56 Kiến Tư hoặc Và Trần sa hoặc khác nhau thế nào?

Hỏi: Kiến hoặc, tư hoặc và trần sa hoặc, ba thứ hoặc nầy giống nhau và khác nhau như thế nào?


Đáp:
 Ba thứ nầy có điểm giống nhau và cũng có những điểm khác nhau. Giống nhau ở chỗ, ba thứ nầy đều là vô minh phiền não, đều có tác dụng làm cho chúng sanh mãi bị trầm luân trong sanh tử. Tuy nhiên, chúng cũng có những điểm khác nhau. Trước hết xin nói sự khác biệt giữa kiến hoặc và tư hoặc, rồi sau mới nói đến khác biệt với trần sa hoặc.

Kiến hoặc là gì? Kiến hoặc là những thứ mê lầm thuộc về Lý. Chúng gồm có 5 thứ: thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ và giới cấm thủ. Còn tư hoặc là những thứ mê lầm thuộc về Sự. Chúng cũng gồm có 5 thứ: tham, sân, si, mạn, nghi. Gọi chung 10 thứ nầy là 10 thứ căn bản phiền não. Vì chúng là cội gốc gây ra bao nhiêu sự khổ đau mà con người luôn luôn hứng chịu. Mười thứ nầy, tuy cũng là gốc phiền não, nhưng cường độ sâu, cạn, hay mạnh, yếu của chúng có khác nhau. Nhà Duy thức chia chúng ra làm hai loại: “ngũ độn sử và ngũ lợi sử”.

Đối với 5 món: tham, sân, si, mạn, nghi, hành tướng của chúng rất sâu và mạnh, nên gọi chúng là độn (chậm lụt và khó trừ). Ngược lại, 5 thứ kia: thân kiến, biên kiến… thì hành tướng của chúng yếu hơn, nên gọi là lợi sử. Sử có nghĩa là sai khiến, chúng sai khiến người ta phải làm theo mệnh lệnh của chúng. Đối với 5 thứ trước, hành giả phải tu đến địa vị “Tu đạo” mới trừ được. Còn 5 món sau, vì tánh cách mê lý cạn cợt, nên hành giả tu hành đến địa vị “Kiến đạo” (thấy rõ chân lý và tin chắc lý nhân quả) thì trừ được chúng.

Nói chung, hai thứ nầy, khác nhau về cường độ mạnh yếu và hành tướng chậm lụt cũng như nhạy bén có sai khác. Và khi đoạn trừ, cũng có sự khác nhau ở địa vị tu chứng. Đó là đại khái sự khác nhau giữa Kiến, Tư hoặc là như thế.

Còn đối với trần sa hoặc thì có khác. Bởi trần sa hoặc không phải là thứ phiền não của các vị A la hán. Vì những vị A la hán đã đoạn hết kiến, Tư hoặc, nhưng các ngài bị chướng ngại ở nơi hoặc lậu (phiền não) của chúng sanh. Nghĩa là các ngài thấy phiền não của chúng sanh nhiều như là cát bụi (trần sa). Do đó, các ngài không dám ra độ sanh như các vị Bồ tát. Như vậy, sự khác biệt giữa kiến, Tư hoặc và trần sa hoặc là như thế.

Post Comment