanh tịnh hóa do chính đức Phật khuyến dạy.Ta có thể thanh tịnh hóa và khắc phục điều xấu ác đã tạo bằng cách áp dụng bốn oai lực đối trị. Đầu tiên là sám hối lực[4].Bằng cách tư duy đến tính cách nghiêm trọng về quả báo của các hành động xấu ác,bạn nên phát khởi nỗi niềm ân hận sâu xa về những hành vi đã tạo ngay tự đáy lòng mình.Thứ hai là thanh tịnhlực[5],có thể đạt được xuyên qua nhiều phương pháp khác nhau bao gồm việc thọ trì đọc tụng kinh điển,quán tu lý không tánh,trì chú, đắp tạo Phật tượng,cúng dường,xưng tán danh hiệu chư Phật.Những pháp tu thanh tịnh này cần phải cương quyết thực thi cho đến khi bạn thấy được dấu hiệu và triệu chứngthành công.Những dấu hiệu ấy bao gồm mộng thấy ói mửa;mộng thấy uống sữa bò hoặc sữa đặc; mộng thấy mặt trờimặt trăng; mộng thấy bay bổng hay lửa cháy hay chế phục các bò rừng hay người mặc áo choàng đen; mộng thấy các vị tăng ni; mộng thấy trèo núi; và mộng thấy nghe kinh.Những điều đó đều làtriệu chứng thành công trong pháp tu thanh tịnh.

Thứ ba là năng lực quyết tâm không tạo tác nghiệp ác[6] trong tương lai.Nếu có năng lực quyết tâm và tự khắc chế không tạo mười ác nghiệp; không những bạn có khả năng thanh tịnh hóa sự tiêu cực của mười ác nghiệp không thôi mà bạn còn có khả năng thanh tịnh hóa phiền não và các dấu ấn do phiền não để lại.Nếu năng lực quyết tâm của bạn rất phiến diện thì pháp tu thanh tịnh cũng sẽ cạn cợt.Năng lực sau cùng là quán tưởng quy y Phật, Pháp và Tăng và vì phúc lạc cho mọi loài chúng sanhphát nguyệnthành tựu quả vị giác ngộ.

Nếu ác nghiệp đã tạo mà không hề thanh tịnh hóa thì sẽ tạo nên cơ duyên thác sanh vào cảnh giới thấp kém.Ác nghiệp có thể được hoàn toàn thanh tịnh hóa trong ý nghĩa là tiềm năng của nó hoàn toàn tận diệt,hoặc duyên thác sinh vào những cảnh giới thấp hơn cũng đã tận diệt duy chỉ còn một vài việc rắc rốiđau đầu đơn giản trong đời này. Đó là,bất cứ hành vi xấu ác nào vốn phải thời gian dài mới sanh ra kết quả,nhưng nay trong thời gian ngắn nghiệp báo đã chiêu cảm rồi.Kết quả còn tùy theo pháp tu thanh tịnhcủa hành giảthiện xảo chăng,tứ oai lực có hoàn bị không và đồng thời sự hạ thủ công phu của hành giảcó dõng mãnh không và pháp tu tịnh trị kéo dài bao lâu rồi.Trong vài trường hợp,nghiệp chiêu cảm đã bị hủy diệt; trong vài trường hợp khác vẫn còn thọ nhận một vài chiêu cảm nhẹ hơn.Bạn chớ nên xem nhưđiều này mâu thuẫn với lời dạy trong kinh điển rằng nghiệp đã tạo tác không baogiờ xóa nhòa được mức độ chiêu cảm dù cả trăm kiếp. Điều này có nghĩa là nghiệp đã tạo ra chưa được thanh tịnh hóa thì không bao giờ có thể phôi pha được tiềm năng chỉ vì thời gian trôi qua.Không có hành động nào mà không thểthanh tịnh hóa được.Sự thanh tịnh hóa sẽ giúp diệt trừ tất cả mọi tiềm năng chiêu cảm gây nên từ các nghiệp xấu; cùng thế ấy,mọi hành động thiện hảo cũng đều bị giảm mất sức chiêu cảm khi khởi lên một niệm sân.Nhưng Đức Phật đã dạy rằng bạn không bao giờ thanh tịnh hóa được hành nghiệp một khi nó đã tạo thành kết quả.Ví dụ: những kinh nghiệm tiêu cực xấu trong hiện đời là quả của hành vi xấu đã tạo từ quá khứ; những nghiệp quả đã diễn ra rồi,bạn không thể tịnh trừ chúng được.Ngài Tsong-Kha-pa bảo rằng;những thiện nghiệp có thể vì các nhân tố đối kháng như sân hận mà mất hẳn năng lực; cho nên ta không chỉ cẩn trọng để tích tập công đức không thôi; mà còn cần phải bảo vệ các công đức đã tích tập được một cách hết sức thận trọng nữa. Điều này thực hiện được bằng cách hồi hướng công đức để thành tựu sự chứng ngộ cho mục đích thượng cầu Phật quả.Kinh dạy rằng một khi bạn đã hồi hướng công đứcđể đạt đến những mục tiêu như vậy thì chỉ khi nào đã đạt thành viên mãn rồi,các thiện nghiệp bạn tạo mới không bao giờ bị mất hẳn tiềm năng của nó.Chẳng khác nào như đã ký thác tiền bạc vào ngân hàng thì bạn rất yên tâm đối với giặc cướp-giặc cướp ở đây là tham,sân si.

Dù ta có thể thanh lọc hoàn toàn mọi xấu ác và hủy diệt tiềm năng mang lại các hậu quả đáng sợ của nó xuyên qua cách vận dụng các lực lượng đối trị thích nghi nhưng chỉ cần đơn giản không phạm vào các ác nghiệp từ lúc đầu thì vẫn tốt hơn rất nhiều.Do vậy,tốt hơn hết là bạn không nên phạm vào và không bao giờ để cho nội tâm bị vây bẩn bởi những ác nghiệp như vậy.Ngài Tsong-Kha-pa nói rằng cũng tương tợ như một người bị gãy chân;sau đó,lành lại nhưng quả thật chiếc chân bị gãy khác xa so với chiếc chân chưa hề bị gãy bao giờ.

Có lẽ có người nghĩ rằng vì lý do trong một số kinh điển khác có đề cập đến sự phú quý và các quyền lợicủa kiếp sống hiện nay trong vòng luân hồi như những đối tượng cần phải xả bỏ và khước từ,nên một hành giả nào đó còn có ý nguyện đạt được hình thức tồn tại lương hảo là điều không thích hợp. Đây là thái độ rất sai lầm.Tâm nguyệnchúng ta vừa nói gồm có hai loại; chí nguyện tạm thời và chí nguyện cứu cánh.Chí nguyện tạm thời bao gồm sự truy cầu thân người quí giá trong kiếp tới.Dựa vào thân người quí giá như vậy bạn có thể liên lỉ tu hành Phật pháp để cuối cùng đạt thành chí nguyện cứu cánh, đó là sự thành tựu giác ngộ.Tuy rằng đối với một Đại thừa hành giả; mục đích cứu cánh là muốn nỗ lực đạt đượcNhất Thiết Trí nhằm mưu cầu phúc lợi cho quần sanh.Nhưng cũng đồng thời rất cần thiết cho vị hành giảnày nguyện cầu đạt được một sự tái sanh tốt đẹp trong đời vị lai,như có được một thân người chẳng hạn để vị ấy có thể tiếp tục tu hành.Ngài Tịch Thiên nói rằng;thân người quí giá cần được nhớ nghĩ như chiếc thuyền vượt ngang qua biển luân hồi. Để đạt đến mục đích cứu cánh thành tựu cảnh giới Nhất Thiết Trí,bạn phải có được thân người hiếm quí này trong rất nhiều kiếp. Đạt được hình thức tái sanh tốt đẹpnhư vậy,nguyên nhân cơ bản là do trì giới.

Đối với đa số nhiều người,quả thật khó khăn để bỏ hẳn thế gian sau khi họ phát nguyện tu hành.Người tu hành tốt nhất là xả bỏ mọi sinh hoạt thế gian,hy hiến cuộc đời còn lại của mình ở một nơi biệt lập đơn độcđể tu hành. Điều này đáng khen ngợi và có nhiều đại lợi ích nhưng rất khó để tu như vây đối với đa sốnhiều người trong chúng ta.Bạn phải lo nghĩ về chúng cuộc đời của mình,làm việc trong cộng đồngphục vụ cho nhân quần nữa.Bạn không nên hoàn toàn bận lòng với mọi sinh hoạt thế tục mà hãy dùng nhiều năng lựcthời gian để tu hành ngõ hầu cải thiện đời sau.Bạn sẽ bắt đầu liễu ngộ rằng mọi hành sự trong hiện đời không đến nỗi quan trọng lắm so với vận mệnh tương lai.

Bạn có thể sẽ có được một cuộc chuyển sanh tốt đẹp ở đời vị lai do sự quy yphụng hành giáo pháptheo luật tắc nghiệp báo; bằng nỗ lực từ bỏ các hành động xấu ác và tích tập những hành vi lương thiện.Tuy nhiên,vì vấn đề chuyển sanh thích hợp là một vấn đề còn nằm trong phạm vi luân hồibản chất của luân hồi là “khổ” nên ta không nên lấy đó làm thỏa mãn,Trái lại,ta hãy bồi dưỡng sự nhận thứcrằng mọi hình thức hiện hữu trong vòng luân hồi đều mang tính chất “khổ não”.Từ vô thỉ đến nay,ta từng quen thuộc với tâm chấp thủ đối với sự sung mãn của luân hồi mà chẳng hề liễu tri được rằng sự khoái lạc của luân hồi là :một sự khổ đau đích thực.Cho đến ngày nào mà các phạm nhân chưa hiểu rằng mình đangbị giam cầm và cũng chẳng tri nhận được rằng cuộc đời trong ngục thất rất khó và rất khổ để nhẫn chịu thì họ sẽ vẫn không phát khởi niềm ước mong chân thật để được thoát khỏi vòng lao ngục ấy.Luân hồi cũng vậy,cho đến khi nào mà bạn chưa nhận thức được các khiếm khuyết của đời sống trong vòng tuần hoànhiện hữu này,thì bạn sẽ chẳng bao giờ chân chánh phát nguyện đạt được Niết Bàn tức là giải thoát khỏi luân hồi.

Bạn không nên có quan niệm sai lầm rằng Phật giáo là đạo bi quan yếm thế.Trái lại, Phật giáo rất lạc quanbởi vị mục đích mà mỗi cá nhân nhắm đến, đó là sự chứng ngộ viên mãn hầu có thể đạt được một niềm an lạc toàn bích và vĩnh cửu.Phật giáo gợi nhắc chúng ta rằng mỗi người đều có thể đạt thành mục đích tối thượng này.Những khoái lạc nhất thời của luân hồi dường như có vẻ vui thú, nhưng chúng không thể thỏa mãn chúng ta được,cho dù ta có được hưởng thụ lâu đến cách mấy đi nữa.Chúng chẳng bền vững vì chúng dễ biến hóa thay đổi.Trái lại,với cứu cánh thường hằngvĩnh cữu của an lạc rốt ráo Niết Bàn thì những khoái lạc và an vui tạm bợ trong vòng luân hồi này đều trở thành vô nghĩa.

 
[1] Asoka: A Dục Vương,

[2] Dịch giả chú thích: An action: dịch là nghiệp vì trong trường hợp này rõ ràng tác giả muốn nói là hành vitác ý.Mà hành vitác ý chính là nghiệp.

[3] Tam độc: ba độc tham sân si

[4] Sám hối lực: power of regret

[5] Thanh tịnh lực: power of purification

[6] Năng lực quyết tâm không tạo tác nghiệp ác: power of resolve not to engage in the non virtuous deed

CHƯƠNG 8: TỨ DIỆU ĐẾ

 

Để kiến lập một nguyện vọng kiên định nhằm giải thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử,ta cần phải triệt để kiểm soát những nhân duyêncân nhắc các lý do của ý muốn thoát ly này. Điều đầu tiên phải thừa nhậnthân tâm chúng ta đã được sắp đặt trước để chịu khổ.Tứ Diệu Đế[1],bài giáo lý đầu tiên của Đức Phật-đã đề cập trực tiếp đến vấn đề này.Các chân lý này là Khổ Đế,chân lý của khổ; Tập Đế, chân lý về nguyên nhân của Khổ; Diệt Đế,chân lý của sự diệt khổĐạo Đế,chân lý về con đường diệt khổ.Sự quyết định chỉ bày các chân lý kể trên theo cách sắp thứ tự như vậy của Đức Phật có một ý nghĩa trọng đại đối với sự tu hành của chúng ta.Đức Phật đã dạy chân lý của khổ trước tiên nhằm nhấn mạnhtính quan trọng của sự hiểu biết về cái mà ta thường cho là an lạc kỳ thật lài là khổ đau.

Khi nào nhận thức được rằng mình đang chìm trong biển khổ thì bạn sẽ dấy khởi lên ý muốn được giải thoát khỏi cái khổ ấy.Và chính với lý do đó, mà bạn cảm nhận rằng,trước tiên cần phải tiêu diệt ngay nguyên nhân gây ra đau khổ.Khi tìm hiểu về căn nguyên của khổ,bạn sẽ khám phá thấy được phiền nãonghiệp báo.Do đó,bạn có khả năng nhận thức được rằng vòng tuần hoàn luân hồi và các khổ đau của nó được cấu tạo nên bởi chính các hành nghiệp của bạn; mà nghiệp thì được sai sử thúc đẩy bởi phiền não;phiền não thì do từ gốc rễ sâu dầy là niềm tin sai lầm vào sự bền vững,hoặc vào sự tồn tại cố hữu,hoặc vào bản ngã.Nếu đem phân tách lối tư duy của chúng ta về bản ngã;ta sẽ khám phá rằng ta có khuynh hướng nghĩ về nó như một hiện hữu có thật độc lập ở ngoài cả thân lẫn tâm Đến khi ta cố gắng định vị nó thì nó liền tránh xa ta. Đức Phật đã từng khai thị rằng:không có cái ngã như vậy hiện hữu;rằng niềm tin của ta về một cái ngã độc lập là cội rễ đầu nguồn cho mọi khổ đau.

Ở trong nhiều tín ngưỡng tôn giáo khác nhau, một nhóm người không chấp nhận có đời sống sau khi chết và một nhóm người khác thì chấp nhận.Có thể chia làm hai một nhóm trong số những người chấp nhậnđời sống sau khi chết; một nhóm xác quyết rằng phiền não cùng các tỳ vết của tâm thức có thể được tiêu trừthanh tịnh hóa trong khi nhóm kia tin tưởng là không thể được.Nhóm sau này chủ trương rằng cho đến khi nào tâm thức ra khỏi phiền não được.Do vậy,loại trừ phiền não cũng có nghĩa rằng chính tâm thức cũng bị tiêu diệt.Trong nhóm người nghĩ rằng tâm thức cuối cùng rồi cũng sẽ được tách ly khỏi các cấu nhiễmcác loại phiền não-đó là nhóm người tin có Niết Bàn-đã nhận định Niết Bàn là chốn hoàn toàn diệt khổ, là một quốc lộ an lạc cao thẳm đến tận cảnh giới trác tuyệt.Nhóm người khác thì nhận định Niết Bàn là một trạng thái tâm linh sau khi đã xả ly phiền nãochứng nhập được cảnh giới chân như[2].Niết bàn hiện diện ngay chính trong nền tảng của tâm linh và đó chính là nhãn quan của tín đồ Phật giáo.

Khổ Đế:

Để thấu hiểu đệ nhứt Đế,Khổ Đế; con người cần phải tư duy về cái khổ.Ta thường tự xem mình là một báu vật thượng hạng trong vũ trụ và thường tự đối đãi còn quý giá hơn cả đối với Đức Phật.Tuy nhiên, loại chấp trước này,chẳng hề đưa đến bến bờ cứu cánh an lạc.Bởi vì từ vô thỉ đến nay,ta đã lăn lộn trong vòng luân hồi sinh tử với vô lượng vô biên lụy kiếp.Từ thuở ấu thời đến nay,ta đã trải qua biết bao thăng trầm,chao đảo và hoang mang.Cuộc đời ta lại bị vây quanh bởi nhiều vấn nạn,nhiều khổ đau, lắm lụy phiền và vô vàn thất bại.Cuối cùng rồi cuộc đời sẽ được kết thúc bằng cái chết và ta cũng không biết chắc là nó sẽ đưa ta đi về đâu nữa.Ta hãy thẩm định một cách chân xác rằng vả chăng có một con đường nào đó có thể giúp ta thoát khỏi sự hiện hữu bất như ý này.Nếu cuộc đời in truyền như được khởi phát theo một thể thức độc lập với mọi nhân duyên,và được kết thúcbằng một thể thức không còn có bất cứ sự tiếp nối liên lỉ nào thì quả là vô phương để vượt thoát.Và nếu quả đúng như vậy,thì ta cũng nên sống theo chủ thuyết khoái lạc.Tuy nhiên,ai cũng đều biết rằng khổ đau là một sự thể mà ta thật sự chẳng muốn mong tìm và rằng giải thoát là điều rất đáng truy cầu nếu như có thể đạt được sự giải thoát toàn triệt ngay từ trong khổ đau.

Thân nghiệp,ngữ nghiệpý nghiệp đã trói buộc chúng ta trong vòng luân hồi sinh tử và khổ đau.Như chúng ta vẫn biết,dù trong một sát na (chớp nhoáng) mình cũng có thể tích tập được cả tam nghiệp và chính cái sát na (chớp nhoáng) ấy đã xô đẩy ta xuống cảnh giớithấp hơn.Sự trói buộc đã phát khởi từ một tâm thức chưa được điều phục do chính vì vô minh và vì sự lầm tưởng về tự ngã của ta gây ra.Khái niệm tự nhiên về một loại bản ngãđộc lập tách riêng ra sẽ thôi thúc ta đắm chìm theo đủ loại ác nghiệp mà kết quả đưa đến là đau thương khổ lụy.Thái độ duy ngã này đã làm chủ chúng ta từ lâu mà chúng ta thì cứ mãi mãi vâng theo mệnh lệnh của ông chủ sai sử.Thế nên, ta cần tri nhận được rằng mình sẽ chẳng thu hoạch được lợi ích lợi nào khi đeo đuổi theo lời chỉ bảo ấy cả.Và ngày nào còn ôm giữ thái độ như vậy,ngày đó vẫn chưa thể có được cơ hội tìm được niềm an lạc hạnhphúc đích thực.

Trong tình huống nguy cấp như vậy,chúng ta hãy thẩm xét thử xem vả chăng mình có thể khắc phục được các phiền não này.Kinh nghiệm lần đầu tiên được sinh ra quả là một kinh nghiệm đau đớn cho cả mẹ cùng con..Vừa được sinh ra, phiền não có một bản năng tựnhiên bám chặt lấy thân xác và tâm tư ta; để rồi cản trở tâm thức khiến ta không sao trực tiếp hướng đến Phật pháp để tu hành được.Chính thân thể ta là nơi trở nên các nhân tố dấy phát phiền não.Ví dụ như: khi bị bệnh hoạn,thân thể suy nhược thì ta sân tức; đến khi được khỏe mạnh thì ta liền sanh tâm ái chấp.Sự sống tất nhiên được tiếp nối từ cái chết và chết lại được nối tiếp bởi một cuộc chuyển sanh khác.Nếu điều này vẫn còn chưa đủ,thì sự chuyển sinh chính nó được xem như là một nền tảng cơ bản cho nhiều khổ đau ách nạn khác nữa.Bởi vì chính sự chuyển sinh này đã cung ứng hoàn cảnh cho nhiều phiền nãokhác tiếp theo để rồi lại thêm lần nữa khởi duyên cho ác nghiệp và đưa dẫn đến các ác báo.

Thân người mà ta gìn giữ như một bảo vật đã đến từ các vật thể nhơ nhớp.Thân xác chúng ta được cấu tạo từ một tổng hợp tinh dịch của song thân là tinh cha trứng mẹ.Chúng ta sẽ tránh né nếu thấy quần áo bị dính máu và tinh dịch hoặc nếu có giọt nào bị rơi rãi xuống đất.Song le, ta vẫn tiếp tục sùng bái chính tự thân mình; tìm cách dùng quần áo tốt đẹp để che đậy thân mình,dùng hương thơm để che đậy mùi hôi của mình.Cha mẹ, ông bà, tổ tiênchúng ta cũng được sinh ra từ các dịch chất tương tự.Truy nguyên nguồn gốc,ta sẽ nhận thấy rằng thân xác là sản phẩm sau cùng của mọi chất lượng bất tịnh kể trên.Tiến thêm một bước nữa,ta có thể thấy được thân xác như một chiếc máy sản xuất ra phân và nước tiểu.Quả thật đáng thương khi nhìn thấy những con trùng,một đầu ăn nuốt bùn đất và một đầu kia dùng để bài tiết.Không có gì đáng để nâng niu trân quí một thân thể bất tịnh như thế cả.

Thêm vào đó, con người lại còn có khả năng đe dọa mọi sự sống còn của quả địacầu.Những người như Stalin,Hitler,Mao Trạch Đông vì tâm chưa được điều phục nên không những họ chỉ tích tập vô số nghiệp ác mà còn gây ảnh hưởng đến biết bao sinh linh,tạo nên vô số âu sầu,thống khổbi thương dày vò.

Kế đến là cái khổ bởi sự suy lão-lão khổ[3].Tuổi già theo năm tháng chồng chất dần dần; nên ta không tài nào có thể kham nhẫn nổi.Khi tuổi già bóng xế,ta sẽ mất đi sự linh hoạt của thời son trẻ và cũng chẳng tiêu hóa nổi những thực phẩm mà trước kia ta một thời ham thích.Tên của những ai và những đồ vật gì mà trước kia ta nhớ rất rõ ràng,thì nay vì tuổi giàta không tài nào nhớ nổi.Dần dần,răng rụng,tóc rời,mắt nhòa,tai lãng.Cuối cùng rồi ta sẽ phải đến hồi tàn tạ và mọi người bắt đầu muốn từ bỏ trốn chạy dù chỉ thoáng thấy bóng dáng của ta.Khi đến thời kỳ phải trông nhờ vào sự giúp đỡ của tha nhân thì mọi người sẽ tránh né gặp bạn.

Kế tiếpbệnh khổ[4].Thân thì bệnh hoạn,tâm thì gia tăng xao xuyến bất an nên bạn sẽ bị bệnh tật dày vò ngày đêm bất tận.Bệnh tật cũng gây trở ngại làm bạn không thể ăn những món gì mà mình ưa thích,làm những việc gì mà mình muốn làm.Và bạn buộc lòng phải uống những thứ thuốc có những mùi vị mà bạn ghê tởm

Kế đến là tử khổ[5].Bạn sẽ bỏ lại tất cả tài sản quí giá của mình,xa lìa chính những người thân thương và ngay cả xác thân đã gắn bó đeo đuổi bạn suốt đời,bạn cũng sẽ phải xa lìanó. Đau khổ của tử vong quả tình đã quá rõ ràng đối với chúng ta nên không cần thiết để giải thích nhiều hơn nữa.

Sau cùng là oán tắng hội khổ[6],ví dụ như phải gặp gỡ những kẻ thù ghét.Ngay trong hiện đời đạ có rất nhiều loại kinh nghiệm về sự bất toại ý.Nhân dân Tây Tạng chúng tôi mất đi tự do; đó là cái khổ oán tắng hội đấy.Ngay cả nhân dân của một đại siêu cường như Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ vẫn bị đủ thứ phiền toái đoanh vậy. Đôi khi họ đã bị nuông chìu hư hỏng vì sinh trưởng trong một môi trường vật chất sung mãn như vậy.Do vì sự kiềm tỏa bởi những đua tranh quá độ nên họ đã sống trong nỗi phập phồng âu lo hơn người khác.Tranh đua đến một mức độ nào đó thì tốt đẹp;nhưng nếu tranh đua quá mức kiềm chế như từng xảy ra tại Mỹ quốc thì sẽ đưa đến đố kỵ ganh ghétbất mãn cực độ.Tại những quốc giaphát triển nhiều về vật chất, đôi khi người ta còn liệng bỏ thực phẩm vào lòng đại dương.Nhưng bên kia bờ của địa cầu là những quốc gia Phi Châu với hàng triệu triệu người đói khát.Quả thật khó khăn để có thể tìm được bất cứ người nào khả dĩ hoàn toàn vừa lòngmãn ý.

Kế đến là ái biệt ly khổ[7].Ví dụ:nhân dân Tây Tạng chúng tôi đã bị mất nước lại còn chịu cảnh tang tóc chia ly với những người thân thương yêu quí.Cầu bất toại ý cũng là một loại đau khổ.Chẳng hạn như cầy cấy bị thất mùa hoặc khởi sự một thương vụ bị thất bại v.v…

Một khía cạnh khác về khổ đau là phải mục kích cái khổ của sự bất định[8].Trải qua nhiều lần chuyển sanh tái thế hoặc đôi khi chỉ trong một kiếp của vòng luân hồi này,mọi sự vật đều thay đổi.Cha mẹ,thân bằng quyến thuộc của ta trở thành thù nghịchkẻ thù địch lại trở thành bằng hữu,hoặc cha mẹ ra sẽ chuyển sinh trở lại làm con cái của chính chúng ta.Không có gì cố định chắc chắn cả.

Ngài Tsong-Kha pa dạy rằng: ta hãy nỗ lực ngăn ngừa mọi hình thức nghiêng ngả thiên vịvề mặt tình cảm đối với tha nhân,do dựa vào sự kỳ thị hoặc sự sắp hạng rằng đây là thù, đây là bạn, đây là thân bằng quyến thuộc.Hãy tư duy về bất định của cả đời ta ngay trong vòng tuần hoàn này và hãy tìm cách phát khởi một vài ý niệm chán ghét gờm tởm[9] đối với luân hồi[10].Còn có một nỗi khổ nhục khác, đó là khổ vì không biết thỏa mãn[11].Nếu thật sự chiêm nghiệm đến tổng số thực phẩm mà mình đã từng ăn uống cả cuộc đời này,thì ta sẽ cảm thấy chán ngánkinh ngạc rằng ăn như thế mục đích là để được gì? Đấy là trường hợp của hiện đời này; vậy còn bao nhiêu đời kiếp quá khứ nếu ta thử chiêm nghiệm,ta sẽ ngĩ sao về những kiếp ấy?chẳng hạn,tất cả số sữa của mẹ mà ta đã uống từ thuở ấu thờii đến nay?Quả là đã vượt quá xa tầm trí tưởng tượng của ta!Bạn hãy quán chiếu đến mọi trạng huống phồn vinh cũng như đau khổ trong vòng tuần hoàn luân chuyểnliên tục này và hãy nghĩ xem phải chăng chưa có kinh nghiệm nào mà bạn chưa từng trải qua. Để đạt được một hình thức thỏa mãn tâm linh,ta cố công hưởng thụ;song mọi hoan lạchạnh phúc của sự luân hồi đều in như một cảm giác không bao giờ thỏa mãn,nó chỉ như bất tận dù ta có tìm cầu thế mấy để hưởng thụ chúng.Ta phải tư duy rằng không biết thỏa mãn,chính tự nó là một nỗi khổ đau to lớn.Ta đã từng nếm trải vô lượng vô biên kinh nghiệmthăng trầm trong luân hồi.Tư duy đến sự vô cớ của các kinh nghiệm như vậy,bạn hãy xác định rõ ràng nếu bạn không bắt đầu đình chỉ những tuần hoàn ác tính này ngay tức khắc thì mọi tiếp tục dấn bước đều không có ý nghĩa chi cả.Vì vậy,ta hãy bắt đầu phát triển một nỗi niềm chán ghét sâu xa đối với toàn thể quá trình những kinh nghiệm có được ngay chính trong vòng luân hồi này.

Có một nỗi khổ vì phải tiếp tụctiếp tục xả bỏ thân xác.Cho đến nay ta đã trải qua biết bao lụy kiếp và khoác vào biết bao hình hài,nhưng ta vẫn mãi hoài công để làm cho kiếp sống và xác thân được đượm nhiều ý nghĩa.Ta đã không thành đạt được điều gì cả khi chỉ đơn thuần khoác vào mình vô số đếm kể các thân xác hình hài.

Ta lại trải qua biết bao lần thọ thai tái diễntái diễn mãi. Đức Phật dạy rằng;nếu ta nhặt đá cuội,dùng để đếm số các bà mẹ của chúng ta,mỗi viên tượng trưng cho một người mẹ thì sự điểm số này sẽ không cùng tận.Khi nghĩ đến tất cả những phồn vinh trong luân hồi đều kết thúc một cách bất hạnhtrục trặc,như pháp ngữ đã nói: “Sự cáo chung của hội tụ là tan tác;của đỉnh cao danh vọng là suy thoái; của gặp gỡ là phân ly; của sự sống là nghìn thu vĩnh biệt.” Tóm lại, mọi kinh nghiệm,mọi hỷ lạc, mọi hạnh phúc trong luân hồi đều tận cùng trong khổ sầu bất hạnh,cho dù bề ngoài dường như sung thịnh và vĩ đại thế mấy đi nữa thì cũng thế thôi.

Loại khổ thứ hai được gọi là Hoại khổ[12] vì mọi sung sướng hạnh phúc của thế gian đều chung cuộc rồi cũng biến thành đau khổ,như thế gọi là Hoại khổ.Hoại khổ đã bị ngộ nhậnnhư là một kinh nghiệm của vui sướng.Ví dụ như; nếu bạn đang lên cơn sốt hoặc đang bị nóng bức,và nếu có nước lạnh để dội xối lên thân,bạn sẽ cảm nhận được một vài cảm giácdễ chịu thoải mái.Và chúng ta xem đây là một loại hạnh phúc.Hoặc giả,sau một cuộc tản bộ dài dẳng,bạn lại có được cơ hội ngồi nghỉ,giây phút nghỉ chân ấy quả thật dường như tuyệt vời hạnh phúc.Nhưng đây không phải là một kinh nghiệm chân thật hạnh phúc; những gì bạn đang thật sự cảm nhận chỉ là sự ngưng triệt dần dà của nỗi khổ trước kia mà thôi.Nếu được ngồi nghỉ là niềm thỏa thích chân chính thì được tiếp tục ngồi mãi chắc chắn phải tạo được những cảm thọ vui thích giống như vậy.Song le,bạn lại cảm thấy mỏi mệt và muốn đứng dậy trở lại nếu được tiếp tục ngồi lâu thêm nữa.

Loại khổ thứ ba là Hành khổ[13],có nghĩa rằng thân tâm của chúng ta bị khống chế bởi quá nhiều điều kiện gần như có thể kham chịu nổi mọi đau khổ trong bất cứ thời khắc nào.Cả ba loại khổ này có thể được miêu tả như sau.Nếu bạn bị phỏng thương,khi bôi thuốc dán lên sẽ gây cho bạn một vài cảm giác được chữa trị và thoải mái dễ chịu. Đây giống như trường hợp của Hoại khổ,bởi vì tuy được nhất thời thoải mái nhưng sự vui sướng dễ chịuchẳng thể kéo dài đươc.Nếu có người vô ý đụng phải hoặc bị nước sôi dội nhằm vết thương thì bạn sẽ thật sự cảm nhận được sự đau buốt tái tê. Đó là cái khổ rõ ràng hiển nhiên,là Khổ Khổ.Cái có thể gây cho hai cái ban đầu.Nếu chúng ta chẳng hề bị phỏng,thì chúng ta cũng sẽ chẳng có những kinh nghiệm tiếp nối sau đó.Vết đau phỏng đã đóng góp điều kiện cho cái khổ khác in tuyền như là sự sở hữu thân mạnh và tâm thức của chúng tađã có khuynh hướng đặt định cho chúng ta cái khổ kế tiếp rồi.Và đặc tính của thân xác tự nó đã đóng góp điều kiện nhân duyên để bị phỏng rát.Và nó đã được đặt định trước để sẵn sàng nhận chịu các loại khổ đau ách nạn Đây chính là Hành Khổ.

Ta nên tri hiểu một cách rõ ràng về các loại khổ đau như sự khổ đau của các loài súc sanh,của các loài quỷ đói và của các chúng sanhđịa ngục; tất cả đều có thể xảy ra ngay chính trong loài người.Sau khi Trung cộng bắt đầu chiếm đóng,nhiều người đã chết vì đói ở Tây Tạng.Có lúc nhân dân Tây Tạng gần như phải ăn lá cây,côn trùng và giun dế.Những trường hợp như vậy rất tương tự như các loài quỷ đói.Tại Phi Châu cũng xảy ra những khổ đau như vậy,thì hiện có hàng triệu người đang chết vì đói. Ở những quốc gia có chiến tranh,con người phải chịu lầm than khổ sở như ở cõi địa ngục,vì các ảnh hưởng dị biệt chính trị.Khi Stalin lên nắm quyền, ông đã áp dụng phương thức chuyên chế bạo ngược và vô nhân đạo để cai trị Cộng Hòa Liên Bang Sô Viết.Theo tài liệu,dưới ách thống trị của Stalin đã có đến 14 triệu năm trăm ngàn người bỏ mạng trước thế chiến thứ hai.Rất nhiều người trong số họ,những nông dân Nga Sô đã chết vì đói,và vì bị tra tấn hành hạ.Những đảng viên Cộng sản thì lại được thừa hưởng một đời sống sung mãnthức ăn cao lương mỹ vị.Họ phải có cảnh binh bảo vệ khi ăn trưa vì lo sợ bị các nông dân nổi loạn và cướp giựt thực phẩm.

Ngay cả chư thiên cũng phải khổ.Họ có thể thấy biết trước khi chết nên họ rất khổ sở về tinh thần.Kinh dạy rằng các tràng hoa của họ sẽ tàn úa; áo quần và cơ thể của họ cũng bắt đầu nặng mùi hôi thối.Họ đã làm suy cạn toàn triệt tiềm năng của thiện nghiệp sau khi tận hưởng hết mọi dục lạc cõi trời.Vì thế,họ sẽ rơi thẳng xuống cảnh giới thấp hơn khi chết.Ngài Tsong-Kha-pa dạy:do vì suy nghiệm đến toàn thể các nỗi khổ đau của sự luân hồi nói chung,và các khổ đau riêng biệt trong từng cảnh giới mà ta hãy phát khởi tâm cảm chán ghét sâu xa về mọi kinh nghiệm còn hạn cuộc trong vòng luân hồi,và hãy phát khởi một cách dõng mãnh tâm xuất ly thoát tục. Để rồi,ta sẽ thật sự bắt đầu chính thức điều nghiên thử xem những nguyên nhân nào đã đưa dẫn đến biết bao bất hạnh ê chề như vậy.Vì thế,câu hỏi của Đệ Nhị Đế-chân lý thứ hai,sự thật về nguồn gốc của khổ đau sẽ nối tiếp theo sau.

Tập Đế

Phiền nãonguyên nhân chủ yếu của sự chuyển sanh trong luân hồi.Không có phiền não,nghiệp sẽ giống như hạt giống đã bị thiêu hủy và sẽ không đủ năng lực để gây nên một sự sanh chuyện tương tục.Truy tìm các phương thuốc để giải trừ phiền não quả thật hết sức quan trọng; và điều này còn tùy thuộc vào bạn, đó là bạn đã tri nhận được phiền nãomột cách chân xác chưa? Do đó,chúng ta cần phải được thông suốt rõ ràng về các đặc tính thông thường và các đặc tính cá biệt của phiền não.Như ngài Đạt Lai Lạt Ma đời thứ nhất đã nói,hãy điều phục những kẻ thù trong tự thân nội tại, ấy chính là phiền não.Kẻ địch ngoại tại có thể được xem như rất hung độc nhưng lại có thể trở thành bằng hữu của ta trong đời vị lai.Ngay trong hiện kiếp,họ đã cung ứng cho ta cơ hội để tu hạnh nhẫn nhụctừ bi,bởi vì trên cơ bản,tất cả chúng ta đều giống nhau; chúng ta đều ham vui tránh khổ.Nhưng kẻ thù phiền não nội tại chẳng có một chút ưu điểm nào cả,nó chỉ đả phá và hủy diệt thôi.Chúng ta vì vậy cần phải nhận định rõ ràng kẻ thù,nhìn xem cách nó vấn tác ra sao?Bất cứ trạng thái tâm lý nào diệt phá sự an tĩnh của tâm hồn,và mang đến lụy phiền cho tâm linh,gây nên sầu não buồn đau dày vò tâm thức đều được gọi là phiền não.

Chúng ta hãy nhận định một vài phiền não chủ yếu.Đầu tiên là sự tham chấp, đó chính là niềm khát vọng mãnh liệt đối với người,hoặc đối với vật đẹp,hoặc đối với những kinh nghiệm vui sướng.Tham dục giống như đem tâm bạn buộc vào đối tượng ngoại vật,rất khó trừ khử.Một loại phiền não khác, đó là sự sân hận.Khi con người giận dữ;ngay tức khắc chúng ta có thể trông thấy họ bị mất bình tĩnh,mặt mũi đỏ ngầu,biến nhăn ngay cả cặp mắt họ cũng đỏ luôn. Đối tượng của sự căm phẫn,dù là náo nhiệt sinh động hay vô tri vô giácđều là những gì xem như không đáng say mê và nên từ khước.Phẫn nộtrạng thái nội tâm chưa được điều phục,rất thô bạo và không bình hòa.Một loại phiền não khác-sự kiêu mạn-đó là trạng thái tâm linhcon người tự khoe khoang cao ngạo với địa vị,giai cấp,học thức của chính mình do dựa vào thái độ xem tự ngã như trung tâm điểm; cho dù là mình có thành tựu được điều gì hay không,mình vẫn cảm thấy dương dương tự đắc.Kẻ nào mang tính cao ngạo chất ngất sẽ rất tự phụ và tỏ ra rất ta đây.Kế đến là vô minh,tức là sự nhận định lầm lạc về Tứ Diệu Đế về luật nghiệp báo v.v…Vô minh được trình bày trong riêng phần thảo luận này, đó là muốn đề cập đến một yếu tố tâm lý hoàn toàn lầm lạc, mờ ám về bản chất của Tam Bảo và pháp tắc của nghiệp.Còn phiền não của sự hoài nghi là những tư tưởng chập chờn lưỡng lự không biết chắc có Tứ Diệu Đế hoặc luật tắc của nghiệp báohay không.

Một loại phiền não khác nữa, đó là những loại tà kiến,là sự ngộ nhận vội vàng về bản chấtcủa thực tại.Loại đầu tiên trong những loại tà kiến này là trạng thái tâm lý chuyên chú vào tự ngã và lầm tưởng rằng bản ngã tồn tại chân thật,hoặc có một thực chất-tưởng tượng cho rằng ngay chính trong thân xác và tâm thức tạm bợ vô thường của chúng ta có một loại bản ngã trường cửu,tự do độc lập.Những loại tà kiến khác là những loại tà kiến chủ trương không có đời sống sau cõi chết,không có tác nghiệp và cũng chẳng có Tam Bảo.Dựa trênkiến giải sai lầm về tự ngã, có những phiền não khác trổi dậy.Ví dụ:nếu trời nhá nhem tối và nếu có cuộn dây thừng thì có thể bạn sẽ ngộ nhận sợi dây là con rắn. Để rồi ý tưởng nhận lầm sợi dây là con rắn sẽ xúc tác và sẽ đưa dẫn đến đủ loại phản ứng trong tâm thức như sợ hãi; và sẽ đưa dẫn đến đủ loại hành động,chẳng hạn như chạy ra khỏi nhà hoặc tìm cách giết rắn…tất cả đều dựa căn bản trên một ngộ nhận thuần túy đơn giản.Cùng thế ấy, ta lầm lạc tin tưởng rằng cả thân và tâm của ta đều sở hữu một hình thái bản ngã nào đó.Và kết quả là đủ thứ phiền não sẽ nối tiếp theo sau như dục cầusân hận.Bởi vì thái độ xem tự ngã như trung tâm điểm và quan niệm sai lầm về bản ngã của tự thân này mà ta kỳ thịphân biệt mình và người. Để rồi căn cứ theo phương cách tha nhân đối xử với ta; ta sẽ xem một đôi người ưu ái thân cận,và chấp luyến với họ; còn một vài người khác thì xa cáchliệt kê họ như kẻ thù nghịch.Thế là chúng ta phẫn nộ sân hận và vì trọn vẹn đặt chú tâm vào tự thân nên ta reo nên kiêu căng tự đắc và tự quan trọng hóa mình.Sau đó,nếu sự chấp chặt của quan niệm sai lầm về bản ngã đã quá mãnh liệt thì ta sẽ bắt đầu đặt nghi vấn rằng là vả chăng giáo pháp dạy về vô ngã của chư Phật có đáng để được tin cậy? Vì thế,ta khởi sự hoài nghi về luật tắc nghiệp báo, về Tứ Thánh Đế,về Tam Bảo.Những tà kiếntrên đây sẽ đưa dẫn đến hoài nghi.Phàm tất cả đều khởi phát từ một niềm tin sai lạc về một bản ngã thật có của tự thân.

Khi phiền não phát khởi trong bạn, nó sẽ quấy nhiều sự tĩnh lặng bình hòa của tâm thứcbạn,và nó cũng đồng thời mù khuất sự phán đoán của bạn về tha nhân.Nó sẽ để lại một tỳ vết rất sâu đậm,không những hại mình, mà còn hại cả người khác nữa.Ví dụ như: nếu vì quá giân dữ mà sinh ra ẩu đả thì bạn sẽ gây ra phiền toái cho hàng xóm.Sự phẫn nộ sẽ làm tiêu hao công đức và làm cho bạn mất hết tài sản và bạn bè.Khi người nào bị kềm kẹp bởi ảnh hưởng của sự thịnh nộ,thì kẻ đó thật sự đánh mất phẩm cách của một con người.Nhân loại chúng ta được trang bị bằng một khối óc hết sức phức tạp,và chúng tanăng lựcphán xét đúng sai cũng như có năng lực đo lường tình huống phải trái của vấn đề.So với các loài hữu ích khác, ta có một phẩm vật thiên phú độc đáo; tuy nhiên ta lại đánh mất cái khả năng ấy khi ta đang bị đè nặng dưới sức ảnh hưởng mãnh liệt của phiền não.Cho dù ta có thể quyết chí làm một điều nào đó, nhưng ta đã đánh mất năng lực phán đoán. Điều phục tâm thức là công tác trọng yếu nhất trong cuộc đời của một con người.

Diệu Đế

Như ngài Tsong-Kha-pa đã dạy:tất cả các cảnh giới luân hồi mà ta có thể chuyển sanhđến,từ điểm tồn tại cực cao xuống đến cảnh giới thấp nhất của địa ngục đều mang tính chấtkhổ đau.Những khổ đau này không phải do vô cớ,và cũng đã không được tạo ra bởi một đấng Thượng Đế toàn năng nào cả.Chúng là sản phẩm của những phiền nãohành nghiệp của chính chúng ta do trạng thái tâm linh chưa được điều phục thúc đẩy mà tạo thành.Nguyên nhân cội rễ của mọi khổ đau là vô minh,và do vô minh nên đã có một kiến giải sai lầm về bản chất của vạn pháp,và đã xem bản thân